backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

9 mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và lưu ý cần nhớ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 20/12/2023

    9 mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và lưu ý cần nhớ

    Nghẹt mũi là vấn đề khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bên cạnh việc tuân thủ những hướng dẫn điều trị của bác sĩ, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh để giúp bé mau khỏi bệnh.

    Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ gợi ý cho bạn 9 mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh an toàn, hiệu quả.

    Có nên áp dụng mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh không?

    Nghẹt mũi là một triệu chứng phố biến và thường không gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh nhưng thường khiến bé cảm thấy khó chịu. Do đó, nhiều cha mẹ thường áp dụng các mẹo trị nghẹt mũi cho bé được nhiều người truyền tai nhau. Thế nhưng, liệu những biện pháp này có an toàn và hiệu quả không?

    Thực tế, có một số mẹo dân gian trị nghẹt mũi mà bạn không nên tự ý áp dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Điều này là do những phương pháp này chưa được kiểm chứng về độ an toàn và hiệu quả, có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho bé, chẳng hạn như khiến bệnh trở nặng hoặc dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

    Chính vì vậy, cha mẹ cần nhận thức rõ những mẹo dân gian trị nghẹt mũi nào nên áp dụng cho bé. Trong trường hợp vẫn còn băn khoăn về vấn đề này, bạn có thể tham khảo 9  mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh mà Hello Bacsi tổng hợp được.

    Tổng hợp 9 mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 

    Tùy vào tác nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe hiện tại của bé mà bạn có thể áp dụng một trong số các mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới dây:

    1. Dùng nước muối sinh lý

    mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh

    Nước muối sinh lý được đánh giá là an toàn với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giúp làm loãng dịch nhầy mũi, sát khuẩn vùng mũi ngoài, từ đó hỗ trợ cải thiện tình trạng nghẹt mũi hiệu quả.

    Để dùng nước muối sinh lý làm sạch mũi cho bé, bạn chỉ cần nhỏ một vài giọt vào từng bên mũi của bé, sau đó dùng dụng cụ hút mũi để hút chất nhầy ra.

    Lưu ý

    Không nhỏ quá nhiều nước muối sinh lý trong mỗi lần rửa mũi để tránh gây khô niêm mạc mũi cho bé.

    2. Sử dụng tinh dầu tràm kháng khuẩn

    Một trong những mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh được nhiều người tham khảo là dùng tinh dầu tràm. Dầu tràm được cho là có khả năng ức chế các vi trùng độc hại, hỗ trợ điều trị nghẹt mũi, ho, cảm lạnh.

    Để dùng dầu tràm chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh, hãy nhỏ 1-2 giọt tinh dầu lên khăn quàng cổ hay lên vai áo hoặc gối để bé có thể hít thở mùi tinh dầu.  

    3. Massage mũi cho bé

    Một cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà bạn không nên bỏ qua là massage mũi cho bé. Khi trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, việc massage vùng mũi và mặt có thể giúp làm loãng chất nhầy và thông xoang. Hơn nữa, biện pháp này còn làm cho bé cảm thấy thư giãn, thoải mái.

    Khi massage, bạn dùng đầu ngón tay xoa nhẹ nhàng vùng mũi, lông mày, thái dương và xương gò má của bé. Nếu có thời gian, bạn cũng có thể massage chân tóc và phần dưới đầu cho con.

    4. Mẹo dân gian dùng hơi nước ấm chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 

    mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh

    Nếu bạn thắc mắc “Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao?”, hãy tận dụng lợi ích của hơi nước ấm. Việc hít thở hơi nước ấm có thể làm loãng dịch mũi, giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi hiệu quả.

    Bạn có thể tắm cho bé bằng nước ấm hoặc bế con ngồi xông hơi với nước ấm. Điều cần chú ý là nhiệt độ của nước không được quá nóng (không quá 37 độ C) để tránh khiến trẻ bị bỏng.

    5. Điều chỉnh tư thế ngủ

    Một trong những mẹo chữa nghẹt mũi cho trẻ nhỏ là điều chỉnh lại tư thế ngủ của bé. Bạn có thể dùng khăn mềm gấp lại rồi kê cao phần đầu cho bé.

    Với cách làm này, nước mũi sẽ chảy xuống vùng họng của trẻ, không bị ứ đọng trong mũi, khắc phục được tình trạng nghẹt mũi, giúp bé ngủ ngon hơn.

    Lưu ý

    Cách trị nghẹt mũi này chỉ áp dụng cho trẻ trên 2 tuổi để hạn chế nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (SSID).

    6. Chườm ấm tai là mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ 

    Đây cũng là một cách chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được nhiều người tin dùng. Theo y học cổ truyền, vì lỗ tai thông với mũi và có nhiều dây thần kinh nhỏ nối giữa hai bộ phận này, nên khi chườm ấm vùng tai, nhiệt độ cao sẽ giúp mũi được thông thoáng, bé ngủ ngon giấc.

    Để chườm ấm tai cho bé trị nghẹt mũi, bạn có thể dùng khăn thấm nước ấm, vắt ráo rồi đặt hai bên tai của trẻ trong 5-10 phút.

    7. Vỗ nhẹ vùng lưng

    mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh

    Một mẹo dân gian khác giúp chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được cho là an toàn và hiệu quả là vỗ vào lưng của bé. Hành động này có thể giúp long đờm, lỏng chất nhầy trong ngực bé, hỗ trợ trẻ ho ra đờm dễ dàng hơn.

    Cách vỗ lưng đúng cách cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như sau:

    • Bước 1: Đặt trẻ nằm ngang đầu gối của bạn hoặc đỡ bé ngồi lên đùi bạn với cơ thể bé nghiêng về phía trước khoảng 30 độ.
    • Bước 2: Khum bàn tay lại rồi vỗ nhẹ nhàng vào lưng của bé.

    8. Cải thiện chất lượng không khí

    Không khí khô có thể khiến trẻ khó thở hơn, không có lợi đối với tình trạng nghẹt mũi. Để cải thiện triệu chứng này, bạn cần tạo độ ẩm cho không khí xung quanh môi trường sống của bé. Bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm không khí để làm dịu triệu chứng nghẹt mũi của trẻ. 

    Ngoài ra, một số tác nhân gây kích ứng đường hô hấp có thể khiến bé bị nghẹt mũi, chẳng hạn như hóa chất, nước hoa, khói thuốc lá… Hãy tìm xem nguyên nhân trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có phải do những tác nhân dị ứng này hay không. Nếu có, bạn nên cố gắng loại bỏ những dị nguyên này ra khỏi môi trường sống của bé.

    9. Mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Thoa dầu lên lòng bàn chân

    Việc sử dụng dầu thoa vào lòng bàn chân của bé là một mẹo trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh được nhiều người áp dụng. Theo dân gian, lòng bàn chân có liên quan mật thiết đến nhiệt độ cơ thể cũng như sức khỏe hệ hô hấp. Do đó, điều quan trọng là cần giữ ấm bàn chân cho trẻ.

    Thoa dầu khuynh diệp vào lòng bàn chân bé có thể giúp giữ ấm chân, giảm nguy cơ cảm lạnh. Bạn có thể massage lòng bàn chân của bé nhẹ nhàng với dầu khuynh diệp trong 1-2 phút. Lưu ý là không dùng quá nhiều dầu để tránh gây rát da bé.

    Bạn có thể quan tâm:

    Lưu ý khi áp dụng mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh

    mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh

    Như vậy là bạn đã biết được những mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ an toàn và hiệu quả. Mặc dù những biện pháp này khá lành tính, nhưng cha mẹ vẫn nên cẩn trọng khi thực hiện, đồng thời lưu ý những điều sau:

    • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng những cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại nhà.
    • Không lạm dụng các mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ vì có thể đưa đến những tác dụng phụ không mong muốn.
    • Không bao giờ tự ý cho trẻ sơ sinh dùng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
    • Không áp dụng những mẹo chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo đường uống. Nguyên nhân là vì hệ tiêu hóa của bé còn non yếu, chỉ có thể dung nạp sữa mẹ hoặc sữa công thức.
    • Nếu tình trạng nghẹt mũi trở nặng hoặc trẻ xuất hiện các triệu chứng mới, bạn cần đưa bé đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
    • Điều quan trọng là chủ động phòng ngừa những yếu tố dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, chẳng hạn như bụi bẩn, khói thuốc lá… Hãy che chắn cẩn thận cho bé mỗi khi ra ngoài và giữ ấm cơ thể trẻ trong những ngày trời trở lạnh.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được 9 mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh. Những biện pháp trên tuy là an toàn và hiệu quả, nhưng bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 20/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo