backup og meta

Gợi ý thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé ngon miệng mẹ nào cũng mê

Gợi ý thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé ngon miệng mẹ nào cũng mê

Việc xây dựng thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé cần đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất quan trọng cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Từ 6 tháng tuổi trở đi, bé bắt đầu có thể làm quen với thức ăn dạng bán rắn và mẹ cũng cần chuẩn bị lên thực đơn ăn dặm để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của bé bên cạnh việc bú sữa. Sau đây, Hello Bacsi sẽ giới thiệu một số thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé từ 6 – 9 tháng tuổi để cho các mẹ thử áp dụng ngay từ hôm nay.

Gợi ý thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé ngon miệng mẹ nào cũng mê

Bé ăn dặm với các thực phẩm giàu dinh dưỡng, năng lượng khác ngoài sữa mẹ dưới dạng từ loãng đến đặc bên cạnh bú sữa để làm quen dần với các loại thức ăn rắn. Thông thường, trẻ bắt đầu ăn dặm được từ 6 tháng tuổi với mục đích ăn bổ sung thêm các chất dinh dưỡng bên ngoài sữa mẹ chứ chưa thể thay thế hoàn toàn sữa mẹ. Thực đơn 30 ngày ăn dặm cho bé 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng hay 9 tháng tuổi cần được đảm bảo về sự đa dạng của các nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, đủ số lượng phù hợp cho trẻ sinh trưởng, phát triển toàn diện. Thành phần dinh dưỡng cho bé ăn dặm cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất tinh bột, đạm, chất xơ, chất béovitamin, khoáng chất.

Trước 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé vẫn còn yếu, chưa đủ chức năng để xử lý thức ăn nên nếu cho bé ăn dặm quá sớm có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày và sức khỏe, cơ thể không hấp thụ được chất dinh dưỡng dẫn đến chậm lớn, thiếu cân.

Dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm

  • Thích nhìn người lớn xung quanh ăn uống và tự với lấy thức ăn
  • Thích đưa đồ vật vào miệng
  • Lưỡi linh hoạt hơn giúp đưa thức ăn di chuyển dễ dàng trong miệng
  • Bắt đầu có cử động nhai và di chuyển hàm lên xuống
  • Có khả năng giữ cổ, lưng thẳng. 

Trước khi lên thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé, mẹ cần xác định kiểu ăn dặm bé sẽ thích là gì để chuẩn bị cho phù hợp. Nếu không hiệu quả, mẹ có thể đổi qua kiểu ăn dặm khác để kích thích bé ăn dặm tốt hơn.

1. Thực đơn ăn dặm 30 ngày kiểu truyền thống cho bé

Thực đơn ăn dặm 30 ngày kiểu truyền thống

Ăn dặm truyền thống là phương pháp cho bé ăn thực phẩm xay nhuyễn dưới dạng bột, cháo, súp ở giai đoạn đầu rồi chuyển dần sang thức ăn dạng đặc hơn rồi đến thức ăn thô. Hình thức này giúp bé tiêu hóa thức ăn dễ dàng, có thể hấp thu được các dưỡng chất cần thiết.

Thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé từ 6 – 8 tháng tuổi theo kiểu truyền thống có thể bao gồm các món sau:

Bột đậu xanh, bí đỏ:

  • Bột gạo tẻ: 15 gram (tương đương 3 thìa cà phê)
  • Bột đậu xanh: 10 gram (tương đương 2 thìa cà phê)
  • Bí đỏ: 4 miếng nhỏ nghiền nát
  • Mỡ ăn (dầu ăn): 1 thìa cà phê
  • Nước: 1 bát con

Bột tôm:

  • Bột gạo tẻ: 20 gram (tương đương 4 thìa cà phê)
  • Tôm biển tươi (bỏ vỏ, giã nhỏ): 15 gram (tương đương 3 thìa cà phê)
  • Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa
  • Mỡ (dầu ăn): 1 thìa
  • Nước 1 bát con

Bột cá:

  • Bột gạo tẻ: 20 gram (tương đương 4 thìa cà phê)
  • Cá lóc (cá quả) gỡ bỏ sạch xương: 10 gram (tương đương 2 thìa cà phê)
  • Mỡ (dầu ăn): 1 thìa cà phê
  • Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa cà phê
  • Nước: 1 bát con

Bột trứng:

Bột thịt:

  • Bột gạo tẻ: 20 gram (tương đương 4 thìa cà phê)
  • Thịt nạc: 10 gram (tương đương 2 thìa cà phê)
  • Mỡ (dầu ăn): 1 thìa cà phê
  • Nước: 1 bát con

Bột gan (gan gà, gan lợn):

  • Bột gạo tẻ: 20 gram (tương đương 4 thìa cà phê)
  • Gan (gà, lợn)  băm hoặc nghiền nát: 10 gram (tương đương 2 thìa cà phê)
  • Mỡ (dầu ăn): 1 thìa cà phê
  • Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa cà phê
  • Nước: 1 bát con

Bạn có thể thay đổi các món này mỗi ngày cho bé, kết hợp với bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ví dụ thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi trong 1 ngày tham khảo như sau:

  • 6 giờ: bú sữa mẹ hoặc sữa công thức 150 – 200ml.
  • 9 giờ: ăn dặm với các loại bột thay đổi mỗi ngày (bột thịt/ rau/ trứng/ tôm/ cá / đậu…).
  • 10 giờ: ăn tráng miệng một ít trái cây như chuối tiêu (1/3 quả), xoài 50gram, đu đủ chín 50 gram, hồng xiêm (1/3 quả).
  • 11 giờ: bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • 14 giờ: ăn dặm với loại bột khác bữa sáng. 
  • 16 giờ: uống nước trái cây theo mùa như nước cam, nước táo…
  • 18 giờ: bú sữa mẹ hoặc sữa công thức 150 – 200ml.

2. Thực đơn ăn dặm 30 ngày kiểu Nhật 

Thực đơn ăn dặm 30 ngày kiểu Nhật

Ăn dặm kiểu Nhật cũng là một phương pháp khá phổ biến với sự chế biến riêng cho từng loại thực phẩm để giúp bé phân biệt được mùi vị. Phương pháp ăn dặm này cũng giúp các mẹ dễ phát hiện và xác định loại thức ăn mà bé dị ứng (nếu có). Thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé kiểu Nhật vẫn sẽ đáp ứng đủ các nhóm thực phẩm chính.

Hãy thử tham khảo một thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé từ 6 tháng tuổi theo kiểu Nhật sau đây:

  • Ngày 1: Cháo trắng (1:10) + 40ml nước ép táo
  • Ngày 2 : Cháo trắng (1:10) + 40ml nước dùng gà
  • Ngày 3 : Cháo trắng (1:10), cà rốt nghiền + dashi rau củ quả
  • Ngày 4 : Bơ nghiền và sữa mẹ/ sữa công thức
  • Ngày 5: Cháo trắng (1:10), cá bào rong biển, bí ngòi nghiền
  • Ngày 6 : Cháo củ cải, bí đỏ nghiền + nước dashi rau củ quả
  • Ngày 7 : Cháo, su su và bắp non nghiền
  • Ngày 8 : Cháo (1:9), cải bó xôi và bí xanh nghiền
  • Ngày 9 : Khoai lang nghiền + sữa mẹ/ sữa công thức
  • Ngày 10: Ngô bao tử nghiền
  • Ngày 11: Cháo, dầu oliu, rau ngót nghiền + nước dashi rau củ quả
  • Ngày 12: Khoai tây nghiền + sữa mẹ/ sữa công thức
  • Ngày 13: Cháo, dầu oliu, bắp cải, cà chua
  • Ngày 14: Táo, chuối nghiền, sữa mẹ/ sữa công thức + súp kem gà phô mai
  • Ngày 15: Cháo, rau mầm cải ngọt, cà chua + nước ép đào
  • Ngày 16: Cháo, rau mầm cải đỏ, khoai lang tím + nước ép nho
  • Ngày 17: Sữa bí đỏ, đậu Hà Lan
  • Ngày 18: Cháo, lòng đỏ trứng gà, dầu oliu + nước ép lê
  • Ngày 19: Cháo, hành tây, cải chíp, dầu oliu + nước ép táo
  • Ngày 20: Cháo cà rốt, đậu Hà Lan, ngô, dầu oliu + mận đen nghiền nhuyễn
  • Ngày 21: Cháo bánh mì trộn sữa mẹ/ sữa công thức
  • Ngày 22: Cháo bí đỏ, dầu oliu và hạt kê
  • Ngày 23: Cháo yến mạch, súp lơ xanh, bắp tím
  • Ngày 24: Cháo hạt quinoa, súp lơ trắng, rau cải xoăn, ớt chuông
  • Ngày 25: Cháo rau má, đậu xanh
  • Ngày 26: Cháo bí đao, rau mồng tơi
  • Ngày 27: Súp yến mạch, hạt quinoa, khoai lang + đu đủ chín 
  • Ngày 28: Cháo đậu que, hành tây, rau mồng tơi, phô mai
  • Ngày 29: Súp bánh mì kèm sữa mẹ/ sữa công thức + táo nghiền
  • Ngày 30: Cá tuyết, đậu hũ. 

3. Thực đơn ăn dặm 30 ngày kiểu BLW

Thực đơn ăn dặm 30 ngày kiểu BLW

Ăn dặm BLW, còn gọi là ăn dặm tự chỉ huy, là một cách thức cho bé ăn dặm không qua giai đoạn nghiền nhuyễn. Mẹ sẽ chuẩn bị các món ăn được chế biến chín nhừ và cho bé tự chọn lựa bốc ăn những đồ ăn mà bé thích. Phương pháp này giúp bé tập khả năng ăn thô sớm, luyện kỹ năng nhai, nuốt và kiểm soát thức ăn trong miệng. Bé ăn dặm tự chỉ huy cũng có khả năng ăn uống độc lập hơn.

Một thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé từ 6 tháng tuổi để mẹ tham khảo là:

  • Ngày 1: Ớt chuông hấp, bí ngòi luộc, rau súp lơ luộc
  • Ngày 2 : Cà rốt hấp, măng tây hấp, súp lơ hấp, bơ xay trộn sữa làm sốt chấm
  • Ngày 3 : Phi lê cá (thịt trắng) nướng, bí ngòi hấp, bí đỏ hấp, khoai lang tím hấp
  • Ngày 4 : Cá hồi áp chảo, đậu cove, cà rốt và khoai tây hấp
  • Ngày 5: Lòng đỏ trứng gà rán, măng tây và súp lơ luộc
  • Ngày 6 : Đậu đũa, măng tây và cà rốt hấp chín, dưa chuột
  • Ngày 7 : Măng tây đút lò, khoai lang luộc, bánh khoai tây thịt bò và bánh ngô chiên
  • Ngày 8: Bí đỏ hấp, su su luộc, khoai tây cuộn thịt bò rắc phô mai
  • Ngày 9 : Măng tây luộc, nui và củ cải, thịt viên chiên
  • Ngày 10: Bí đỏ hấp, gà viên chiên mộc nhĩ nấm hương, khoai tây chiên
  • Ngày 11: Đậu đũa, mướp và cà rốt hấp + xoài chín
  • Ngày 12: Măng tây, bí xanh, su su và cà chua hấp + đu đủ chín
  • Ngày 13: Mướp, đậu đũa, cà rốt, bầu trắng và hành tây hấp và xoài chín
  • Ngày 14: Cơm nát cuộn rong biển, đậu đũa, cà chua, hành tây và su su hấp
  • Ngày 15: Bí xanh, cà rốt, su su, đậu đũa và hành tây hấp + xoài chín
  • Ngày 16: Cơm nát cuộn rong biển, đậu đũa, hành tây, su su hấp, dưa chuột + đu đủ
  • Ngày 17: Thịt gà rang, cà rốt luộc, khoai tây nướng + kiwi
  • Ngày 18: Bông cải xanh hấp, bí xanh luộc, que phô mai
  • Ngày 19: Măng tây luộc, cà tím nướng + dưa lưới
  • Ngày 20: Bánh mì, bông cải trắng luộc, măng tây xào
  • Ngày 21: Cánh gà chiên, cơm nát trộn củ quả thập cẩm + dâu tây
  • Ngày 22: Bánh mì nướng kèm cà rốt hấp + chuối chín
  • Ngày 23: Ức gà luộc, khoai lang nướng + xoài chín
  • Ngày 24: Đậu cove luộc, bí đỏ hấp + bơ chín
  • Ngày 25: Củ cải và su su luộc + táo nướng quế
  • Ngày 26: Khoai tây và đậu Hà Lan hấp + dưa hấu 
  • Ngày 27: Cánh gà áp chảo, măng tây luộc + táo chín
  • Ngày 28: Bánh mì thập cẩm, cà rốt luộc + kiwi
  • Ngày 29: Bánh mì, cà rốt luộc, đậu đũa hấp + cam
  • Ngày 30: Cánh gà chiên, cơm trộn củ quả + dâu tây. 

Lượng thực phẩm mà trẻ có thể ăn theo từng độ tuổi

Ngoài việc lên thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé, các bố mẹ cũng cần nắm rõ lượng thực phẩm mà bé ăn. Lượng thức ăn mà bé ăn có thể thay đổi tùy theo khẩu vị và độ tuổi. Khi lần đầu thử ăn thức ăn mềm, bé đôi khi chỉ ăn được 2 – 3 thìa thức ăn mỗi ngày rồi từ từ ăn nhiều hơn. Do đó, các mẹ không nên ép bé ăn quá nhiều, dễ tạo thành cảm giác sợ hãi mỗi khi đến ăn.

1. Lượng thức ăn 

Nhìn chung, trong giai đoạn đầu bé mới tập ăn dặm thì cha mẹ không nên quá áp lực về số lượng thức ăn mà bé ăn được. Nguyên do là bởi ở giai đoạn này, nguồn dinh dưỡng chính của con vẫn sẽ đến từ sữa.

Số lượng thức ăn theo từng món ăn phù hợp với mỗi độ tuổi của bé được liệt kê trong bảng sau:

Thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé

2. Số bữa ăn trong ngày

Số bữa ăn trong ngày cho bé cũng thay đổi tùy theo từng tháng tuổi, ở giai đoạn đầu có thể từ 1 – 2 bữa mỗi ngày bên cạnh bú sữa. Trung bình theo tháng tuổi, số bữa ăn dặm ở bé thường khoảng:

  • Từ 6 – 8 tháng: ăn 2 – 3 bữa chính và 1 – 2 bữa ăn nhẹ
  • Từ 9 – 12 tháng: ăn 3 bữa chính và 2 – 3 bữa ăn nhẹ

Lưu ý, cha mẹ nên cho trẻ tập ăn dặm với liều lượng 1 thìa tương đương khoảng 5ml bột thức ăn. Trong 1 lần ăn tối đa từ 3 – 10 thìa, tránh ép bé ăn quá nhiều. Nguyên tắc về liều lượng ăn dặm phù hợp cho con ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc.

Ngoài việc tìm hiểu và nắm rõ thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé để con có những bữa ăn ngon miệng thì cha mẹ cũng nên cố gắng cho bé ăn cùng lúc với bữa ăn gia đình để tạo ra khoảng thời gian ăn cùng nhau thường xuyên nhất có thể. Điều này giúp bé học các kỹ năng ăn uống, phát triển thói quen ăn uống lành mạnh và có nhiều khả năng thưởng thức nhiều loại thức ăn khác nhau.

Cho bé ăn dặm và những thắc mắc thường gặp 

1. Có nên hâm đi hâm lại cháo cho bé không?

Câu trả lời là không nên hâm đi hâm lại cháo cho bé ăn dặm trong 1 ngày. Các mẹ cần dự đoán được lượng thức ăn mà con có thể ăn hết và nấu đủ cho mỗi bữa ăn. Thức ăn được hâm lại sẽ không còn thơm ngon, dễ khiến trẻ không còn hứng thú ăn. Đồng thời, việc để thức ăn lâu rồi hâm lại cũng làm mất đi đáng kể hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm.

2. Khi cho trẻ ăn dặm cần làm gì để giảm nguy cơ hóc, nghẹn? 

Khi bé mới tập ăn, tình trạng bị hóc, nghẹn có thể xảy ra khiến bé sợ hãi, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, khi cho bé ăn dặm, các mẹ cần để ý tránh những thứ có khả năng làm bé bị hóc, nghẹn như:

  • Thức ăn có kích thước to, cứng
  • Những thực phẩm nhỏ, tròn, trơn như nho, các hạt đậu cũng dễ làm bé bị nghẹn
  • Thực phẩm có da, có lớp màng như xúc xích
  • Thực phẩm có xương… 

Trong quá trình bé ăn, các mẹ luôn phải để mắt đến và giữ bé ngồi thẳng lưng, hướng về phía trước. Mẹ cần quan sát cho đến khi bé ăn xong để dọn dẹp sạch sẽ bàn ăn, tránh để bé bốc những món lạ cho vào miệng.

3. Ở giai đoạn đầu tập ăn dặm nên cho trẻ ăn thực phẩm gì? 

Thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé

Khi trẻ mới ăn dặm, mẹ nên cho trẻ ăn những thực phẩm có vị ngọt như táo, chuối, khoai lang vì có hương vị gần giống với sữa mẹ. Điều này giúp trẻ không bị thay đổi khẩu vị đột ngột và dễ làm quen với thực phẩm mới ngoài sữa hơn.

Cách tốt nhất là mẹ nghiền mịn các thực phẩm này rồi trộn cùng một ít sữa mẹ hoặc sữa công thức trong lần cho ăn thử đầu tiên để bé không cảm thấy lạ mà bỏ ăn. Khi đã quen dần với những món mới, mẹ mới cho trẻ nếm thử các loại thịt, cá, rau củ khác.

4. Cho trẻ ăn dặm: Làm thế nào để biết bé còn đói hay đã no? 

Khi cho trẻ ăn dặm, để biết bé còn đói hay đã no, bạn có thể quan sát những biểu hiện hành vi như:

  • Nếu bé vẫn đói và muốn ăn tiếp thường sẽ: 
    • Với tay hoặc chỉ về phía thức ăn, mở miệng
    • Nghiêng người về phía trước hoặc phấn khích, vui vẻ khi thấy thức ăn được đưa đến gần 
    • Cáu gắt, bực bội khi không được cho ăn tiếp hoặc thức ăn bị dọn đi. 
  •  Khi bé đã no thường có biểu hiện từ chối thức ăn như: 
    • Đẩy thức ăn ra xa
    • Không mở miệng hoặc quay đầu đi khi thức ăn được đưa đến gần.

Hy vọng bài viết này đã gợi ý cho bạn được một thực đơn ăn dặm 30 ngày cho bé từ 6 – 9 tháng tuổi và những lưu ý cần biết trong giai đoạn tập ăn đầu tiên này. Chúc các mẹ và bé luôn thấu hiểu lẫn nhau để cùng hợp tác vui vẻ trong mỗi bữa ăn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Feeding your newborn: Tips for new parents

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/healthy-baby/art-20047741 Ngày truy cập 21/11/2024

Feeding your baby: Sample meals for babies 6 to 12 months old https://www.healthlinkbc.ca/healthlinkbc-files/feeding-your-baby-sample-meals-babies-6-12-months-old Ngày truy cập 21/11/2024

Sample Menu for a Baby 8 to 12 Months Old https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/sample-one-day-menu-for-an-8-to-12-month-old.aspx Ngày truy cập 21/11/2024

Feeding Your Baby: The First Year

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/9693-feeding-your-baby-the-first-year Ngày truy cập 21/11/2024

Best First Foods for Babies: A Guide for 6 to 9 Months https://www.happiestbaby.com/blogs/baby/best-baby-foods-6-to-9-months Ngày truy cập 21/11/2024

Thực đơn ăn bổ sung (ăn dặm) cho trẻ https://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tre-em/thuc-don-an-bo-sung-an-dam-cho-tre.html Ngày truy cập 21/11/2024

Thực đơn ăn dặm cho bé từ 6 12 tháng cùng những lời khuyên từ chuyên gia https://nreci.org/thuc-don-an-dam-cho-be-tu-6-12-thang/ Ngày truy cập 21/11/2024

Phiên bản hiện tại

27/11/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo