backup og meta

Dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ: Cách nhận biết bạn không nên bỏ qua!

Dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ: Cách nhận biết bạn không nên bỏ qua!

Việc bị suy giảm nội tiết tố nữ là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ hormone estrogen để duy trì sự khỏe mạnh và cân bằng. Nồng độ estrogen trong cơ thể quá thấp có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến sức khỏe phụ nữ, chẳng hạn như nguy cơ mắc bệnh tim mạch, loãng xương, béo phì… Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ để điều trị là rất quan trọng.

Việc bị suy giảm nội tiết tố nữ thực chất không khó nhận biết. Tình trạng này thường được điều trị bằng liệu pháp estrogen hoặc liệu pháp hormone thay thế. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống, cách ăn uống và tập luyện cũng góp phần cải thiện nồng độ hormone estrogen.

Vai trò của hormone estrogen đối với cơ thể

Hormone estrogen còn được gọi là nội tiết tố nữ vì cơ thể sản xuất nồng độ hormone này ở phụ nữ cao hơn so với nam giới. Hormone estrogen giữ vai trò:

  • Quyết định và chịu trách nhiệm về sự phát triển của các đặc tính sinh dục nữ khi đến tuổi dậy thì, bao gồm phát triển ngực, mọc lông mu, hành kinh…
  • Kiểm soát sự phát triển của niêm mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt và khi bắt đầu mang thai. Estrogen phối hợp với progesteron tạo thành kinh nguyệt và điều hòa kinh nguyệt.
  • Tăng sinh các ống dẫn sữa và và phát triển mô mỡ để giúp ngực phát triển to hơn khi dậy thì hoặc mang thai.
  • Duy trì ham muốn và khả năng tình dục ở phụ nữ.
  • Tham gia vào quá trình chuyển hóa cholesterol bằng cách nâng mức cholesterol tốt trong máu để giúp bạn chống lại các bệnh về tim mạch.
  • Lưu giữ canxi trong xương và ngăn ngừa mất canxi. Qua đó góp phần ngăn ngừa nguy cơ loãng xương.
  • Estrogen còn giúp điều tiết dung nạp thức ăn, trọng lượng cơ thể, chuyển hóa glucose và độ nhạy insulin.

Nguyên nhân gây suy giảm nội tiết tố nữ

dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ

Trước khi tìm hiểu về dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ estrogen, việc xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng cần được quan tâm. Estrogen được sản xuất chủ yếu trong buồng trứng. Do đó, bất cứ vấn đề nào xảy ra đối với buồng trứng cũng ảnh hưởng đến nồng độ estrogen. Phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản có thể suy giảm nội tiết tố nữ là do:

  • Vận động, tập luyện thể dục thể thao quá mức
  • Rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn hoặc ăn kiêng khắc nghiệt
  • Rối loạn tuyến yên hoặc tuyến yên hoạt động kém
  • Người mắc hội chứng Turner hoặc hội chứng Fragile X
  • Suy buồng trứng sớm do di truyền hoặc các bệnh tự miễn dịch
  • Bệnh nhân đang áp dụng các phương pháp hóa trị, xạ trị cũng có nguy cơ suy giảm estrogen.

Mặt khác, tuổi tác cũng góp phần gây suy giảm nội tiết tố nữ estrogen. Bởi vì theo thời gian, buồng trứng của bạn ngày càng sản xuất ít hormone estrogen hơn. Ở phụ nữ trên 40 tuổi, estrogen thấp thường là dấu hiệu sắp mãn kinh. Thời gian chuyển tiếp này được gọi là tiền mãn kinh. Nói cách khác, cơ thể sẽ sản xuất estrogen ít dần ở giai đoạn tiền mãn kinh và dừng lại khi bạn đến tuổi mãn kinh.

Dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ

Bé gái ở lứa tuổi dậy thì hoặc phụ nữ sắp mãn kinh là những đối tượng có nguy cơ suy giảm nồng độ estrogen. Thế nhưng, tình trạng này cũng không ngoại lệ với một số phụ nữ trẻ. Các dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ bao gồm:

  • Da khô, xuất hiện nếp nhăn, chảy xệ
  • Âm đạo khô hoặc teo, giảm khả năng tiết dịch dẫn đến dễ viêm nhiễm, nhiễm trùng tiểu, đau rát khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn
  • Rối loạn kinh nguyệt, chẳng hạn như kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh
  • Vòng 1 mềm ra, thiếu sự săn chắc
  • Nhức đầu trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt
  • Tăng cân, dư thừa mỡ bụng
  • Mệt mỏi, khó ngủ
  • Xuất hiện các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm
  • Tâm trạng thất thường, cáu kỉnh, lo âu, khó tập trung.

Ngoài ra, có thể bạn chưa biết rằng estrogen sẽ kết hợp với canxi, vitamin D và các khoáng chất để giữ cho xương chắc khỏe. Do đó, nếu bạn nhận thấy xương yếu, giòn dẫn đến dễ gãy xương thì đây cũng là một trong những dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ. Thêm vào đó, một số trường hợp thiếu hụt estrogen nghiêm trọng có thể góp phần gây vô sinh nên cần lưu ý.

Giải pháp cải thiện tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ

dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ

Việc được chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe ở phụ nữ. Vì vậy, nếu phát hiện các dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ estrogen kể trên, bạn nên đi khám để được điều trị đúng phương pháp. Tùy thuộc vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng liệu pháp estrogen hoặc liệu pháp thay thế hormone.

Song song đó, bạn cũng có thể kết hợp điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống để cải thiện nồng độ estrogen thấp. Các giải pháp bao gồm:

Duy trì cân nặng phù hợp

Thiếu cân là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến suy giảm hormone. Do đó, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất để đảm bảo nhận đủ lượng calo và nguồn dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày. Nếu có thắc mắc, bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về cách xây dựng chế độ ăn uống và đảm bảo đạt được số cân phù hợp.

Không nên tập thể dục quá sức

Thói quen vận động hoặc tập thể dục thể thao quá khắc nghiệt với cường độ mạnh có thể gây giảm lượng estrogen. Nếu đây là nguyên nhân chính khiến bạn suy giảm nội tiết tố nữ thì việc điều tiết lại cường độ tập luyện sẽ có ích cho quá trình điều trị.

Ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ, ngủ ít là một trong những nguyên nhân gây mệt mỏi, mất tập trung và thậm chí và là suy giảm nội tiết tố nữ. Do đó, bạn cần lưu ý về việc ngủ đủ giấc từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm và duy trì thói quen vệ sinh giấc ngủ tốt. Điều này sẽ giúp cơ thể được nạp đủ năng lượng đáp ứng quá trình sản xuất hormone.

Cố gắng kiểm soát căng thẳng

Ngoài việc ăn uống, tập luyện điều độ và cải thiện giấc ngủ, chị em cũng nên cố gắng kiểm soát căng thẳng nếu có dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ. Việc kết hợp các kỹ thuật giảm căng thẳng (yoga, thiền…) vào thói quen hàng ngày của bạn sẽ đem lại lợi ích cho sức khỏe tổng thể lẫn nội tiết tố của bạn.

Có thể bạn quan tâm: Thiếu hụt estrogen: Nguyên nhân, hệ quả và hướng điều trị

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Are the Symptoms of Low Estrogen in Women and How Are They Treated?

https://www.healthline.com/health/womens-health/low-estrogen-symptoms Truy cập ngày 11/07/2022

Low Estrogen

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22354-low-estrogen#:~:text=Low%20estrogen%20can%20affect%20your,sexual%20desire%20and%20hot%20flashes. Truy cập ngày 11/07/2022

Could you have low estrogen

https://www.healthywomen.org/content/article/could-you-have-low-estrogen Truy cập ngày 11/07/2022

Low Estrogen Levels in Menopause

https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=85&ContentID=P00559 Truy cập ngày 11/07/2022

About Hormone Imbalance

https://womeninbalance.org/about-hormone-imbalance/ Truy cập ngày 11/07/2022

Phiên bản hiện tại

11/07/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ độ tuổi có kinh nguyệt: Những điều bạn cần biết!

"Điểm mặt" 11 bệnh phụ nữ thường gặp khi mãn kinh


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 11/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo