backup og meta
Chuyên mục

6

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

101 thắc mắc về việc khám thai và lời giải đáp từ bác sĩ phụ sản

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Ngày cập nhật: 14/05/2021

    101 thắc mắc về việc khám thai và lời giải đáp từ bác sĩ phụ sản

    Khám thai là một trong những bước chăm sóc quan trọng nhất để mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh. Thế nhưng, xoay quanh việc khám thai, mẹ bầu có hàng loạt các thắc mắc không biết tỏ cùng ai như quy trình khám thai diễn ra như thế nào, các cột mốc khám thai quan trọng, khi nào nên đi khám lần đầu…

    Hiểu được nỗi lo của mẹ, Hello Bacsi đã có cuộc trò chuyện với Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ) để giải đáp nhanh những thắc mắc thường gặp xoay quanh việc khám thai của mẹ:

    Thưa bác sĩ, khi nào mẹ bầu nên đi khám thai lần đầu? Lần khám này nếu không khám thì có sao không?

    Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ): Ngay khi thấy bản thân có những dấu hiệu mang thai thì nên đi khám và làm siêu âm ngay để xem thai đã vào buồng tử cung chưa. Đối với 1 người có chu kỳ đều 28-30 ngày, trễ kinh 1-2 tuần là bác sĩ đã thấy được túi thai qua siêu âm ngả âm đạo. 

    Khi đã xác định túi thai nằm trong buồng tử cung rồi, bác sĩ sẽ hẹn bạn siêu âm lại vào thời điểm cụ thể để theo dõi sự phát triển kích thước túi thai, xem có tim thai hay chưa. Bình thường lúc thai 6 tuần đã thấy được tim thai, sớm hơn là 5 tuần, chậm nhất là 8 tuần phải có tim thai, nếu không có là thai không phát triển. Lúc có tim thai là bắt đầu tính được ngày dự sinh cho em bé.

    Đây là mốc khám thai quan trọng cần tuân thủ bởi ở lần khám thai này sẽ giúp phát hiện sớm thai ngoài tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, một số viêm nhiễm đường sinh dục của người mẹ. Nếu kết quả cho thấy có nguy cơ nào đó, bác sĩ sẽ tư vấn hướng giải quyết sớm nhằm giảm những hậu quả nặng nề. Đồng thời, khám thai ở thời điểm này cũng giúp việc tính ngày dự sinh có sai số thấp nhất (+/- 3 ngày).

    Khi đi khám thai, mẹ bầu cần chuẩn bị gì? Có cần nhịn ăn hay có lưu ý gì đặc biệt không? 

    Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ): Ở lần khám thai đầu, bạn không cần chuẩn bị gì và siêu âm sẽ không mất nhiều tiền. Ở lần khám thứ 2 (thời điểm xác định tim thai) có thể cần chuẩn bị ít tiền để làm xét nghiệm, trừ khi được chỉ định làm xét nghiệm đường huyết thì mới cần nhịn ăn, còn không thì vẫn có thể ăn uống bình thường. Đa phần, nếu bạn thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao thì bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra dung nạp đường sớm còn nếu không thì đến khi tuổi thai 24-28 tuần bác sĩ mới yêu cầu thực hiện “Nghiệm pháp dung nạp 75g Glucose”, lúc này bạn mới cần phải nhịn ăn uống trong khoảng 8-10 giờ. 

    Ở thời điểm sàng lọc tiền sản (quý I là lúc 11-< 13 tuần 6 ngày hoặc quý II nếu chưa sàng lọc quý I), bạn cần chuẩn bị kha khá tiền để làm xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho bạn điều này.

    Đâu là những cột mốc khám thai quan trọng nhất, thưa bác sĩ? 

    Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ): Các mốc khám thai quan trọng nhất mà mẹ cần tuân thủ đó là lúc mới biết hoặc nghi ngờ có thai, giai đoạn sàng lọc quý I (11-13 tuần 6 ngày), giai đoạn siêu âm hình thái 20-24 tuần, giai đoạn sàng lọc đái tháo đường thai kỳ 24-28 tuần, từ 28-32 tuần khám 1 lần/tháng, từ 32-37 tuần khám mỗi 2 tuần, sau đó khám 1 lần/tuần.

    Nếu ở những lần khám thai quan trọng mẹ bầu khám muộn thì phải làm sao? Liệu kết quả khám có bị ảnh hưởng không, thưa bác sĩ?

    đi khám thai

    Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ): Những mốc khám thai quan trọng đều có giới hạn thời gian. Khi đã qua mốc sàng lọc xét nghiệm nào đó, bạn không thể quay lại, chỉ có thể tiếp tục theo lịch kế tiếp. 

    Ví dụ ở giai đoạn sàng lọc tiền sản quý I (11-13 tuần 6 ngày), nếu bạn đi đúng trong khoảng thời gian này thì bạn sẽ được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm với độ chính xác cao. Trường hợp quá 13 tuần 6 ngày thì bạn sẽ đợi đến khoảng 15-16 tuần để thực hiện sàng lọc quý II (giới hạn quý II là dưới 20 tuần) nhưng sẽ không làm được đầy đủ các xét nghiệm như quý I và độ chính xác sẽ giảm. Bên cạnh đó, nếu phát hiện dị tật nghiêm trọng khi thai đã lớn thì việc chấm dứt thai kỳ cũng trở nên nặng nề. 

    Mỗi 1 giai đoạn trong thai kỳ sẽ được thực hiện được các xét nghiệm khác nhau. Kết quả của các xét nghiệm không liên quan gì đến việc bạn có thực hiện xét nghiệm trước đó hay không. Ví dụ kết quả sàng lọc đái tháo đường lúc thai 24 tuần không thay đổi dù trước đó bạn có làm xét nghiệm combined test ở quý I hay không. 

    Ngoài những lần khám quan trọng thì những lần khám khác có bỏ qua được không, thưa bác sĩ?

    Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ): Ngoài các mốc để làm xét nghiệm sàng lọc thì mẹ bầu vẫn nên theo lịch khám thai định kỳ, dù là đi khám mà không làm xét nghiệm gì. Việc khám định kỳ giúp bác sĩ sẽ theo dõi được huyết áp, cân nặng để có điều chỉnh phù hợp nếu cần. Cùng đó bạn sẽ được siêu âm để theo dõi cân nặng thai nhi, lượng nước ối nhiều hay ít, độ dày/vị trí bánh nhau, vị trí bám cắm của dây rốn… tất cả đều là những yếu tố quan trọng cần được theo dõi trong suốt thai kỳ. 

    Ngoài ra, khám thai cũng là cơ hội để bạn chia sẻ những khó chịu hay vấn đề sức khỏe gặp phải trong thời gian mang thai để nhận được những lời khuyên và cách điều trị thích hợp.

    Thưa bác sĩ, trong những lần khám, mẹ bầu sẽ phải làm những xét nghiệm gì? Đâu là những xét nghiệm quan trọng?

    Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ): Trong những lần khám, bạn sẽ cần thực hiện các xét nghiệm sau:

    • Sàng lọc rối loạn nhiễm sắc thể ở thai nhi: combined test, triple test, NIPT
    • Sàng lọc nguy cơ bệnh tiền sản giật
    • Sàng lọc lậu, Chlamydia
    • Công thức máu, nhóm máu, rubella, HIV, viêm gan B, CMV, Toxoplasma…
    • Nghiệm pháp dung nạp 75gr Glucose (sàng lọc bệnh đái tháo đường thai kỳ)
    • Xét nghiệm nước tiểu
    • Siêu âm
    • Đo monitor tim thai (Bắt đầu từ tuần 32)

    Mỗi xét nghiệm đều có vai trò riêng và đều quan trọng nên mẹ bầu bạn cần làm thực hiện đầy đủ.

    Có rất nhiều lời đồn nói rằng siêu âm hoặc xét nghiệm quá nhiều có thể có hại cho bé, liệu điều này có đúng?

    đi khám thai

    Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ): Các xét nghiệm kể trên đều chỉ lấy một ít máu từ mẹ, hoàn toàn không ảnh hưởng đến bào thai. Cho đến thời điểm hiện tại thì chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định rằng siêu âm nhiều làm ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu bạn siêu âm theo đúng lịch đúng chỉ định của bác sĩ thì hoàn toàn vô hại. 

    Trường hợp nếu xét nghiệm máu bất thường, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm sinh thiết gai nhau hoặc chọc dò nước ối. Đây là các thủ thuật tác động trực tiếp vào bào thai nên có thể xảy ra một tỷ lệ nhỏ nguy cơ gây sảy thai, rỉ nước ối…

    Ngoài những lần khám theo lịch thì nên mẹ bầu nên đi khám khi có dấu hiệu nào?

    Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ): Ngoài những lần khám theo lịch thì bạn nên đi khám khi có dấu hiệu đau bụng, ra máu âm đạo, đau lưng nhiều, khí hư có mùi hôi – ngứa âm đạo, tiểu buốt, tiểu khó, thai đạp ít/yếu (thai trên 20 tuần bạn mới cảm nhận được thai đạp). 

    Trong trường hợp nào thì mẹ nên đi khám thai thường xuyên?

    Thạc sĩ – Bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ): Đối với những thai kỳ nguy cơ cao thì khoảng cách giữa các lần khám sẽ ngắn hơn thai kỳ bình thường và cần thực hiện các biện pháp thăm dò đặc hiệu. Thai kỳ nguy cơ cao bao gồm: mẹ mang song/đa thai, mẹ bị cao huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, nhau tiền đạo, mẹ có tiền sử sảy thai/thai lưu nhiều lần, tiền sử sảy thai to hoặc sanh cực non… Lịch khám cụ thể từng trường hợp sẽ tùy vào tình trạng bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể.

    Xin cám ơn bác sĩ về những chia sẻ cực kỳ hữu ích! Những thông tin này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho mẹ bầu, đặc biệt là những mẹ mang thai lần đầu bớt băn khoăn hơn trong việc đi khám thai!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Ngày cập nhật: 14/05/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo