backup og meta

Dấu hiệu tụt huyết áp khi mang thai - Mẹ bầu bị tụt huyết áp nên làm gì?

Dấu hiệu tụt huyết áp khi mang thai - Mẹ bầu bị tụt huyết áp nên làm gì?

Đôi lúc, tình trạng chóng mặt, buồn nôn không phải là triệu chứng thông thường của thai nghén mà có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị tụt huyết áp khi mang thai.

Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giới thiệu những thông tin cần thiết về hiện tượng mẹ bầu bị chóng mặt tụt huyết áp cũng như chia sẻ những lưu ý quan trọng dành cho bạn.

Nguyên nhân huyết áp bị tụt khi mang thai

Quá trình mang thai kéo theo nhiều thay đổi khi cơ thể phụ nữ phải thích nghi với quá trình nuôi dưỡng em bé. Đây là lý do vì sao mẹ bầu luôn cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ mà bác sĩ đã đề ra nhằm kiểm tra huyết áp cùng những yếu tố sức khỏe khác. Chỉ số huyết áp thay đổi tùy thuộc vào mức năng lượng, lối sống và mức độ căng thẳng của mẹ bầu. Ngoài ra, chỉ số này cũng có thể tăng hoặc giảm tùy theo thời điểm trong ngày.

Theo các chuyên gia, huyết áp của mẹ bầu sẽ khá thấp trong 24 tuần đầu của thai kỳ. Điều này có thể đến từ việc các mạch máu đang mở rộng để cho máu chảy đến tử cung. Các nguyên nhân tạm thời khác bao gồm đứng lên quá nhanh hoặc tắm bồn nước nóng quá lâu.

Một số yếu tố cũng có thể góp phần khiến chỉ số huyết áp giảm thậm chí thấp hơn bình thường gồm:

  • Dị ứng
  • Bệnh tim
  • Mất nước
  • Thiếu máu
  • Nhiễm trùng
  • Rối loạn thận
  • Xuất huyết nội
  • Rối loạn nội tiết
  • Việc sử dụng một số loại thuốc.

Huyết áp thấp là bao nhiêu?

tụt huyết áp khi mang thai

Các hướng dẫn hiện tại xác định chỉ số huyết áp bình thường là dưới 120 mm Hg tâm thu (số trên cùng) trên 80 mm Hg tâm trương (số dưới cùng). Các bác sĩ thường xác định bạn bị huyết áp thấp nếu chỉ số ở dưới 90/60 mm Hg. Một số người bị huyết áp thấp cả đời mà không có dấu hiệu gì của tình trạng này.

Nhận biết dấu hiệu bà bầu bị tụt huyết áp khi mang thai

Mặc dù bản thân việc tụt huyết áp thường không quá nguy hiểm, nhưng các triệu chứng có thể gây phiền toái hoặc làm giảm chất lượng cuộc sống của mẹ bầu, đặc biệt là nếu bạn chưa từng trải qua những tình trạng này trước đây. Dấu hiệu tụt huyết áp ở bà bầu bao gồm:

  • Thở dốc
  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Trầm cảm
  • Chóng mặt
  • Dễ nhầm lẫn
  • Nước da tái nhợt
  • Choáng váng, thậm chí ngất xỉu khi đứng dậy
  • Thường khát nước, ngay cả khi vừa uống trước đó
  • Gặp vấn đề về thị lực, chẳng hạn như mờ mắt hoặc tầm nhìn đôi (song thị)
  • Cơn mệt mỏi khi mang thai trở nên trầm trọng hơn trong ngày.

Những nguy cơ có thể xảy ra nếu bà bầu bị tụt huyết áp khi mang thai

Một trong những rủi ro chính đối với bà bầu bị tụt huyết áp là té ngã do choáng váng, do ngất nếu đứng dậy quá nhanh sau khi ngồi hoặc nằm. Tình trạng ngất xỉu khi mang thai thường xuyên có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ lẫn con bởi bạn sẽ vô tình tự làm mình bị thương.

Tình trạng huyết áp thấp nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc hoặc tổn thương nội tạng. Điều này khiến việc vận chuyển máu đến thai nhi trở nên thiếu hụt, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng cho quá trình phát triển, chào đời của em bé, chẳng hạn như làm cho thai chết lưu, sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Điều trị cho bà bầu bị tụt huyết áp

Thông thường, không có biện pháp điều trị y tế cụ thể cho tình trạng tụt huyết áp khi mang thai. Ngoài ra, huyết áp của bạn sẽ trở lại bình thường vào khoảng 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, một số phụ nữ trải qua các đợt huyết áp thấp bất thường có thể cần dùng đến thuốc. Bất kỳ tình trạng nào khiến bạn bị tụt huyết áp chẳng hạn như thiếu máu hoặc mất cân bằng nội tiết tố sẽ cần phải được ưu tiên điều trị.

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng một loại thuốc cụ thể khiến huyết áp của bạn trở nên thấp, họ có thể ch bạn dùng một loại thuốc khác để thay thế.

3 biện pháp tại nhà giúp mẹ bầu khắc phục tụt huyết áp khi mang thai

tụt huyết áp khi mang thai

Bên cạnh việc điều trị y tế, nhiều phụ nữ cũng ưu tiên các biện pháp khắc phục tại nhà để giúp họ đối phó với chứng tụt huyết áp khi mang thai, chẳng hạn như:

1. Mẹ bầu bị tụt huyết áp nên nghỉ ngơi

Với những bà bầu bị tụt huyết áp thường xuyên, điều quan trọng cần nhớ là bạn nên thực hiện mọi hành động thật chậm rãi. Dành thời gian để ngồi dậy từ từ vào buổi sáng thay vì lập tức bật dậy và bước ra khỏi giường. Ngoài ra, khi đang ngồi, bạn đừng vội đứng lên quá nhanh để ngăn ngừa tình trạng chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Nếu cảm thấy dường như sắp ngất, bạn nên ngồi hoặc nằm xuống nhẹ nhàng, hít thở đều và sâu. Nằm nghiêng bên trái thay vì nằm nghiêng bên phải cũng có thể giúp tăng lưu lượng máu đến tim, từ đó giúp ổn định cơ thể. Cuối cùng, hãy mặc quần áo rộng, thoải mái nhằm tránh hiện tượng chóng mặt và mệt mỏi.

Phụ nữ mang thai nên nghỉ ngơi thường xuyên, đặc biệt là khi bị huyết áp thấp. Bạn hãy cho cơ thể được thư giãn vào một quãng thời gian nhất định trong ngày để cơ thể được phục hồi và giảm mệt mỏi.

2. Bổ sung chất lỏng

Bạn nên nạp nhiều chất lỏng cho cơ thể bằng nước lọc, nước ép trái cây tươi… để hỗ trợ giảm nhẹ chứng tụt huyết áp khi mang thai hoặc tình trạng ốm nghén. Nếu huyết áp thấp gây buồn nôn, việc dùng trà thảo mộc ấm từ gừng, hoa cúc sẽ giúp giải quyết vấn đề khó chịu ở dạ dày.

3. Mẹ bầu bị tụt huyết áp phải làm sao? Hãy chú ý đến dinh dưỡng

Các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên bà bầu bị tụt huyết áp hãy ăn nhiều bữa nhỏ trong suốt cả ngày thay vì chỉ cố định với 3 bữa chính. Một chế độ ăn uống đa dạng và giàu chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong thai kỳ và có thể giúp giảm các triệu chứng thai kỳ. Mẹ bầu cũng hãy cân nhắc về việc tăng lượng muối hấp thụ hàng ngày nếu bạn bị huyết áp thấp khi mang thai. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc lượng muối tiêu thụ thích hợp để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Khi nào bà bầu tụt huyết áp cần đến bác sĩ?

Hãy nhanh chóng nhờ người thân đưa bạn đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu như nhận thấy những tình trạng sau:

  • Ngất
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Chóng mặt
  • Thay đổi thị lực
  • Đau đầu dữ dội
  • Cảm giác tê hoặc yếu một bên cơ thể.

Tình trạng tụt huyết áp khi mang thai là hiện tượng khá phổ biến nhưng bạn vẫn không nên chủ quan. Mặt khác, hãy thảo luận với bác sĩ nếu tình trạng vẫn tiếp tục khi bạn đã bước vào tam cá nguyệt thứ ba hoặc diễn ra trong thời gian dài. Trong những lần khám thai định kỳ, bác sĩ cũng sẽ tiến hành theo dõi huyết áp của mẹ bầu và đưa ra lời khuyên thích hợp để cả bạn và em bé trong bụng đều được vui vẻ, khỏe mạnh.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Is It Dangerous to Have Low Blood Pressure During Pregnancy? https://www.healthline.com/health/pregnancy/low-blood-pressure-during-pregnancy ngày truy cập 15/09/2019

Low blood pressure during pregnancy: Causes and remedies https://www.medicalnewstoday.com/articles/320303.php ngày truy cập 15/09/2019

Coping with High or Low Blood Pressure in Pregnancy https://www.verywellfamily.com/coping-with-low-or-high-blood-pressure-in-pregnancy-4690310 ngày truy cập 15/09/2019

LOW BLOOD PRESSURE: CAN IT AFFECT YOUR PREGNANCY?

https://www.narayanahealth.org/blog/low-blood-pressure-can-it-affect-your-pregnancy/ Truy cập ngày 17/04/2022

Does low maternal blood pressure during pregnancy increase the risk of perinatal death?

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2225167/ Truy cập ngày 17/04/2022

Low blood pressure (hypotension)

https://www.healthdirect.gov.au/low-blood-pressure-hypotension Truy cập ngày 17/04/2022

Phiên bản hiện tại

17/04/2023

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Bà bầu ăn cà tím khi mang thai: 7 lý do để ăn, 4 lý do để tránh

Bà bầu uống nước mía khi mang thai: Lợi ích và lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 17/04/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo