backup og meta

Trẻ mấy tháng biết lạ? Vì sao trẻ sợ người lạ và bạn nên làm gì?

Trẻ mấy tháng biết lạ? Vì sao trẻ sợ người lạ và bạn nên làm gì?

Trong một vài tháng đầu đời của trẻ nhỏ, ba mẹ hoặc bất kỳ người thân nào khác cũng có thể dễ dàng bế được bé. Tuy nhiên, đến một giai đoạn nào đó, bạn sẽ nhận ra em bé bắt đầu biết sợ người lạ và thường chỉ muốn bám víu ba mẹ. Vậy cụ thể thì trẻ mấy tháng biết lạ? Bạn nên làm sao để giúp trẻ vượt qua cảm giác sợ người lạ?

Thực chất, việc trẻ sợ người lạ hoặc phân biệt lạ – quen là một phần của quá trình phát triển nhận thức trong năm đầu đời. Tình trạng này thường chỉ là tạm thời và sẽ hết dần theo thời gian. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin giúp bạn biết được trẻ mấy tháng biết lạ cũng như nắm rõ cách hỗ trợ em bé tốt nhất.

Giải đáp: Trẻ mấy tháng biết lạ?

Trẻ sợ người lạ hoặc biết phân biệt người lạ, người quen là một phần của quá trình phát triển nhận thức. Điều này không khó nhận ra khi đến một giai đoạn nào đó, bạn sẽ nhận thấy em bé khóc, khó chịu, sợ hãi, lo lắng và có biểu hiện trốn tránh khi có người khác ngoài ba mẹ đến gần hoặc muốn bế trẻ. Thậm chí, chỉ một chi tiết thay đổi chẳng hạn như bạn đeo thêm kính hoặc để râu thì trẻ vẫn nhận ra sự khác biệt. Vậy cụ thể thì trẻ mấy tháng biết lạ?

Về cơ bản, trẻ sơ sinh sẽ học cách nhận ra ba mẹ bằng thị giác, khứu giác và âm thanh trong những tháng đầu đời. Về sau, trẻ có thể xác định ai đó có phải người lạ hay không và bắt đầu biết sợ người lạ khi được khoảng 6 tháng tuổi. Cảm xúc sợ người lạ của trẻ thường dữ dội hơn khi trẻ được 7 đến 10 tháng tuổi.

Trong khoảng thời gian này, trẻ sẽ cực kỳ bám mẹ hoặc người thường chăm sóc trẻ nhiều nhất. Nếu bạn muốn gần gũi con hoặc bế con nhiều hơn, điều này không có nghĩa rằng bạn đang chiều hư em bé. Bởi vì khi trẻ nhỏ bám lấy bạn để được trấn an hoặc xoa dịu cảm giác khó chịu, điều này cho thấy mối gắn kết giữa bạn và bé rất chặt chẽ và lành mạnh.

Vì sao trẻ sợ người lạ? Bạn có nên lo lắng về tình trạng này?

trẻ mấy tháng biết lạ

Khi trẻ bắt đầu biết ai lạ, ai quen và đặc biệt là biết sợ, né tránh những người khác ngoài ba mẹ, nhiều bậc phụ huynh không tránh khỏi thắc mắc vì sao điều này xảy ra? Có gì bất ổn ở trẻ hay không? Sau đây là những lý giải giúp bạn hiểu đúng hơn về tình trạng này:

1. Nguyên nhân trẻ sợ người lạ

Như đã đề cập khi trả lời câu hỏi “Trẻ mấy tháng biết lạ?”, việc trẻ sợ người lạ là một phần tự nhiên của quá trình phát triển nhận thức. Thêm vào đó, việc trẻ nhận thức được người lạ, người quen thường đi đôi với nỗi sợ lo lắng bị xa cách (separation anxiety). Nỗi sợ này được hiểu là khi bé nhận ra mình bị tách khỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc quen thuộc, trẻ sẽ có phản ứng tương tự như khi sợ người lạ, biểu hiện qua việc trẻ sợ hãi và quấy khóc.

Thực chất, sợ người lạ và nỗi sợ lo lắng bị xa cách ở trẻ có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Bởi vì cả hai điều này đều xảy ra khi em bé đã hình thành sự gắn bó với người chăm sóc quen thuộc, thường là mẹ của bé.

Nhìn chung, lý giải cho việc trẻ biết sợ người lạ hoặc sợ xa cách ba mẹ là vì trẻ đã đạt đến giai đoạn phát triển nhận thức, khi mà trẻ có thể nhận ra những khuôn mặt khác ngoài khuôn mặt của ba mẹ. Đồng thời, trẻ cũng bắt đầu nhận thức về môi trường xung quanh. Đó là lý do mà khi ba mẹ vắng mặt hoặc rời đi, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi dẫn đến việc quấy khóc.

Như vậy, khi nhận thức ngày càng phát triển, trẻ có thể không cảm thấy an toàn trong những môi trường mới hoặc trong quá trình tiếp xúc với những người không quen, kể cả khi có ba mẹ ở đó.

2. Trẻ sợ người lạ có phải là điều đáng lo ngại?

Về cơ bản, sợ người lạ và nỗi sợ lo lắng vì bị xa cách là một phần bình thường của quá trình nhận thức. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ vừa đạt được một cột mốc phát triển quan trọng. Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng về vấn đề trẻ mấy tháng biết lạ.

Thực chất, vấn đề khi nào em bé biết lạ và khi nào con không còn sợ người lạ nữa không đáng lo ngại vì tình trạng này có thể giảm dần theo thời gian. Trên thực tế, việc trẻ sợ người lạ kéo dài bao lâu và mức độ trẻ khó chịu, quấy khóc khi gặp người khác ngoài ba mẹ sẽ phụ thuộc phần lớn vào tính cách của trẻ.

Thông thường, vấn đề này sẽ giảm dần khi trẻ được 2 đến 3 tuổi. Mặc dù những bé có tính cách nhút nhát vẫn sẽ sợ người lạ trong thời gian dài, nhưng càng lớn lên, trẻ sẽ không có những phản ứng tiêu cực như la hét hay quấy khóc nữa.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc “Trẻ biết lạ sớm có sao không?” hay “Trẻ không biết lạ có sao không?”. Về vấn đề này, bạn cần hiểu rằng, mỗi trẻ có một mốc phát triển khác nhau. Do đó, bạn không nên so sánh bé với những trẻ đồng trang lứa.

Trẻ sợ người lạ, bạn nên làm thế nào?

trẻ mấy tháng biết lạ

Trẻ quấy khóc, la hét, né tránh khi những người thân khác hoặc bạn bè của ba mẹ lại gần, tiếp xúc có thể là vấn đề gây khó xử và ái ngại cho cả hai bên. Trong trường hợp này, sự bình tĩnh và kiên nhẫn là điều hết sức quan trọng. Bạn có thể tham khảo một vài lời khuyên sau đây để giúp trẻ vượt qua giai đoạn phát triển này và làm quen với những người khác ngoài ba mẹ:

1. Cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ và làm quen với mọi người

Khi bạn đã biết được trẻ mấy tháng biết lạ và hiểu vì sao trẻ sợ người lạ, đầu tiên là bạn cần chia sẻ để người thân, bạn bè… của mình cũng hiểu được điều này nhằm giảm bớt cảm giác khó xử. Quá trình giúp bé làm quen với mọi người về cơ bản có thể bắt đầu như sau:

  • Đầu tiên, bạn phải luôn tự mình bế trẻ khi em bé lần đầu tiên tiếp xúc với một người nào đó. Bạn hãy tạo điều kiện để người khác nói chuyện và chơi với trẻ trong khi bạn đang bế con.
  • Sau đó, bạn thử đưa bé cho người đó bế trong thời gian ngắn trong khi có bạn ở gần.
  • Nếu trẻ chưa có phản ứng khó chịu, gay gắt thì bước tiếp theo là bạn có thể tạm rời khỏi phòng trong vài phút và xem trẻ phản ứng như thế nào.
  • Nếu con khóc, bạn nên trở lại phòng để bế trẻ và dỗ dành. Sau đó hãy kiên nhẫn và thử lại các bước trên một lần nữa. Điều này giúp trẻ yên tâm hơn và hiểu rằng dù bạn không ở gần thì vẫn sẽ luôn quay trở lại.

Nói tóm lại, dù làm cách nào thì bạn vẫn nên cố gắng kiên nhẫn khi trẻ không chịu tiếp xúc với người khác ngoài ba mẹ. Nếu không thành công, bạn có thể thử thêm những lần khác và hãy cho em bé thêm thời gian để vượt qua nỗi sợ nhé!

2. Những lưu ý quan trọng khi hỗ trợ em bé làm quen với mọi người

Khi không còn thắc mắc trẻ mấy tháng biết lạ biết quen, cũng như biết được cách giúp trẻ làm quen với người lạ, bạn cũng nên lưu ý thêm những điều sau đây để không quá mệt mỏi, căng thẳng khi giúp con làm quen với mọi người:

  • Bạn nên cho bé làm quen với mọi người ở một môi trường quen thuộc, thoải mái và an toàn, chẳng hạn như nhà riêng của bạn.
  • Bạn hãy gợi ý cho người khác, chẳng hạn như ông bà, những người họ hàng, bạn bè hoặc cô bảo mẫu luôn chậm rãi, nhẹ nhàng, hãy mỉm cười và cầm theo đồ chơi mà trẻ yêu thích khi mới đến gần, tiếp xúc với trẻ trong một vài lần đầu.
  • Nếu trẻ có phản ứng không thoải mái, khóc lóc khi gặp gỡ và được bế bởi những người không phải ba mẹ thì bạn nên tự mình bế con lại và dỗ dành một chút. Không nên bỏ mặc trẻ với nỗi sợ hãi vì điều này sẽ khiến em bé phản ứng dữ dội hơn.
  • Em bé thường có thể theo dõi và “đọc vị” được các tín hiệu từ ba mẹ. Điều này nghĩa là khi bạn bình tĩnh, thân thiện và thoải mái khi tiếp xúc với bất kỳ ai thì bé cũng cảm nhận được như vậy. Đây là mẹo hữu ích trong việc giúp trẻ giảm bớt nỗi sợ người lạ.
  • Nếu bạn đưa bé ra khỏi nhà, hãy mang theo một vật dụng quen thuộc hoặc món đồ chơi trẻ yêu thích để giúp trẻ thoải mái hơn ở một nơi mới lạ.
  • Trường hợp bạn thuê người trông trẻ, hãy đề nghị họ đến sớm trong lần đầu tiên để có thời gian làm quen với em bé trong khi bạn vẫn ở nhà. Đồng thời, bạn cần nhớ luôn nói cho trẻ biết bạn đi đâu và sẽ quay lại. Lưu ý rằng việc nói lời tạm biệt nên được thể hiện một cách tích cực, vui vẻ để cả bạn và bé đều không cảm thấy căng thẳng. Mặc dù trẻ không hiểu ngay lập tức nhưng dần dần sẽ hiểu được. Đừng bao giờ rời đi mà không nói lời tạm biệt với trẻ. Điều đó sẽ khiến trẻ sợ bạn biến mất hơn. Tuy nhiên, nếu có chút khó khăn thì bạn có thể nhờ người khác đánh lạc hướng trẻ bằng một món đồ chơi khi bạn sắp rời đi nhé!

Việc nhận biết trẻ mấy tháng biết lạ và hiểu đúng tại sao trẻ sợ người lạ trong quá trình lớn lên sẽ giúp ích rất nhiều đối với quá trình nuôi dạy con của bạn. Nhìn chung, bạn không cần quá lo lắng khi con bắt đầu có những phản ứng né tránh, sợ hãi những người lần đầu tiếp xúc. Đây là một quá trình phát triển nhận thức rất bình thường và hầu hết trẻ đều có thể thay đổi khi lớn hơn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The Development of Stranger Fear in Infancy and Toddlerhood: Normative Development, Individual Differences, Antecedents, and Outcomes https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4129944/ Ngày truy cập: 22/11/2023

Separation Anxiety https://kidshealth.org/en/parents/sep-anxiety.html Ngày truy cập: 22/11/2023

Separation anxiety

https://www.nhs.uk/conditions/baby/babys-development/behaviour/separation-anxiety/ Truy cập ngày 15/12/2022

Fear of strangers: babies and young children

https://raisingchildren.net.au/toddlers/behaviour/common-concerns/fear-of-strangers#:~:text=Because%20babies%20prefer%20familiar%20adults,or%20continue%20for%20much%20longer. Truy cập ngày 15/12/2022

Emotional and Social Development: 8 to 12 Months

https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/Emotional-and-Social-Development-8-12-Months.aspx Truy cập ngày 15/12/2022

When Does Baby Stranger Anxiety Start? The Guide

https://flo.health/being-a-mom/your-baby/growth-and-development/baby-stranger-anxiety-guide Truy cập ngày 15/12/2022

What is stranger anxiety?

https://www.babycenter.com/baby/baby-development/my-baby-cries-when-someone-new-holds-her-what-can-i-do_6860 Truy cập ngày 15/12/2022

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo