Những dấu hiệu và triệu chứng rubella là gì?
Các triệu chứng rubella thường xuất hiện trong vòng 14 – 21 ngày kể từ virus tấn công cơ thể. Lúc này, các nốt phát ban sẽ bắt đầu xuất hiện trên mặt rồi dần dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến thân và đặc biệt là tứ chi. Chúng có thể gây ngứa khó chịu nhưng sẽ có xu hướng mờ dần rồi biến mất sau 3 – 5 ngày.

Bên cạnh đó, cơ thể người bệnh cũng có thể bộc lộ một số dấu hiệu khác như:
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi
- Đau đầu
- Thân nhiệt tăng nhẹ (dưới 38,3 độ C)
- Mắt đỏ do viêm
- Hạch sưng to, ấn vào cảm thấy mềm
- Đau khớp
Mặc dù căn bệnh nhiễm trùng này có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng virus Rubella hiếm khi ảnh hưởng đến trẻ nhỏ hoặc người trên 40 tuổi. Trong trường hợp người cao tuổi mắc bệnh, các biểu hiện có thể nghiêm trọng hơn.
Đôi khi, bạn cũng có thể có các triệu chứng khác không được đề cập bên trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm nhưng bác sĩ vẫn khuyến khích mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, nên đến gặp bác sĩ ngay khi bắt gặp bất kỳ triệu chứng rubella nào kể trên, nhất là phát ban.
Nguyên nhân gây bệnh rubella là gì?
Virus Rubella là tác nhân đứng sau vấn đề sức khoẻ này. Sau khi xâm nhập cơ thể người bệnh, virus sẽ bắt đầu gia tăng số lượng trong các hạch bạch huyết và vòm họng. Trong vòng 5 – 7 ngày tiếp theo, chúng có thể tấn công mọi bộ phận trong cơ thể thông qua đường máu.
Ngoài ra, chủng vi sinh vật trên có khả năng lây từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc với dịch nhầy ở mũi hoặc cổ họng của người bệnh. Thời gian lây nhiễm bắt đầu từ một tuần trước khi các nốt ban đỏ xuất hiện cho đến một tuần sau khi chúng biến mất hoàn toàn.
Đối với trường hợp mẹ bầu nhiễm virus Rubella, thai nhi sẽ bị lây mầm bệnh qua đường máu.
Các yếu tố rủi ro dẫn đến bệnh rubella
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh rubella. Tuy nhiên, rủi ro của bạn có thể cao hơn người khác nếu bạn:
- Chưa từng bị nhiễm virus Rubella
- Chưa được chích ngừa sởi quai bị rubella (MMR)
- Đi qua những khu vực đang bùng phát dịch rubella
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý không có các yếu tố nguy cơ trên không đồng nghĩa với việc bạn sẽ không mắc bệnh, bởi vì những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn có thể tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Đâu là các thủ thuật xét nghiệm rubella?
Bệnh rubella không dễ chẩn đoán do các triệu chứng thường không bộc lộ rõ ràng. Vì vậy, bác sĩ sẽ bắt đầu chẩn đoán bệnh dựa trên bệnh sử và kết quả khám lâm sàng cho những dấu hiệu đang diễn ra.
Nếu các chuyên gia nghi ngờ bạn nhiễm bệnh, họ sẽ lấy mẫu dịch từ cổ họng, nước bọt, máu hoặc nước tiểu để đem đi phân tích. Xét nghiệm rubella gồm nhiều thủ thuật khác nhau, trong đó phổ biến nhất là:
- Xét nghiệm Rubella IgM: sự hiện diện của Immunoglobulin M hay IgM (một loại kháng thể) cho thấy người bệnh nhiễm virus Rubella lần đầu
- Xét nghiệm Rubella IgG: kết quả Rubella IgG dương tính cho thấy người bệnh có thể đã được chích ngừa rubella hoặc đã từng mắc bệnh trong quá khứ. Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ cần tiến hành thêm một số xét nghiệm chuyên sâu nhằm đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!