backup og meta

Trẻ bị sưng mắt: Bố mẹ đã biết nguyên nhân và cách khắc phục chưa?

Trẻ bị sưng mắt: Bố mẹ đã biết nguyên nhân và cách khắc phục chưa?

Đôi mắt của trẻ nhỏ khá nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài như lông thú cưng, khói bụi ô nhiễm, phấn hoa, côn trùng… nên rất dễ dẫn đến tình trạng mắt bé bị sưng. Ba mẹ cần nắm rõ nguyên nhân mới có thể khắc phục tình trạng trẻ bị sưng mắt hiệu quả. 

Tình trạng mắt trẻ bị sưng thường không nguy hiểm nhưng bạn vẫn cần theo dõi để có cách xử lý việc trẻ bị sưng mắt phù hợp. Trước tiên, ba mẹ cần quan sát vết sưng của bé để xác định đúng nguyên nhân khiến mắt bé bị sưng là gì. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Hello Bacsi bố mẹ nhé!

Trẻ bị sưng mắt là do đâu? Điểm mặt 10 nguyên nhân thường gặp

Thông thường, tình trạng trẻ bị sưng mí mắt, trẻ bị sốt và sưng mắt có thể tự biến mất nên không đáng lo. Tuy nhiên, có trường hợp bé bị sưng mắt mà ba mẹ cần xử lý để giúp mắt bé nhanh hồi phục.

1. Dị ứng

Môi trường sống của chúng ta có thể tồn tại nhiều tác nhân dễ gây kích ứng, dị ứng như khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú cưng hoặc mạt bụi nhà. Nếu bé tiếp xúc với một trong số những tác nhân này có thể bị dị ứng dẫn đến sưng mí mắt trên, mí mắt dưới, đỏ mí mắt, phát ban, ngứa ngáy

Trong một vài trường hợp, ba mẹ có thể có thể nhận thấy các dấu hiệu ngay lập tức sau khi con tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng nên hãy quan sát xem trẻ vừa tiếp xúc với những gì nhé!

2. Muỗi cắn, côn trùng đốt

Vết đốt của một số loại côn trùng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các tình trạng sưng viêm khiến mắt bé bị sưng húp, mắt bé bị đỏ 1 bên,… Trẻ em bị sưng mắt mí trên hay trẻ bị sưng bọng mắt dưới cũng rất có thể là do côn trùng cắn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại côn trùng mà các triệu chứng có thể khác nhau, chẳng hạn như:

  • Khi bị muỗi đốt: Nếu bé bị muỗi đốt ở mắt thì mắt bé có thể bị sưng, ngứa nhưng không đau. Vết muỗi đốt thường hơi hồng hoặc hơi đỏ, kéo dài 10 ngày ở trẻ sơ sinh và có thể tự lành.
  • Khi bị ong đốt: Vết đốt do ong gây ra thường sưng to hơn và có thể gây đau nhức.

3. Trẻ bị sưng mắt vì thương tổn

mắt bé bị sưng vì thương tổn

Những tác động gây thương tổn ở mắt hoặc gần mắt đều có thể gây sưng, viêm, đỏ… Trẻ em thường hiếu động nên việc mắt bé bị sưng cũng hay xảy ra do té ngã, va chạm. Đôi khi, bé bị sưng mắt nhưng có thể không cảm thấy đau.

4. Mụn lẹo và chắp khiến mắt trẻ bị sưng

Mụn lẹo hay chắp mắt thường phổ biến ở trẻ nhỏ. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến mắt bé bị đỏ một bên và sưng. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ thường hay nhầm lẫn hai tình trạng này.

Phân biệt mụn lẹo và chắp mắt:

  • Mụn lẹo: Lẹo là vết sưng đỏ, mềm có thể xuất hiện ở gần mép hoặc dưới mí mắt và khiến trẻ bị sưng mí mắt. Lẹo mắt là do nang lông mi mắt bị viêm, có thể gây đau nhưng sẽ tự biến mất sau vài ngày.
  • Chắp mắt: Chắp thường xuất hiện gần mí mắt khi tuyến sản xuất dầu bị sưng khiến dầu bị tắc nghẽn. So với mụn lẹo thì vết sưng do chắp mắt thường lớn hơn.

5. Viêm bờ mi

Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị sưng mắt, nhưng đôi khi mẹ nhận thấy trẻ bị sưng mắt sau khi ngủ dậy. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do trẻ bị viêm bờ mi, thường diễn ra nghiêm trọng hơn vào buổi sáng sau khi trẻ ngủ qua một đêm. Viêm bờ mi ở trẻ có thể gây ra những triệu chứng như đóng vảy trên lông mi, sưng mí mắt, kích ứng mí mắt và ngứa.

6. Trẻ bị sưng mắt do viêm kết mạc

Trẻ bị sưng mắt đôi khi còn có thể là do mắc bệnh nhiễm trùng khi sinh, chẳng hạn như nhiễm lậu, chlamydia hoặc herpes. Từ đó dẫn đến chứng viêm kết mạc. Một số triệu chứng diễn ra ở trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc bao gồm mắt bé bị sưng húp, đỏ và tiết dịch nhiều. 

7. Viêm túi lệ

Viêm túi lệ còn được biết đến là viêm lệ đạo. Túi lệ nằm ở dưới khóe mắt phía trong, tại đây còn có ống dẫn nước mắt thông xuống mũi. Nếu ống này bị tắc nghẽn và nước bên trong không thể thoát ra có thể hình thành dịch mủ dẫn đến viêm túi lệ.

Viêm túi lệ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng viêm túi lệ bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ với tỷ lệ mắc chiếm khoảng 6% trên tổng số ca sinh. Viêm túi lệ cũng có thể khiến mắt bé bị sưng, tấy đỏ, đau nhức, đặc biệt là phù nề ở vùng góc trong mắt. Mẹ cũng có thể nhận thấy bé chảy nước mắt hoặc chảy dịch từ mắt, ảnh hưởng đến thị lực. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến áp xe tại túi lệ.

8. Nhiễm trùng xoang sàng

trẻ bị sưng mắt do nhiễm trùng xoang sàng

Xoang là những hốc rỗng chứa đầy không khí. Trong đó, xoang sàng là hệ thống xoang thuộc phần trên của mũi và nằm giữa hai mắt. Xoang sàng được lót bởi các tế bào sản xuất chất nhầy để giữ cho niêm mạc mũi không bị khô. 

Nhiễm trùng xoang sàng là tình trạng niêm mạc bên trong xoang bị viêm dẫn đến ứ đọng dịch mủ tạo áp lực lên khu vực xoang sàng. Đối với trẻ em, tình trạng này có thể gây sưng quanh mắt, sổ mũi, đau, khó chịu vùng mặt… Triệu chứng của nhiễm trùng xoang sàng có thể nhầm lẫn với nhiều tình trạng khác. Vì vậy, tốt nhất là mẹ nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

9. Viêm mô quanh ổ mắt

Viêm mô quanh ổ mắt là tình trạng viêm, nhiễm trùng mô và da xung quanh mắt. Những chấn thương ở mắt hoặc sau khi trẻ mắc cảm lạnh, viêm xoang… khiến nhiễm trùng lan đến mắt có thể dẫn đến viêm mô quanh ổ mắt, gây ra các triệu chứng như sưng mí mắt, vùng quanh mắt đỏ lên, mềm và ấm khi chạm vào. Một số trẻ còn có thể bị sốt và không thể mở được mắt.

Viêm mô quanh ổ mắt là một tình trạng nghiêm trọng vì liên quan đến mắt và vùng xương bao quanh mắt. Trẻ bị viêm mô quanh ổ mắt có thể cần dùng kháng sinh đường uống hoặc truyền qua tĩnh mạch.

10. Trẻ bị sưng mắt do phù nề

Phù nề là tình trạng sưng tấy các mô của cơ thể do tích tụ chất lỏng, thường xảy ra ở mặt, bụng, bàn chân, mắt cá chân và cả ở mí mắt. Do đó, bé bị sưng mắt đôi khi cũng có thể là do phù nề. Các nguyên nhân chính gây ra phù nề bao gồm ngồi hoặc đứng ở một tư thế quá lâu, ăn quá mặn, cháy nắng hoặc do việc dùng một số loại thuốc.

Trẻ bị sưng mắt: Bố mẹ cần khắc phục thế nào?

5 cách khắc phục mắt trẻ bị sưng

Khi trẻ bị sưng mắt, bố mẹ nên xử lý và chăm sóc tại nhà như thế nào? Theo các chuyên gia nhi khoa, đối với tình trạng sưng đau mắt nhẹ, mẹ có thể giúp trẻ cải thiện các triệu chứng bằng một số cách như sau:

  • Vệ sinh mắt đúng cách: Mẹ nên dùng gạc hoặc khăn sạch đã được làm ẩm bằng nước ấm để vệ sinh nhẹ nhàng vùng mắt cho trẻ. Việc giữ sạch vùng mắt đúng cách có thể giúp cải thiện sưng mắt do nhiễm trùng. Ngoài ra, mẹ cũng nên gội đầu cho bé thường xuyên để loại bỏ các tác nhân dính trên tóc có thể gây kích ứng cho mắt trẻ như phấn hoa, bụi bẩn, lông thú cưng…
  • Chườm lạnh: Để giảm sưng đỏ vùng mắt cho bé, mẹ có thể tiến hành chườm lạnh cho vùng da bị ảnh hưởng vài phút mỗi lần.
  • Giặt drap, mền, gối thường xuyên: Để giảm nguy cơ sưng mắt do dị ứng, bạn cần giặt drap trải giường, mền, gối của bé bằng nước nóng hàng tuần. Bạn lưu ý nên dùng chất tẩy rửa nhẹ và ít gây dị ứng khi giặt nhé.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng: Không gian nhà ở sạch sẽ, ít bụi bẩn, thông thoáng có thể giúp giảm các tác nhân gây kích ứng, dị ứng hoặc bệnh nhiễm trùng hô hấp. Từ đó giúp trẻ cải thiện các triệu chứng của bệnh.
  • Tránh xa người hút thuốc lá hay nơi có không khí bị ô nhiễm: Việc tiếp xúc với khói thuốc lá và tình trạng ô nhiễm không khí có thể khiến các triệu chứng sưng mắt, đau mắt… của trẻ lâu lành hơn. Vì vậy, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần tránh xa khói thuốc và những nơi công cộng có không khí ô nhiễm để bảo vệ sức khỏe đôi mắt hiệu quả hơn.

Mắt trẻ bị sưng: Khi nào cần đưa đi khám?

Mắt trẻ bị sưng: khi nào cần đi khám?

Nếu việc chăm sóc tại nhà không giúp cải thiện các triệu chứng sưng đau mắt thì mẹ nên sớm đưa bé đi khám, đặc biệt là trong các trường hợp sau đây:

  • Mắt trẻ bị sưng nặng: Trẻ bị sưng mắt không phải lúc nào cũng nguy hiểm nhưng nếu mắt trẻ sưng nặng ở một hoặc cả hai mắt không giảm, thậm chí sưng đến mức không thể mở mắt thì ba mẹ cần đưa bé đi khám ngay. 
  • Sưng mắt kèm sốt: Nóng sốt thường là dấu hiệu của nhiễm trùng. Vì vậy, nếu trẻ bị sưng đau mắt kèm sốt thì có thể cần được điều trị ngay lập tức.
  • Không xác định được nguyên nhân: Nếu tình trạng sưng đau mắt ở trẻ kéo dài mà không rõ nguyên nhân, dù đã chăm sóc tại nhà theo khuyến cáo thì ba mẹ cần đưa bé đi khám để xác định nguyên nhân và chữa trị đúng cách.
  • Mắt bị đỏ quá mức: Nếu tình trạng sưng mí mắt, đỏ mắt… ở trẻ không thuyên giảm, thậm chí là đỏ mắt nhiều hơn ảnh hưởng đến thị lực thì mẹ hãy đưa trẻ đi khám.
  • Đau và kích ứng: Nếu chỗ sưng mắt gây đau dữ dội và kích ứng cho bé, ba mẹ đừng chủ quan mà hãy đưa con đi khám để được bác sĩ tư vấn cách giảm đau và điều trị phù hợp, hiệu quả.

Những thắc mắc thường gặp xoay quanh tình trạng mắt trẻ bị sưng

1. Trẻ bị sưng mắt khi ngủ dậy là do đâu?

Trẻ bị sưng mắt khi ngủ dậy là tình trạng phổ biến và thường không nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân khiến mắt bé bị sưng sau khi ngủ dậy, chẳng hạn như:

  • Phù nề mí mắt do ăn mặn
  • Ngủ ít, thiếu ngủ
  • Mí mắt bị sưng sau khi ngủ dậy ở trẻ do viêm kết mạc
  • Viêm bờ mi
  • Khóc trước khi ngủ cũng có thể khiến mắt trẻ bị sưng vào sáng hôm sau 
  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có đôi mắt yếu, nhạy cảm thì mí mắt trẻ sơ sinh bị sưng đỏ còn có thể do kích ứng, dị ứng với thời tiết, phấn hoa, khói bụi… bay vào phòng ngủ của bé.

Tình trạng trẻ ngủ dậy bị sưng mắt thường có thể tự khỏi sau khi chăm sóc đúng cách tại nhà. Mẹ cũng có thể giúp bé phòng ngừa tình trạng này bằng cách tránh cho bé ăn quá mặn, giữ vệ sinh nhà cửa và tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, kích như như phấn hoa, khói bụi…

2. Nguyên nhân trẻ bị sưng bọng mắt là gì? 

trẻ bị sưng bọng mắt

Trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh bị sưng bọng mắt dưới (mí mắt dưới) có thể do sự xuất hiện mụn mủ, mụn nước, cục u… Ngoài ra, sưng bọng mắt cũng có thể do nhiễm trùng, tổn thương khi trẻ bị va đập, té ngã hoặc bị côn trùng đốt. Hầu hết trường hợp trẻ bị sưng bọng mắt dưới thường không nguy hiểm, có thể tự hết sau một vài ngày. 

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây sưng bọng mắt là gì mà các tình trạng sưng phù có thể đi kèm các triệu chứng khác như đỏ mắt, đau nhức, mắt chảy dịch… Nếu các triệu chứng kéo dài không rõ nguyên nhân thì mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ điều trị đúng cách.

3. Trẻ em bị sưng mí mắt có sao không? 

Trẻ em bị sưng mí mắt trên thường xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, chẳng hạn như viêm kết mạc (viêm giác mạc), tắc tuyến lệ, lẹo mắt, chắp mắt,… hoặc do trẻ khóc nhiều, bị côn trùng đốt, tổn thương do va đập hoặc té ngã. Nếu nguyên nhân khiến trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh bị sưng mí mắt trên không nghiêm trọng, mẹ có thể chăm sóc đôi mắt của bé tại nhà và đảm bảo vệ sinh mắt đúng cách.

Ngược lại, nếu trẻ bị sưng mí mắt trên kéo dài, sưng nặng một hoặc hai bên mắt, khó mở mắt, đau nhức, mắt chảy mủ… thì cần được đưa đi khám kịp thời để bác sĩ chẩn đoán nguyên và điều trị bằng phương pháp phù hợp.

4. Mắt trẻ bị sưng nhưng không đỏ là do đâu, có sao không? 

Mắt trẻ bị sưng nhưng không đỏ, thậm chí là cũng không đau nhức thì thường không nguy hiểm. Tình trạng này xảy ra có thể do một số nguyên nhân thông thường như:

  • Trẻ ngủ quá ít hoặc quá nhiều
  • Khóc hoặc ăn mặn gây tích nước dẫn đến phù nề
  • Viêm xoang, các xoang bị viêm gây áp lực lên quanh mắt nhưng không phải lúc nào cũng gây đỏ mắt.

Trong trường hợp sưng mắt nhưng không đỏ, tình trạng này có thể tự hết khi bé thay đổi lối sống hoặc được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên chủ quan nếu trẻ bị sưng mắt kéo dài, sưng mắt thường xuyên. Lúc này, mẹ cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân và chữa trị đúng cách. 

5. Trẻ bị sốt và sưng mắt có nguy hiểm không?

Khi trẻ bị sốt và sưng mắt, mẹ thường lo lắng không biết là do cơn sốt gây ra sưng mắt hay mắt bị nhiễm trùng nên hành sốt? Thông thường, mẹ nên xem xét cả 2 nguyên nhân chính khiến trẻ bị sốt và sưng mắt:

  • Một số loại sốt do virus gây ra, chẳng hạn như sốt siêu vi, sốt phát ban… có thể gây ra triệu chứng mệt mỏi, ho, chảy nước mũi, phát ban toàn thân, sưng mắt…
  • Nếu trẻ bị sưng mắt trước rồi mới bắt đầu sốt thì có thể mắt đã bị nhiễm trùng liên quan đến các tình trạng như đau mắt đỏ, lẹo mắt, viêm bờ mi, tắc tuyến lệ… Nếu mắt bị nhiễm trùng kèm theo sốt thường là dấu hiệu nghiêm trọng. Mẹ nên đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.

Khi chăm sóc tại nhà đối với trẻ bị sốt và sưng mắt, mẹ nên ưu tiên việc hạ sốt và vệ sinh mắt trẻ đúng cách bằng khăn mềm đã thấm ướt với nước sạch. Trẻ bị sốt cũng nên uống nhiều nước và mặc quần áo rộng thoáng để hạ nhiệt hiệu quả hơn.

6. Mắt trẻ bị sưng nhỏ thuốc gì cho mau khỏi? 

mắt trẻ bị sưng nhỏ thuốc gì

Việc dùng thuốc nhỏ mắt có thể cần thiết đối với trẻ bị sưng mắt, đau mắt do viêm kết mạc, tắc tuyến lệ, dị ứng, kích ứng… Tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, một số loại thuốc nhỏ mắt sau đây có thể được khuyên dùng cho trẻ em:

  • Nước mắt nhân tạo: Thuốc nhỏ này thường được dùng để giảm khô mắt, kích ứng mắt, mỏi mắt
  • Thuốc nhỏ mắt kháng histamin: Thuốc nhỏ mắt này giúp giảm các triệu chứng của dị ứng gây ảnh hưởng đến mắt
  • Thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn: Thuốc nhỏ giúp điều trị sưng mắt, đỏ mắt do vi khuẩn gây ra. Thuốc thường được kê đơn và mẹ nên cho bé dùng đúng hướng dẫn để tránh tác dụng phụ tiềm ẩn.
  • Thuốc nhỏ mắt kháng viêm: Thuốc nhỏ này thường chứa thành phần như corticosteroids giúp giảm viêm, sưng tấy trong mắt

7. Trẻ bị dị ứng khiến mắt bị sưng bao lâu thì hết?

Sưng mắt, mắt đỏ ngứa do phấn hoa, lông vật nuôi, mạt bụi, khói thuốc lá, sử dụng kính áp tròng… là tình trạng sưng mắt do dị ứng gây ra. Dị ứng có thể gây sưng, ngứa, đỏ cả hai bên mắt. Đối với vấn đề dị ứng sưng mắt bao lâu thì hết? Câu trả lời là sẽ tùy thuộc vào mỗi người bệnh và tác nhân nào gây dị ứng.

Nếu trẻ sưng mắt do dị ứng theo mùa, các triệu chứng thường nhẹ và có thể khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần khi dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin. Nếu dị ứng nặng hơn, sưng mắt có thể lâu lành hơn và khó điều trị hơn.

8. Trẻ bị đau mắt đỏ, mắt bị sưng phải làm sao?

Đau mắt đỏ còn được gọi là viêm kết mạc, thường là do nhiễm virus gây ra. Một số trường hợp trẻ cũng có thể bị đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn hoặc dị ứng… Các triệu chứng phổ biến nhất của đau mắt đỏ thường là tròng trắng mắt đỏ lên, trẻ có thể cảm thấy cộm trong mắt, sưng đau kết mạc, mắt tiết dịch một chút… Thông thường, trẻ bị đau mắt đỏ có thể tự khỏi nhưng vẫn cần được chăm sóc đúng cách:

  • Mẹ nên vệ sinh mắt cho trẻ bị đau mắt đỏ mỗi ngày. Sử dụng một miếng gạc/khăn sạch đã được khử khuẩn thấm ướt với nước để lau mắt cho trẻ, nhẹ nhàng lấy hết gỉ mắt hoặc các vảy khô đóng ở khóe mắt.
  • Trẻ đau mắt đỏ nên dùng thuốc nhỏ mắt theo kê đơn của bác sĩ, đó có thể là thuốc nhỏ mắt có kháng sinh hoặc chứa corticoid kháng viêm. Mẹ cần dùng theo chỉ định từ bác sĩ và tránh cho bé dùng thuốc nhỏ mắt chung với người khác.
  • Trẻ bị đau mắt đỏ nên hạn chế đến nơi công cộng và tiếp xúc với những người khác, đặc biệt là mẹ cần tránh tuyệt đối việc cho trẻ đi bơi ở hồ bơi.
  • Khi bị đau mắt đỏ, trẻ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính hoặc tivi. 

Ngoài ra, cả người chăm sóc như ba mẹ hay bé đang bị đau mắt đỏ đều cần đảm bảo luôn rửa tay sạch với nước và xà phòng trước và sau khi chạm vào mắt để giảm sự lây lan của virus, vi khuẩn.

9. Làm sao để hết sưng mắt sau khi khóc?

mắt trẻ bị sưng do khóc

Nếu trẻ khóc nhiều, mắt có thể bị sưng như một phản ứng tự nhiên vì nước mắt có chứa muối khi di chuyển ra các mô xung quanh cũng có thể gây tích nước dẫn đến sưng phù. Ngoài ra, việc trẻ dụi mắt nhiều khi khóc cũng sẽ gây ra những tác động khiến mắt sưng nhiều hơn. Đối với vấn đề làm sao để hết sưng mắt khi khóc, mẹ có thể thử những cách sau cho bé:

  • Nhỏ thuốc nhỏ mắt giúp làm ẩm mắt, gợi ý là mẹ có thể cho bé dùng nước mắt nhân tạo
  • Chườm ấm hoặc chườm lạnh cho mắt, ngoài dùng khăn mẹ cũng có thể dùng túi trà hoặc dưa leo để đắp mắt giảm sưng cho con
  • Massage cho mắt giúp kích thích tuần hoàn và giảm sưng
  • Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước.

10. Trẻ bị sưng mắt đắp lá gì?

Khi trẻ sưng mắt, đau mắt đỏ nhiều mẹ thường nghĩ đến việc áp dụng các mẹo dân gian, chẳng hạn như xông lá trầu không, đắp nha đam, đắp lá diếp cá… Tuy nhiên, việc đắp lá hoặc xông lá khi sưng mắt, đau mắt đỏ đều tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho mắt. 

  • Đối với việc xông lá trầu cho mắt, ban đầu có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu nhưng sau đó mắt có nguy cơ phù nề do hơi nước nóng, thậm chí là dễ bị bỏng giác mạc, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng hơn. 
  • Đối với việc đắp một số loại lá lên mắt, trẻ cũng chỉ cảm thấy mát, dịu hơn khi mới đắp nhưng “đằng sau” là nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm bụi bẩn có thể khiến đau mắt nặng hơn.

Vì vậy, đối với vấn đề “trẻ bị sưng mắt đắp lá gì?” thì khuyến cáo là mẹ không nên áp dụng các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng về độ hiệu quả và an toàn để tránh rủi ro.

Để khắc phục tình trạng trẻ bị sưng mắt hay mắt bé bị sưng, bạn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra vấn đề. Nếu mắt bé bị sưng quá nặng và không thuyên giảm, hãy đưa bé đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có cách điều trị đúng hơn nhé. 

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Child with Swollen Eyes https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2019/0901/p313.html Ngày truy cập: 13/03/2023

Blepharitis in Children https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions—pediatrics/b/blepharitis-in-children.html Ngày truy cập: 13/03/2023

Styes https://kidshealth.org/en/parents/stye.html Ngày truy cập: 29/06/2021

Eye Swelling https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/eye-swelling/ Ngày truy cập: 29/06/2021

Conjunctivitis (Pink Eye) in Newborns https://www.cdc.gov/conjunctivitis/newborns.html Ngày truy cập: 29/06/2021

Swollen Eyes in Baby – Reasons and Remedies https://parenting.firstcry.com/articles/swollen-eyes-in-baby-reasons-and-remedies/ Ngày truy cập: 29/06/2021

Dacryocystitis https://eyewiki.org/Dacryocystitis Ngày truy cập 28/11/2024

Ethmoid sinus https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/ethmoid-sinus Ngày truy cập 28/11/2024

Sinusitis in Children https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/sinusitis-in-children Ngày truy cập 28/11/2024

Periorbital cellulitis in children (being treated with antibiotics) https://www.royalfree.nhs.uk/patients-and-visitors/patient-information-leaflets/periorbital-cellulitis-children-being-treated-antibiotics#:~:text=Periorbital%20cellulitis%20is%20an%20infection,to%20open%20their%20eye%20fully. Ngày truy cập 28/11/2024

Edema https://www.childrenshospital.org/conditions/edema Ngày truy cập 28/11/2024

Conjunctivitis (Pinkeye) In Kids https://kidshealth.org/en/parents/conjunctivitis.html#:~:text=Besides%20the%20telltale%20red%20or,or%20sensitivity%20to%20bright%20light. Ngày truy cập 28/11/2024

Chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo gì khi chữa đau mắt đỏ bằng xông lá trầu, đắp nha đam, diếp cá…?

https://trungtamytequan10.medinet.gov.vn/chuyen-muc/chuyen-gia-nhan-khoa-khuyen-cao-gi-khi-chua-dau-mat-do-bang-xong-la-trau-dap-nh-c15612-120271.aspx Ngày truy cập 28/11/2024

Phiên bản hiện tại

20/12/2024

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo