backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi: Không đơn giản chỉ là chỉnh hình

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 30/07/2021

Phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi: Không đơn giản chỉ là chỉnh hình

Phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi bao lâu mới lành hay mổ vẹo vách ngăn mũi bao lâu thì lành… là câu hỏi mà rất nhiều người bị lệch vách ngăn mũi cần điều trị bằng phẫu thuật quan tâm. 

Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu những thông tin xoay qua thủ thuật y khoa này để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Tìm hiểu chung

Phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi là gì?

Phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi là một thủ thuật để làm thẳng xương và sụn phân chia không gian giữa hai lỗ mũi (vách ngăn). Tình trạng vách ngăn bị vẹo được gọi là vách ngăn lệch. Tình trạng vách ngăn lệch có thể làm người bệnh khó thở bằng mũi và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng xoang do khả năng thoát dịch kém.

Mục đích của phẫu thuật là đặt lại vị trí vách ngăn mũi vào trung vị, tại đường giữa của hai bên mũi. Phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi làm thẳng vách ngăn mũi bằng cách cắt tỉa, tái định vị và thay thế sụn, xương. Sau khi phẫu thuật thành công và hồi phục, người bệnh sẽ dễ thở hơn.

Những ai có thể thực hiện phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi?

Vẹo vách ngăn mũi là tình trạng phổ biến, đa phần do bẩm sinh hoặc chấn thương. Trong trường hợp quá nghiêm trọng, vách ngăn bị lệch có thể chặn một bên mũi, chắn lối dẫn khí, gây khó thở qua một hoặc cả hai bên lỗ mũi. Về lâu dài, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch, trí nhớ cũng như năng suất làm việc. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể mắc viêm mũi, viêm xoang. Vách ngăn mũi bị vẹo trong thời gian dài không được điều trị còn có thể tạo ra điểm kích thích bên trong hốc mũi, khiến tình trạng viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn trầm trọng hơn nếu có. Người bệnh cũng sẽ bị giảm chức năng khứu giác.

Nếu gặp các triệu chứng như khó thở qua mũi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như trên, người bệnh có thể cân nhắc thực hiện phẫu thuật chỉnh hình vẹo vách ngăn mũi hay thường được gọi là mổ vẹo vách ngăn mũi. 

Điều cần thận trọng

Rủi ro của phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi là gì?

Tương tự bất kỳ cuộc phẫu thuật chỉnh hình nào, phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi cũng tiềm ẩn các rủi ro như chảy máu, nhiễm trùng và phản ứng bất lợi với thuốc gây mê. Ngoài ra còn có những nguy cơ cụ thể khác là:

  • Không thuyên giảm những tình trạng trước phẫu thuật, chẳng hạn như tắc nghẽn đường mũi
  • Chảy máu quá nhiều
  • Thay đổi hình dạng của mũi
  • Xuất hiện lỗ trên vách ngăn
  • Giảm khứu giác
  • Xuất hiện cục máu đông bên trong không gian mũi cần dẫn lưu
  • Tê tạm thời ở nướu trên, răng hoặc mũi

Người bệnh có thể cần phẫu thuật bổ sung để điều trị một số biến chứng hoặc khi kết quả của phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi không như mong đợi.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi lên lịch phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi, bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về lợi ích và rủi ro của phẫu thuật. Bác sĩ có thể hỏi về các thông tin sau:

  • Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về các tình trạng bệnh trong quá khứ và hiện tại, cũng như bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào mà người bệnh đang dùng.
  • Khám lâm sàng và cận lâm sàng: Người bệnh sẽ thực hiện một bài kiểm tra thể chất cũng như các xét nghiệm liên quan. Bác sĩ sẽ kiểm tra da, bên trong và bên ngoài mũi.
  • Hình ảnh: Người bệnh sẽ được chụp ảnh mũi từ các góc độ khác nhau. Bác sĩ sử dụng những hình ảnh này để thảo luận trước khi phẫu thuật hoặc để tham khảo trong và sau khi phẫu thuật.
  • Kết quả mà người bệnh mong đợi: Người bệnh nên thẳng thắn trình bày mong muốn, bác sĩ sẽ giải thích những lợi ích từ phẫu thuật, cũng như những kết quả ngoài khả năng. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá tình trạng của người bệnh và dự đoán kết quả.

Trước khi thực hiện

Người bệnh cần tránh các loại thuốc có chứa aspirin hoặc ibuprofen (như Advil, Motrin IB) trước và sau khi phẫu thuật. Những loại thuốc này có thể gây khó cầm máu. Do đó, người bệnh chỉ nên dùng thuốc được bác sĩ phẫu thuật phê duyệt hoặc kê toa.

Không ăn hoặc uống vào buổi sáng ngày thực hiện phấu thuật. Hãy đến viện cùng người thân để được hỗ trợ như đưa đón sau khi hoàn thành ca mổ.

Nếu có hút thuốc, hãy ngừng hút. Hút thuốc làm tăng nguy cơ biến chứng trong và sau phẫu thuật cũng như giảm tốc độ hồi phục. Để giảm nguy cơ chảy máu, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc làm loãng máu nào trong 1 tuần trước khi phẫu thuật. Nếu có dùng, người bệnh nên thảo luận với bác sĩ. 

Trong khi thực hiện

Phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi làm thẳng vách ngăn mũi bằng cách cắt tỉa, tái định vị và thay thế sụn hoặc xương (hoặc cả hai). Bác sĩ phẫu thuật sẽ sắp xếp lại vách ngăn thông qua các vết mổ bên trong mũi. Nếu cần, bác sĩ có thể phải rạch một đường nhỏ giữa lỗ mũi.

Nếu xương mũi bị vẹo và đẩy vách ngăn sang một bên, bác sĩ sẽ cần thực hiện các vết cắt trong xương mũi để định vị lại chúng. Việc phẫu thuật có thể cần dùng một dải sụn nhỏ để ghép, gia cố, giúp điều chỉnh vách ngăn bị lệch.

Trong khi thực hiện

Người bệnh có thể được gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân, tùy thuộc vào mức độ phức tạp của phẫu thuật cũng như quyết định từ bác sĩ. Hãy thảo luận với bác sĩ trước để chọn phương thức tốt nhất cho mình.

Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng chỉ khâu tự tiêu. Nẹp silicon mềm có thể được chèn vào bên trong mỗi lỗ mũi để hỗ trợ vách ngăn. Để ngăn ngừa chảy máu sau phẫu thuật, bác sĩ có thể đặt gạc cầm máu vào hốc mũi. 

Sau khi phẫu thuật, người bệnh được chuyển đến phòng hồi sức để theo dõi nếu có biến chứng. Người bệnh có thể về nhà trong cùng ngày phẫu thuật. Lưu ý hãy nhờ người thân đi cùng hỗ trợ vì có thể thuốc mê vẫn còn tác dụng.

Một ca phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi có thể kéo dài từ 30 – 90 phút. 

Sau khi thực hiện

Để tiếp tục cầm máu và giảm sưng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tuân theo các biện pháp phòng ngừa trong vài tuần sau khi phẫu thuật. Tùy thuộc vào độ khó của ca phẫu thuật, người bệnh cần thực hiện một số hoặc tất cả các biện pháp sau:

  • Giữ đầu cao hơn vai khi ngủ.
  • Không được xì mũi trong vài tuần.
  • Không hút thuốc, uống rượu.
  • Tránh mặc các trang phục cần tròng qua đầu. Hãy mặc áo hay váy có nút, dây kéo phía trước hoặc sau.  
  • Tránh các hoạt động thể chất nặng như thể dục nhịp điệu và chạy bộ trong tối đa 5 tuần.
  • Hạn chế đám đông, tránh lây nhiễm các bệnh qua đường hô hấp

Kết quả của phẫu thuật

Kết quả của phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi là gì?

Nhiều người thắc mắc mổ vách ngăn mũi bao lâu mới lành hay mổ vẹo vách ngăn mũi bao lâu thì lành? Câu trả lời là sau phẫu thuật, người bệnh có thể mất từ 3 tháng đến 1 năm để sụn và mô trong mũi ổn định hoàn toàn thành hình dạng mới. Hầu hết các trường hợp người bệnh đều cảm thấy phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi giúp cải thiện triệu chứng khó thở. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sụn và mô mũi tiếp tục dịch chuyển theo thời gian và cuối cùng sẽ chặn luồng không khí qua mũi một lần nữa. Lúc này, người bệnh có thể cần thực hiện phẫu thuật lần hai để định hình lại mũi và vách ngăn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 30/07/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo