backup og meta

Thai nhi 13 tuần kích thước bao nhiêu, cơ thể mẹ bầu thay đổi như thế nào?

Thai nhi 13 tuần kích thước bao nhiêu, cơ thể mẹ bầu thay đổi như thế nào?

Tuần thứ 13 của thai kỳ là tuần cuối cùng trong ba tháng đầu (tam cá nguyệt thứ nhất). Các ngón chân của em bé sẽ lộ ra rõ hơn, vân tay xuất hiện và dần hoàn chỉnh là các mốc phát triển đáng chú ý của thai nhi 13 tuần. 

Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được sự phát triển của thai nhi 13 tuần tuổi và những điều mẹ bầu 13 tuần cần lưu ý trong giai đoạn này của thai kỳ.

Thai nhi 13 tuần tuổi phát triển như thế nào?

1. Chiều dài, cân nặng của thai nhi 13 tuần tuổi

Nếu bạn đang thắc mắc thai nhi 13 tuần nặng bao nhiêu hay thai 13 tuần to bằng quả gì? Theo các chuyên gia sản khoa, thai nhi trong bụng mẹ có kích thước tương ứng với một quả mận. Con sẽ có kích thước như sau:

  • Cân nặng khoảng 25g
  • Chiều dài từ đầu đến mông khoảng 7,4cm.

Lưu ý

  • Khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, tay chân của em bé hơi co vào thân mình, lưng có thể cong hoặc thẳng, đầu khi cúi khi ngửa. Do đó, việc hình dung thai nhi 13 tuần như quả mận là đang hình dung em bé theo 1 khối co lại và ngắn lại.
  • Việc tính chiều dài thai nhi chỉ mang tính chất tương đối và áp dụng cho thai trong quý 1, từ 14 tuần trở đi, các cử động của thai nhi tương đối nhiều, chân tay cũng phát triển rõ hơn và có cử động gập duỗi, lúc này việc tính các thông số sinh trắc thường ít sử dụng chiều dài đầu mông hay chiều cao (từ đầu đến gót chân). 

2. Thai nhi 13 tuần đã có thể đi tiểu

  • Bạn băn khoăn thai 13 tuần phát triển như thế nào? Thai 13 tuần đã bắt đầu biết nuốt nước ối và bài tiết nước tiểu vào trong buồng ối.

3. Hệ tiêu hóa của con đã sản xuất phân su

  • Khi em bé nuốt nước ối, hệ tiêu hóa của con cũng sản xuất ra phân su. Phân su là phân đầu tiên bé đi tiêu sau khi ra đời. Phân có màu đen hay xanh đen và rất dính.

4. Hệ xương dần cứng cáp hơn

  • Xương của bé bắt đầu cứng lại, đặc biệt là các xương dài và hộp sọ.
  • Mầm răng cũng thấy rõ trên siêu âm.

5. Mí mắt đã có thể khép lại 

  • Mí mắt của bé đã có thể khép lại để bảo vệ mắt.

6. Nhau thai đã phát triển 

  • Vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất, nhau thai của mẹ đã phát triển và đảm nhiệm vai trò cung cấp oxy, chất dinh dưỡng và xử lý chất thải cho bé.
  • Nhau thai cũng sản xuất các hormone progesterone và estrogen giúp duy trì thai kỳ của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

7. Thai nhi 13 tuần đang dần hình thành phản xạ mút

  • Trong tuần này, bé cũng có thể đưa ngón tay cái vào miệng tuy các cơ để mút vẫn chưa hoàn toàn phát triển. Điều này giúp hình thành phản xạ mút để con có thể bú mẹ sau khi được sinh ra.

8. Bộ phận sinh dục

  • Cấu tạo bên trong buồng trứng hoặc tinh hoàn của bé đã phát triển đầy đủ, đồng thời cấu tạo bên ngoài cũng dần hoàn thiện.

9. Chuyển động của thai nhi 13 tuần

  • Em bé đang di chuyển xung quanh trong buồng ối. Lúc đầu, các chuyển động rất giật cục và ngẫu nhiên nhưng sau đó các cử động bắt đầu có vẻ nhịp nhàng hơn.
  • Bạn có thể không cảm thấy bất kỳ chuyển động nào cho đến khoảng tuần thứ 17 của thai kỳ.

Sự phát triển của thai nhi 13 tuần tuổi

  • Thai nhi 13 tuần đã có thể đi tiểu.
  • Phân su đã được sản xuất trong ruột.
  • Hệ xương của bé dần cứng cáp hơn.
  • Mí mắt đã có thể khép lại.
  • Nhau thai đã phát triển.
  • Phản xạ mút dần hình thành.
  • Bộ phận sinh dục: Cấu tạo bên trong của buồng trứng và tinh hoàn đã phát triển đầy đủ.
  • Các chuyển động của thai nhi 13 tuần còn giật cục chưa có sự nhịp nhàng.

Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ 13

mang thai 13 tuần các triệu chứng thường gặp

1. Tình trạng đi tiểu thường xuyên giảm 

Nếu ở các tuần thai trước, bạn cảm thấy thường xuyên muốn đi tiểu hơn thì bước qua tuần 13 của thai kỳ, điều này sẽ giảm. Nguyên do là bởi khi thai nhi 13 tuần, tử cung sẽ phát triển hướng lên trên và hướng ra ngoài giúp giảm áp lực lên bàng quang.

2. Đau bụng

Việc thỉnh thoảng bị đau bụng khi mang thai là phổ biến. Điều này có thể bắt nguồn từ việc bạn bị đầy hơi, chướng bụng hay đau dây chằng tròn.

Mẹ bầu hãy áp dụng các mẹo sau để giảm nguy cơ bị co thắt bụng dưới:

  • Vận động nhẹ nhàng
  • Tắm nước ấm bằng vòi sen
  • Uống nhiều chất lỏng hơn
  • Nằm xuống nghỉ ngơi…

Cần lưu ý rằng, trong một số trường hợp, đau bụng có thể dấu hiệu nguy hiểm. Mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay nếu:

  • Cơn đau không biến mất sau vài phút nghỉ ngơi
  • Cơn đau có chiều hướng dữ dội,
  • Đau ở vùng bụng trên hoặc nhạy cảm bất thường
  • Có các triệu chứng khác như sốt hoặc chóng mặt.

3. Sự thèm ăn trở lại

Nếu bạn đã bị ốm nghén và chán ăn ở những tuần thai trước thì khi thai nhi 13 tuần trở đi, bạn có thể sẽ thấy dễ chịu hơn. Lúc này, cảm giác thèm ăn có thể xuất hiện. Điều này có thể liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng trong thai kỳ.

4. Nghẹt mũi

Theo ước tính, có khoảng gần 1/3 phụ nữ mang thai bị nghẹt mũi do tác động của hormone và việc tăng thể tích máu. Tuy nhiên, nghẹt mũi đi cùng triệu chứng sốt, ho, đau họng… thì có thể là cảm lạnh hoặc tình trạng nhiễm trùng khác.

Mách mẹ bầu các giải pháp giúp giảm nghẹt mũi khi mang thai:

5. Tĩnh mạch to ra và có thể nhìn thấy

  • Vì cơ thể mẹ bầu sản xuất nhiều máu hơn, khoảng 30 – 50%, nên các tĩnh mạch sẽ to ra và dễ thấy hơn. Bạn có thể bắt đầu thấy các tĩnh mạch màu xanh, nổi rõ trên bầu ngực và bụng. Bạn cũng có thể bị giãn tĩnh mạch ở chân và thân dưới khi tử cung phát triển.
  • Tin vui là những tĩnh mạch này thường biến mất hoặc cải thiện sau khi bạn sinh con.

6. Khí hư khi mang thai

Việc ra nhiều khí hư trong thời gian mang thai là điều hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân là do nồng độ estrogen trong cơ thể tăng cao.

Nếu khí hư không mùi hoặc có mùi nhẹ và màu trắng sữa, bạn không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu khí hư màu xám, vàng hoặc xanh lá cây gây đau hoặc ngứa… có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Lúc này, mẹ bầu hãy đi khám ngay.

7. Thai nhi 13 tuần, mẹ bầu bị ợ nóng

Những thay đổi về hormone và thể chất trong thai kỳ có thể dẫn đến chứng ợ nóng khi mang thai. Nếu bị ợ nóng, mẹ bầu hãy:

  • Tránh các loại thực phẩm cay và có tính axit
  • Chia nhỏ các bữa ăn và ăn chậm, nhai kỹ
  • Nhai kẹo cao su sau khi ăn để trung hòa axit dạ dày.

Nếu các mẹo trên không đưa lại kết quả, hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc điều trị chứng ợ nóng an toàn cho bà bầu .

Thay đổi về mặt cơ thể

  • Tình trạng đi tiểu thường xuyên giảm so với trước.
  • Đau bụng lâm râm có thể do bị đầy hơi, chướng bụng hay đau dây chằng tròn.
  • Sự thèm ăn khiến nhu cầu ăn uống tăng lên.
  • Nghẹt mũi do tác động của hormone, lưu lượng máu trong cơ thể tăng hoặc do nhiễm trùng.
  • Tĩnh mạch to ra và có thể nhìn thấy do tăng lưu lượng máu trong cơ thể.
  • Khí hư khi mang thai do nồng độ estrogen trong cơ thể tăng cao.
  • Ợ nóng do tác động từ sự thay đổi về hormone và thể chất trong thai kỳ.

Lời khuyên của bác sĩ về thai kỳ 13 tuần

thai nhi 13 tuần phải làm xét nghiệm gì

1. Thai nhi 13 tuần, mẹ bầu bị khó thở nhẹ

Triệu chứng khó thở nhẹ có thể chỉ làm cho mẹ cảm thấy khó chịu và không ảnh hưởng đến lượng oxy cung cấp cho bé. Tuy nhiên mẹ bầu cần đi khám ngay để ngăn ngừa các rủi ro có thể gặp phải trong thai kỳ nếu:

  • Thở khó khăn
  • Môi hoặc ngón tay dường như chuyển màu hơi xanh
  • Cảm thấy bị đau ngực
  • Mạch nhanh bất thường…

2. Dùng vitamin bổ sung khi mang thai 

Thảo luận với bác sĩ về việc tiếp tục dùng vitamin bổ sung cho thai kỳ. Theo đó, việc dùng thực phẩm chức năng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh sẽ đảm bảo bé yêu được cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển chẳng hạn như:

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhằm xác định được cách tốt nhất để uống vitamin, chẳng hạn như uống trong khi ăn hoặc có thể uống kèm một loại đồ uống nào đó hay không.

3. Quan hệ khi mang thai

Ở giai đoạn này của thai kỳ, lượng máu bơm đến vùng xương chậu cũng như sự thay đổi hormone sẽ tăng lên, do đó, một số mẹ bầu sẽ nhận thấy nhu cầu ham muốn tình dục tăng.

Cả 2 trường hợp này đều có thể xảy ra. Việc lưu lượng máu tăng cũng làm cho bạn thường xuyên cảm thấy khát hơn, vì vậy hãy đảm bảo uống nhiều nước và thường xuyên.

4. Vận động khi mang thai 

Ở tuần thai này, bạn hãy ghi nhớ các mẹo sau trong khi tập thể dục để tránh “lợi bất cập hại” nhé:

  • Giữ cường độ luyện tập ở một mức độ mà mẹ có thể vừa tập vừa nói chuyện mà không cảm thấy hụt hơi.
  • Giảm cường độ tập thể dục hay nghỉ ngơi nếu mẹ bắt đầu cảm thấy hụt hơi, kiệt sức hoặc chóng mặt.
  • Thay đổi thói quen tập thể dục khi thai kỳ dần tiến triển. Hãy nhớ rằng bé sẽ tăng thêm trọng lượng cho cơ thể mẹ. Vì vậy, việc mang thai sẽ giống như mẹ đang mang theo một chiếc ba lô và nó sẽ dần to, nặng hơn sau mỗi tuần.
  • Hãy chú ý tới những thay đổi trong cơ thể của mẹ khi mang thai đến tuần thứ 13. Ngoài ra, mẹ cũng cần thảo luận về thói quen tập thể dục với bác sĩ nếu có bất cứ cảm giác khó chịu, đau đớn hay kiệt sức nghiêm trọng nào.

5. Những xét nghiệm nào mẹ mang thai 13 tuần cần biết?

Tùy thuộc vào số lần bạn đã khám thai, tình trạng của thai kỳ, sức khỏe của mẹ bầu mà bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra sau:

  • Đo cân nặng và huyết áp
  • Siêu âm thai, khảo sát hình thái học quý 1
  • Xét nghiệm tổng quát, làm sàng lọc lệch bội và tiền sản giật
  • Đo nhịp tim của thai nhi 13 tuần
  • Kiểm tra xem liệu bàn tay và bàn chân của mẹ có bị sưng, giãn tĩnh mạch hay không

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể trao đổi thêm để biết được bạn có trải qua những triệu chứng không bình thường nào hay không. Do đó, bạn hãy nêu ra những câu hỏi hoặc vấn đề muốn thảo luận và trao đổi kỹ hơn. Để làm tốt việc này, bạn hãy lên một danh sách các câu hỏi trước ngày đi khám nhé.

Những câu hỏi liên quan đến tuần thai thứ 13

hình ảnh siêu âm thai 13 tuần

1. Mang thai 13 tuần bụng to chưa, mẹ đã cảm nhận được chưa?

Thai nhi 13 tuần, bụng bầu của bạn đã hơi nhô ra rõ rệt. Bởi lúc này, tử cung sẽ phát triển hướng lên trên và hướng ra ngoài. Do đó, mẹ bầu có thể cảm nhận được bé yêu đang lớn dần lên trong bụng.

2. Mang thai 13 tuần đã an toàn chưa?

“Thai 13 tuần đã an toàn chưa?” là thắc mắc không quá hiếm gặp của các mẹ bầu.

Thai nhi 13 tuần là thời điểm thai đã bắt đầu ổn định và nhiều mẹ bầu đã cảm thấy mình khỏe hơn so với các tuần trước đó. Tuần 13 là tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ bầu đã sắp bước sang tam cá nguyệt thứ hai. Đây khoảng thời gian mang thai khỏe mạnh nhất mà mẹ bầu có thể cảm nhận được.

3. Thai nhi 13 tuần có làm xét nghiệm NIPT được không? 

Thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện xét nghiệm NIPT là sau khi siêu âm khảo sát hình thái học 3 tháng đầu và đo độ mờ da gáy.

Lần xét nghiệm muộn nhất có thể được thực hiện là vào tuần thứ 24 của thai kỳ.

4. Mang thai 13 tuần đau nhói bụng dưới là do đâu? 

Đối với mẹ bầu, hiện tượng giãn dây chằng tròn do tử cung to lên có thể gây ra các cơn đau bụng dưới. Thông thường, các cơn đau có thể nặng hơn nếu mẹ bầu hắt hơi, ho, hay thay đổi tư thế đứng và ngồi đột ngột.

Bên cạnh đó, tình trạng táo bón khi mang thai có thể gây ra tình trạng co thắt, làm xuất hiện triệu chứng đau nhói bụng dưới khi mang thai 13 tuần.

5. Mang thai 13 tuần uống nước dừa được không? 

Theo chia sẻ của nhiều chị em thì giai đoạn tốt nhất để uống nước dừa là trong khoảng tháng thứ 4-6 của thai kỳ (tuần 13-24 của thai kỳ). Do đó, câu trả lời cho thắc mắc “thai nhi 13 tuần uống nước dừa được không?” là được mẹ nhé.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được thai nhi 13 tuần phát triển như thế nào, nắm được các thay đổi của cơ thể để từ đó chăm sóc thai kỳ tốt hơn. Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng đừng quên gia nhập cộng đồng Mang thai trên Hello Bacsi để cùng các mẹ bầu khắp nơi chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe thai kỳ hữu ích.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pregnancy week 13 https://www.nct.org.uk/pregnancy/your-pregnancy-week-week/second-trimester/pregnancy-week-13 Ngày truy cập: 01/10/2024

Week-by-week guide to pregnancy https://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/2nd-trimester/week-13/#anchor-tabs Ngày truy cập: 01/10/2024

Pregnancy calendar week 13

http://kidshealth.org/parent/pregnancy_center/pregnancy_calendar/week13.html Ngày truy cập: 01/10/2024

Poppy seed to pumpkin: How big is your baby? 

http://www.babycenter.com/slideshow-baby-size Ngày truy cập: 01/10/2024

Your pregnancy: 13 weeks

http://www.babycenter.com/6_your-pregnancy-13-weeks_1101.bc Ngày truy cập: 01/10/2024

Phiên bản hiện tại

29/10/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Thai 16 tuần phát triển như thế nào trong bụng của mẹ bầu?

Thai nhi 15 tuần: Sự phát triển của bé, những thay đổi trong cơ thể mẹ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 4 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo