backup og meta

Các kiểu nghén khi mang thai và mẹo để “thoát khỏi" cơn nghén

Các kiểu nghén khi mang thai và mẹo để “thoát khỏi" cơn nghén

Ốm nghén có thể là một nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều mẹ bầu. Nếu bạn dạo vòng quanh các cộng đồng mang thai thì có thể bắt gặp không ít mẹ bầu chia sẻ nhiều kiểu ốm nghén khác nhau và đôi khi chúng làm cho các mẹ bầu lo lắng rằng liệu đây có phải là một phần sinh lý bình thường khi mang thai. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các kiểu nghén khi mang thai và mẹo để vượt qua những cơn ốm nghén này nhé! 

Nghén là gì? Tại sao bầu lại bị nghén? 

Theo các chuyên gia, ước tính có từ 1/2 đến 2/3 phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Tình trạng khó chịu này thường gặp trong giai đoạn đầu thai kỳ với nhiều biểu hiện như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi… Mỗi người khác nhau sẽ gặp phải các kiểu nghén khi mang thai khác nhau, chẳng hạn như khi nghén thèm ngọt, khi nghén thèm chua, nghén ngủ…. 

Đây được xem là những biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể, nguyên nhân có thể xuất phát từ nồng độ hormone tăng cao, sự thay đổi về chuyển hóa các chất và lưu lượng máu trong cơ thể. Các cơn nghén có xu hướng giảm dần và hết hẳn vào tuần thứ 16-20 của thai kỳ và không quá nguy hại, trừ các trường hợp nghén nặng.

Các kiểu nghén khi mang thai thường gặp nhất 

Ốm nghén là phản ứng của cơ thể cho tổ hợp những thay đổi khi bạn bước vào giai đoạn thai kỳ. Vậy nên cũng sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau cho các kiểu nghén khi mang thai khác nhau. Dưới đây là những kiểu nghén thường gặp nhất: 

Ốm nghén nhẹ 

Đa số các kiểu nghén khi mang thai may mắn đều là ốm nghén nhẹ. Các mẹ bầu chủ yếu bị buồn nôn, nôn mửa và ăn uống không ngon miệng như trước. Một số mẹ có thể bị mệt mỏi, lo lắng nhẹ khi bị ốm nghén. 

Cơ thể mẹ bị nghén nhẹ mệt mỏi nhưng vẫn có thể kiểm soát được chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo cung cấp dưỡng chất đầy đủ cho thai kỳ. Mẹ không bị sụt cân hoặc thiếu nước nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến thai nhi. 

Ốm nghén nặng 

các kiểu nghén khi mang thai: nghén nặng

Nghén nặng (hay còn được biết đến với thuật ngữ hyperemesis gravidarum – HG). Đây là một trong các kiểu nghén khi mang thai hiếm gặp, chỉ có 1/1.000 phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên các triệu chứng của ốm nghén nặng rất nguy hiểm, bao gồm nôn mửa lặp lại liên tục, khiến mẹ bầu bị sụt cân và thiếu nước. Nếu không được điều trị phù hợp, trường hợp ốm nghén nặng có thể gây ra các biến chứng như: 

  • Mất cân bằng điện giải
  • Rối loạn âu lo và trầm cảm cực độ
  • Suy dinh dưỡng bào thai
  • Tạo áp lực làm việc cho gan, thận, tim và các cơ quan khác. 

Nếu gặp phải trường hợp ốm nghén nặng, các mẹ bầu cần nhập viện để điều trị y tế phù hợp, chủ yếu để bác sĩ theo dõi và chăm sóc dinh dưỡng, bù nước và chất dinh dưỡng qua đường tiêm tĩnh mạch. 

Các kiểu nghén khi mang thai: Thèm chua, thèm ngọt, thèm cay 

các kiểu nghén khi mang thai: thèm ngọt

Bên cạnh phân loại thành các kiểu nghén nhẹ hay nặng khi mang thai, cảm giác thèm ăn món này hoặc không thích ăn món kia cũng được xem là một kiểu nghén ở các mẹ bầu. Một số mẹ bầu chia sẻ rằng họ dường như thay đổi khẩu vị hoàn toàn khi mang thai, một số món ăn yêu thích trước kia bỗng trở nên “đáng sợ”. Một số mẹ thì có cảm giác thèm chua, một số khác thích ăn đồ ngọt nhưng cũng có nhiều mẹ nghiện đồ ăn cay khi mang thai. Nhiều kinh nghiệm dân gian lưu truyền còn dựa trên cảm giác nghén thèm chua hay thèm ngọt của bà bầu để đoán giới tính thai nhi. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được khoa học công nhận. 

Các chuyên gia cũng chưa lý giải được các kiểu nghén khi mang thai này, tuy nhiên chúng không liên quan đến việc thiếu hụt dưỡng chất mà chủ yếu là một sự thay đổi về hormone trong cơ thể của người mẹ. 

Chồng nghén hộ vợ 

các kiểu nghén khi mang thai: nghén hộ vợ

Một trong các kiểu nghén khi mang thai thú vị và buồn cười nhất phải kể đến việc chồng nghén hộ vợ. Đó là khi mà các ông bố cũng có biểu hiện nôn mửa, ợ nóng, đau lưng, chuột rút… khi vợ mang thai, thậm chí họ cũng bị buồn bực, khó chịu, lo lắng như người vợ. Thực tế là không có nguyên nhân chính xác để lý giải cho hiện tượng này. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, xuất phát từ tâm lý đồng cảm của vợ chồng với nhau, còn được gọi là hội chứng nghén đồng cảm hay hội chứng Couvade

Làm thế nào để “thoát khỏi” cơn ốm nghén? 

các kiểu nghén khi mang thai

Các kiểu nghén khi mang thai dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của các chị em phụ nữ, có thể trở thành những nỗi ám ảnh của các chị em làm mẹ lần đầu. Để đối phó với nỗi ám ảnh này, mẹ bầu nên bỏ túi những lời khuyên sau đây:

  • Không dùng bất kỳ loại thuốc nào, trừ khi bác sĩ của bạn biết bạn đang mang thai và đã kê đơn thuốc cụ thể.
  • Ăn một ít bánh quy ngọt hoặc bánh cookies trước khi rời giường vào buổi sáng.
  • Hạn chế ăn những loại đồ ăn khiến bạn buồn nôn. 
  • Ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên, vì dạ dày trống rỗng thì có xu hướng gây buồn nôn nhiều hơn. 
  • Uống nhiều nước, có thể dùng nước chanh, nước ép trái cây pha loãng, trà gừng hay súp… 
  • Bổ sung vitamin B6 có thể giúp làm giảm cơn ốm nghén nhưng quá liều sẽ gây hại. Vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. 
  • Có thể bấm huyệt hoặc châm cứu cổ tay để giảm nghén.
  • Ưu tiên lựa chọn quần áo rộng rãi, thoải mái, không ôm bó vùng bụng. 
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn. 

Không chỉ buồn nôn và nôn, các mẹ bầu có thể gặp rất nhiều các kiểu nghén khi mang thai. Đa phần biểu hiện ốm nghén đều xuất phát từ phản ứng sinh lý và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu ốm nghén gây sụt cân và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày, mẹ bầu nên nhanh chóng đi khám để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc phù hợp nhé! 

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vomiting and morning sickness – NHS

https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/vomiting-and-morning-sickness/ Ngày truy cập 19/6/2023

Pregnancy – morning sickness – Better Health Channel

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-morning-sickness Ngày truy cập 19/6/2023

Morning sickness | March of Dimes

https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/morning-sickness Ngày truy cập 19/6/2023

Severe Morning Sickness (Hyperemesis Gravidarum) (for Parents) – Nemours KidsHealth

https://kidshealth.org/en/parents/hyperemesis-gravidarum.html Ngày truy cập 19/6/2023

Food cravings during pregnancy

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/food-cravings-during-pregnancy# Ngày truy cập 19/6/2023

Phiên bản hiện tại

28/06/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Thuốc trị ốm nghén cho bà bầu: Loại thuốc nào được ưu tiên?

Hỏi đáp Bác sĩ: Mang bầu 4 tháng vẫn nghén có bất thường không?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 28/06/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo