Nếu các triệu chứng trào ngược axit dạ dày khi mang thai trở nên nghiêm trọng, mẹ bầu nên đi khám để được điều trị hiệu quả.
2.2. Bà bầu bị đau bụng trên từng cơn do táo bón, đầy hơi
Khoảng 75% phụ nữ mang thai có thể bị táo bón vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Trong đó, việc bổ sung sắt, chế độ ăn ít chất xơ, thiếu chất lỏng và sự thay đổi hormone đều được xem là những nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ bị táo bón. Bên cạnh đó, càng về cuối thai kỳ, tử cung càng to ra sẽ gây áp lực lên ruột và khiến mẹ gặp khó khăn trong việc đi tiêu.
Vì vậy, nếu bạn đang trải qua tình trạng này hoặc lo rằng mình có nguy cơ thì đừng bỏ qua một số lời khuyên sau đây để cải thiện vấn đề táo bón khi mang thai, bao gồm:
- Uống nhiều nước hơn
- Ăn các bữa nhỏ, chú ý bổ sung các loại trái cây và rau củ giàu chất xơ
- Tập thể dục đều đặn
- Nếu táo bón nghiêm trọng và diễn ra thường xuyên, mẹ bầu có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc nhuận tràng để đi tiêu dễ dàng hơn.
2.3. Đau bụng trên khi mang thai do các vấn đề về túi mật
Việc mẹ bầu bị đau ở vùng bụng trên bên phải, dưới hoặc gần xương sườn có thể do các vấn đề ở túi mật. Nếu bà bầu bị đau bụng trên từng cơn hoặc cũng có thể đau liên tục, nôn mửa, sốt… thì nguyên nhân có thể là do bị sỏi mật. Đối với phụ nữ mang thai, nội tiết tố tăng lên có thể gây ra mức cholesterol cao hơn và làm chậm quá trình làm rỗng túi mật. Điều này dẫn đến việc hình thành sỏi trong túi mật và gây đau.
Nếu nghiêm trọng, sỏi mật có thể gây một số biến chứng như viêm túi mật, tắc nghẽn ống dẫn mật hoặc viêm tụy. Điều trị sỏi mật khi mang thai thường phụ thuộc vào các triệu chứng. Nếu cơn đau không biến mất mà vẫn lặp đi lặp lại thì mẹ cần thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
2.4. Ứ mật thai kỳ

Các nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ các hormone estrogen và progesterone tăng cao trong thai kỳ cũng góp phần dẫn đến suy giảm bài tiết mật. Như vậy, khi gan không thể bài tiết mật đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng ứ mật thai kỳ, với các triệu chứng điển hình như:
- Ngứa dữ dội toàn thân, đặc biệt là ở lòng bàn tay và bàn chân
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân có màu nhạt
- Da và tròng trắng của mắt có màu vàng
Một số mẹ bầu cũng có thêm những triệu chứng khác như đau vùng bụng trên, cụ thể là vùng hạ sườn bên phải, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, ăn mất ngon… Ứ mật thai kỳ có thể tiềm ẩn một số rủi ro như tăng nguy cơ thai chết lưu, sinh non, suy hô hấp ở trẻ sau khi sinh, trẻ hít phân su… Vì vậy, mặc dù hiếm gặp nhưng mẹ bầu vẫn nên lưu ý đến nguy cơ bị ứ mật thai kỳ. Nếu gặp tình trạng này, mẹ cần được theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình mang thai để bác sĩ có thể can thiệp kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.
2.5. Bà bầu bị đau bụng trên từng cơn do viêm tụy
Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm sưng, đỏ, gây đau. Đây là một tuyến nằm ở phía sau dạ dày, ở vùng bụng trên. Vì vậy, viêm tụy cũng có thể gây đau vùng bụng trên. Cơn đau có thể lan ra sau lưng, đau khi chạm vào bụng và một số triệu chứng khác như sốt, mạch nhanh, buồn nôn, nôn mửa.
Đối với phụ nữ, việc mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp trong thai kỳ. Các yếu tố hoặc nguyên nhân thường gây ra tình trạng này bao gồm mẹ bầu bị sỏi mật, tăng lipid máu, tăng triglyceride trong máu, béo phì hoặc có chế độ ăn nhiều chất béo.
Trên thực tế, viêm tụy tiềm ẩn nhiều rủi ro như tăng nguy cơ sinh non, thậm chí tử vong nhưng các triệu chứng của bệnh thường dễ nhầm lẫn với các vấn đề phổ biến trong thai kỳ. Vì vậy, mẹ bầu nên sớm đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, theo dõi nếu cảm thấy đau bụng trên bất thường. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm tụy khi mang thai mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp, an toàn.
2.6. Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân được quan tâm kể trên, bà bầu bị đau bụng trên từng cơn cũng có thể do một số nguyên nhân khác như:
- Vấn đề lá lách, chẳng hạn như lá lách sưng to, vỡ lá lách
- Các vấn đề dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày…
- Tắc nghẽn đường ruột
- Các vấn đề về thận và đường tiết niệu
- Viêm phúc mạc
- Nhạy cảm hoặc dị ứng thực phẩm.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!