backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

7 tác dụng của măng tây đối với sức khỏe trẻ nhỏ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 23/02/2021

    7 tác dụng của măng tây đối với sức khỏe trẻ nhỏ

    Tác dụng của măng tây đối với sức khỏe trẻ nhỏ đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên mẹ nên thêm thực phẩm này vào thực đơn ăn dặm của bé.

    Khi bé đến tuổi ăn dặm, việc chọn lựa thực phẩm cho bé luôn là điều khiến mẹ đau đầu. Mẹ nào cũng sợ con mình còn nhỏ, chọn thực phẩm không phù hợp sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa còn non nớt của con.

    Nếu bạn đang rơi vào tình huống này, Hello Bacsi giới thiệu cho bạn một loại rau dùng cho bé ăn dặm rất tốt, đó chính là măng tây. Cùng xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về tác dụng của măng tây đối với sức khỏe trẻ nhỏ nhé.

    Khi nào bạn có thể bé ăn măng tây?

    Thời điểm bé chỉ mới bắt đầu ăn dặm, bạn không nên cho bé ăn măng tây vì loại rau này có thể khiến bé khó tiêu, đầy hơi. Chỉ khi bé được khoảng 8 – 10 tháng, bạn mới nên bắt đầu cho bé làm quen với loại rau này.

    Tác dụng của măng tây đối với sức khỏe trẻ nhỏ

    Măng tây là một nguyên liệu từ thiên nhiên chứa rất nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Trẻ nhỏ ăn nhiều măng tây sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe như:

    1. Tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch

    Trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm trùng và dị ứng do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Ăn nhiều măng tây sẽ giúp bảo vệ bé khỏi những vấn đề này do trong măng tây có chứa rất chất chống oxy hóa có khả năng nâng cao hệ miễn dịch.

    Ngoài ra, trong măng tây còn chứa một lượng lớn vitamin A và C, những dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào miễn dịch.

    2. Tốt cho hệ tiêu hóa

    Tác dụng của măng tây đối với trẻ còn có thể kể đến như việc giúp trẻ không mắc phải các bệnh đường ruột. Lượng chất xơ lớn có trong măng tây giúp hỗ trợ hoạt động của đường ruột, làm mềm phân, ngăn ngừa và điều trị táo bón hiệu quả. Không những vậy, trong măng tây còn chứa một lượng lớn prebiotic, giúp tăng cường sức khỏe đường ruột.

    3. Tốt cho hệ tiết niệu

    Măng tây hoạt động như một chất lợi tiểu tự nhiên, giúp loại bỏ muối và chất lỏng ra khỏi cơ thể. Do đó, việc thêm măng tây vào chế độ ăn của trẻ có thể giúp ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.

    4.  Giúp chống lại các gốc tự do

    Măng tây có chứa glutathione, một hợp chất giúp tiêu diệt các gốc tự do gây tổn thương tế bào.

    5. Ăn măng tây tốt cho thị lực

    Các vitamin nhóm A và D có trong loại rau này giúp trẻ giảm những nguy cơ mắc phải các bệnh về mắt, ngăn ngừa chứng quáng gà.

    6. Tác dụng của măng tây giúp ngừa suy dinh dưỡng

    Măng tây chứa rất nhiều các vitamin và khoáng chất như các vitamin nhóm A, K, C, E, B, sắt, kali, canxi, phốt pho… Các vitamin và khoáng chất này sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của bé, giúp bổ sung thêm nguồn dưỡng chất chống lại tình trạng suy dinh dưỡng một cách vô cùng hiệu quả.

    7. Tốt cho sự phát triển trí não

    Măng tây rất giàu axit folic, một dưỡng chất vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trí não và nhận thức ở trẻ nhỏ.

    Giá trị dinh dưỡng của măng tây

    tác dụng của măng tây

    Các tác dụng của măng tây xuất phát từ hàm lượng dinh dưỡng dồi dào hiện diện trong loại rau này, 100g măng tây có chứa:

    • Carbohydrate: 12,9mg
    • Kali: 202mg
    • Canxi: 20,7mg
    • Sắt: 0,8mg
    • Vitamin A: 905IU
    • Vitamin C: 6,9mg
    • Vitamin B6; 0,01mg
    • Axit folic: 134 ug
    • Chất xơ: 1,8g

    Bạn có thể kết hợp măng tây với những thực phẩm nào?

    Dưới đây là một số loại thực phẩm mà bạn có thể chế biến chung với măng tây để tạo thành những món ăn thơm ngon cho bé:

    • Khoai tây
    • Cà rốt
    • Gạo lứt
    • Đậu lăng
    • Thịt gà

    Măng tây – Rau “hoàng đế”

    Măng tây là một loại rau cao cấp, còn được goi là rau “hoàng đế”, không những có hương vị đặc trưng mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Đây là loại thực vật có nguồn gốc ở các nước châu Âu, thường được dùng làm thuốc phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

    Măng tây có ba loại chính là:

    • Măng tây xanh: Loại măng tây phổ biến nhất, có vị đắng hơn so với măng tây trắng và tím.
    • Măng tây trắng: Cũng giống như măng tây xanh nhưng do không cho tiếp xúc với ánh sáng nên không thể sản sinh diệp lục, có vị ngọt, ít đắng và mềm hơn măng tây xanh. Măng tây trắng mập hơn măng tây xanh, có giá trị dinh dưỡng cao, giá cũng cao hơn so với hai loại măng kia do quy trình sản xuất rất khép kín.
    • Măng tây tím: Màu tím của măng là do có hàm lượng anthocyanins cao. Loại này có ít chất xơ, mềm hơn và có vị ngọt, thơm mùi trái cây hơn so với măng tây xanh và trắng.

    Cách nấu măng tây cho bé

    Bạn có thể hấp hoặc luộc măng tây để làm món ăn bốc cho bé. Với phương pháp này, khi mua về, bạn chỉ cần rửa sạch, cắt bỏ phần gốc già, tước bỏ sơ, cắt nhỏ và cho vào nồi hấp hoặc luộc cho đến khi mềm. Ngoài ra, bạn có thể thử một số bí quyết chế biến măng tây như  sau:

    Cháo măng tây thịt bò

    Cháo măng tây nấu cùng với thịt bò là món ăn không chỉ thơm ngon mà còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của trẻ. Thịt bò với măng tây là sự kết hợp vô cùng hoàn hảo, vừa tốt cho trí não vừa cung cấp năng lượng để bé có một thể chất khỏe mạnh.

    Nguyên liệu cần chuẩn bị

    • Gạo tẻ: 20g
    • Măng tây: 1 lượng vừa đủ
    • Bơ: 1 lát bơ nhạt
    • Thịt bò: 20g
    • Dầu ô liu, hành trắng và các loại gia vị khác

    Cách làm

    • Gạo tẻ vo sạch, cho vào nồi cùng lượng nước vừa phải, nấu trên lửa vừa
    • Măng tây rửa sạch, tước bỏ sơ và cắt lấy phần non
    • Thịt bò rửa sạch, băm nhuyễn hoặc thái thành miếng nhỏ
    • Hành trắng rửa sạch, bóc vỏ và cho vào chảo cùng một ít dầu ăn rồi phi thơm. Khi hành bắt đầu thơm thì cho thịt bò, măng tây vào xào chín
    • Xay nhuyễn hỗn hợp thịt bò và măng tây đã được xào chín
    • Cháo sôi, cho hỗn hợp đã được xay nhuyễn vào và đảo đều, sau đó nêm nếm cho vừa ăn với bé. Tắt bếp, đợi cháo nguội thì cho ít dầu ăn vào là có thể múc cho trẻ ăn ngay.

    Cháo măng tây nấu với tôm, cua

    tác dụng của măng tây

    Cháo măng tây nấu với tôm không quá phức tạp nhưng lại cung cấp nhiều dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

    Nguyên liệu cần chuẩn bị

    • Măng tây đóng hộp: 1 hộp
    • Gạo tẻ: 20g
    • Cua thịt: 1 con cỡ vừa
    • Tôm tươi: khoảng 20g
    • Dầu ăn cho bé ăn dặm

    Cách làm

    • Gạo tẻ vo sạch và nấu sôi
    • Cua ngâm rửa cho thật sạch, mang đi hấp chín, để nguội rồi gỡ lấy thịt
    • Tôm rửa sạch và bóc bỏ vỏ. Sau đó, khứa nhẹ trên lưng tôm và loại bỏ chỉ đen, đập dẹp thân tôm
    • Hành trắng bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn
    • Măng tây rửa sạch, để ráo và thái thành từng miếng mỏng. Đặt nồi lên bếp, cho chút nước vào, nước sôi thì cho chút muối vào, bỏ măng tây vào luộc chín
    • Bắc chảo lên bếp, cho ít dầu ô liu vào cùng với hành trắng và phi thơm. Hành vừa thơm thì cho tôm, thịt cua vào xào chung đến khi chín
    • Khi cháo sôi, cho hỗn hợp đã được xào chín vào nồi và tiếp tục nấu chín. Cháo chín thì tắt bếp và nêm nếm cho vừa ăn với khẩu vị của bé. Đợi cháo nguội bớt, bạn múc ra bát (chén), thêm ít dầu ăn dành cho bé vào, để nguội và đút cho bé ăn.

    Măng tây nghiền

    Đây là món ăn đơn giản, dễ làm nhưng lại rất bổ dưỡng cho bé đấy. Để chế biến, bạn chỉ cần chuẩn bị ít măng tây tươi. Sau đó, rửa sạch măng tây bằng nước sạch và luộc hoặc hấp cho đến khi măng tây chín mềm. Măng tây chín, bạn đợi cho nguội bớt rồi cho vào máy xay xay nhuyễn hoặc dùng cối giã nhuyễn, lọc qua rây và cho bé ăn. Với công thức này, nếu bạn kết hợp với táo thì cũng sẽ có một món ăn rất thú vị dành cho bé đấy.

    Một số điều cần lưu ý khi cho bé ăn măng tây

    • Măng tây rất mau hỏng, nhất là khi không được bảo quản trong tủ lạnh nên bạn cần sử dụng càng sớm càng tốt sau khi mua về hoặc vừa hái xong. Để bảo quản măng tây, bạn nên gói măng tây trong giấy báo và trữ trong ngăn mát tủ lạnh.
    • Măng đóng hộp thường bị mất nhiều dinh dưỡng và có nhiều muối. Do đó, bạn nên hạn chế sử dụng.
    • Bạn có thể để đông lạnh măng tây và nó vẫn giữ được vitamin C.
    • Khi lựa măng tây, bạn cần lựa những cây măng có màu sắc tươi sáng, thân chắc, không bị giập, không có biểu hiện bị nấm mốc.
    • Măng tây là thực phẩm dễ gây đầy hơi, do đó bạn nên tránh cho bé ăn quá nhiều.
    • Nếu bạn muốn cho bé ăn măng tây chung với loại thực phẩm nào đó, hãy kết hợp với loại thực phẩm bé đã từng ăn mà không gặp phải vấn đề gì.
    • Ở lần cho bé ăn đầu tiên, hãy cho bé một lượng nhỏ và quan sát xem bé có bị dị ứng không.

    Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích về lợi ích của măng tây đối với trẻ nhỏ. Chắc chắn, khi bạn cho bé ăn thử món ăn này, bé sẽ thấy vô cùng thích thú đấy.

     

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 23/02/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo