backup og meta

Có nên dùng miếng dán hạ sốt cho trẻ? Hướng dẫn sử dụng đúng cách

Có nên dùng miếng dán hạ sốt cho trẻ? Hướng dẫn sử dụng đúng cách

Trong tủ thuốc của các gia đình có con nhỏ thường có miếng dán hạ sốt. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là miếng dán hạ sốt có tốt không? Có nên dùng miếng dán hạ sốt cho trẻ không?

Lâu nay, mỗi khi con bị sốt, bạn lại cho bé dùng loại miếng dán hạ sốt cho trẻ nhằm giảm nhiệt độ của bé. Loại miếng dán này có thể dễ dàng tìm mua ở bất kỳ hiệu thuốc nào. Song có khi nào bạn băn khoăn miếng dán này có tốt không, có thực sự đem lại công dụng như những gì nhà sản xuất quảng cáo hay chỉ là một “liệu pháp tinh thần”? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu câu trả lời cho các vấn đề có nên dán miếng hạ sốt cho bé không, cũng như cách sử dụng miếng dán hạ sốt cho bé đúng cách.

Miếng dán hạ sốt là gì, có tác dụng gì?

Miếng dán hạ sốt là miếng dán có tác dụng tản nhiệt với thành phần chủ yếu là hydrogel. Hydrogel là các polyme dạng chuỗi, không tan trong nước, có khả năng hút một lượng nước lớn ở vùng da mà chúng tiếp xúc.

Tác dụng của miếng dán hạ sốt hoạt động theo cơ chế hấp thụ nhiệt và phân tán nhiệt ở vùng da được dán ra bên ngoài. Cũng nhờ đó mà khi vừa dán lên, trẻ sẽ có cảm giác mát lạnh, dễ chịu hơn.

Vậy, miếng dán hạ sốt có tác dụng trong bao lâu?

Nếu quan sát kỹ, cha mẹ sẽ thấy rằng tác dụng của miếng dán hạ sốt không duy trì được lâu. Vùng da được dán miếng hạ sốt sẽ nhanh chóng trở lại nhiệt độ ban đầu chỉ sau một thời gian ngắn.

Thực tế, do không có chứa thuốc hạ sốt, nên miếng dán này không có tác dụng hạ nhiệt cho toàn bộ cơ thể. Một số loại miếng dán hạ sốt còn được bổ sung thêm tinh dầu bạc hà. Khi tinh dầu bốc hơi sẽ giúp vùng da được dán hạ nhiệt nhanh, song, vì chỉ dùng ngoài da nên tác dụng hạ nhiệt rất hạn chế.

Cho đến nay, vẫn có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh miếng dán này có công dụng hạ sốt hiệu quả. Do đó, phụ huynh không nên chỉ dùng mỗi miếng dán thay thế cho thuốc hạ sốt mỗi khi trẻ bị sốt.

Tác hại khi sử dụng miếng dán hạ sốt

tác hại miếng dán hạ sốt với trẻ

Không chỉ thắc mắc có nên dùng miếng dán hạ sốt không, mà nhiều người cũng không biết liệu miếng dán hạ sốt có tốt không, có gây ra tác hại nào không? Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ thực hư về tác dụng của miếng dán hạ sốt thông qua những tác hại của miếng dán này:

  • Không hạ sốt cho trẻ: Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo không sử dụng biện pháp chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ vì không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, miếng dán hạ sốt thực chất chỉ là một miếng dán lạnh, giúp giảm nhiệt độ cho vùng da được dán bằng phương pháp chênh lệch nhiệt độ. Còn tác dụng giảm thân nhiệt cho trẻ của miếng dán lại rất hạn chế.
  • Gây biến chứng nặng nề do sốt: Tác dụng hạ sốt của miếng dán rất hạn chế. Nếu cha mẹ chỉ dùng cao dán hạ sốt hay miếng dán hạ sốt cho trẻ mà không kịp thời cho trẻ uống thuốc hạ sốt, thì những biến chứng do sốt cao có nguy cơ xảy ra nhanh chóng, bao gồm co giật và các biến chứng về não, thần kinh…
  • Gây kích ứng da: Do làn da của bé còn non nớt và khá nhạy cảm, nên nhiều bé gặp phải các tác dụng phụ mà các thành phần có trong miếng dán gây ra, như nổi mẩn đỏ, dị ứng, ngứa…
  • Ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp: Trong một vài trường hợp đặc biệt, bé có hệ hô hấp nhạy cảm khi hít phải tinh dầu có trong miếng dán sẽ bị hắt hơi liên tục, chảy nước mũi… Đối với trẻ bị sốt do viêm phổi, miếng dán hạ sốt có thể khiến hệ hô hấp của trẻ phải nỗ lực hoạt động nhiều hơn, dễ gây tổn thương và khó điều trị.

Có thể thấy việc sử dụng sản phẩm nhằm mục đích hạ sốt cho trẻ đôi khi là lợi bất cập hại. Do đó, cần sử dụng miếng dán hạ sốt đúng cách theo hướng dẫn dưới đây của Hello Bacsi.

Hướng dẫn sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ đúng cách

hướng dẫn sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ

Cách sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào để vừa tận dụng được lợi ích, vừa hạn chế tối đa các tác hại?

Nếu trẻ sốt cao, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng. Trong khi chờ thuốc phát huy tác dụng, phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng miếng dán như một biện pháp tình thế, tạm thời giúp giảm thiểu cơn nóng trong người của trẻ.

Cách sử dụng miếng dán hạ sốt rất đơn giản: Cha mẹ chỉ việc bóc tấm phim và dán vào ngay giữa trán của trẻ. Song, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng miếng dán hạ sốt cho bé:

  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm về cách dùng, thời gian và đối tượng sử dụng.
  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ.
  • Không dán miếng dán vào vùng da mới được tiêm chủng ngừa hay vùng da bị tổn thương.
  • Chọn mua miếng dán của các nhà sản xuất uy tín nhằm tránh sử dụng nhầm hàng nhái, hàng giả.
  • Nếu bé có tiền sử dị ứng hay thường gặp các vấn đề về hô hấp, không nên sử dụng miếng dán để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Luôn để ý và theo dõi bé trong suốt quá trình sử dụng miếng dán hạ sốt; nếu thấy các dấu hiệu bất thường cần ngưng dùng ngay.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị sốt?

cách dùng miếng dán hạ sốt đúng chuẩn cho bé

1. Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt đúng cách

Sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể để chống lại tình trạng nhiễm trùng theo cơ chế cơ thể gia tăng nhiệt độ nhằm tiêu diệt kẻ lạ mặt xâm nhập. Trong nhiều trường hợp, sốt là vô hại và bé sẽ tự khỏi sau khoảng 3 ngày.

Sử dụng miếng dán hạ sốt có thể làm giảm nhiệt độ vùng trán trong chốc lát, nhưng không giúp hạ sốt toàn thân. Những thuốc hạ sốt có chứa paracetamol dành cho trẻ em có thể giúp trẻ hạ sốt. Tùy theo độ tuổi và cân nặng mà trẻ có thể được bác sĩ kê đơn thuốc. Bạn nhớ cho trẻ uống theo đúng liều lượng ghi trên bao bì hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Cách chăm sóc trẻ bị sốt

Thông thường, khi bé mới sốt, bạn không nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay mà nên để trẻ ở nhà và theo dõi trong khoảng 1 – 2 ngày. Bởi khi con mới sốt, các bác sĩ sẽ thật khó có thể xác định nguyên nhân trẻ bị sốt là do đâu để có hướng điều trị thích hợp.

Cách hạ sốt đơn giản và hiệu quả cho trẻ không phải là sử dụng miếng dán hạ sốt cho bé, mà là:

  • Để bé mặc đồ thoáng mát.
  • Bổ sung chất lỏng cho bé:
    • Với trẻ sơ sinh: Mẹ cần cho bé bú đủ. Nếu bé mệt, bú ít, bạn nên cho bé bú thường xuyên hơn. Nếu bé không thể bú hoặc bỏ bú, bạn nên vắt sữa ra và cho bé ăn bằng thìa.
    • Với bé lớn hơn: Mẹ nên cho con bú đủ, uống thêm nước, chia nhỏ bữa ăn ra cho bé dễ ăn (với các bé đã ăn dặm). Việc bú đủ và uống đủ nước có tác dụng giúp làm mát cơ thể, tránh mất nước.
  • Chườm ấm cho bé: Phụ huynh nên dùng khăn mềm, nhúng nước ấm, vắt ráo lau trán, nách, bụng bẹn, bàn tay, bàn chân cho trẻ. Tuyệt đối không dùng nước lạnh để lau cho trẻ. Lưu ý là nếu bé sốt mà tay chân lạnh, bạn không nên lau mát cho trẻ.
  • Không dùng cồn làm mát cho trẻ.

Tâm lý của một số người khi thấy trẻ bị bệnh sẽ cho trẻ mặc rất nhiều quần áo ấm, đeo vớ, đội mũ, quấn khăn… Những việc này sẽ khiến cơ thể trẻ không thể tỏa nhiệt ra ngoài nên bé càng sốt cao hơn. Ngay cả khi bé rùng mình, ớn lạnh, bạn cũng đừng ủ con trong lớp chăn dày hoặc đống quần áo ấm.

3. Khi nào nên đưa trẻ bị sốt đến bệnh viện?

Đôi khi tình trạng sốt ở trẻ là một dấu hiệu cảnh báo bé đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cần được chăm sóc kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện sau, bạn cần đưa đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ khám và chăm sóc y tế kịp thời:

  • Trẻ sốt 38°C hoặc cao hơn
  • Bé dưới 3 tháng tuổi và sốt từ 38°C trở lên
  • Bé dưới 2 tuổi sốt kéo dài 24 giờ
  • Bé trên 2 tuổi sốt kéo dài hơn 72 giờ
  • Bé sốt kèm theo các triệu chứng khác, như: cổ cứng, đau họng, đau tai, phát ban hoặc đau đầu dữ dội
  • Quấy khóc không yên, bứt rứt, khó chịu
  • Phản xạ kém
  • Trẻ sốt có kèm theo các biểu hiện ngủ li bì, lơ mơ…
  • Co giật
  • Bỏ bú, bỏ ăn, không uống được nước
  • Trẻ tím tái.

Việc dùng miếng dán hạ sốt cho trẻ chỉ là một giải pháp tình thế để trẻ cảm thấy dễ chịu. Bạn không nên dùng miếng dán này thay thế thuốc hạ sốt. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó bạn hãy cho bé chủng ngừa đúng lịch và đầy đủ nhằm nâng cao sức khỏe cho trẻ.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

When your baby or infant has a fever https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000319.htm Ngày truy cập: 09/06/2023

Fevers https://kidshealth.org/en/parents/fever.html Ngày truy cập: 22/04/2022

Fever in Children https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=fever-in-children-90-P02512 Ngày truy cập: 22/04/2022

Fever treatment: Quick guide to treating a fever https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/in-depth/fever/art-20050997 Ngày truy cập: 22/04/2022

Fever in children: How can you reduce a fever? https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0072637/ Ngày truy cập 29/06/2018

How to Reduce a Fever in a Baby. https://www.verywellfamily.com/how-to-reduce-a-fever-in-a-baby-284390 Ngày truy cập 22/12/2018

Phiên bản hiện tại

09/06/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 09/06/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo