backup og meta
AI

Chia sẻ

Nội tiết tố nữ: Vai trò của nội tiết tố đối với sức khỏe nữ giới!

Nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh quan trọng đối với nữ giới như thể chất, tâm trạng, vóc dáng và cả sức khỏe sinh sản. Vậy nên, việc đảm bảo cân bằng nội tiết tố là rất cần thiết nếu bạn muốn duy trì sự khỏe mạnh, trẻ trung và tinh thần ổn định.

Việc giữ cân bằng nội tiết tố nữ không chỉ giúp bạn duy trì sức khỏe tổng thể mà còn góp phần cải thiện tâm trạng, làn da, não bộ… Vậy bạn đã biết cách cân bằng các nội tiết tố trong cơ thể để sức khỏe luôn tối ưu chưa? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này cùng Hello Bacsi nhé! 

Nội tiết tố nữ là gì?

Nội tiết tố nữ là hormone do các cơ quan sinh dục nữ (buồng trứng) sản xuất để tạo nên những khác biệt về sinh lý và hình thể giữa nữ giới và nam giới. Có 2 loại nội tiết tố nữ là estrogen và progesterone nhưng cơ thể phụ nữ cũng tiết ra một lượng nhỏ nội tiết tố nam là testosterone.

1. Nội tiết tố nữ estrogen

Nội tiết tố nữ estrogen chủ yếu được sản sinh từ buồng trứng nhưng vẫn có một lượng nhỏ được sản sinh từ tuyến thượng thận và tế bào mỡ. Trong thai kỳ, nội tiết tố này còn được tiết ra từ nhau thai. 

Estrogen đóng vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn trong cuộc đời của nữ giới như dậy thì, sinh con, tiền mãn kinh và mãn kinh. Bên cạnh đó, nội tiết tố nữ này cũng ảnh hưởng đến một số cơ quan trong cơ thể như não, hệ tim mạch, tóc, hệ cơ xương, da, đường tiết niệu… 

Nồng độ nội tiết tố nữ estrogen được xác định bằng cách xét nghiệm máu với đơn vị picogram trên mililít (pg/mL). Trung bình, nồng độ estrogen ở từng giai đoạn là:

  • Giai đoạn tiền mãn kinh: 15–350 pg/mL
  • Giai đoạn sau mãn kinh: <10 pg/mL

2. Nội tiết tố progesterone

Nội tiết tố progesterone do buồng trứng sản sinh sau giai đoạn rụng trứng. Trong thai kỳ, progesterone cũng được tiết ra từ nhau thai. 

Progesterone có một số vai trò sau:

  • Làm chất nhầy cổ tử cung đặc hơn
  • Làm dày lớp niêm mạc tử cung, chuẩn bị cho phôi thai làm tổ
  • Hỗ trợ thai nhi phát triển khỏe mạnh trong thai kỳ 
  • Làm mềm cơ tử cung, hạn chế tình trạng co bóp tử cung

Đơn vị tính nồng độ progesterone là nanogram trên mililít (ng/mL). Nồng độ nội tiết progesterone trung bình ở mỗi giai đoạn như sau:

  • Trước tuổi dậy thì: 0,1–0,3 ng/mL
  • Giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt (giai đoạn nang noãn): 0,1–0,7 ng/mL
  • Giai đoạn sau khi rụng trứng (giai đoạn hoàng thể): 2–25 ng/mL
  • Trong thai kỳ: 3 tháng đầu là 10–44 ng/mL, 3 tháng giữa là 19,5–82,5 ng/mL và 3 tháng cuối là 65–290 ng/mL. 

3. Nội tiết tố testosterone

Tuyến thượng thận và buồng trứng của nữ giới cũng tiết ra một lượng nhỏ nội tiết tố testosterone. Nội tiết tố này có một số vai trò quan trọng như sau:

  • Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt
  • Kích thích ham muốn tình dục
  • Duy trì xương và cơ được chắc và khỏe

Nồng độ testosterone cũng được tính bằng đơn vị nanogram trên decilit (ng/dL). Trung bình, mức độ testosterone trong cơ thể phụ nữ là 15–70 ng/dL.

[embed-health-tool-ovulation]

Tầm quan trọng và vai trò của nội tiết tố nữ đối với sức khỏe phụ nữ

vai trò của nội tiết tố nữ đối với sức khỏe phụ nữ

Tuy nồng độ không lớn nhưng nội tiết tố đóng nhiều vai trò quan trọng đối với quá trình dậy thì, mang thai và cả đời sống tình dục của nữ giới.

1. Vai trò của nội tiết tố nữ trong độ tuổi dậy thì 

Khi bước vào độ tuổi dậy thì trong khoảng 8 đến 13 tuổi, tuyến yên sẽ tiết ra nhiều nội tiết tố hoàng thể hóa (Luteinizing hormone hay còn gọi là LH) và nội tiết tố kích thích nang trứng (Follicle-stimulating hormone hay còn gọi là hormone FSH) hơn mức bình thường. Điều này kích thích nội tiết tố nữ estrogen và progesterone hoạt động và tạo ra một số thay đổi ở cơ thể bé gái. 

Một số thay đổi rõ nét ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì này là:

  • Phát triển ngực
  • Có lông ở mu và nách
  • Cơ thể bắt đầu có những đường nét nữ tính hơn
  • Tăng lượng mỡ trong cơ thể, nhất là ở hông và đùi
  • Buồng trứng, tử cung và âm đạo bắt đầu hoạt động
  • Xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt.

2. Vai trò của nội tiết tố nữ trong chu kỳ kinh nguyệt 

Nội tiết tố nữ estrogen, progesterone, Follicle Stimulating Hormone (FSH) hay Luteinizing hormone (LH) tăng giảm trong suốt chu kỳ kinh nguyệt giúp nữ giới điều hòa quá trình tế bào trứng phát triển, rụng trứng hay có kinh. Nhìn chung, các nội tiết tố sẽ điều khiển kinh nguyệt theo chu kỳ sau:

  • Khi giai đoạn rụng trứng sắp tới, buồng trứng tiết nhiều progesterone hơn để giúp niêm mạc tử cung dày lên chuẩn bị cho quá trình thụ thai. 
  • Sau đó, tuyến yên bắt đầu sản xuất nhiều hormone kích thích nang trứng là Follicle Stimulating Hormone (FSH) giúp các nang trứng trong buồng trứng phát triển. Trong mỗi chu kỳ, sẽ có một quả trứng phát triển trội hơn, trở thành nang trứng trưởng thành. 
  • Khi nang trứng trưởng thành phát triển, buồng trứng cũng tiết ra nhiều estrogen hơn. Song song đó, nội tiết tố hoàng thể hóa Luteinizing hormone (LH) cũng được tiết ra nhiều hơn trong quá trình trứng phát triển. Khi nồng độ LH đạt đỉnh, nang trứng trưởng thành sẽ vỡ ra và giải phóng noãn bên trong được gọi là hiện tượng rụng trứng.
  • Nếu trứng rụng không gặp được tinh trùng và quá trình thụ thai không xảy ra, nồng độ nội tiết tố nữ estrogen và progesterone sẽ giảm xuống khiến lớp niêm mạc tử cung bong ra và đào thải ra ngoài cơ thể dưới dạng máu kinh.

3. Vai trò của nội tiết tố nữ trong kích thích ham muốn tình dục

Estrogen, progesterone và testosterone đều có vai trò quan trọng trong việc kích thích ham muốn tình dục ở nữ giới. Các nội tiết tố này sẽ tăng lên trước ngày rụng trứng, giúp phụ nữ dễ cảm thấy thăng hoa hơn khi quan hệ. 

Ngược lại, khi nội tiết tố nữ giảm sau khi trứng rụng, giảm do thuốc tránh thai hoặc giảm ở độ tuổi mãn kinh, ham muốn tình dục ở nữ giới cũng sẽ giảm. Ngoài ra, những ai từng phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận hoặc buồng trứng cũng có thể giảm ham muốn tình dục do giảm nội tiết tố.

4. Vai trò của nội tiết tố nữ trong quá trình mang thai

Vai trò của nội tiết tố nữ trong quá trình mang thai

Ở giai đoạn rụng trứng, progesterone và estrogen sẽ tăng khiến niêm mạc tử cung dày hơn, chứa nhiều chất dinh dưỡng và các chất lỏng khác để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Bên cạnh đó, chất nhầy cổ tử cung cũng sẽ đặc hơn để bảo vệ buồng tử cung khỏi vi khuẩn tấn công và tinh trùng xâm nhập. 

Đồng thời, nội tiết tố nữ estrogen và progesterone tăng cũng giúp ngăn chu kỳ kinh nguyệt để duy trì sự phát triển của thai kỳ. Ngoài ra, hai loại nội tiết tố nữ này cũng giúp ống dẫn sữa ở vú giãn ra, chuẩn bị cho quá trình nuôi con. 

Nếu có trứng đã thụ thai vào làm tổ ở tử cung, cơ thể sẽ sản xuất hormone gonadotropin màng đệm ở người (Human chorionic gonadotropin hay còn gọi là hCG). Nội tiết tố này có phát hiện qua xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu để giúp báo hiệu có thai.

5. Vai trò của nội tiết tố nữ sau khi sinh và cho con bú

Sau khi sinh, nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu giảm nhanh về mức trước khi mang thai. Điều này ngăn ngừa quá trình rụng trứng xảy ra, góp phần giúp mẹ bỉm sữa tránh thai trong giai đoạn cho con bú. Tuy nhiên, sự sụt giảm nội tiết tố đột ngột này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của nữ giới nên có thể gây ra trầm cảm sau sinh.

6. Vai trò của nội tiết tố nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, quá trình sản xuất nội tiết tố trong buồng trứng sẽ chậm đi, nồng độ estrogen có thể mất cân bằng còn nồng độ progesterone bắt đầu giảm dần. Điều này có thể khiến âm đạo bị khô hạn hay thậm chí gây giảm ham muốn tình dục và chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Nếu trong 12 tháng không có kinh nguyệt thì bạn đã bước vào thời kỳ mãn kinh. Trong giai đoạn này, nồng độ estrogen và progesterone đều ổn định ở mức thấp. Tình trạng sụt giảm nội tiết tố nữ này có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xươngbệnh tim mạch ở phụ nữ.

Mất cân bằng nội tiết tố có những triệu chứng gì? 

Mất cân bằng nội tiết tố

Tình trạng mất cân bằng nội tiết tố có thể dẫn đến các dấu hiệu sau:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Thông thường chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài từ 21 đến 35 ngày. Nếu chu kỳ kinh nguyệt không nằm trong khoảng thời gian trên hoặc biến mất trong vài tháng thì có thể nồng độ các nội tiết tố nữ của bạn đang mất cân bằng.  
  • Rối loạn giấc ngủ: Progesterone có chức năng giúp bạn dễ ngủ hơn nên khi nội tiết tố này suy giảm, bạn có thể cảm thấy khó ngủ hoặc ngủ không sâu. Nồng độ estrogen thấp cũng có thể kích hoạt các cơn bốc hỏa và gây ra tình trạng đổ mồ hôi ban đêm, từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ. 
  • Mụn trứng cá kéo dài: Mụn trứng cá xuất hiện trước hoặc trong ngày có kinh nguyệt là tình trạng bình thường nhưng mụn trứng cá kéo dài có thể là triệu chứng của vấn đề về nội tiết tố. Nồng độ androgen tăng cao có thể khiến tuyến dầu hoạt động quá mức và gây ảnh hưởng đến các tế bào da trong và xung quanh nang lông. Từ đó, lỗ chân lông dễ bị tắc và gây ra mụn trứng cá. 
  • Não bộ hoạt động không hiệu quả: Nồng độ estrogen và progesterone thay đổi có thể khiến khả năng ghi nhớ không còn tốt. Nội tiết tố nữ estrogen cũng có thể tác động đến chất dẫn truyền thần kinh, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tập trung và trí nhớ. 
  • Vấn đề về hệ tiêu hóa: Ruột có một lớp lót chứa các tế bào nhỏ gọi là thụ thể đáp ứng với estrogen và progesterone. Vậy nên, hệ tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng nếu nồng độ các nội tiết tố này quá cao hoặc quá thấp. Các vấn đề tiêu hóa bạn có thể gặp khi bị mất cân bằng nội tiết tố là tiêu chảy, đau dạ dày, đầy hơibuồn nôn
  • Liên tục mệt mỏi: Mệt mỏi, uể oải là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng mất cân bằng nội tiết tố. Nồng độ progesterone quá cao có thể gây buồn ngủ còn hormone tuyến giáp quá ít có thể làm tụt năng lượng. 
  • Tâm trạng thất thường: Nội tiết tố sụt giảm hoặc thay đổi nhanh chóng có thể khiến tâm trạng không ổn định, thậm chí là gây cảm giác buồn bực. 
  • Thèm ăn và tăng cân: Khi nồng độ estrogen bị giảm, bạn có thể muốn ăn nhiều hơn. 
  • Nhức đầu: Tình trạng nhức đầu ở nữ giới có thể do suy giảm nội tiết tố nữ estrogen. 
  • Khô âm đạo: Tình trạng khô âm đạo thường xuyên có thể do nồng độ estrogen trong cơ thể quá thấp vì đây là nội tiết tố giúp mô âm đạo duy trì độ ẩm. 
  • Giảm ham muốn tình dục: Nồng độ testosterone thấp hơn mức bình thường có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục. 
  • Thay đổi ở mô vú: Tình trạng suy giảm estrogen có thể khiến mô vú bớt dày hơn. Ngược lại, sự gia tăng nội tiết tố có thể làm mô vú dày lên, thậm chí gây ra các cục hoặc u mới. Vậy nên nếu thấy mô vú thay đổi, bạn có thể cần kiểm tra nồng độ các nội tiết tố trong cơ thể có mất cân bằng không.

Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố nữ

Nguyên nhân mất cân bằng nội tiết tố

Nồng độ nội tiết tố có thể tăng giảm ở mọi giai đoạn trong cuộc sống do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số trường hợp có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố nữ thường thấy là:

  • Bước vào giai đoạn dậy thì
  • Bắt đầu thai kỳ
  • Mang đa thai
  • Sảy thai
  • Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Tiền mãn kinh và mãn kinh
  • Sử dụng biện pháp tránh thai có liên quan đến nội tiết tố

Ngoài các giai đoạn cuộc sống, tình trạng mất cân bằng nội tiết tố nữ cũng có thể do một số vấn đề sức khỏe như:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Hội chứng này có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt rối loạn và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Căng thẳng nặng hoặc kéo dài
  • Tiểu đường
  • Tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết
  • Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp)
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp)
  • Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
  • Thừa cân
  • U tuyến giáp
  • Khối u buồng trứng
  • Hội chứng Cushing (nồng độ hormone cortisol cao)
  • Bệnh Addison (nồng độ cortisol và aldosterone thấp)
  • Tiếp xúc với độc tố hay hóa chất gây rối loạn nội tiết 
  • Hóa trị và xạ trị. 

Mách chị em cách cân bằng nội tiết tố nữ tự nhiên 

Nếu có dấu hiệu mất cân bằng nội tiết tố, bên cạnh việc thăm khám để được bác sĩ tư vấn, bạn có thể áp dụng một số cách cải thiện tự nhiên sau đây: 

1. Cách bổ sung nội tiết tố nữ tự nhiên

Cách bổ sung nội tiết tố tự nhiên

Việc điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho đầy đủ, cân bằng hơn có thể giúp bạn cải thiện tình trạng rối loạn nội tiết tố: 

  • Ăn đầy đủ chất đạm: Các nội tiết tố có nguồn gốc từ chất đạm đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quá trình tăng trưởng, chuyển hóa năng lượng, sinh sản cũng như kiểm soát cảm giác thèm ăn, căng thẳng. Vậy nên, để nội tiết tố cân bằng, bạn cần bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu protein như trứng, ức gà, cá hay các loại đậu. 
  • Tránh tiêu thụ đường: Việc hạn chế các thực phẩm nhiều đường như nước ngọt hay bánh kẹo trong chế độ ăn có thể giúp bạn kiểm soát nồng độ nội tiết tố, bảo gồm cả insulin. Từ đó, các vấn đề về tâm lý do mất cân bằng nội tiết tố như căng thẳng hay lo âu sẽ dần cải thiện. 
  • Bổ sung chất béo tốt: Chất béo tốt có thể giúp duy trì độ cân bằng của các nội tiết tố liên quan đến sự thèm ăn, sự trao đổi chất và cảm giác no. Điều này giúp bạn cải thiện tình trạng dư insulin, một loại hormone có chức năng kiểm soát lượng đường trong máu. Bạn có thể bổ sung chất béo tốt qua các loại cá giàu axit béo như cá hồi, cá ngừ hay các thực phẩm như dùng dầu ô liu, dầu dừa, hạnh nhân, trứng… 
  • Bổ sung nhiều chất xơ: Chất xơ không chỉ quan trọng cho sức khỏe đường ruột mà cũng có thể giúp bạn cân bằng các nội tiết tố như insulin và cải thiện tâm trạng. Các thực phẩm giàu chất xơ bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn là ngũ cốc nguyên hạt, trái cây hay rau củ quả.

2. Uống gì để cân bằng nội tiết tố nữ?

Việc bổ sung một số thức uống giàu dinh dưỡng vào chế độ ăn uống có thể giúp bạn giảm nhẹ tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ.

Các loại sữa hạt và sữa đậu giúp cân bằng nội tiết tố nữ

Uống gì để cân bằng nội tiết tố nữ?

Sữa hạt thơm ngon, béo, bùi vô cùng dễ uống mà lại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm lợi ích hỗ trợ cân bằng nội tiết tố.

  • Sữa đậu nành: Sữa đậu nành có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng suy giảm estrogen. Với hàm lượng cao isoflavone, một chất có cấu trúc tương tự estrogen, sữa đậu nành giúp giảm nhẹ triệu chứng bốc hỏa, cải thiện chức năng của dạ dày, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Theo ước tính, 100g đậu nành có thể cung cấp cho cơ thể khoảng 103,92mcg estrogen. Tuy nhiên, những ai mắc các bệnh u nang không nên uống sữa đậu nành để tránh tế bào u nang nhanh phát triển nhanh hơn. 
  • Sữa hạt lanh: Hạt lanh có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa mạnh là lignan và omega-3 giúp bạn cân bằng nội tiết tố nữ cũng như giảm tình trạng bốc hỏa. Ngoài ra, loại hạt này còn cung cấp nhiều chất xơ hỗ trợ loại bỏ estrogen xấu. Bên cạnh đó, món sữa này còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư liên quan đến nội tiết tố. 
  • Sữa hạt óc chó: Sữa hạt óc chó chứa rất nhiều omega-3 có khả năng chống viêm và cân bằng các nội tiết tố nữ. 
  • Sữa hạnh nhân: Sữa hạnh nhân mang đến nhiều lợi ích như kiểm soát đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài ra, loại sữa này chứa rất nhiều phytoestrogen và các chất chống oxy hóa nên có thể hỗ trợ điều hòa cũng như tăng cường nội tiết tố nữ rất hiệu quả. Bên cạnh đó, sữa hạnh nhân cung cấp nhiều khoáng chất và các loại vitamin như vitamin B, vitamin E giúp ngừa đột quỵ và giảm cholesterol trong máu. 
  • Sữa đậu phộng hay sữa đậu đen: Sữa đậu phộng hay đậu đen cũng có thể kích thích sản sinh nội tiết tố nữ, hỗ trợ loại bỏ độc tố cũng như làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể và buồng trứng. 
  • Các loại sữa hạt khác: Sữa từ các loại hạt khác như hạt mè, hạt hướng dương, hạt bí ngô cung cấp cho cơ thể nhiều protein, chất béo thực vật cùng các khoáng chất như magie, canxi, kali và vitamin B6. Ngoài ra, sữa hạt cũng rất giàu kẽm và selen có tác dụng hỗ trợ hoạt động của tuyến giáp. Vậy nên, các loại sữa này có thể giúp hạn chế những thay đổi đối với nội tiết tố nữ đồng thời tăng cường trao đổi chất, cải thiện tâm trạng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Các loại nước ép giúp cân bằng nội tiết tố nữ

Các loại nước ép giúp cân bằng nội tiết tố nữ

Các loại nước ép dễ làm, giàu dinh dưỡng bạn có thể tham khảo nếu muốn cân bằng nội tiết tố là:

  • Nước ép từ các loại quả mọng: Những quả mọng như dâu tây, mâm xôi hay nam việt quất chứa rất nhiều phytoestrogen, vitamin, chất xơ, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Vậy nên, nước ép của các loại quả này có thể giúp bạn cân bằng nội tiết tố nữ, hạn chế cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình trao đổi chất, giúp giảm viêm và căng thẳng. 
  • Nước ép từ những loại quả giàu vitamin C: Vitamin C là phương pháp cải thiện tình trạng suy giảm progesterone một cách tự nhiên nhưng rất hiệu quả. Nước ép bưởi, cà chua, cam… có thể giúp bổ sung progesterone và hạn chế tình trạng estrogen tăng cao gây rối loạn nội tiết tố nữ. Ngoài ra, những loại nước ép này còn cung cấp chống oxy hóa, bồi dưỡng sức khỏe tuyến giáp và tuyến thượng thận và hạn chế nguy cơ nội tiết tố cortisol gia tăng bất thường. 
  • Nước ép đào: Tương tự hạt lanh, đào cũng chứa lượng lignan dồi dào hỗ trợ kích thích sản sinh estrogen đồng thời giúp giảm đến khoảng 15% nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, nước ép đào có tính nóng và khá nhiều đường nên không phù hợp với phụ nữ có thai, người vừa khỏi bệnh hay đang bị nóng trong người
  • Nước ép lựu: Nước ép lựu có thể giúp bạn cân bằng nội tiết tố nữ rất tốt nhưng không nóng như nước ép đào. Ngoài khả năng bổ sung estrogen tự nhiên, lựu còn chứa vitamin A, C và E giúp giảm nhẹ các dấu hiệu tiền mãn kinh. 
  • Nước ép cà rốt: Nước ép cà rốt không chỉ dồi dào vitamin A cao mà còn giàu beta-caroten có thể chuyển hóa thành vitamin A đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình sản sinh estrogen, điều hòa nội tiết tố. Ngoài ra, cà rốt còn có thể giúp giảm sự phát triển của các khối u vú. 
  • Nước ép táo: Nước ép táo cung cấp estrogen tự nhiên lại vừa giàu chất xơ nên không chỉ giúp cải thiện tình trạng mất cân bằng nội tiết tố nữ mà còn giúp giảm tích tụ mỡ thừa và nguy cơ mắc các bệnh đường ruột.

Những loại trà giúp cân bằng nội tiết tố nữ

trà giúp cân bằng nội tiết tố nữ

Trà, đặc biệt là các loại trà thảo mộc không chứa caffeine, có thể hỗ trợ quá trình thải độc của gan và giảm căng thẳng. Ngoài ra, trà còn góp phần giúp cân bằng nội tiết tố nữ rất hiệu quả.

  • Trà quả trinh nữ: Quả trinh nữ được xem như một loại thuốc bổ cho nội tiết tố, đặc biệt là nội tiết tố nữ. Bên cạnh khả năng làm tăng nội tiết tố nữ, trà quả trinh nữ còn giảm nhẹ các dấu hiệu khó chịu trong giai đoạn mãn kinh và hỗ trợ điều trị u xơ tử cung. 
  • Trà cỏ ba lá đỏ: Trà cỏ ba lá đỏ chứa nhiều isoflavone giúp cân bằng nội tiết tố nữ, giảm tình trạng bốc hỏa, cải thiện các vấn đề về hô hấp, hỗ trợ điều trị bệnh về da, loãng xương và hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, loại trà này cũng chứa nhiều dưỡng chất cần thiết như magiê, niacin, kali, canxi và vitamin C. 
  • Trà ashwagandha: Ashwagandha được xem là “nhân sâm Ấn Độ” mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Nghiên cứu chỉ ra rằng dùng 300mg trà ashwagandha mỗi ngày trong 60 ngày liên tục giúp giảm nội tiết tố cortisol đáng kể, từ đó giúp cải thiện tình trạng căng thẳng. 
  • Trà xanh: Trà xanh chứa chất chống oxy hóa chống lại các tổn thương do các gốc tự do gây ra đồng thời hỗ trợ giảm tắc nghẽn mạch máu. Ngoài ra, món đồ uống này còn chứa axit amin L-Theanine giúp tăng nồng độ serotonin, dopamine và GABA đồng thời làm giảm cortisol, từ đó giúp cân bằng nội tiết tố nữ. Bên cạnh đó, trà xanh còn hỗ trợ quá trình thải độc của gan, cải thiện độ nhạy insulin để giúp giảm nhẹ tình trạng mụn do nội tiết tố.

Các thức uống giúp cân bằng nội tiết tố nữ khác

hức uống giúp cân bằng nội tiết tố nữ

Một số đồ uống có thể hỗ trợ cân bằng nội tiết tố khác mà bạn có thể tham khảo là:

  • Sinh tố bơ: rất giàu chất béo tốt, chất xơ, magiê, kali, vitamin B, vitamin A… có tác dụng kích thích buồng trứng tăng tiết nội tiết tố sinh dục, đặc biệt là tăng estrogen.
  • Sữa nghệ: Nghệ có tính năng chống oxy hóa mạnh, giúp giảm viêm và giảm mức độ căng thẳng của cơ thể. Ngoài ra, hợp chất curcumin trong nghệ hoạt động tương tư như estrogen. Vậy nên, sữa nghệ có thể giúp điều hòa lượng estrogen cũng như thúc đẩy sản xuất serotonin và dopamine. Nhờ đó, món đồ uống này có thể giúp giảm nhẹ cơn đau trong kỳ kinh nguyệt, điều hòa chu kỳ kinh, trẻ hóa làn da và hạn chế mất ngủ. 
  • Nước chanh: Chanh có hàm lượng vitamin C cao giúp cải thiện khả năng miễn dịch, hỗ trợ gan thải độc, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và cân bằng nội tiết tố nữ. Ngoài ra, nước chanh còn cũng giúp điều hòa một số nội tiết tố khác như glucose và leptin. 
  • Nước lọc: Thói quen bổ sung đủ nước hằng ngày có thể giúp bạn giảm viêm, tiêu hóa tốt hơn và tăng cường trao đổi chất, từ đó hạn chế tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ.

3. Làm gì để cân bằng nội tiết tố?

Làm gì để cân bằng nội tiết tố?

Bên cạnh việc bổ sung dưỡng chất cho thể và dùng một số loại thức uống tốt cho nội tiết tố, bạn có thể thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe tổng thể bằng các cách sau: 

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp cân bằng nội tiết tố nữ. Nếu giấc ngủ không chất lượng, nồng độ của một số hormone có thể lên xuống thất thường cả ngày, dẫn đến các vấn đề như tăng cân, tâm trạng khó chịu, mắc bệnh đái tháo đường hay rối loạn ăn uống. Bạn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách tạo một môi trường ngủ dễ chịu với ánh sáng và âm thanh phù hợp.

Kiểm soát căng thẳng

Tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài có dẫn đến sự gia tăng hormone adrenaline và cortisol. Nồng độ các nội tiết tố này quá cao có thể phá vỡ sự cân bằng tổng thể và gây béo phì, thay đổi tâm trạng và thậm chí là các vấn đề về tim mạch. Vậy nên, bạn có thể cân bằng nội tiết tố nữ bằng cách kiểm soát căng thẳng với các hoạt động thư giãn như nghe nhạc nhẹ nhàng, đi dạo hay massage.

Ăn uống khoa học

Thói quen ăn quá nhiều hoặc quá ít trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề về trao đổi chất. Thậm chí, ngay cả việc ăn quá nhiều trong một khoảng thời gian ngắn, đặc biệt là đồ ăn nhiều dầu mỡ cũng khiến cơ thể tiết insulin quá mức dẫn đến suy giảm chức năng tuyến tụy. Lúc này, cơ thể sẽ khó điều tiết lượng đường trong máu và gây ra bệnh đái tháo đường.

Cách ăn uống khoa học là ăn đầy đủ các nhóm chất, nhai kỹ khi ăn và lắng nghe tín hiệu báo no của cơ thể. Lúc này, bạn có thể nạp lượng đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể để đảm bảo sức khỏe, cân bằng nội tiết tố cải thiện vóc dáng cũng như tâm trạng.

Vận động thường xuyên

Thói quen vận động thường xuyên không chỉ giúp cải thiện lưu thông máu đến cơ bắp mà còn tăng độ nhạy insulin, một hormone quan trọng giúp tế bào hấp thụ đường từ máu và sử dụng làm nguồn năng lượng. Cơ thể không nhạy với insulin hay còn gọi là tình trạng kháng insulin có thể dẫn đến các vấn đề như bệnh đái tháo đường, béo phì và bệnh tim mạch. Nếu không để sắp xếp tập thể dục thường xuyên, bạn có thể đi bộ nhiều hơn trong ngày để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Nội tiết tố nữ và các thắc mắc thường gặp 

Nếu vẫn còn thắc mắc về nội tiết tố nữ, bạn có thể tham khảo thêm các câu hỏi thường gặp sau: 

1. Có nên xét nghiệm nội tiết tố nữ định kỳ không?

xét nghiệm nội tiết tố nữ

Quy trình xét nghiệm nội tiết tố nữ bao gồm 7 xét nghiệm nhỏ để kiểm tra chỉ số testosterone, estrogen, progesterone, FSH, AMH, LH và prolactin. Các xét nghiệm này nhằm đánh giá và theo dõi chức năng, tình trạng hoạt động cũng như khả năng dự trữ noãn của buồng trứng. Dựa vào kết quả từ những xét nghiệm này, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe sinh sản của phụ nữ cũng như phát hiện sớm các rối loạn trong nội tiết tố nếu có.

Nữ giới nên thực hiện xét nghiệm nội tiết tố nữ định kỳ 1–2 lần mỗi năm để kiểm tra sức khỏe sinh sản và phát hiện sớm các vấn đề bất thường (nếu có). Ngoài ra, bạn cũng cần xét nghiệm nội tiết tố nữ nếu đang:

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
  • Không có kinh nguyệt (vô kinh nguyên phát) hoặc bị mất kinh trên 3 tháng (vô kinh thứ phát)
  • Trên 35 tuổi
  • dấu hiệu buồng trứng đa nang
  • Thường xuyên mệt mỏi, suy nhược và mất ngủ
  • Ra nhiều mồ hôi
  • Tóc rụng nhiều
  • Tăng cân không kiểm soát
  • Có kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm

Nồng độ nội tiết tố nữ có thể thay đổi trong từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt nên câu hỏi xét nghiệm nội tiết tố nữ vào ngày nào là rất quan trọng. Một số xét nghiệm sẽ cần tiến hành vào khoảng thời gian nhất định để đảm bảo kết quả được chính xác, ví dụ như:

  • Xét nghiệm chỉ số LH và FSH: từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 của chu kỳ kinh nguyệt.
  • Xét nghiệm nồng độ progesterone: từ ngày thứ 21 đến ngày 28 của chu kỳ kinh nguyệt. 
  • Các nội tiết tố AMH, testosterone, estrogen và prolactin có nồng độ khá ổn định nên có thể xét nghiệm vào bất cứ thời điểm nào.

2. Có nên dùng thuốc để cân bằng nội tiết tố không?

Phụ nữ phải trải qua nhiều giai đoạn biến động về nội tiết tố như sinh con, bước qua tuổi 30, tiền mãn kinh và mãn kinh… Những biến động này có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và cả tâm trạng nên không ít chị em cân nhắc việc dùng thuốc nội tiết tố nữ để cải thiện tình trạng. Các loại thuốc nội tiết tố nữ thường thấy là:

  • Viên uống bổ sung estrogen
  • Liệu pháp thay thế hormone
  • Liệu pháp estrogen (ET)
  • Liệu pháp kết hợp (EPT-Estrogen progestin therapy)

Tuy nhiên, thuốc nội tiết tố nữ có thể gây ra một số tác dụng phụ, đặc biệt khi bạn tự ý sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ. Một số tác dụng phụ của thuốc nội tiết tố nữ có thể kể đến là:

  • Tác dụng phụ thường gặp:
    • Choáng váng, xây xẩm, chóng mặt kèm đau đầu kéo dài
    • Ngực bị căng tức, đau đớn
    • Mất kiểm soát cân nặng
    • Sưng phù mu bàn chân hay cẳng chân, kèm hiện tượng chuột rút liên tục vào ban đêm.
    • Chảy máu âm đạo bất thường. 
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: 
    • Xuất hiện khối u ở vú
    • Vú tiết dịch bất thường
    • Các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn…
    • Khó thở, thở không đều, hụt hơi 
    • Vàng mắt, vàng da bất thường
    • Ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các cơ quan sản xuất nội tiết tố như trục hạ đồi, tuyến yên và buồng trứng
    • Hình thành cục máu đông gây tắc mạch, phổ biến là mạch ở chân và động mạch phổi. 

Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc nội tiết tố nữ, bạn cần tránh tự ý dùng thuốc mà cần đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn và kê đơn thuốc.

3. Phụ nữ mãn kinh bị suy giảm nội tiết tố nữ nên uống thuốc gì?

mãn kinh bị suy giảm nội tiết tố nữ nên uống thuốc gì?

Câu hỏi suy giảm nội tiết tố nữ nên uống thuốc gì là thắc mắc thường thấy ở phụ nữ đang gặp phải các vấn đề của giai đoạn mãn kinh. Bạn có thể tham khảo một số cách khắc phục các dấu hiệu mãn kinh khó chịu sau: 

Dùng thuốc bổ sung canxi và vitamin D

Ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, estrogen dễ bị thiếu hụt nên có thể gây ra tình trạng loãng xương. Vậy nên, bạn có thể bổ sung thực phẩm chức năng và các loại thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D để cải thiện tình trạng này.

Nhìn chung, phụ nữ tuổi tiền mãn kinh nên bổ sung khoảng 1000mg canxi còn độ tuổi sau mãn kinh là 1200mg. Đối với vitamin D, phụ nữ tiền mãn kinh nên tiêu thụ khoảng 15 microgram (600 đơn vị quốc tế) và phụ nữ sau mãn kinh nên tiêu thụ khoảng 20 microgram (800 đơn vị quốc tế).

Áp dụng liệu pháp thay thế hormone

Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh sẽ bị suy giảm sản xuất nội tiết tố nữ rõ rệt, khiến lượng estrogen giảm thấp nên sẽ gặp tình trạng bốc hỏa, đổ nhiều mồ hôi… Vậy nên, liệu pháp thay thế hormone giúp bổ sung estrogen có thể là phương pháp cải thiện tình trạng bốc hỏa và các triệu chứng tiền mãn kinh khác khá hiệu quả.

Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng liệu pháp hormone nếu:

  • Có tiền sử mắc bệnh mạch vành và ung thư vú
  • Từng bị đột quỵ hoặc có huyết khối tĩnh mạch
  • Có bệnh lý ở gan
  • Mắc bệnh thiếu máu cục bộ thoáng qua
  • Mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung
  • Bị chảy máu âm đạo bất thường. 

Bổ sung phytoestrogen

Phytoestrogen là các hợp chất có nguồn gốc từ thực vật với đặc tính tương tự estrogen. Một số nghiên cứu cho thấy phương pháp bổ sung phytoestrogen giúp giảm thiểu các cơn bốc hỏa, ngừa loãng xương, điều trị mụn trứng cá và tăng cường sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, bạn cần bổ sung phytoestrogen theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo không gặp tác dụng phụ.

Thắc mắc suy giảm nội tiết tố nữ nên uống thuốc gì còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe mỗi người và mức độ triệu chứng. Để có cách khắc phục suy giảm nội tiết tố nữ an toàn và hiệu quả nhất, bạn cần thăm khám và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

4. Tác dụng của omega-3 với nội tiết tố nữ là gì?

Tác dụng của omega-3 với nội tiết tố nữ

Có rất nhiều nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố nữ và bên cạnh đó cũng có rất nhiều biện pháp được áp dụng để giữ mức độ ổn định nội tiết tố. Một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao có sự kiểm chứng với những tác dụng tích cực đến nội tiết tố nữ đó là sử dụng omega-3.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng omega-3 giúp bổ sung và cân bằng hàm lượng nội tiết tố nữ rất hiệu quả. Thế nhưng tác dụng của omega-3 với nội tiết tố nữ không dừng lại ở đó. Omega-3 còn giúp cải thiện một số dấu hiệu khó chịu do mất cân bằng nội tiết tố như:

  • Cải thiện tình trạng da nhăn, da khô, sạm
  • Hỗ trợ giấc ngủ sâu hơn
  • Khắc phục tình trạng đau đầu, bốc hỏa
  • DHA, EPA, ALA trong omega-3 rất cần thiết cho việc đảm bảo sức khỏe tổng thể từ não bộ, cơ bắp, hệ thần kinh đến mắt… 
  • Vitamin D trong omega-3 giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa tình trạng loãng xương. 

Omega-3 mang đến nhiều lợi ích cho nội tiết tố nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ cũng như liều lượng khuyên dùng của mỗi loại omega-3 để biết liều dùng phù hợp với sức khỏe của bản thân nhé.

5. Chưa mãn kinh nhưng bị rối loạn nội tiết tố nữ phải làm sao?

Tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ dù chưa đến độ tuổi mãn kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như căng thẳng kéo dài, chế độ ăn uống không đầy đủ, thừa cân hay mắc một số bệnh lý. Để có hướng điều trị phù hợp, bạn cần đi khám để xác định cụ thể nguyên nhân gây rối loạn nội tiết của mình. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số phương pháp giúp nâng cao sức khỏe tổng thể để hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ như:

  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Xây dựng thực đơn cân bằng, lành mạnh
  • Vận động thường xuyên, vừa phải
  • Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi
  • Ngủ đủ giấc
  • Cai thuốc lá (nếu bạn đang có thói quen hút thuốc)
  • Điều trị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ (nếu có). 

Bên cạnh các phương pháp cải thiện sức khỏe tổng thể, bác sĩ có thể gợi ý một số lựa chọn điều trị phổ biến bao gồm:

  • Liệu pháp estrogen: Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung liều thấp estrogen đối với những trường hợp bị bốc hỏa hoặc gặp các triệu chứng khó chịu khác do rối loạn nội tiết tố nữ.
  • Liệu pháp hormone tuyến giáp: Trường hợp người bệnh bị suy giáp, việc bổ sung nội tiết tố tuyến giáp tổng hợp levothyroxine (levoxyl, synthroid, unithroid) có thể giúp cân bằng nội tiết tố.
  • Metformin: Metformin là thuốc trị tiểu đường tuýp 2 nhưng có thể giúp điều trị tình trạng buồng trứng đa nang, giảm nồng độ androgen và thúc đẩy rụng trứng.
  • Flibanserin (Addyi) và brasheranotide (Vyleesi): Addyi và Vyleesi là thuốc tiêm được FDA chấp thuận cải thiện ham muốn tình dục. Tuy nhiên, bạn chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ để tránh gặp tác dụng phụ.
  • Eflornithine (Vaniqa): Vaniqa là thuốc dạng kem mua theo toa để giảm nhẹ tình trạng mọc lông mặt ở nữ giới.

6. Có nên dùng thực phẩm chức năng cân bằng nội tiết tố nữ không?

có nên dùng thực phẩm chức năng cân bằng nội tiết tố nữ

Thực phẩm chức năng cân bằng nội tiết tố nữ có thể giúp cải thiện đáng kể những triệu chứng của tình trạng rối loạn nội tiết tố nhưng cũng gây ra một số tác dụng phụ nhất định và không phù hợp với tất cả đối tượng. Vậy nên trước khi dùng, bạn nên chú ý:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ và dùng thuốc theo đúng chỉ định
  • Tuân thủ hướng dẫn sử dụng và liều lượng khuyến nghị của nhà sản xuất
  • Mua thuốc tại những hiệu thuốc uy tín để đảm bảo chất lượng
  • Đi khám sức khỏe tổng quát để phát hiện các bệnh lý có thể gây ra các dấu hiệu rối loạn nội tiết tố. Một số triệu chứng như mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, chóng mặt, suy giảm trí nhớ… cũng có thể do bệnh lý gây ra nên bạn cần khám để có cách điều trị phù hợp.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống đầy đủ, dành thời gian thư giãn, ngủ đủ giấc và vận động thường xuyên.

7. Các bài thuốc Đông Y tăng nội tiết tố nữ là gì? 

Các bài thuốc Đông y cũng có thể giúp bạn điều hòa và cân bằng nội tiết tố nữ cũng như giảm nhẹ các bệnh lý liên quan rất hiệu quả. Nếu đang tìm kiếm các bài thuốc Đông y tăng nội tiết tố nữ, bạn có thể tham khảo các bài thuốc sau:

  • Mầm đậu nành: Mầm đậu nành có chứa isoflavon mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe nói chung, đặc biệt là người có mỡ máu hoặc huyết áp cao. Ngoài ra, isoflavone cũng có thể giúp nữ giới cải thiện tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ estrogen, từ đó hỗ trợ cân bằng nội tiết tố. 
  • Cây trinh nữ: Cây trinh nữ là một vị thuốc Đông y rất thường được dùng trong việc chữa rối loạn nội tiết nữ. Bài thuốc này có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu hụt estrogen, từ đó giảm bớt tình trạng mất kiểm soát về tâm sinh lý.
  • Sữa ong chúa: Sữa ong chúa rất giàu estrogen nên có thể giúp bạn nhanh chóng cân bằng hàm lượng estrogen trong cơ thể. Hơn nữa, sữa ong chúa còn có thể hỗ trợ cải thiện chất lượng trứng để tăng cường sức khỏe sinh sản của nữ giới.
  • Hạt sen: Hạt sen là vị thuốc Đông y không những có tác dụng điều tỳ bổ thận mà còn chữa rối loạn nội tiết tố hiệu quả. 

Bên cạnh các vị thuốc Đông y trên, các thực phẩm từ tự nhiên sau cũng có thể giúp bạn tăng nội tiết tố nữ: 

  • Dầu dừa: Dầu dừa có hàm lượng các hoạt chất chống oxy hóa rất dồi dào nên có thể giúp loại bỏ các gốc tự do, một trong những nguyên nhân gây rối loạn nội tiết nữ.
  • Rong biển: Rong biển rất giàu i ốt giúp kích thích hoạt động của tuyến yên và phục hồi chức năng buồng trứng. Vậy nên, bạn có thể kết hợp nguyên liệu này vào các bữa ăn hằng ngày để cải thiện tình trạng rối loạn nội tiết cũng như hạn chế nguy cơ gặp biến chứng do chứng tăng sinh ở tuyến vú.
  • Bí đỏ: Bí đỏ là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào mang đến nhiều tác dụng như cải thiện vóc dáng, giảm nhẹ tình trạng bốc hỏa, điều hòa khí huyết cũng như làm chậm quá trình lão hóa của da.
  • Táo xanh và nha đam: Táo xanhnha đam đều có tác dụng nhuận tràng, dưỡng da, thanh nhiệt, thải độc và bổ khí huyết. Vì vậy, hai thực phẩm này có thể giúp bạn cân bằng nội tiết nữ, từ đó cải thiện sắc vóc và sức khỏe.
  • Nhãn: Nhãn có thể hỗ trợ ức chế sự hình thành và phát triển của u xơ tử cung đồng thời giúp cải thiện tình trạng rối loạn nội tiết tố, bảo vệ sức khỏe âm đạo và dưỡng da. Bạn có thể ăn nhãn trực tiếp hoặc kết hợp loại trái cây vào các món chè hay canh để thưởng thức.

8. Có nên dùng thuốc nội tiết tố cho phụ nữ cho con bú không? 

Một số loại thuốc nội tiết tố, đặc biệt là những loại có chứa estrogen hoặc progesterone, có thể ức chế hormone quan trọng trong việc kích thích sản xuất sữa mẹ là prolactin. Điều này có thể khiến sữa mẹ bị giảm hoặc thậm chí mất hoàn toàn. 

Bên cạnh đó, thuốc nội tiết tố cũng thể đi vào sữa mẹ, khiến sữa bị đắng và gây ảnh hưởng đến việc bú sữa của bé. Thuốc nội tiết tố đi vào sữa mẹ còn có thể tác động trực tiếp đến cơ thể của bé, dẫn đến các vấn đề như rối loạn phát triển, rối loạn nội tiết tố, tăng nguy cơ ung thư…

Vì những rủi ro trên, việc sử dụng thuốc nội tiết tố khi đang nuôi con bằng sữa mẹ cần có chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ xem xét cụ thể sức khỏe của mẹ và bé cũng như lợi ích và nguy cơ của các loại thuốc nội tiết tố để có lời khuyên phù hợp nhất. 

9. Nên khám nội tiết tố nữ ở đâu?

khám nội tiết tố nữ ở đâu?

Nếu quan tâm đến việc “nên đi khám nội tiết tố nữ ở đâu?”, bạn có thể tham khảo một số địa điểm khám nội tiết tố nữ ở TP.HCM và Hà Nội: 

9.1. Khám nội tiết tố nữ ở đâu tại Hà Nội

Tại Hà Nội, bạn có thể khám nội tiết tố nữ ở các bệnh viện sau.

Bệnh viện nội tiết Trung ương

Địa chỉ

  • Trụ sở chính: Đường Nguyễn Bồ (Ngõ 215 Ngọc Hồi), Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội
  • Chi nhánh: Số 80, Ngõ 82, Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương là cơ sở chuyên khoa đầu ngành về phát hiện và điều trị các bệnh lý liên quan đến nội tiết và rối loạn chuyển hóa trong cả nước. Cơ sở vật chất tại bệnh viện vô cùng đầy đủ với các thiết bị xét nghiệm cần thiết đạt tiêu chuẩn như:

  • Máy tế bào máu ngoại vi Advia
  • Hệ thống máy máu lắng Sedy 40
  • Máy tế bào máu ngoại vi Celltac F
  • Máy đông máu cơ bản Compact X
  • Hệ thống tế bào máu ngoại vi BC 5800.

Bạn có thể thăm khám và làm xét nghiệm tại Khoa Khám bệnh hoặc Khoa Nội tiết của bệnh viện. Tại các khoa này, bạn sẽ được khám lâm sàng để xác định vấn đề sức khỏe và sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm nội tiết phù hợp để bạn thực hiện.

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc

Địa chỉ: 286 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc là bệnh viện tư nhân hoạt động theo mô hình quốc tế có uy tín vô cùng cao tại Hà Nội. Với không giam khám chữa bệnh rộng rãi, tiện nghi cùng nhiều trang thiết bị xét nghiệm nội tiết hiện đại, bạn sẽ được hưởng dịch vụ nhanh gọn và chất lượng cao tại đây.

Để thực hiện xét nghiệm nội tiết tố, bạn có thể đến Chuyên khoa Nội tiết của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Tại đây, bác sĩ khám cận lâm sàng bằng cách đặt câu hỏi cho bạn về bệnh sử và gia đình, các triệu chứng bạn gặp phải, các bệnh lý nền… Với các thông tin này, bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm nội tiết tố thích hợp.

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

Địa chỉ: 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có thế mạnh về dịch vụ xét nghiệm nội tiết tố nữ và nam. Đây là địa chỉ luôn được các chuyên gia đánh giá cao cũng như được người bệnh tin tưởng về chất lượng các xét nghiệm này. 

MEDLATEC được trang bị các thiết bị và phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189:2012 và CAP. Với các thiết bị như Hệ thống phân tích tự động Alinity hay Hệ thống phân tích, xét nghiệm tự động Cobas 8100 – Cobas Pro, quy trình xét nghiệm của MEDLATEC luôn được tự động hóa và giảm thời gian chờ kết quả.

Đặc biệt, MEDLATEC cũng cung cấp dịch vụ xét nghiệm tại nhà để giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Khi bạn đặt lịch, nhân viên y tế của MEDLATEC sẽ đến tận nơi để lấy mẫu và trả kết quả trong thời gian ngắn nhất.

9.2. Khám nội tiết tố nữ ở đâu tại TP.HCM

Các địa chỉ uy tín để khám nội tiết tố nữ ở TP.HCM như sau:

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Địa chỉ: 215 Đ. Hồng Bàng và 201 Đ. Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là địa chỉ uy tín hàng đầu về khám và điều trị các vấn đề về nội tiết tố nữ tại TP.HCM. 

Phân khoa Nội tiết của bệnh viện này không chỉ được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại mà còn có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Đến với khoa Nội tiết của Bệnh viện Đại học Y Dược, bạn sẽ được hưởng dịch vụ thăm khám nhanh gọn, chi phí hợp lý mà lại có chất lượng cao.

Bệnh viện Chợ Rẫy

Địa chỉ: 201B Đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh

Khoa Nội tiết của Bệnh viện Chợ Rẫy là cơ sở thăm khám các vấn đề nội tiết hàng đầu và uy tín cao tại Việt Nam. Với cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm tốt, bạn sẽ được tận hưởng dịch vụ chất lượng, nhanh gọn với chi phí vô cùng hợp lý.

Bệnh viện Quốc tế City

Địa chỉ: Đường Số 17A, Bình Trị Đông B, Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh viện Quốc tế City là đơn vị chuyên thăm khám và điều trị mọi vấn đề về nội tiết tố nữ từ đơn giản đến phức tạp. Khoa Nội tiết của Bệnh viện Quốc tế City luôn cung cấp dịch vụ xét nghiệm nội tiết tố uy tín và chất lượng. Với trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài, bạn sẽ có được chăm sóc tận tâm với chi phí hợp lý.

Nội tiết tố nữ là tác nhân quan trọng quyết định sức khỏe tổng thể của phụ nữ, từ sức khỏe sinh sản đến tâm lý, sinh lý đến sắc vóc. Vậy nên, việc cân bằng nội tiết bằng cách ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi và thư giãn khoa học là rất quan trọng để đảm bảo bạn có cuộc sống chất lượng đấy.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hormones https://my.clevelandclinic.org/health/articles/22464-hormones Ngày truy cập 23/03/2025

Estrogen https://my.clevelandclinic.org/health/body/22353-estrogen#conditions-and-disorders Ngày truy cập 23/03/2025

Progesterone https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=167&ContentID=progesterone Ngày truy cập 23/03/2025

Total Testosterone https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=167&ContentID=testosterone_total Ngày truy cập 23/03/2025

Low Estrogen Levels in Menopause https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=85&ContentID=P00559 Ngày truy cập 23/03/2025

Menopause https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menopause/symptoms-causes/syc-20353397  Ngày truy cập 23/03/2025

Postpartum depression https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/symptoms-causes/syc-20376617 Ngày truy cập 23/03/2025

5 cách cân bằng nội tiết tố chị em cần biết https://bvquan5.medinet.gov.vn/chuyen-muc/5-cach-can-bang-noi-tiet-to-chi-em-can-biet-c14478-128395.aspx Ngày truy cập 23/03/2025

Phiên bản hiện tại

15/04/2025

Tác giả: Vũ Thị Quỳnh Như

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan

avatar

Được đánh giá bởi: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Vũ Thị Quỳnh Như · Ngày cập nhật: 15/04/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo