- Nước ối màu nâu hoặc xanh lá cây:Nếu nước ối rỉ ra và có màu này thì đây có thể là tín hiệu cho biết em bé đã đi ngoài phân su trong bụng mẹ. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của thai nhi hay còn được biết đến là hội chứng hít phân su. Thai nhi thải phân su trong bụng mẹ có thể là phản ứng từ những stress bất lợi mà thai đang phải chịu.
- Nước ối có màu xanh đục, lẫn mủ và có mùi hôi: Đây thường là dấu hiệu của nhiễm trùng ối. Điều này xảy ra khi màng ối bị thủng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong gây nhiễm trùng. Khi có nhiễm trùng ối, mẹ thường có sốt, đau bụng…
- Nước ối có màu vàng xanh: Dấu hiệu thai nhi chậm phát triển hoặc đôi khi cũng cảnh báo hiện tượng tán huyết thai nhi (thiếu máu).
- Nước ối có màu đỏ: Màu nước ối này cho thấy nhau thai có vấn đề. Nếu nước ối rỉ ra có màu đỏ nâu kèm theo đau bụng dữ dội, thai nhi không cử động… thì đó có thể là dấu hiệu của nhau bong non và thường kèm theo thai lưu.
Lượng nước ối khi mang thai như thế nào bình thường?

Bên cạnh vấn đề nước ối có màu gì? Nhiều chị em cũng quan tâm lượng nước nước ối khi mang thai như thế nào là bình thường?
Trong những tuần đầu của thai kỳ, nước ối chủ yếu là nước đến từ cơ thể mẹ. Sau khoảng 16-20 tuần, thì nước tiểu mà thai nhi thải ra sẽ chiếm phần lớn thể tích của nước ối. Một số thành phần khác của nước ối bao gồm chất dinh dưỡng từ các nguồn mẹ hấp thu, kháng thể và nội tiết tố.
Thông thường, lượng nước ối sẽ nhiều nhất khi thai được khoảng 34 tuần, đạt trung bình khoảng 800 ml. Vào khoảng tuần 40, lượng nước ối bao quanh em bé sẽ giảm dần trước khi trẻ chào đời, thường chỉ còn khoảng 600 ml. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng có lượng nước ối “đạt chuẩn”. Những trường hợp bất thường liên quan đến nước ối vẫn có thể xảy ra, bao gồm:
- Đa ối (Polyhydramnios): Đây là tình trạng dư thừa nước ối, thường là vô căn nhưng cũng có thể xảy ra khi thai nhi có vấn đề bất thường, mẹ bị tiểu đường thai kỳ, thai có dị tật đường tiêu hóa, dị tật số lượng nhiễm sắc thể, các trường hợp mang đa thai. Trường hợp nhẹ vào cuối thai kỳ hoặc đa ối mãn thường không cần điều trị. Nhưng trường hợp nghiêm trọng hơn, đa ối cấp, lượng nước ối tăng quá nhanh thì cần có sự can thiệp của bác sĩ vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ hoặc gây chuyển dạ sinh non.
- Thiếu ối (Oligohydramnios): Thiếu ối là tình trạng không đủ lượng nước ối như bình thường. Thiếu ối có thể xảy ra khi mang thai già tháng, mẹ bị vỡ ối (nước ối ít do ối vỡ có tiên lượng hoàn toàn khác thiểu ối nhưng màng ối còn nguyên vẹn vì vậy hướng xử trí của bác sĩ cũng khác nhau), rối loạn chức năng nhau thai, thai chậm phát triển trong tử cung hoặc do vấn đề bất thường của thai nhi, chẳng hạn như dị tật bẩm sinh hay dị tật rối loạn nhiễm sắc thể. Tình trạng này thường khiến thai nhi gặp các sự cố liên quan đến dây rốn, làm suy giảm sự phát triển phổi hoặc bản thân bất thường gây ra thiểu ối đã là vấn đề. Các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào thời điểm xuất hiện thiểu ối, mức độ thiếu ối, tình trạng sức khỏe thai nhi đi kèm, với thai có khả năng nuôi thì có thể cần kích thích chuyển dạ vì nếu em bé ở trong bụng mẹ quá lâu lại không an toàn.
Vì nước ối là một phần của bào thai nên vấn đề nước ối có màu gì hay lượng nước ối ở mức bao nhiêu… cũng có thể cảnh báo một số vấn đề sức khỏe trong thai kỳ. Vì vậy, nếu mẹ bị rò rỉ nước ối và phát hiện màu nước ối bất thường thì cần đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!