backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Vỡ tử cung khi sinh: Những điều mẹ cần biết để “vượt cạn” an toàn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/03/2022

    Vỡ tử cung khi sinh: Những điều mẹ cần biết để “vượt cạn” an toàn

    Nhờ sự phát triển của y học mà quá trình sinh nở của phụ nữ ngày nay hầu như đều diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là có thể giúp giảm thiểu toàn bộ những tai biến mà mẹ phải đối mặt khi “vượt cạn”. Các tai biến sản khoa vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và vỡ tử cung là một trong số đó. Vỡ tử cung trước khi sinh hoặc trong khi chuyển dạ là một tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm.

    Vậy nguyên nhân nào gây vỡ tử cung? Tình trạng này được xử lý như thế nào và có thể phòng ngừa được không? Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề này.

    Vỡ tử cung là gì? Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này?

    Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa xảy ra khi thành tử cung bị rách. Trong trường hợp nghiêm trọng, vết rách sâu hơn sẽ tạo ra một lỗ thông lớn khiến cho dịch ối và em bé bên trong tử cung tràn ra ngoài và tràn vào khoang bụng của mẹ. Vỡ tử cung có thể khiến mẹ bị băng huyết, em bé ngạt thở vì thiếu oxy hoặc bị tổn thương não bộ.

    Do vậy, tình trạng này thường đe dọa tính mạng cả sản phụ lẫn thai nhi. Dù được điều trị thành công thì phụ nữ từng bị vỡ tử cung cũng khó mang thai lần nữa. May mắn thay, hiện tượng vỡ tử cung chỉ xảy ra dưới 1% trên tổng số phụ nữ mang thai. Vì vậy, có thể nói đây là một dạng biến chứng thai kỳ khá hiếm gặp.

    vỡ tử cung khi sinh

    Về nguyên nhân, vỡ tử cung xảy ra là do áp lực tăng lên trong quá trình chuyển dạ, khi em bé đang di chuyển qua ống sinh của mẹ. Áp lực này sẽ khiến tử cung bị rách và thường là rách dọc theo vị trí của vết sẹo do sinh mổ trước đó. Đây cũng chính là lý do mà các bác sĩ thường khuyên bạn không nên sinh thường nếu trước đó đã từng sinh mổ một lần. Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ khác khiến tử cung của mẹ dễ bị rách trong thai kỳ hoặc khi chuyển dạ, chẳng hạn như:

    • Mẹ mang song thai hoặc đa thai
    • Mẹ dùng thuốc giục sinh quá liều (oxytocin hoặc misoprostol)
    • Mẹ có tiền sử phẫu thuật tử cung.

    Các triệu chứng của hiện tượng vỡ tử cung

    Các dấu hiệu, triệu chứng của vỡ tử cung có thể khác nhau giữa mỗi sản phụ vì còn tùy thuộc vào thời điểm vỡ, vị trí vỡ và mức độ của vết rách. Nhiều người cho rằng đau bụng là triệu chứng điển hình của tình trạng này. Nhưng thực chất đây lại là triệu chứng ít tin cậy nhất vì dễ nhầm lẫn với đau bụng chuyển dạ. Vì vậy, bác sĩ thường dựa trên những triệu chứng khác, rõ ràng hơn để xác định mẹ bị vỡ tử cung, bao gồm:

    • Chảy máu âm đạo quá nhiều
    • Đau bụng liên tục ngoài cơn gò, đau dữ dội. Đôi khi sản phụ sẽ có cơn đau đột ngột, dữ dội rồi sau đó các cơn đau giảm đi thậm chí là mất hẳn. 
    • Giảm hoặc mất trương lực cơ tử cung
    • Nếu sản phụ có sẹo tử cung sẽ cảm thấy đau đột ngột tại vị trí đó
    • Mẹ bị sốc, huyết áp thấp, mạch đập nhanh, yếu hoặc không đo được
    • Đầu em bé thụt trở lại vào ống sinh
    • Nhịp tim thai chậm hoặc không nghe thấy tim thai
    • Nếu tử cung vỡ hoàn toàn thì bụng mẹ sẽ bị biến dạng, không sờ thấy đáy tử cung mà có thể sờ thấy thai nhi dưới da
    • Trong trường hợp sản phụ đã sinh xong, việc phát hiện vỡ tử cung có thể thông qua hiện tượng băng huyết hoặc vết sẹo mổ tử cung không còn nguyên vẹn khi siêu âm. 

    Chẩn đoán và điều trị vỡ tử cung như thế nào?

    vỡ tử cung khi sinh

    Hiện tượng vỡ tử cung khi mang thai hoặc chuyển dạ là trường hợp cần xử lý khẩn cấp để tránh nguy cơ tử vong. Bạn cần biết gì về chẩn đoán và điều trị, xử lý vỡ tử cung khi sinh? Hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin sau đây: 

    Chẩn đoán vỡ tử cung

    Tử cung bị vỡ khi chuyển dạ và sinh nở thường xảy ra đột ngột. Hơn nữa, các bác sĩ buộc phải xử lý gấp rút để giúp mẹ và bé thoát khỏi nguy hiểm nên việc chẩn đoán bằng các phương pháp xét nghiệm gần như là không thể. Nói cách khác, việc chẩn đoán vỡ tử cung chỉ có thể dựa trên các triệu chứng lâm sàng hoặc đánh giá nguy cơ từ vết sẹo mổ trước đó của sản phụ.

    Phương pháp điều trị, xử lý 

    Vỡ tử cung thường xảy ra trong quá trình sinh nở và có thể đe dọa tính mạng của người mẹ lẫn thai nhi. Vì vậy, các yếu tố quan trọng khi điều trị, xử lý vỡ tử cung đó là bác sĩ phải nhận biết kịp thời và có sự chẩn đoán chắc chắn. Khi đã xác định được sản phụ bị vỡ tử cung, các bác sĩ  cần nhanh chóng can thiệp giúp mẹ sinh em bé càng nhanh càng tốt trước khi trẻ ngạt thở vì thiếu oxy hoặc bị các chấn thương nguy hiểm khác.

    Trong hầu hết trường hợp, bác sĩ thường lựa chọn phẫu thuật mổ bắt con để giúp em bé ra ngoài nhanh nhất. Sau khi giúp mẹ sinh mổ thành công, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật sửa chữa phần tử cung bị rách của người mẹ. Trong một số trường hợp, vỡ tử cung gây mất máu nghiêm trọng thì có thể phải cắt bỏ tử cung của sản phụ.

    Theo thống kê, có khoảng 6% trẻ sơ sinh và 1% sản phụ không qua khỏi khi bị vỡ tử cung. Có thể nói, việc chẩn đoán và điều trị càng nhanh chóng thì cơ hội vượt qua nguy hiểm của mẹ và bé sẽ càng lớn. Ngoài ra, gần như không có cách nào giúp ngăn ngừa vỡ tử cung khi mẹ sinh con qua ngả âm đạo. Cách duy nhất để ngăn ngừa tai biến sản khoa này đó là sinh mổ. Tuy nhiên, dù chọn phương pháp sinh nào thì điều quan trọng nhất là mẹ nên thảo luận trước với bác sĩ để hạn chế tối đa các rủi ro khi “vượt cạn” nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo