backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Táo xanh (táo ta): Loại trái cây quen thuộc với nhiều công dụng chữa bệnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 05/03/2024

    Táo xanh (táo ta): Loại trái cây quen thuộc với nhiều công dụng chữa bệnh

    Táo ta (hay táo xanh) không chỉ là loại trái cây bổ dưỡng mà còn có nhiều tác dụng chữa bệnh. Táo xanh được biết là loại trái cây chứa hàm lượng vitamin C cao hơn nhiều so với cam, quýt, táo tây, táo tàu. Nó cũng được sử dụng từ lâu đời trong y học cổ truyền để giúp an thần, chữa hồi hộp, mất ngủ, trị đau dạ dày, làm đẹp, chống lão hóa,…Cùng tìm hiểu nhé!

    Tên thường gọi: Táo ta, táo xanh, táo chua

    Tên khoa học: Ziziphus mauritiana Lam.

    Họ: Táo (Rhamnaceae)

    Tổng quan

    Đặc điểm thực vật của táo ta

    Táo ta – nhiều nơi gọi là táo xanh hay táo chua, là loại trái cây vô cùng quen thuộc với người Việt. Táo xanh thuộc loại cây bụi, thân gỗ, mọc thẳng, chiều cao có thể lên tới 9​m. Thân có vỏ nứt nẻ. Cành mọc lòa xòa, rủ xuống, có gai nhỏ, sắc và thẳng. Lá mọc so le, phiến lá hình bầu dục hoặc hình trứng. Khác với táo tàu, lá táo ta được phủ lông dày ở cuống và mặt dưới. Mặt trên lá có màu xanh lục thẫm, gân lá hiện rõ và bề mặt bóng, xung quanh mép có các răng cưa sắc nhọn. Mặt dưới lá có màu hung nhạt. 

    Hoa màu vàng, trắng hoặc trắng xanh, mỗi hoa có 5 cánh và mọc thành từng cụm. Quả hạch có đường kính từ 3 – 6cm, hình trứng ngược, vỏ mỏng, màu xanh và có thể chuyển sang vàng hoặc nâu đỏ. Quả có hương thơm dễ chịu, giòn và vị ngọt. Bên trong quả có chứa 1 hạt hình oval thuôn dài, cứng, hơi xù xì, kích thước khoảng 6mm.

    Phân bố

    Táo xanh phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á, Úc, Trung Quốc. Ở nước ta, táo xanh được trồng ở khắp nơi để lấy quả hoặc mọc hoang ở các bụi rậm.

    Bộ phận dùng của táo ta

    quả táo ta

    Quả của cây được dùng để làm thực phẩm. Lá, vỏ cây và hạt táo ta làm thuốc.

    Nhân của hạt táo phơi khô, sao vàng trong y học cổ truyền được gọi là toan táo nhân. Toan táo nhân khi được sao đen, tán bột để làm dược liệu và được gọi là hắc táo nhân.

    Cách thu hái, chế biến, bảo quản

    Quả được thu hái chủ yếu vào mùa Đông. Quả táo bắt đầu chín vào tháng 11, 12. Khi vỏ quả chuyển sang màu vàng là có thể thu hoạch được. Nếu thu hoạch quá sớm khi quả còn non thì khi ăn sẽ còn vị đắng, nhớt, còn quả già sẽ có vị chua nhiều do lên men.

    Khi dùng, đập vỡ vỏ hạt lấy nhân (toan táo nhân). Có thể dùng trực tiếp hoặc phơi, sấy khô, sao đen. Toan táo nhân sử dụng để ngâm rượu, sắc uống,…Nếu dùng trực tiếp phải dùng liều thấp do hạt táo sống có độc tính, qua quá trình bào chế sẽ làm giảm bớt được lượng độc tính của hạt táo.

    Bảo quản ở nơi thoáng mát.

    Thành phần hóa học

    Táo ta có chứa vitamin C, vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, vitamin P (flavonoid), đường, chất xơ, chất đạm, acid hữu cơ, canxi, phốt pho, sắt, magie, mangan,…

    Nhân hạt có chứa protein, chất béo, vitamin A và flavonoid.

    Lá chứa cyclopeptide alkaloid, flavonoid, saponin, sterol và triterpene.

    Tác dụng, công dụng

    Táo xanh có tác dụng gì?

    Theo y học cổ truyền

    Tính vị:

    • Quả táo ta có vị ngọt thanh, hơi chua, tính hơi nóng.
    • Toan táo nhân (hạt táo ta sao đen) có vị ngọt, tính bình.

    Quy kinh: Táo nhân quy vào các kinh Đởm, Can, Tỳ và Tâm.

    Tác dụng: Nhuận tràng, an thần, trừ đờm, thanh nhiệt, giải độc,… Toan táo nhân có tác dụng dưỡng tâm, bổ âm liễm hãn.

    Chủ trị: Trong y học cổ truyền, nhân hạt táo dùng để an thần, chữa chứng hồi hộp, mất ngủ, đánh trống ngực, suy nhược thần kinh, trẻ em hay đổ mồ hôi trộm hoặc người lớn đổ nhiều mồ hôi, ho lâu ngày, tiêu hóa kém, táo bón,… 

    Theo kinh nghiệm dân gian trên thế giới: 

    • Lá táo: điều trị áp xe, tiêu chảy, lậu, viêm miệng, loét giang mai, sốt thương hàn, sưng tấy, vết thương cũng như hen suyễn, béo phì, sốt, bệnh bạch cầu và các bệnh về gan.
    • Quả táo: sử dụng như một loại thuốc giảm đau, chữa lành vết thương, thuốc an thần, thuốc trị ung thư và thuốc bổ. Quả dùng điều trị mất cân bằng nhiệt, chứng khát nước, hội chứng suy mòn, nôn mửa, táo bón, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, bệnh phong, bệnh bạch cầu, vết thương và loét.
    • Rễ: điều trị sự mất cân bằng liên quan đến nhiệt trong cơ thể, đau đầu, sốt, loét và vết thương.
    • Vỏ cây: điều trị các tình trạng như mụn nhọt, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm nướu và loét. 
    • Hạt: điều trị bệnh hen suyễn, cảm giác nóng rát, ho, tiêu chảy, bệnh não, mất ngủ, bệnh mắt, mất cân bằng nhiệt và nôn mửa.

    Theo y học hiện đại

    táo ta có tác dụng gì?

    • Lượng vitamin C trong táo ta cao hơn 7 – 10 lần so với cam quýt và khoảng 100 lần so với táo tàu. Ăn thịt quả có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, nuôi dưỡng làn da và ngăn ngừa lão hóa. 
    • Chiết xuất từ nước ép táo xanh dùng sản xuất thành các sản phẩm chăm sóc da. Công dụng là làm giảm nếp nhăn, khô, đỏ, sưng, khắc phục làn da bị cháy nắng và giúp da luôn khỏe đẹp.
    • Táo ta có thể kích thích sản sinh hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu và giảm triệu chứng của bệnh gout.
    • Các nguyên tố vi lượng trong táo xanh như phốt pho, magie, canxi,… có tác dụng duy trì sức khỏe răng miệng và xương khớp.
    • Acid chlorogenic trong táo ta chữa đau dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và tăng cảm giác ngon miệng.
    • Flavonoid (vitamin P) trong dược liệu này có tác dụng an thần, giảm mệt mỏi, cải thiện các tình trạng trầm cảm, mất ngủ và cáu gắt.
    • Quả, lá và hạt táo ta đã được báo cáo là có hoạt tính chống oxy hóa.
    • Vỏ và cùi của cây được phát hiện có tác dụng gây độc tế bào chống lại nhiều dòng tế bào ung thư khác nhau.
    • Lá sử dụng trong điều trị vết thương, áp xe, tiểu đường, tiêu chảy, lậu, huyết áp cao và bệnh gan. Saponin chiết xuất từ lá táo ta đã được chứng minh tiềm năng chống oxy hóa và trị bệnh tiểu đường. 
    • Lá táo ta chữa đau dạ dày: Chiết xuất từ lá có tác dụng chống loét dạ dày.
    • Chiết xuất từ hạt cho thấy hiệu quả chống ung thư và trị tiểu đường.

    Cách dùng – liều dùng

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng sản phẩm.

    Cách dùng: dùng trực tiếp, sắc uống, nấu cháo,… 

    Liều dùng:

    • Nếu sử dụng thịt táo, có thể dùng lượng lớn. 
    • Nếu dùng nhân hạt táo, người lớn uống 15-20 hạt (tương đương với 0,8g-1,8g) thì có công hiệu. Dùng quá liều có thể bị trúng độc, mất tri giác, hôn mê. 
    • Nếu dùng hạt sao đen (hắc táo nhân) có thể sử dụng 4-12g/ngày. Nên sử dụng toan táo nhân kết hợp với các vị thuốc có tác dụng định tâm an thần khác để hiệu quả điều trị mất ngủ được đảm bảo cao nhất.

    Một số bài thuốc có chứa táo ta

    Bài thuốc từ lá táo ta

    • Bài thuốc chứa táo ta chữa ho suyễn: Chuẩn bị khoảng 200 – 300g lá táo. Rửa sạch, sao vàng và đem sắc uống. Chia làm 2 lần, uống trước khi ăn 1 giờ.
    • Bài thuốc chứa táo ta chữa ho mạn tính hoặc ho gà: Thành phần gồm lá dâu tằm, lá chanh và lá táo, mỗi thứ từ 200 – 300g. Đem sắc uống, ngày dùng từ 2 – 3 lần.
    • Bài thuốc trị chứng tăng huyết áp: Chuẩn bị 100 – 200g lá táo sắc uống hằng ngày trong nhiều tháng.
    • Bài thuốc chữa mụn nhọt có mủ: Dùng cao lá táo dán trực tiếp lên nhọt và dùng nước sắc lá táo rửa vết thương.
    • Bài thuốc chữa bệnh đường miệng: Dùng lá táo tươi đun lấy dịch chiết đặc, thêm ít muối và ngậm để súc miệng. Bài thuốc này có tác dụng chữa viêm họng, viêm amidan và ngăn ngừa các bệnh ở đường hô hấp trên.
    • Bài thuốc giúp tóc đen bóng và mọc nhanh hơn: Chuẩn bị bột từ lá táo trộn với nước cho nhão rồi thoa lên da đầu.

    Bài thuốc từ táo nhân

    bài thuốc từ táo ta

    • Bài thuốc chữa suy nhược thần kinh và mất ngủ: Chuẩn bị: tâm sen 6g, cam thảo 4g, phục linh 5g, ngải tượng, hắc táo nhân mỗi thứ 8g. Đem các vị sắc lấy nước uống, chia thành 3 lần dùng sau khi ăn. Mỗi ngày dùng 1 thang liên tục trong 2 – 3 tuần.
    • Bài thuốc bồi bổ can thận: Chuẩn bị: thục địa, mạch môn và hà thủ ô chế mỗi thứ 12g và táo nhân 8g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang và uống liên tục trong 2 – 3 tuần.
    • Bài thuốc chữa chứng bồn chồn, bất an, hoảng hốt và lo âu: Chuẩn bị: mạch môn, liên nhục, long nhãn, thảo quyết minh (sao đen), thục địa mỗi thứ 12g và hắc táo nhân 6g. Đem các vị sắc lấy nước uống, chia thành 3 lần uống và dùng khi nước còn ấm. Ngày dùng 1 thang liên tục trong 2 – 3 tuần.
    • Bài thuốc chữa mồ hôi trộm: Chuẩn bị: phục linh, nhân sâm và hắc táo nhân mỗi thứ bằng lượng nhau. Đem các dược liệu tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 10g uống với nước cháo. Lưu ý: Nếu bị chứng khó ngủ, bạn nên dùng thuốc vào buổi sáng.
    • Bài thuốc chữa hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, người yếu mệt và hay phiền muộn: Chuẩn bị: tri mẫu và phục linh mỗi thứ 12g, xuyên khung và cam thảo mỗi thứ 8g, hắc táo nhân sao đen 20g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
    • Bài thuốc chữa suy nhược thần kinh, biếng ăn, hay quên và người mệt mỏi: Chuẩn bị: xương bồ, viễn chí nướng mỗi thứ 8g, phục linh, đảng sâm mỗi thứ 12g, cam thảo 4g và toan táo nhân sao 16g. Sắc uống hằng ngày.
    • Bài thuốc chữa chứng đổ nhiều mồ hôi, mất ngủ, lao phổi và hay sốt về chiều: Chuẩn bị: gạo tám thơm 63g, sinh địa 20g và táo nhân sao 20g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
    • Bài thuốc chữa bồn chồn, kích động, đau nhức chân tay, mất ngủ và hồi hộp: Chuẩn bị: gạo tẻ 200g, nước thục địa hoàng 100g và táo nhân 60g. Sắc táo nhân lấy nước, vớt bỏ bã và thêm gạo vào nấu cháo. Khi cháo chín nhừ cho thục địa vào, đun sôi và dùng ăn nhiều lần trong ngày.
    • Bài thuốc giúp kích thích tăng xúc cảm: Chuẩn bị: gạo tẻ và hạt táo ta sao, tán bột mỗi thứ 15g. Nấu cháo, dùng ăn khi đói.
    • Bài thuốc chữa chứng ra mồ hôi khi ngủ: Chuẩn bị: phục linh, nhân sâm và táo nhân mỗi thứ bằng lượng nhau. Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng từ 12 – 16g, hòa tan với nước cháo và ăn khi còn nóng.
    • Bài thuốc trị tim đập nhanh, đánh trống ngực, người hồi hộp và mất ngủ: Chuẩn bị: gạo nếp 100g, táo nhân, thiên môn đông và mạch môn đông mỗi thứ 10g. Đem các dược liệu sắc lấy nước, vớt bỏ bã và thêm gạo vào nấu cháo. Khi ăn, thêm ít đường và ăn khi còn nóng.
    • Bài thuốc trị chứng đau đầu mất ngủ: Chuẩn bị: hạt táo ta sao cháy 15g và long nhãn 12g. Cho nguyên liệu vào chén, thêm nước và đun cách thủy, ăn hàng ngày.
    • Bài thuốc trị gai đâm vào bên trong thịt: Chuẩn bị: hạt của táo ta, đem đốt tồn tính và tán bột. Dùng 8g uống với nước.
    • Bài thuốc trị mất ngủ, xương nóng âm ỉ, tâm phiền và cốt chưng: Chuẩn bị: hạt táo ta sao đen và tán bột 40g, 1 chén nước cốt sinh địa. Đem bột hạt táo ngâm với nước rồi vắt lấy nước cốt, đem nấu với gạo thành cháo và thêm nước cốt sinh địa vào. Khuấy đều, nấu cho chín và ăn khi nóng.

    Bài thuốc từ quả táo ta

    • Bài thuốc chữa chứng suy giảm trí nhớ: Chuẩn bị 100g quả táo ta, hầm với 500ml nước cho đến khi còn lại 250ml, thêm mật ong vào và uống mỗi ngày trước khi ngủ.
    • Bài thuốc chữa cảm lạnh và cảm cúm: Quả táo ta tươi ép lấy nước, thêm 1 ít bột tiêu và uống 1 lần/ngày cho đến khi khỏi.
    • Bài thuốc chữa các bệnh về dạ dày: Chuẩn bị một lượng quả táo ta vừa đủ. Gọt vỏ và đem xay nhuyễn, ăn vào sáng sớm khi bụng đói. Không sử dụng thức ăn trong 5 giờ kể từ khi uống bài thuốc này.

    Lưu ý, thận trọng khi dùng

    Khi ăn hoặc dùng táo xanh như dược liệu, bạn nên lưu ý những thông tin sau:

    • Phân biệt táo ta với táo rừng, táo tàu, táo mèo.
    • Khi dùng hạt táo xanh, cần sao đen và giã nát. Dùng hạt táo còn sống có thể gây đầy bụng, trướng bụng hoặc ngộ độc. Thậm chí, hạt táo sống còn có tác dụng ngược lại đó là gây mất ngủ.
    • Không dùng dược liệu toan táo nhân cho người mộng tinh, nhiều đờm, người có thực tà khí uất hóa hỏa và người bị tiêu chảy.
    • Táo ta có nhiều công dụng tốt nhưng ăn nhiều dễ gây mụn nhọt, khó đại tiện và làm chậm quá trình tiêu hóa. Vì vậy, nên ăn xen kẽ với các loại trái cây khác để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
    • Ở một số nước, theo y học cổ truyền, hạt táo ta được sử dụng để điều trị đau bụng, buồn nôn và nôn trong thai kỳ. Tuy nhiên, thai phụ vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về liều phù hợp nếu muốn áp dụng phương pháp điều trị này. Đã có nghiên cứu chứng minh hạt táo gây nên hiện tượng tăng kích thích co bóp tử cung trên chuột thí nghiệm.
    • Táo ta có hoạt tính làm giảm lượng đường trong máu, do đó, phải thận trọng khi dùng cho bệnh nhân tiểu đường đang dùng thuốc trị đái tháo đường.
    • Tránh sử dụng táo xanh khi đang dùng thuốc an thần vì có thể làm tăng thêm tác dụng an thần.
    • Đừng nhầm toan táo nhân (hạt quả táo ta ăn) với hạt quả cây keo hay bồ kết dại Leucaena glauca có nơi người ta cũng gọi là nam toan táo nhân vì trông 2 hạt gần giống nhau.
    • Lá táo dùng qua đường uống có thể gây độc tính thấp, hạ huyết áp nhẹ, làm giảm hiện tượng co mạch, tăng nhu động ruột.

    Táo ta quen thuộc như một loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng nhưng bên cạnh đó, nó còn là một vị thuốc với nhiều công dụng trị bệnh. Cả rễ, vỏ thân, lá, quả và hạt đều được dùng từ lâu đời trong y học cổ truyền ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi sử dụng táo xanh để trị bệnh, đặc biệt là nhân hạt (toan táo nhân) nên hết sức cẩn thận và cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn, cũng như có liều dùng hợp lý vì rất nguy hiểm nếu dùng quá liều.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 05/03/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo