backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Khối u tuyến giáp ít có khả năng là ung thư tuyến giáp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 25/12/2019

    Khối u tuyến giáp ít có khả năng là ung thư tuyến giáp

    U tuyến giáp được chia thành 2 loại: u lành tính là u không gây bệnh ung thư tuyến giáp và có chức năng tiết ra hormone tuyến giáp để hỗ trợ hoạt động của các bộ phận cơ thể khác. Loại này chiếm tỷ lệ 90%. Số 10% còn lại là u ác tính có khả năng gây bệnh ung thư hoặc các bệnh tuyến giáp nguy hiểm khác.

    U tuyến giáp là gì?

    U tuyến giáp là những khối u có quá trình tăng trưởng từ từ, bắt đầu từ bề mặt tế bào lót bên trong tuyến giáp. Bản thân khối u tuyến giáp cũng có khả năng tiết ra đủ hormone tuyến giáp. Trường hợp dư thừa hormone sẽ gây bệnh cường giáp.

    Bệnh cường giáp do khối u tuyến giáp có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc cắt bỏ một phần tuyến giáp.

    Triệu chứng u tuyến giáp

    Hầu hết các nốt u tuyến giáp không gây ra triệu chứng nghiêm trọng. Một số người có thể thấy hơi khó khăn khi nuốt đồ ăn hoặc thức uống. Cảm giác dễ nhận thấy nhất là đau nhẹ hoặc có áp lực trong cổ họng. Bên cạnh đó, một số người khác có thể nhìn thấy cục u ở cổ khi soi gương nhưng điều này không phổ biến.

    Triệu chứng phổ biến khác của bệnh là giảm cân nhanh ngoài ý muốn, thường xuyên thấy hồi hộp và nhịp tim không đều.

    Những nguyên nhân khiến u tuyến giáp xuất hiện

    Y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra khối u này nhưng chúng thường có sự liên quan mật thiết với các yếu tố sau:

    ⇒ Thiếu chất iốt.

    ⇒ Bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động mạnh, sản sinh hormone giáp nhiều hơn mức cơ thể cần).

    ⇒ Bệnh hashimoto (một dạng khác của bệnh suy giáp hoặc tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả).

    ⇒ Bệnh ung thư tuyến giáp.

    U tuyến giáp có phải là biểu hiện của ung thư tuyến giáp không?

    Hình ảnh khối u tuyến giáp

    Thông thường, u tuyến giáp được phát hiện qua những lần thăm khám sức khỏe định kỳ. Ở những trường hợp khác, khi bạn gặp một trở ngại sức khỏe nào đó ở phần đầu, ngực hoặc cổ, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiên một hoặc vài thủ tục xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng u giáp và nguyên nhân khiến khối u xuất hiện.

    Hầu như bệnh nhân có u tuyến giáp nào cũng quan tâm đến câu hỏi: “Đó có phải là ung thư tuyến giáp không?”. Để xác định điều này, bác sĩ sẽ tiếp tục yêu cầu bạn làm nhiều xét nghiệm khác nhau. Một trong số đó là thủ tục “hút mô kim châm”. Khi đó, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô từ tuyến giáp của bạn và kiểm tra chúng dưới kính hiển vi để xem chúng có phải là tế bào ung thư hay không. Mẫu mô được lấy bằng một mũi kim rất nhỏ đúng như tên gọi của phương pháp xét nghiệm này.

    Một xét nghiệm khác bạn có thể làm là siêu âm. Thủ tục này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về hình dạng tuyến giáp và kích thước của các nốt sần. Nó cũng có thể giúp bác sĩ xác định xem nốt sần đó là u rắn (nhân cứng) hay u nang (nhân là chất lỏng).

    Loại xét nghiệm thứ 3 là quét tuyến giáp. Ở thủ tục này, bác sĩ sẽ tiêm iốt phóng xạ vô hại vào tĩnh mạch ở cánh tay của bạn. Tuyến giáp sẽ hấp thụ lượng iốt này rồi phát sáng theo phản ứng hóa học để bác sĩ chụp ảnh bằng thiết bị y tế chuyên dụng. Thông qua ảnh chụp, bác sĩ có thể có kết luận sơ bộ về trạng thái và tính chất nguy hiểm của các nốt sần dựa vào mức độ iốt thể hiện trong hình.

    Không phải 100% trường hợp u giáp là biểu hiện của bệnh ung thư tuyến giáp. Theo thống kê, chỉ 10% số người có u tuyến giáp mắc bệnh ung thư. Tỷ lệ này cao hơn ở những người đã trải qua quá trình điều trị một bệnh lý nào đó bằng phương pháp bức xạ ở khu vực đầu, cổ hoặc ngực. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp cũng có thể xảy ra ở những người không có bất kỳ yếu tố rủi ro nào vừa nêu.

    Hầu hết những ca ung thư tuyến giáp đều có thể chữa khỏi bằng phương pháp điều trị thích hợp. Ban đầu, ung thư tuyến giáp sẽ xuất hiện dưới dạng nốt đơn nhỏ sần sùi trong tuyến giáp. Nếu nốt sần đó có thêm những dấu hiệu như tăng trưởng nhanh, bên trong là chất rắn thay vì chất lỏng thì rất có thể đó là khối u ác tính. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần tiến hành thêm nhiều thủ tục y khoa cần thiết.

    Tôi có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách nào?

    Điều đáng tiếc là y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh u giáp. Vì thế, hầu như chúng ta không có cách gì để chủ động ngăn ngừa sự xuất hiện của chúng. Tuy nhiên, thiếu iốt là một trong những nguyên nhân lớn khiến u tuyến giáp xuất hiện. Vì thế, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ iốt có trong muối ăn, các sản phẩm từ sữa, thịt, hải sản…

    U tuyến giáp gây ra những khó khăn gì trong cuộc sống thường ngày?

    newsletter banner

    hình ảnh u tuyến giáp

    Đa số những người có khối u tuyến giáp đều có thể duy trì cuộc sống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, họ cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn để theo dõi diễn biến và tình trạng khối u.

    Ở một số trường hợp, khối u có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn khi nuốt hoặc thở. Nó cũng có tác động lớn đến cân nặng của người bệnh. Khi đó, họ cần phối hợp điều trị tích cực để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này.

    Nếu khối u là triệu chứng của bệnh ung thư tuyến giáp thì có nhiều khả năng bạn phải làm phẫu thuật. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần lớn hoặc cả tuyến giáp của bạn. Sau đó, bạn phải uống hormone thay thế tuyến giáp hàng ngày trong suốt phần đời còn lại.

    Điều trị khối u tuyến giáp

    Đa phần những bệnh nhân có u tuyến giáp lành tính không chọn cách điều trị ở bệnh viện mà chỉ tự quan sát, theo dõi khối u tại nhà. Dù các khối u có thể tự biến mất hoặc giữ nguyên kích thước nhưng đây không phải là hình thức điều trị tích cực. Bệnh nhân vẫn cần phải được bác sĩ kiểm tra sức khỏe định kỳ khoảng 3-6 tháng/lần để theo dõi sự phát triển của khối u. Nếu trong một thời gian dài, khối u không lớn thêm thì lúc đó bạn mới hoàn toàn yên tâm.

    Các hình thức điều trị u tuyến giáp khác bao gồm dùng hormone, iốt phóng xạ, tiêm ethyl (ethanol) để thu nhỏ rồi triệt tiêu nốt u dần dần. Nếu những loại thuốc trên vẫn không loại bỏ được khối u thì có thể bạn cần phải tiến hành phẫu thuật.

    Các loại thực phẩm có lợi cho bệnh nhân u tuyến giáp

    Thực phẩm cho người bị u tuyến giáp

    Không chỉ u tuyến giáp, những vấn đề khác liên quan đến sức khỏe tuyến giáp có thể được hóa giải nhờ các loại thực phẩm bạn sử dụng hàng ngày. Bạn có thể tham khảo và thường xuyên bổ sung những loại thực phẩm sau:

    Rong biển: Đây là một trong những loại thực phẩm giàu iốt để hỗ trợ tuyến giáp hoạt động. Bạn có thể dùng rong biển làm gỏi, nấu canh hoặc làm salad ăn 1 lần/tuần.

    ♥ Trứng: Ngoài iốt, trứng còn có nhiều hàm lượng selen. Đây là một chất dinh dưỡng khác có lợi cho tuyến giáp.

    ♥ Sữa chua và các chế phẩm từ sữa: Hàm lượng canxi, iốt và những dưỡng chất khác trong sữa chua hoặc các chế phẩm từ sữa sẽ giúp tuyến giáp của bạn khỏe mạnh hơn.

    Thịt gà hoặc thịt bò: Thịt là nguồn cung cấp kẽm dồi dào. Kẽm là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động của tuyến giáp.

    ♥ Các loại quả mọng: Chất chống oxy hóa có trong các loại quả mọng như dâu tây, dâu đen, nho, việt quất, mận, sơ ri có khả năng chống lại các gốc tự do gây hại. Ở những người gặp các vấn đề về tuyến giáp, gốc tự do hoạt động khá mạnh mẽ.

    Trương Phương Đài / HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 25/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo