backup og meta

Sốt siêu vi nên ăn gì để mau khỏi: Mẹ chăm con bệnh nên biết

Sốt siêu vi nên ăn gì để mau khỏi: Mẹ chăm con bệnh nên biết

Nếu biết rõ trẻ bị sốt siêu vi nên ăn gì, bạn cần thay đổi chế độ ăn cho bé ngay. Bởi việc ăn đúng, đủ chất theo những gợi ý sau sẽ giúp bé hồi phục nhanh chóng.

Bổ sung những thực phẩm phù hợp khi trẻ bị sốt siêu vi hay mắc bệnh là việc rất quan trọng. Điều này sẽ góp phần tăng cường sức đề kháng cho trẻ, từ đó nhanh đẩy lùi virus ra khỏi cơ thể. Nếu muốn biết trẻ bị sốt siêu vi nên ăn uống gì thì Hello Bacsi mời bạn hãy theo dõi những thông tin sau nhé.

Cần hiểu rõ về bệnh trước khi biết trẻ bị sốt siêu vi nên ăn gì

Sốt siêu vi là những trường hợp sốt do virus gây nên. Phần lớn bệnh sẽ tự khỏi sau 3 – 7 ngày và không gây nguy hiểm nhiều đến tính mạng như sốt xuất huyết.

Nếu bị sốt siêu vi, trẻ thường có biểu hiện sốt rất cao theo từng đợt, thân nhiệt có thể lên đến 37 – 38°C thậm chí 40 – 41°C kèm biểu hiện nhức đầu, đau cơ, mắt đỏ, chảy nước mũi, viêm đường hô hấp…

Khi tấn công vào cơ thể còn non yếu của bé, virus cần thời gian ủ bệnh để gia tăng số lượng và gây nhiễm trùng. Do đó, trước khi để virus có thời gian phát triển về số lượng, bạn hãy cho bé tiêu thụ những thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch để trẻ mau khỏi bệnh.

Khi trẻ có hệ miễn dịch kém, trẻ sẽ thường hay bị ốm và thời gian khỏi cũng sẽ kéo dài hơn những trẻ có sức đề kháng khỏe mạnh. Vì thế, mẹ cần luôn theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời giúp trẻ tăng cường đề kháng, giảm nguy cơ ốm vặt.

Trẻ bị sốt siêu vi nên ăn gì?

Sốt siêu vi nên ăn gì là thắc mắc rất phổ biến của nhiều bậc cha mẹ khi chăm sóc trẻ. Dưới đây là những thực phẩm, dưỡng chất mà bạn cần bổ sung cho trẻ trong giai đoạn này:

1. Sữa mẹ – Nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Với các bé nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ sẽ là nguồn dưỡng chất tốt nhất, giúp trẻ bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao hệ miễn dịch và nhanh khỏi bệnh nhờ các thành phần như chất đạm, lactose, HMOs, chất béo, nucleotides…

Nếu trẻ thường hay sốt và mắc bệnh vặt, mẹ nên đưa trẻ đi khám để được kiểm tra sức khỏe hệ miễn dịch. Thông thường, trẻ sinh mổ sẽ có hệ miễn dịch yếu hơn so với trẻ sinh thường vì không được tiếp xúc với lợi khuẩn tại âm đạo của mẹ cũng như cơ hội được bú sữa mẹ cũng ít hơn.8

2. Thực phẩm nhiều nước

Khi cơ thể bị nhiễm virus, cách tốt nhất để hồi phục là tống chúng ra khỏi cơ thể. Và nước là chìa khóa để loại bỏ độc chất và virus.

Với các bé dưới 6 tháng, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Do đó, khi bé bị sốt siêu vi, mẹ không cần phải cho bé ăn trái cây hay bổ sung bất kì thực phẩm nào khác mà nên cho bé cho bú mẹ càng nhiều càng tốt nhằm củng cố hàng rào miễn dịch cho trẻ.

Với những bé lớn, không còn bú mẹ, bạn cũng có thể cho bé uống nước lọc hoặc dùng nước trái cây tươi, trà ấm, súp gà, cháo loãng, nước hầm rau củ với thịt gà… để cung cấp đủ nước cho cơ thể.

3. Trẻ bị sốt siêu vi nên ăn gì? Đừng bỏ qua Trái cây tươi mẹ nhé

trẻ bị sốt siêu vi nên ăn uống gì dưa hấu

Một số loại trái cây như cam, quýt, bưởi, dâu tây, dưa hấu, dứa, kiwi rất giàu lượng vitamin C, chất chống oxy hóa hiệu quả, rất tốt cho hệ miễn dịch. Ngoài ra, chuối cũng là trái cây có thể giúp cơ thể bé bù lại kali bị mất do nôn ói hay đổ mồ hôi quá nhiều khi bị sốt.

Đặc biệt, các loại trái cây thuộc họ cam quýt còn có chứa hợp chất flavonoid, có vai trò làm giảm tình trạng viêm sưng trong cơ thể và tăng cường chức năng của các tế bào miễn dịch.

4. Probiotics

Nghiên cứu cho thấy ăn thực phẩm giàu probiotics mỗi ngày với nhiều lợi khuẩn có thể làm giảm tình trạng sốt ở trẻ em. Bạn có thể giúp bé bổ sung probiotics bằng cách cho bé ăn hoặc uống sữa chua. Không những ngăn sự phát triển của vi trùng gây bệnh nói chung mà những thực phẩm như vậy còn rất có lợi cho hệ tiêu hóa nữa đấy.

Đối với các bé còn bú mẹ, sữa mẹ sẽ là nguồn cung cấp cho trẻ các chủng lợi khuẩn tốt cho đường ruột như Bifidobacterium (BB-12) để giúp củng cố hệ tiêu hóa của bé, từ đó hệ miễn dịch của trẻ sẽ mạnh khỏe hơn và cơn sốt siêu vi sẽ nhanh khỏi.5,6,7

5. Sốt siêu vi nên ăn gì? Trả lời bạn đó là thực phẩm giàu protein

Bạn có biết thực phẩm giàu protein sẽ giúp tăng cường thêm năng lượng cho hệ miễn dịch để chống lại virus trong cơ thể bé hay không? Bởi thế bạn nên chế biến những món giàu đạm nhưng mềm và dễ tiêu hóa cho bé như trứng, cá hấp, thịt gà mềm, thịt nạc băm nhuyễn nấu cháo và đặc biệt là súp gà. Món súp gà chẳng những dễ ăn mà còn bổ sung chất lỏng và mang lại nhiều dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Nhiều người còn nhận thấy tác dụng của súp gà trong việc làm sạch chất nhầy ở mũi rất hiệu quả.

6. Tỏi

tỏi giúp tăng sức đề kháng

Từ thời xa xưa, tỏi nổi tiếng là thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và có tính kháng khuẩn, kháng viêm và chống virus rất tốt. Lợi ích này đến từ Allicin – thành phần đặc biệt có trong tỏi. Không những vậy, Allicin còn thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch giúp cơ thể đẩy lùi tình trạng sốt siêu vi. Lời khuyên là hãy thêm tỏi vào các món ăn của bé để tăng cường sức đề kháng cho con.

7. Rau lá xanh

Bao giờ các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn cũng nằm trong danh mục những món được khuyên dùng cho người bệnh. Vậy nên, trẻ bị sốt siêu vi nên ăn uống gì thì mẹ hãy cho con dùng ngay những loại rau này nhé. Thành phần của rau này thường đặc trưng bởi các chất chống oxy hóa nên có tác dụng chống viêm, đồng thời bảo vệ cơ thể trẻ trước những đợt “công kích” của virus gây bệnh.

Hy vọng những chia sẻ trên của Hello Bacsi đã giúp bạn “bỏ túi” thêm vài thông tin hữu ích về cách chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi. Nếu bạn vẫn còn đang phân vân bé yêu bị sốt siêu vi nên ăn gì thì đừng ngần ngại thử ngay những thực phẩm kể trên nhé. Chúc bé yêu của bạn sớm khỏi bệnh!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. The Role of Two Human Milk Oligosaccharides, 2′-Fucosyllactose and Lacto-N-Neotetraose, in Infant Nutrition https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6629589/ Ngày truy cập: 21/3/2022

2. Human Milk Oligosaccharides: Health Benefits, Potential Applications in Infant Formulas, and Pharmacology https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7019891/ Ngày truy cập: 21/3/2022

3. Dietary Nucleotides – Nutrition https://www.novocib.com/Nucleotide_Analysis_Services.html Ngày truy cập: 21/3/2022

​​4. What’s In Breast Milk? https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/first-year-of-life/whats-in-breastmilk/ Ngày truy cập: 21/3/2022

5. Bifidobacterium animalis subsp. lactis BB-12 in reducing the risk of infections in early childhood https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26372517/ Ngày truy cập: 21/3/2022

6. Bifidobacteria and Their Role as Members of the Human Gut Microbiota https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4908950/ Ngày truy cập: 21/3/2022

7. How your Gut Affects your Immune System: A Symbiotic Relationship https://gilbertlab.com/immune-system/gut-microbiome-symbiosis/ Ngày truy cập: 21/3/2022

8. Vaginal birth vs. C-Section: Pros & cons https://www.livescience.com/45681-vaginal-birth-vs-c-section.html Ngày truy cập: 21/3/2022

9. Ray, C., Kerketta, J. A., Rao, S., Patel, S., Dutt, S., Arora, K., Pournami, F., & Bhushan, P. (2019). Human milk oligosaccharides: The journey ahead. International Journal of Pediatrics, 2019, 1–8. https://doi.org/10.1155/2019/2390240 Ngày truy cập: 21/3/2022

10. Ding, T., Song, G., Liu, X., Xu, M., & Li, Y. (2021). Nucleotides as optimal candidates for essential nutrients in living organisms: A Review. Journal of Functional Foods, 82, 104498. https://doi.org/10.1016/j.jff.2021.104498 Ngày truy cập: 21/3/2022

11. How-to-break-a-fever-in-a-toddler https://www.livestrong.com/article/529513-how-to-break-a-fever-in-a-toddler/ Ngày truy cập 24/02/2022

12. Best Foods For Viral Fever Patients  https://www.boldsky.com/health/disorders-cure/2015/top-best-foods-for-viral-fever-patients-083637.html Ngày truy cập 24/02/2021

Phiên bản hiện tại

28/03/2023

Tác giả: Mai Hồ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Thảo Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 28/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo