Trẻ nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thường rất dễ lây bệnh đau mắt đỏ nếu trong lớp con học có trường hợp mắc bệnh. Khi trẻ bị đau mắt đỏ, bạn cần phát hiện sớm và xác định chính xác nguyên nhân để có cách điều trị kịp thời.
Đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan nhanh chóng nên rất dễ khởi phát thành bệnh dịch. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường bùng phát vào mùa mưa, khi độ ẩm không khí tăng lên. Trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ thường nặng và khó điều trị hơn do trẻ hay lấy tay dụi mắt để giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Trẻ bị đau mắt đỏ nên được chăm sóc như thế nào khi hiện nay căn bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị là câu hỏi khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu. Những chia sẻ sau đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn có được những thông tin hữu ích.
Đau mắt đỏ – Căn bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt
Đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng tổn thương lớp màng mỏng của mắt (kết mạc) do chấn thương, đeo kính sát tròng, dị ứng hay do nhiễm các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… Virus Adeno là nguyên nhân gây viêm kết mạc thường gặp nhất và dễ khởi phát thành dịch do virus này có thể lây lan một cách nhanh chóng. Trẻ có thể bị đau mắt đỏ do tiếp xúc với bạn bè hay những người xung quanh bị mắc căn bệnh này, đôi khi là do trẻ dùng chung khăn tắm, đồ chơi với trẻ bị bệnh hoặc đơn giản là do trẻ cầm nắm những vật dụng bị dính dịch tiết có chứa virus, vi khuẩn gây bệnh.
Trẻ bị đau mắt đỏ do virus thường có các triệu chứng của cảm lạnh. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị:
- Chảy nước mắt liên tục
- Mắt tiết nhiều dịch
- Mí mắt sưng nề, mọng
- Mắt đỏ, đau nhức
Ngoài virus, trẻ bị đau mắt đỏ còn có thể là do một số loại vi khuẩn như staphylococcus, streptococcus, haemophilus. Nếu là do nguyên nhân này, mắt bé sẽ có một số dấu hiệu như đỏ, xốn, tiết dịch trong suốt hoặc màu xanh lá cây hay màu vàng (như mủ), khi ngủ những dịch này có thể đóng thành lớp vảy cứng và làm cho hai mí mắt dính lại với nhau.