backup og meta

Giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch

Tìm hiểu chung

Giãn tĩnh mạch là gì?

Đây là tình trạng tĩnh mạch bị xoắn ngoằn ngoèo và phì đại. Bất kỳ tĩnh mạch nông nào cũng có thể bị giãn nhưng phổ biến nhất là giãn tĩnh mạch chân. Thường xuyên đứng và đi thẳng chân làm tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch của phần dưới cơ thể có thể gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch chi dưới.

Đối với nhiều người, bệnh giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện (một biến thể phổ biến khác nhưng nhẹ hơn của giãn tĩnh mạch) chỉ có vấn đề về tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây đau và khó chịu trong nhiều trường hợp khác. Đôi khi, suy giãn tĩnh mạch còn dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng

giãn tĩnh mạch
Tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da, có màu xanh hoặc tím dễ nhận thấy

Những dấu hiệu và triệu chứng của giãn tĩnh mạch là gì?

Bệnh có thể không gây đau đớn nhưng dễ nhận thấy bằng mắt thường.

Những triệu chứng và dấu hiệu bao gồm:

  • Tĩnh mạch dưới da có màu tím đậm hoặc xanh
  • Tĩnh mạch có dạng xoắn nổi ngoằn ngoèo

Trong đó, triệu chứng giãn tĩnh mạch chân còn có thể là:

  • Cảm giác đau nhức, chuột rút, nóng ấm ở chân
  • Vùng chân ảnh hưởng bị sưng phù
  • Cơn đau nghiêm trọng hơn khi ngồi hoặc đứng quá lâu
  • Ngứa da
  • Thay đổi màu da xung quanh tĩnh mạch bị giãn

Tĩnh mạch mạng nhện cũng có những dấu hiệu tương tự nhưng ở diện nhỏ hơn. Tĩnh mạch mạng nhện xuất hiện gần bề mặt da hơn (da chân hoặc da mặt), thường có màu đỏ hoặc xanh, nhiều kích thước và có hình dạng như mạng nhện.

Nguyên nhân

phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai có thể bị bệnh nhưng thường tự khỏi sau khi sinh

Nguyên nhân của giãn tĩnh mạch là gì?

Van tĩnh mạch yếu hoặc bị thương tổn là nguyên nhân giãn tĩnh mạch. Động mạch mang máu từ tim đến các mô còn lại, tĩnh mạch có nhiệm vụ đưa máu từ phần còn lại của cơ thể trở về tim, từ đó máu có thể tiếp tục tuần hoàn. Để làm điều này, tĩnh mạch ở chân phải hoạt động chống lại trọng lực.

Các cơn co thắt cơ bắp ở chân dưới hoạt động như một máy bơm và các thành tĩnh mạch đàn hồi giúp đưa máu quay trở lại tim. Các van nhỏ trong tĩnh mạch sẽ mở ra khi máu chảy về tim, sau đó đóng lại để ngăn máu bị bơm ngược. Nếu các van này yếu hoặc tổn thương, máu có thể chảy ngược và dồn vào tĩnh mạch, gây ra tình trạng suy giãn tĩnh mạch.

Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ hình thành bệnh:

  • Tuổi tác. Nguy cơ bệnh thường tăng theo độ tuổi. Quá trình lão hóa làm hao mòn các van trong tĩnh mạch khiến việc điều chỉnh lưu lượng máu gặp khó khăn. Sự hao mòn này cũng làm máu chảy ngược vào tĩnh mạch thay vì phải bơm lên tim.
  • Giới nữ. Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Sự thay đổi nội tiết tố, giai đoạn tiền kinh nguyệt hoặc mãn kinh đều có thể là yếu tố gia tăng rủi ro mắc bệnh. Bên cạnh đó, những phương pháp điều trị bằng nội tiết tố như dùng thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh.
  • Thai kỳ. Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi, lưu lượng máu trong cơ thể tăng lên giúp thai nhi phát triển nhưng đồng thời cũng có thể gây giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới.
  • Bệnh sử gia đình. Khả năng bị suy giãn tĩnh mạch sẽ cao hơn nếu các thành viên khác trong gia đình cũng mắc bệnh này.
  • Béo phì. Thừa cân, béo phì tạo thêm nhiều áp lực lên tĩnh mạch chân, dễ gây giãn tĩnh mạch chi dưới.
  • Đứng hoặc ngồi quá lâu. Máu sẽ khó lưu thông hơn nếu cơ thể không thay đổi tư thế trong thời gian dài.

Chẩn đoán và điều trị

vớ y khoa
Mang vớ y khoa là biện pháp đầu tiên cần thực hiện sau khi được chẩn đoán mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng thực thể trên vùng da bị ảnh hưởng của người bệnh và yêu cầu mô tả cảm giác đau.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện siêu âm để kiểm tra các van trong tĩnh mạch và huyết khối (nếu có) cũng như loại trừ các bệnh lý khác. 

Những phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch

Quá trình điều trị thường không yêu cầu phải ở lại bệnh viện, thời gian hồi phục cũng không lâu. Nhờ các thủ thuật ít xâm lấn, người bệnh có thể điều trị giãn tĩnh mạch tại các cơ sở y tế ngoại trú.

Những phương pháp điều trị gồm:

  • Mang vớ y khoa. Đây là biện pháp đầu tiên trong liệu trình điều trị. Nếu bệnh không đáp ứng, người bệnh cần chuyển sang các phương pháp điều trị khác. Vớ y khoa ép chặt vào chân, giúp tĩnh mạch và cơ chân vận chuyển máu hiệu quả hơn. Có nhiều loại vớ y khoa khác nhau nên người bệnh có thể tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi mua hoặc mua theo chỉ định.
  • Liệu pháp xơ hóa. Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ tiêm vào tĩnh mạch giãn một dung dịch tạo bọt giúp hình thành mô sẹo nhằm điều chỉnh lưu lượng máu sang các tĩnh mạnh khỏe khác. Cùng một loại bệnh có thể cần phải tiêm nhiều lần. Liệu pháp không cần cần gây mê và nội trú tại bệnh viện.
  • Điều trị bằng laser hoặc sóng cao tần. Phương pháp nội tĩnh mạch này có thể giúp điều trị suy tĩnh mạch chi dưới. Kỹ thuật dùng nhiệt từ ánh sáng laser hoặc sóng cao tần để làm teo tĩnh mạch bị giãn. Phương pháp này thường được áp dụng cho các bệnh nhân độ 2 trở lên (theo phân độ CEAP) hoặc đã điều trị nội khoa tích cực nhưng không hiệu quả. Người bệnh có thể xuất viện trong ngày, kỹ thuật không để lại sẹo mổ nên đảm bảo tính thẩm mỹ.
  • Phẫu thuật. Có 2 dạng phẫu thuật giãn tĩnh mạch: phẫu thuật mở hoặc nội soi, chỉ định cho bệnh nhân ở mức độ nặng hoặc có biến chứng, không đáp ứng với các phương pháp nội khoa khác. Phương pháp phẫu thuật có hiệu quả khá cao, tỷ lệ tái phát bệnh thấp.

Trường hợp suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai, bệnh thường tự khỏi trong vòng 3-12 tháng sau khi sinh mà không cần điều trị y tế.

Biến chứng

Biến chứng của giãn tĩnh mạch là gì?

Các biến chứng của bệnh tuy hiếm gặp nhưng có thể là:

  • Loét. Những vết loét đau hình thành trên da gần các tĩnh mạch bị giãn, đặc biệt là gần khu vực mắt cá chân. Người bệnh cần chú ý các bất thường về màu da và đến bệnh viện kiểm tra nếu nghi ngờ mình bị loét do biến chứng của bệnh.
  • Huyết khối. Các tĩnh mạch sâu trong chân có thể bị phì đại khiến chân sưng đau. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể là bệnh huyết khối (hình thành cục máu đông) và cần được hỗ trợ y tế.
  • Xuất huyết. Các tĩnh mạch suy giãn ở gần bề mặt da có thể vỡ ra và gây xuất huyết nhẹ. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần kiểm tra lại tại các cơ sở y tế nếu gặp bất kỳ trường hợp xuất huyết nào.

Phòng ngừa

Tập thể thao và thay đổi chế độ ăn uống để giảm cân
Tập thể thao và thay đổi chế độ ăn uống để tránh thừa cân, béo phì

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh?

Hiện vẫn chưa có biện pháp nào có thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng này. Tuy nhiên, người bệnh có thể cải thiện mức độ lưu thông máu và trương lực cơ để làm giảm nguy cơ hình thành, tiến triển bệnh cũng như xoa dịu các triệu chứng khó chịu.

Những cách ngăn ngừa bệnh mà bạn có thể thực hiện là:

  • Tập luyện thể thao
  • Theo dõi và kiểm soát, duy trì cân nặng ổn định
  • Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ, ít muối
  • Tránh mang giày cao gót và quần áo, tất vớ chật thường xuyên (trừ vớ y khoa)
  • Nâng cao chân khi nằm
  • Thay đổi tư thế thường xuyên, tránh ngồi hay đứng một chỗ quá lâu.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Varicose veins. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/varicose-veins/symptoms-causes/syc-20350643 Ngày truy cập 9/6/2020

Vericose veins. https://www.nhs.uk/conditions/varicose-veins/ Ngày truy cập 9/6/2020

Vericose Veins. https://medlineplus.gov/varicoseveins.html Ngày truy cập 9/6/2020

Phiên bản hiện tại

25/06/2020

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

Những điều cần biết về suy giãn tĩnh mạch khi mang thai


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 25/06/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo