backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhận biết 10+ triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em phổ biến nhất

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 15/08/2022

    Nhận biết 10+ triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em phổ biến nhất

    Sốt siêu vi là một thuật ngữ chung được dùng để chỉ những cơn sốt bắt nguồn từ các bệnh nhiễm trùng do virus gây ra. Tình trạng này thường phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là những bé có sức đề kháng yếu. Việc nhận biết sớm những triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em sẽ giúp quá trình chăm sóc, điều trị sau đó diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn.

    Vậy, những triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em là gì? Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được những biểu hiện sốt siêu vi ở trẻ. 

    Sốt siêu vi thường là dấu hiệu hoặc kết quả của tình trạng nhiễm virus tiềm ẩn. Tình trạng này rất dễ lây lan, có nguy cơ lây nhiễm nhanh chóng từ người sang người khi tiếp xúc gần và thường xảy ra trong giai đoạn chuyển mùa. Ở trẻ nhỏ, sốt siêu vi do cảm lạnh thông thường hoặc cảm cúm có thể lây lan nhanh chóng khi các bé tiếp xúc gần với nhau. Nếu không kịp thời nhận biết những triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ để kịp thời chăm sóc và điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. 

    1. Biểu hiện sốt siêu vi ở trẻ dễ nhận biết nhất: Những cơn sốt

    Một trong những triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em điển hình nhất là sốt. Sốt là tình trạng thân nhiệt cao hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể. Sốt siêu vi có thể khiến trẻ bị sốt nhẹ (38°C) trong đa số trường hợp nhưng cũng có thể khiến thân nhiệt của bé tăng cao đến 40°C nếu trẻ bị nhiễm virus gây bệnh sốt xuất huyết hay Covid-19 hoặc các bệnh nặng tương tự. Nghĩa là, tùy thuộc vào loại virus gây bệnh mà triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em có thể từ nhẹ đến nặng. 

    Biểu hiện sốt siêu vi ở trẻ có thể tăng và giảm liên tục, lúc sốt cao, lúc hạ sốt, xảy ra lặp đi lặp lại đều đặn cho đến khi kết thúc chu kỳ phát triển của virus. Nếu không có nhiệt kế, bạn có thể nhận biết trẻ có bị sốt hay không dựa vào những đặc điểm như:

    • Hai má của trẻ đỏ bừng 
    • Cơ thể bé dường như đang tỏa nhiệt
    • Sờ vào trán, cổ, tay chân của bé sẽ có cảm giác nóng hơn bình thường
    • Trẻ nhỏ quấy khóc nhiều hơn
    • Bé ngủ nhiều, lừ đừ, mắt lờ đờ và có vẻ mệt mỏi

    Cơn sốt siêu vi ở trẻ em thường kéo dài trong 2-3 ngày. Nếu cơn sốt kéo dài hơn 3 ngày mà vẫn không hạ hay thậm chí còn tăng lên dù đã cho bé uống thuốc hạ sốt được kê đơn, hãy đưa trẻ đi cấp cứu.

    2. Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em: Ớn lạnh

    triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em

    Trẻ bị sốt siêu vi khi bị sốt cao còn có thể cảm thấy ớn lạnh, rét run. Đây là những dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ trong giai đoạn đầu khi cơn sốt mới xuất hiện. Nguyên nhân là do khi nhiệt độ cơ thể cao đột ngột sẽ gây ra tình trạng chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường, khiến bé cảm thấy lạnh hơn bình thường. Điều này tương tự như khi mùa đông đến, nhiệt độ cơ thể cao hơn nhiệt độ môi trường khiến chúng ta cảm thấy lạnh.

    Bạn có thể dễ dàng nhận thấy trẻ bị ớn lạnh do sốt siêu vi khi:

    • Trẻ nhỏ bị sốt cao nhưng lại đòi đắp mền, mặc đồ ấm
    • Bé nổi da gà thường xuyên
    • Da khô, nóng

    Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em này chỉ xuất hiện nhanh trong giai đoạn trước và khi bé bắt đầu sốt cao. Cảm giác ớn lạnh và rét run sẽ không kéo dài lâu trong nhiều ngày liền.

    3. Đau đầu, đau nhức cơ thể

    Triệu chứng đau đầu, đau nhức cơ thể là những dấu hiệu sốt siêu vi mà hầu hết mọi trẻ nhiễm bệnh đều phải trải qua. Mặc dù virus chỉ xâm nhập vào một số bộ phận của cơ thể, nhưng lại ảnh hưởng đến mọi cơ quan, gây ra tình trạng đau nhức toàn thân. Hiện tượng đau đầu cũng xảy ra do bé bị sốt cao khiến dây thần kinh vùng đầu căng ra, gây khó chịu và đau nhức.

    4. Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em: Viêm họng, ho

    Trẻ bị sốt siêu vi thường do cảm lạnh hoặc cảm cúm. Do đó, hệ hô hấp của bé thường bị ảnh hưởng nhiều bởi virus. Vì vậy mà bạn có thể nhận biết bé bị sốt siêu vi qua những dấu hiệu sau:

    Những triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ liên quan đến đường hô hấp thường xảy ra trong 2 ngày đầu và kéo dài rồi giảm dần cho đến khi trẻ khỏi bệnh. Mặc dù sốt siêu vi không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng bác sĩ có thể kê đơn thuốc này trong trường hợp bé bị ho, đau họng kèm đờm xanh, với mục đích điều trị nhiễm khuẩn thứ phát cho bé.

    5. Nghẹt mũi, sổ mũi

    triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em

    Virus gây ra các triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em không chỉ khiến các bé ho nhiều, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đường mũi của bé. Khi virus xâm nhập vào đường mũi, cơ thể sẽ tiết ra nhiều chất nhầy hơn và phản ứng chống lại virus khiến các mạch máu trong mũi sưng lên, gây ra tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi.

    Trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi do virus gây ra thường chảy nhiều nước mũi loãng, trong suốt. Tuy nhiên, nếu nước mũi màu xanh hoặc màu vàng, rất có thể bé đã bị nhiễm khuẩn thứ phát.

    6. Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em: Nóng rát quanh mắt

    Nóng rát quanh mắt là một biểu hiện điển hình của sốt siêu vi ở trẻ em. Nguyên nhân là do cơn sốt cao khiến vùng xung quanh mắt của bé bị đỏ, sưng và tăng nhiệt độ.

    7. Các triệu chứng bất thường ở hệ tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng)

    Virus gây sốt siêu vi ở trẻ có thể bao gồm cả những virus gây bệnh về đường tiêu hóa. Mặt khác, những virus gây bệnh cảm lạnh, cảm cúm… cũng có thể tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa của bé, khiến trẻ bị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa.

    Nếu bạn nhận thấy tần suất đi tiêu trong ngày của bé nhiều hơn bình thường, kèm theo phân lỏng, nát, có mùi tanh, có màu sắc bất thường, rất có thể là bé đang bị tiêu chảy. Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em này có thể kéo dài trong 2-3 ngày, nhưng nếu tiêu chảy nặng thì có thể lên đến 9 ngày.

    Trường hợp bạn thấy trẻ lười ăn, dễ nôn trớ, quấy khóc, thậm chí là nôn khan ngoài bữa ăn, rất có thể hệ tiêu hóa của bé đã bị virus tấn công làm sưng viêm dạ dày – ruột, khiến thức ăn khó tiêu hóa hơn và bị đẩy ra ngoài. Mặc dù vậy, dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ này thường chỉ kéo dài trong 1-2 ngày. 

    Trong cả 2 trường hợp, bạn cần lưu ý những dấu hiệu mất nước nghiêm trọng ở trẻ để nhanh chóng bù nước cho bé và chăm sóc y tế kịp thời. 

    8. Dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ: Phát ban trên da

    triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em

    Hiện tượng phát ban trên da khá phổ biến ở trẻ em sau khi bị sốt siêu vi và có thể kéo dài vài ngày ngay cả khi trẻ đã hết sốt. Không những thế, da của bé bị sốt siêu vi cũng có thể bị viêm do sốt gây tăng tiết mồ hôi và bã nhờn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển trên da.

    9. Khó thở

    Sốt siêu vi ở trẻ có thể liên quan đến tình trạng giảm nồng độ oxy trong máu. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, độ bão hòa oxy giảm xuống, làm giảm lượng oxy cung cấp cho phổi và gây khó thở hoặc tổn thương phổi. Độ bão hòa oxy không được giảm quá 94% trong một thời gian dài. Nếu không, tình trạng này có thể dẫn đến một số tổn thương đáng kể đối với các mô phổi và trẻ có thể phải đeo mặt nạ dưỡng khí để đáp ứng nhu cầu oxy cũng như để bảo vệ phổi. 

    Mặt khác, tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi – hai trong những triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em – có thể khiến bé cảm thấy khó thở hơn, nhịp thở nông và nhanh hơn.

    10. Một số triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em khác

    Ngoài những biểu hiện sốt siêu vi ở trẻ đã được đề cập ở trên, trẻ bị sốt siêu vi còn có những triệu chứng như:

    • Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu
    • Đổ mồ hôi nhiều
    • Mất nước
    • Trông yếu ớt
    • Chóng mặt
    • Nhạy cảm với ánh sáng, đau sau đáy mắt…

    Các triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em này có thể khác nhau tùy vào virus gây bệnh và thường chỉ kéo dài nhiều nhất là vài ngày.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn nhận biết được những triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em, từ đó nhanh chóng đưa bé đi khám để được điều trị kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 15/08/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo