Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Các giai đoạn chuyển dạ và phương pháp giảm đau tự nhiên

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 23/07/2020

    Các giai đoạn chuyển dạ và phương pháp giảm đau tự nhiên
    Quảng cáo

    Bạn không thể dự đoán được bạn sẽ chuyển dạ trong bao lâu. Thời gian chuyển dạ của bạn sẽ phụ thuộc vào:

    • Bạn đã sinh con trước đó hay chưa, và nếu có là khi nào;

  • Bạn có đứng thẳng hoặc di chuyển nhiều trong khi chuyển dạ hay không;
  • Cổ tử cung của bạn có dễ dàng mở không;
  • Tử cung co thắt mạnh hay yếu;
  • Bạn có được gây tê không;
  • Vị trí của thai nhi;
  • Bạn có bình tĩnh hay không – sự thoải mái và thư giãn sẽ giúp bạn chuyển dạ nhanh hơn.
  • Chuyển dạ là một chuỗi các sự việc hoặc quá trình, diễn ra trong khoảng thời gian hơn một giờ đồng hồ cho đến khoảng 24 giờ hoặc nhiều hơn. Thời gian chuyển dạ kéo dài bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Như một quy luật, quá trình chuyển dạ thường kéo dài hơn khi sinh con đầu lòng. Đó là bởi vì cổ tử cung và ống dẫn sinh (âm hộ) của những người lần đầu làm mẹ ít linh hoạt, do đó việc chuyển dạ và sinh nở sẽ mất thời gian lâu hơn. Đối với phụ nữ sinh lần đầu tiên, thời gian chuyển dạ sẽ kéo dài từ 12 – 24 giờ, trung bình là 14 giờ. Đối với phụ nữ đã sinh trước đó, thời gian chuyển dạ kéo dài từ 4 – 6 giờ, trung bình là 6 giờ. Thông thường chuyển dạ được chia làm 3 giai đoạn.

    Chuyển dạ: Giai đoạn một

    Giai đoạn đầu của chuyển dạ xảy ra khi cổ tử cung mở ra và mỏng đi để bé có thể di chuyển vào ống sinh. Đây là giai đoạn dài nhất trong ba giai đoạn chuyển dạ. Chia thành hai giai đoạn riêng – chuyển dạ sớm và các cơn đau. Giai đoạn đầu này lại chia làm 2 kỳ: kỳ ban đầu và kỳ co thắt mạnh.

    Bạn sẽ không thể dự đoán được quãng thời gian của kỳ ban đầu. Đối với những bà mẹ lần đầu tiên sinh con, quãng thời gian trung bình cho giai đoạn đầu này là 6 tới 12 giờ và quãng thời gian này sẽ ngắn lại ở những lần sinh sau.

    Kỳ co thắt mạnh sẽ có thể kéo dài tới tận 8 tiếng đồng hồ. Đối với một số phụ nữ khác thì kỳ co thắt mạnh lại có thể kéo dài lâu hơn. Đối với những bà mẹ đã sinh con tự nhiên trước đó thì quãng thời gian này sẽ ngắn hơn.

    Chuyển dạ: Giai đoạn hai

    Trong giai đoạn này, em bé sẽ ra đời và có thể kéo dài trong vòng vài phút cho tới một vài tiếng đồng hồ. Những bà mẹ lần đầu sinh con sẽ phải trải qua quãng thời gian dài hơn ở giai đoạn này và thậm chí còn lâu hơn nữa nếu người mẹ được gây tê màng cứng khi sinh.

    Chuyển dạ: Giai đoạn ba

    Sau khi em bé được sinh ra, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Bạn có thể ôm bé trong vòng tay hoặc đặt bé trên bụng bạn. Hãy trân trọng thời điểm này. Tuy vậy còn rất nhiều điều sẽ xảy ra. Trong giai đoạn chuyển dạ thứ ba, y tá hay hộ sinh sẽ cắt nhau thai cho bé và đảm bảo rằng hiện tượng chảy máu được kiểm soát.

    Nếu bạn vẫn còn những băn khoăn về vấn đề này, hãy xin ý kiến từ bác sĩ hoặc các chuyên gia nhi khoa để được tư vấn và giải đáp kịp thời.

    Phương pháp tự nhiên giúp giảm đau khi chuyển dạ

    Thư giãn

    Điều quan trọng nhất để có thể bớt đau khi chuyển dạ là tâm trí của bạn thật thư giãn. Điều này rất đơn giản – khi sợ đau, cơ thể bạn căng lên, làm cơn đau tồi tệ hơn, cơ thể lại tiếp tục phản ứng bằng cách gồng lên hơn nữa và chu kì như vầy cứ tiếp tục khiến bạn cảm thấy sinh con là điều đau đớn nhất trần đời. Do vậy, hãy thư giãn tâm trí trước khi muốn giảm đau, mẹ bầu nhé.

    Hít thở

    Để thư giãn, bạn phải chú ý đến nhịp thở của mình, cũng giống như khi nâng tạ vậy. Cho dù là bạn đang hít thở sâu hay thở hổn hển, bạn càng chú ý nhịp thở bao nhiêu, cơ thể càng thư giãn bấy nhiêu.

    Các chuyên gia tin rằng khi sinh, nếu mẹ bầu rên với âm trầm mạnh thì tốt hơn là la hét với âm sắc cao (như trong phim kinh dị!). La hét chỉ khiến cổ họng bạn căng lên và co lại. Tuy vậy, không phải lúc nào bạn cũng ý thức được điều đó khi đang đau.

    Thay đổi tư thế

    Một nửa trong số các mẹ bầu thừa nhận rằng thay đổi tư thế giúp giảm đau rất nhiều. Bạn đừng sợ vác chiếc bụng đang đau đi dạo vòng quanh, ngồi lên một quả bóng hay làm bất kì điều gì đó nhé. Việc thay đổi tư thế chính là cách thúc đẩy chuyển dạ nhanh hơn đấy.

    Áp dụng thủy liệu pháp

    Nếu thích, bạn có thể ngồi thư giãn trong bồn tắm và để dòng nước ấm xoa dịu cơ thể (hoặc chỉ ngâm cơ thể nhẹ nhàng trong nước). Liệu pháp này giúp giảm đau và thư giãn cơ thể khi chuyển dạ. Ngày nay, nhiều bệnh viện có một khu vực riêng đặt bồn tắm. Nhiều mẹ bầu thích được sinh con dưới dòng nước ấm, nếu sinh tại nhà, bạn cũng có thể sử dụng bể tắm của gia đình. Một lưu ý khi sử dụng thủy liệu pháp là bạn nên để vòi nước xa khỏi âm đạo, tránh tạo áp lực đẩy nước vào bên trong âm đạo – tử cung.

    Mát-xa

    Đừng đánh giá thấp những ích lợi của việc mát-xa. Chỉ với đôi bàn tay, người chồng có thể giúp giảm đau và mang lại thư giãn cho những mẹ bầu đang chịu cơn co thắt tử cung. Tuy vậy cũng có một vài lưu ý về vị trí mát-xa mà các đấng mày râu cần biết, ví dụ như ở vùng bụng không nên dùng lực mạnh, vì thai nhi đang ở bên trong.

    Tưởng tượng

    Khi chuyển dạ, chỉ cần liên tưởng đến một bãi biển xanh đẹp tuyệt trong đầu, mẹ bầu có thể giảm đau rất nhiều. Bạn cũng có thể thử tưởng tượng quá trình chuyển dạ trước khi nó xảy ra.

    Nghe nhạc

    Nếu bạn là một người yêu âm nhạc, bạn nên thử nghe vài nhịp điệu để giảm đau, có 14% số mẹ bầu đã từng làm vậy. Dù ít hay nhiều, một không gian hòa quyện nhạc điệu cũng sẽ khiến cơ thể mẹ bầu thư giãn hơn.

    Mẹ bầu nào cũng phải trải qua những cơ đau khi chuyển dạ, nhưng trải nghiệm đó có thể trở nên dễ chịu hơn rất nhiều nếu bạn áp dụng những phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả đã nêu ở trên. Hơn hết, một tâm lý vững vàng và thoải mái sẽ giúp bạn vượt qua tất cả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 23/07/2020

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo