backup og meta

Hướng dẫn pha sữa bột cho bé đúng cách, giúp giữ trọn dưỡng chất

Hướng dẫn pha sữa bột cho bé đúng cách, giúp giữ trọn dưỡng chất

Nuôi con bằng sữa mẹ là hình thức được các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo. Tuy nhiên, nếu chẳng may gặp phải một vấn đề nào đó khiến bạn không thể cho con bú sữa mẹ, thì sữa công thức có thể là một lựa chọn thay thế. Vậy, làm thế nào để pha sữa bột cho bé đúng chuẩn?

Một trong những khó khăn của những người lần đầu làm cha mẹ là việc pha sữa cho con. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ chia sẻ kiến thức về tất tần tật những điều cần biết khi pha sữa bột cho bé, bao gồm cách chuẩn bị dụng cụ pha sữa bột, lượng sữa bé cần, cách pha sữa và những lưu ý cần nhớ để trẻ được phát triển tốt nhất có thể.

Lượng sữa bột bé nên uống trong từng giai đoạn

Trước khi biết được quy trình pha sữa công thức đúng cách cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn cần ghi nhớ lượng sữa bột cần thiết cho bé mỗi ngày như sau:

  • Trẻ từ 5 ngày đến 3 tháng tuổi: Bé cần khoảng 150 ml sữa bột trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ví dụ, bé nặng 3 kg sẽ cần 450 ml sữa công thức mỗi ngày.
  • Trẻ 3-6 tháng tuổi: Bé cần khoảng 120 ml sữa trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
  • Trẻ 6-12 tháng tuổi: Bé cần khoảng 90-120 ml sữa trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.

Đối với trẻ sinh non, bé cần được uống một lượng sữa nhiều hơn. Vào thời gian đầu, bé cần khoảng 160 – 180 ml sữa trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.

Nếu bạn lo lắng trẻ có vấn đề về khả năng ăn uống hoặc mắc các rối loạn tăng trưởng và phát triển, hãy đưa bé đến bác sĩ.

Hướng dẫn pha sữa bột cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

1. Chuẩn bị dụng cụ pha sữa bột

Để pha sữa bột cho bé, mẹ hãy chuẩn bị các dụng cụ pha sữa cho bé, bao gồm:

  • Sữa bột
  • Nước sạch
  • Bình sữa
  • Núm vú
  • Thiết bị khử trùng và các hóa chất để có thể khử trùng.

2. Cách pha sữa bột cho bé

Bước 1: Khử trùng dụng cụ pha sữa bột

Bước đầu tiên trong quy trình pha sữa bột là khử trùng dụng cụ pha sữa cho bé, bao gồm rửa thật sạch và tiêu diệt vi trùng trên tất cả các dụng cụ pha sữa. Đây là bước rất quan trọng, bạn tuyệt đối không được bỏ qua.

Để khử trùng dụng cụ pha sữa, bạn làm như sau:

  • Rửa tất cả các thiết bị trong nước ấm và xà phòng.
  • Dùng cọ rửa bình để cọ sạch tất cả dấu vết còn lại của sữa rồi rửa sạch lại với nước.
  • Khử trùng dụng cụ pha sữa bằng máy tiệt trùng, hơi nước hoặc đun sôi các dụng cụ…

Lưu ý


  • Hơi nước có thể gây bỏng da nghiêm trọng, vì vậy hãy cẩn thận khi đun sôi hoặc xông hơi các thiết bị.
  • Đặt tất cả các thiết bị ngoài tầm với của trẻ em.
  • Tránh các thao tác xử lý không cần thiết lên thiết bị khử trùng và không chạm vào bề mặt bên trong của bình hoặc núm vú cao su.

Bước 2: Vệ sinh và khử khuẩn tay trước khi pha sữa

cách pha sữa bột cho trẻ

Nếu bạn đang thắc mắc về cách pha sữa bột đúng chuẩn cho bé, đừng bỏ qua bước rửa tay thật sạch. Không những thế, bạn cũng cần vệ sinh kỹ khu vực chuẩn bị pha sữa cho bé để bảo đảm vệ sinh an toàn cho con.

Bước 3: Đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì

Cách pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể khác nhau tùy thuộc vào loại sữa trẻ uống. Do đó, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì để biết được lượng nước và lượng sữa phù hợp với độ tuổi của bé.

Hãy tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất một cách nghiêm ngặt, vì sự chính xác về lượng sữa khi pha giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất quan trọng cho trẻ. Việc thay đổi tỷ lệ pha sữa chỉ nên được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra hạn sử dụng dưới đáy hộp sữa hoặc trên bao bì để đảm bảo sữa bột không phải là sữa quá hạn. Đồng thời, cần chú ý pha hết sữa trong vòng một tháng kể từ ngày mở miếng thiếc. Sau một tháng, hãy bỏ hộp sữa dù còn hạn sử dụng hay không.

Bước 4: Đun sôi nước

Bạn không nên pha sữa bột cho bé bằng nước nguội đã để lâu. Hãy đun sôi nước sạch trong ấm đun hoặc nồi trước khi tiến hành pha sữa cho bé.

Sau đó, hãy để nước nguội ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, bạn không nên để nước sôi ở ngoài nhiệt độ phòng lâu hơn 30 phút trước khi pha sữa cho trẻ sơ sinh, bởi nước nóng giúp diệt vi khuẩn (những mầm bệnh) ẩn trong sữa bột.

cách pha sữa bột cho bé

Bước 5: Pha sữa bột đúng cách

  • Đổ lượng nước nóng cần thiết vào bình đúng với tỷ lệ pha sữa bột.
  • Sử dụng muỗng đo lường có sẵn trong hộp sữa để đong chính xác lượng sữa theo hướng dẫn. Gạt lượng sữa bột sao cho vừa bằng ngang miệng muỗng.
  • Đổ sữa bột vào bình đựng nước nóng, đậy nắp bình.
  • Lắc bình sữa cho đến khi bột sữa tan đều.

Những điều cần lưu ý khi pha sữa bột cho bé

1. Không dùng lượng sữa còn sót lại

Bạn chỉ nên pha một chai mỗi lần cho bé uống vì mầm bệnh có thể dễ dàng phát triển trong sữa đã được pha chế và trữ trong thời gian dài. 

Bạn hãy sử dụng chai mới cho mỗi lần cho bé uống sữa. Nếu bé uống không hết, bạn có thể uống phần còn lại hoặc vứt bỏ toàn bộ sữa còn thừa sau mỗi lần bé uống. Đừng bao giờ cho bé dùng sữa còn thừa bởi vì sữa này có thể chứa vi khuẩn (vi trùng) và có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh.

2. Không pha trộn thêm thức ăn khác vào sữa bột

Đừng cho thêm các loại thực phẩm khác chẳng hạn như ngũ cốc dành cho em bé vào trong sữa. Nếu bạn nghĩ rằng bé cần nhiều thức ăn hơn với so với bình thường, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định trộn thực phẩm khác vào sữa.

hướng dẫn pha sữa bột cho bé

3. Ở cạnh bên khi bé ăn

Bữa ăn là thời gian để bạn và bé được ở bên nhau và trò chuyện. Hãy để bé ở gần, ngay đối diện với bạn khi bạn cho bé uống sữa. Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị và vui vẻ cho bạn và bé.

Đừng đặt bé lên giường với chai sữa và để bé tự uống một mình. Điều này rất nguy hiểm bởi bé có thể bị nghẹt thở. Ngoài ra, trẻ em lớn hơn thường xuyên được cho ăn theo cách này có nhiều khả năng bị viêm tai giữa sâu răng.

4. Không bao giờ làm ấm bình sữa trong lò vi sóng

Mặc dù cách làm này có thể làm sữa ấm một cách nhanh chóng, nhưng nhiệt độ trong lò vi sóng rất cao, có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Không những thế, biện pháp này cũng không an toàn vì không thể làm nóng chai một cách đồng đều. Những “điểm nóng” trong bình sữa có thể khiến bé bị bỏng miệng.

Để làm ấm bình sữa, bạn có thể thả chai vào một nồi nước nóng (không đun sôi) trong vòng 10 phút.

5. Kiểm tra nhiệt độ sữa trong bình trước khi cho bé uống

Bạn hãy kiểm tra nhiệt độ sữa bằng cách nhỏ một ít sữa vào cổ tay và cảm nhận nhiệt độ bằng da bạn. Nếu sữa quá nóng, hãy làm mát chai dưới vòi nước mát hoặc ngâm chai trong thùng chứa nước mát. Sau đó, hãy kiểm tra lại nhiệt độ sữa bằng cổ tay trước khi cho bé uống.

6. Những lưu ý khác

  • Nếu bạn phải ra ngoài suốt ngày, hãy mang theo nước nóng đựng trong bình giữ nhiệt và sữa bột, sau đó pha cho bé trước khi bé cần uống.
  • Khi hộp sữa đã hết, hãy vứt bỏ muỗng múc cùng với hộp sữa.
  • Hãy đọc hướng dẫn sử dụng cẩn thận nếu bạn thay đổi nhãn hiệu sữa bột để đảm bảo bạn pha đúng lượng nước và sữa.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được cách pha sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bottle feeding – nutrition and safety https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/bottle-feeding-nutrition-and-safety Ngày truy cập: 13/11/2023

How to make up baby formula https://www.nhs.uk/conditions/baby/breastfeeding-and-bottle-feeding/bottle-feeding/making-up-baby-formula/ Ngày truy cập: 13/11/2023

Infant formula: 7 steps to prepare it safely https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/infant-formula/art-20045791#:~:text=Measure%20the%20amount%20of%20water%20needed%20and%20add%20it%20to,the%20bottle%20and%20shake%20well Ngày truy cập: 17/02/2022

Infant Formula Preparation and Storage https://www.cdc.gov/nutrition/infantandtoddlernutrition/formula-feeding/infant-formula-preparation-and-storage.html Ngày truy cập: 17/02/2022

Bottle Feeding Basics https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/Bottle-Feeding-How-Its-Done.aspx Ngày truy cập: 17/02/2022

Bottle-feeding basics https://www.babycenter.com/0_bottle-feeding-basics_752.bc Ngày truy cập 06/08/2015

Phiên bản hiện tại

14/11/2023

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 14/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo