backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

6

Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đạt? Bí quyết chăm con chuẩn cân

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm · Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 05/10/2023

    Trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đạt? Bí quyết chăm con chuẩn cân

    Bạn đọc hỏi 

    Chào bác sĩ, 

    Con em được 3 tháng 1 tuần, là bé trai. Bé sinh đủ tháng, khi sinh nặng 3,2kg nhưng đến nay bé chỉ nặng 5,5kg nên ai cũng bảo con gầy, khuyên em nên cho con uống dặm thêm sữa ngoài để con tăng cân nhanh. Con nhà em bú mẹ hoàn toàn. Em nhận thấy bé bú đủ no nên rất băn khoăn không biết có nên dặm thêm sữa ngoài cho con.

    Bác sĩ cho em hỏi trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kilogram là đạt chuẩn? Con của em chỉ nặng 5,5kg thì có bị nhẹ cân không, có cần cho bú dặm thêm sữa ngoài không? Em nên chăm sóc con thế nào để bé tăng cân tốt? Em cảm ơn bác sĩ! 

    Hoàng Mai, Bắc Ninh

    Bác sĩ trả lời

    Chào bạn,

    Với câu hỏi trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kilogram là đạt chuẩn, nên chăm sóc con thế nào để bé tăng cân tốt, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm hiện đang công tác tại khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương, từng công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1 giải đáp như sau:

    1. Trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kilogram là chuẩn?

    Với thắc mắc của bạn Hoàng Mai rằng “Trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kilogram là chuẩn?”, câu trả lời là đối với bé trai, dựa theo biểu đồ tăng trưởng cân nặng theo tuổi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cân nặng ở trẻ 3 tháng 1 tuần bình thường từ 5.2kg đến 8.2kg (trung bình là 6.5kg). 

    Ở giai đoạn dưới 6 tháng tuổi, nếu bú đủ, trung bình mỗi tháng trẻ sẽ tăng khoảng 600 – 900gram. Dựa vào cân nặng lúc sinh và hiện tại bé 3 tháng được hơn 5kg thì cho thấy cân nặng của bé cưng nhà bạn là hoàn toàn bình thường. Do đó, con không cần bú thêm sữa công thức. 

    2. Những yếu tố quyết định cân nặng của trẻ 

    Như vậy là bạn đã biết được câu trả lời cho vấn đề “Trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kilogram là đạt chuẩn?”. Tiếp theo đây, mời bạn Hoàng Mai cùng độc giả cùng tìm hiểu về những yếu tố quyết định cân nặng của trẻ. 

    2.1. Chế độ dinh dưỡng của mẹ và bé

    Nếu bạn đang cho con bú, bạn đang cung cấp cho em bé những chất dinh dưỡng giúp thúc đẩy sự phát triển và khỏe mạnh. Bạn có thể cần ăn nhiều hơn một chút – khoảng 330 đến 400 calo mỗi ngày – để cung cấp cho bạn năng lượng và dinh dưỡng đủ để sản xuất sữa. Các chất dinh dưỡng từ thực phẩm mẹ ăn vào đa số sẽ được chuyển đến trẻ qua sữa. 

    2.2. Chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi của trẻ

    Một yếu tố nữa tác động đến vấn đề bé 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là chế độ sinh hoạt của trẻ. Cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu cho thấy bé muốn bú (ngậm mút tay, liếm môi, thè lưỡi, mở miệng, tìm kiếm vú mẹ…) để kịp thời đáp ứng nhu cầu của trẻ trước khi trẻ quấy khóc không chịu bú.

    Thông thường, trẻ thường bú khoảng 8 đến 12 lần trong 24 giờ, ngoài giờ bú và chơi, thì đa số thời gian trong ngày trẻ dành cho việc ngủ. Nếu trẻ bú không đủ, trẻ sẽ ngủ ít hơn bình thường, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tổng trạng của trẻ.

    Ngoài ra, bạn cũng cần nhận biết tiếng khóc của trẻ do nguyên nhân gì để xử trí phù hợp, không phải lúc nào cũng do đói. Cha mẹ nên giúp trẻ tỉnh táo bằng cách nói chuyện, đùa giỡn, xoa tay chân trẻ… trong thời gian bú để trẻ bú được nhiều nhất có thể, vì có nhiều trẻ rất dễ ngủ dù chỉ mới mút bú được chút ít.

    2.3. Những vấn đề về cách cho bú

    trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu

    Tư thế cho bú rất quan trọng, nếu trẻ ngậm bắt vú đúng cách, bé sẽ mút được nhiều sữa và mẹ cũng tiết sữa nhiều hơn, đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ. Thời gian cho bú nên ít nhất từ 10 đến 20 phút, chỉ cho bé chuyển sang vú còn lại khi đã bú hết một bên vú.

    Để ý xem bé nhà bạn có đang bú không đều sữa đầu và sữa cuối hay không. Nếu lượng sữa mẹ quá nhiều, có thể vắt bỏ bớt lượng sữa đầu dòng trước khi cho trẻ bú. Ngoài ra, việc hút sữa còn lại sau các cữ bú để kích thích tạo thêm sữa mới sẽ giúp duy trì sữa mẹ lâu hơn. 

    2.4. Các vấn đề sức khỏe

    Một số trẻ có thể bú mẹ khó khăn hơn dẫn đến nguy cơ tăng cân với tốc độ chậm hơn:

    • Sinh non: Trẻ sinh trước 37 tuần có thể không có đủ sức bú mẹ trong một thời gian đủ dài để nhận được tất cả lượng sữa mẹ cần thiết. Trẻ cũng dễ buồn ngủ và có thể mắc phải một số bệnh lý như viêm phổi, viêm ruột, suy hô hấp … khiến việc bú mẹ gặp trở ngại.
    • Bú khó do vấn đề vú của mẹ: Bất kỳ em bé nào cũng có thể khó ngậm ti nếu mẹ có bầu vú căng cứng hoặc núm vú lớn hay dẹt, tụt vào vào trong. 
    • Bệnh lý về miệng của trẻ: Nếu trẻ sơ sinh có miệng nhỏ, bị tưa lưỡi, dính thắng lưỡi hoặc sứt môi chẻ vòm có thể gặp khó khăn khi bú.
    • Trào ngược dạ dày thực quản: Sữa có thể ọc ra ngoài hoặc không, nhưng lượng axit trào ngược có thể gây kích ứng cổ họng và thực quản của trẻ, khiến trẻ bị đau khi bú.
    • Bệnh lý nhiễm trùng, vàng da, tim bẩm sinh, bệnh lý não, hội chứng di truyền như Down … có thể khiến trẻ bú ít hơn. 

    3. Bí quyết chăm sóc để trẻ đạt cân nặng tốt 

    trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu

    Trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đạt chuẩn, làm thế nào để con tăng cân tốt? Để bé tăng cân tốt, mẹ cần chú ý những điều sau:

    3.1. Đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ và bé

    Khi nuôi con bằng sữa mẹ, bạn không cần phải ăn bất cứ thứ gì đặc biệt khi đang cho con bú. Nhưng việc mẹ có một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ các nhóm dinh dưỡng sẽ giúp trẻ tăng cân tốt. Việc ăn nhiều loại thức ăn trong khi cho con bú sẽ làm thay đổi hương vị của sữa mẹ. Điều này sẽ giúp bé tiếp xúc với các vị khác nhau, khiến bé dễ dàng chấp nhận thức ăn cứng hơn khi bắt đầu ăn dặm sau này. Chú ý đến nhóm thực phẩm giàu sắt, vitamin D và canxi.

    Mẹ nuôi con bú nên uống thêm nước khi khát và uống nhiều hơn nếu nước tiểu có màu vàng sậm. Hạn chế các chất kích thích như rượu, cà phê, những món ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu, tỏi… vì trẻ có thể không chịu bú sữa do mùi vị cay. Một số loại thực phẩm hoặc đồ uống trong chế độ ăn uống của bạn có thể khiến bé trở nên khó chịu hoặc có phản ứng dị ứng.

    Nếu thấy trẻ quấy khóc hoặc phát ban, tiêu chảy hoặc thở mệt, khò khè ngay sau khi bú, bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, bạn nên bổ sung vitamin D cho trẻ với liều 400UI mỗi ngày, đến khi trẻ được 1 tuổi. 

    3.2. Trò chuyện với trẻ

    Giai đoạn này, dù còn rất nhỏ nhưng trẻ vẫn đang học hỏi mọi thứ từ xung quanh, nhất là giọng nói của mẹ, trẻ phân biệt được người lạ quen. Việc trò chuyện với bé không chỉ giúp gắn kết thêm tình mẹ con mà còn giúp trẻ thích nghi hơn với môi trường mới. 

    3.3. Chú ý các vấn đề sức khỏe

    Bạn cần theo dõi cân nặng của trẻ mỗi tháng để kịp thời phát hiện bất thường về tăng trưởng. Việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bác sĩ đánh giá toàn diện về cơ thể trẻ và theo dõi đặc biệt hơn nếu có bất thường.

    Ngoài ra, chú ý đến các dấu hiệu nặng gợi ý bệnh lý để đưa trẻ đến bệnh viện ngay như bỏ bú, ọc sữa liên tục, tiêu lỏng hoặc không đi tiêu, lừ đừ, sốt, thở mệt… Việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn giúp con có được khả năng chống lại một số bệnh nhờ kháng thể nhận được từ sữa mẹ. Tuy nhiên, việc tiêm ngừa đúng lịch theo tuổi cũng rất quan trọng. Vì hệ miễn dịch phát triển sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm, tăng sức đề kháng và phát triển tốt hơn. 

    Trân trọng!

    Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

    Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 05/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo