backup og meta

Thuốc cho bà bầu: Hướng dẫn an toàn từ A đến Z

Thuốc cho bà bầu: Hướng dẫn an toàn từ A đến Z

Hầu hết các mẹ bầu đều rất thận trọng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đó trong thai kỳ. Bởi các thành phần của thuốc không phù hợp với phụ nữ mang thai có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế mà việc dùng thuốc cho bà bầu nhất thiết phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con. 

Sự thay đổi nồng độ hormone khi mang thai kèm thêm hệ miễn dịch suy giảm là nguyên nhân khiến cho thai phụ dễ nhiễm bệnh hơn cả. Lúc này việc điều trị bằng thuốc là rất cần thiết, tuy nhiên mẹ bầu cần nắm rõ đâu là loại thuốc có thể sử dụng. Mời bạn đọc tiếp nội dung bài viết sau đây để cùng tìm hiểu những kiến thức liên quan đến việc sử dụng thuốc cho bà bầu. 

Có bầu uống thuốc được không?

Có bầu uống thuốc được không là thắc mắc nhận được nhiều thảo luận của các mẹ bầu trên diễn đàn Cộng đồng Mang thai của Hello Bacsi. 

Thuốc cho bà bầu

Theo các bác sĩ sản khoa, khi gặp một vấn đề sức khỏe nào đó mà các biện pháp tại nhà không thể đáp ứng thì thai phụ vẫn cần dùng thuốc điều trị. Tuy vậy, việc lựa chọn thuốc sẽ ưu tiên nhóm không có nguy cơ cho sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ.  

Việc sử dụng thuốc không phù hợp cho bà bầu có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, bao gồm:

  • Ảnh hưởng trực tiếp đến sự biệt hoá các cơ quan, bộ phận cơ thể thai nhi.
  • Khiến chức năng bánh nhau thay đổi, giảm lượng máu và oxy đến bánh rau dẫn đến thai kém phát triển.
  • Một số thuốc cho bà bầu còn tác động đến tử cung, gây ra những đợt co bóp bất thường làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
  • Thuốc có đặc tính gây nghiện có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của bé, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên.

Nhìn chung, khả năng xảy ra những phản ứng bất lợi kể trên sẽ phụ thuộc vào tuổi thai, phân loại nhóm thuốc, liều lượng sử dụng, sự phối hợp thuốc, đáp ứng của thuốc ở mẹ. Do đó, nếu lỡ dùng thuốc mà chưa tham vấn bác sĩ thì mẹ cần bình tĩnh, giữ lại đơn thuốc đang dùng, nhớ liều lượng và thời gian uống để trình bày cho bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp.

Những câu hỏi thường gặp khi sử dụng thuốc cho bà bầu

1. Bà bầu uống thuốc cảm được không?

Bị nhiễm virus cúm trong thai kỳ khá nguy hiểm. Ngoài nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho bé, độc tính của virus khiến mẹ bị sốt, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy mẹ bầu uống thuốc cảm được không? 

Theo các chuyên gia, việc dùng thuốc điều trị cảm cúm cho bà bầu là rất cần thiết. Một số loại thuốc đã được chứng minh an toàn để giải quyết các triệu chứng cảm cúm cho mẹ bầu, bao gồm: 

  • Paracetamol (tên khác Acetaminophen): giúp giảm đau, hạ sốt
  • Nhóm kháng Histamine: gồm Chlorpheniramine, Loratadine, Cetirizine, Dexchlopheniramine, Doxylamine giảm triệu chứng nghẹt mũi
  • Dextromethorphan: giảm ho. Ngoài dạng uống này thì còn có những thuốc cho bà bầu như Benzocain hoặc Menthol dùng ở dạng xịt.
  • Dầu lá long não (Camphor leaf oil): xoa ngực tạo cảm giác dễ chịu, dễ thở
  • Riêng Diphenhydramine do có nguy cơ gây co thắt tử cung nên không được khuyến cáo sử dụng trong thai kỳ.
Bên cạnh những thuốc an toàn, mẹ bầu bị cảm cúm lưu ý không nên sử dụng những loại thuốc sau đây:
  • Thuốc thông mũi Pseudoephedrine và Phenylephrine: nguy cơ giảm lượng máu đến thai, cũng như tăng huyết áp thai kỳ.
  • Thuốc long đờm Guaifenesin: có khả năng làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh nếu có tiếp xúc.
  • Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): gây giảm lượng nước ối hoặc các vấn đề về thận hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở thai nhi. 
Thuốc cho bà bầu
Việc điều trị cảm cúm bằng thuốc cho bà bầu là rất cần thiết với điều kiện sử dụng loại thuốc phù hợp

2. Bà bầu có uống được thuốc dị ứng không?

Mẹ bầu bị dị ứng không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Tuy  nhiên, các biểu hiện của dị ứng như ho, hắt hơi lại khiến chất lượng sống của mẹ bầu suy giảm. Nếu đã thực hiện hết các biện pháp giảm dị ứng không dùng thuốc mà chưa thấy cải thiện, mẹ bầu hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được điều trị bằng thuốc. 

Thông thường, thuốc cho bà bầu bị dị ứng chủ yếu là 2 loại sau:

  • Thuốc kháng Histamine: nhóm thuốc này lại chia thành thế hệ 1 và 2. Tuy nhiên, nhóm thế hệ 2 như Loratadine, Cetirizine, Terfenadin lại được sử dụng nhiều hơn vì ít tác dụng phụ.
  • Thuốc chứa Corticoid: thường dùng nhất là ở dạng xịt và nhỏ mũi như Budesonid, Beclomathasone dipropionate, Fluticasone… Dạng uống và tiêm mặc dù cho hiệu quả cao hơn nhưng chưa có dữ liệu lâm sàng chứng minh độ an toàn với thai nhi. Dạng xịt mũi dù an toàn, không có khả năng hấp thu vào máu, nhưng mẹ cần tránh sử dụng quá ba ngày liên tiếp dễ xảy ra hiện tượng sưng, kích ứng niêm mạc mũi.

3. Sử dụng thuốc cho bà bầu: Bà bầu uống thuốc ngủ có sao không?

Tình trạng mất ngủ kéo dài không những khiến mẹ bị kiệt sức mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển bình thường của thai nhi. Vậy bà bầu uống thuốc ngủ có sao không? 

Đối với thai phụ bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng hoặc mắc các bệnh lý gây khó ngủ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc dựa trên cân nhắc lợi ích và nguy cơ thuốc mang lại. Những nhóm thuốc cho bà bầu thường sử dụng bao gồm:

  • Nhóm Benzodiazepine: Diazepam, Clonazepam, Bromazepam
  • Nonbenzodiazepine: Zolpidem, Zopiclone, Eszopiclone 
Hai nhóm thuốc này cần sử dụng thận trọng theo đơn bác sĩ vì có thể làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ sinh nhẹ cân. Ngoài ra, mẹ tuyệt đối tránh dùng thuốc ngủ ở tam cá nguyệt thứ ba vì thuốc dễ gây các vấn đề hô hấp và trương lực cơ ở thai nhi khi có sự tiếp xúc. 
Thuốc cho bà bầu
Bà bầu lạm dụng thuốc ngủ sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Vì thế cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

4. Uống thuốc gan có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Các bệnh lý về gan như viêm gan siêu vi, men gan cao trong thai kỳ không hiếm gặp. Cả hai đều thuộc nhóm bệnh lý cần sử dụng thuốc điều trị. 

Phần lớn các thuốc cho bà bầu sử dụng điều trị hai nhóm bệnh lý này đều có ít nhiều ảnh hưởng đến thai nhi. Do vậy, với phụ nữ mắc bệnh gan và có ý định mang thai, các bác sĩ thường khuyến cáo nên điều trị dứt điểm và ngưng sử dụng thuốc trước khi có ý định mang thai.

Mẹ bầu mắc bệnh viêm gan siêu vi (B, C) cần thông báo cho bác sĩ để có hướng giải quyết, giúp giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus từ mẹ sang con. Mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ 3 có thể được chỉ định điều trị viêm gan siêu vi B bằng Tenofovir hoặc Telbivudine nếu cần thiết. 

5. Sử dụng thuốc cho bà bầu: Mẹ bầu uống thuốc Bắc có được không?

Dân gian truyền tai nhau rất nhiều bài thuốc Bắc có tác dụng an thai. Vậy thực chất, mẹ bầu uống thuốc Bắc được không?

Thực tế, y học hiện đại chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh tính an toàn tuyệt đối của các bài thuốc dân gian đối với sức khỏe của mẹ bầu và em bé. Chưa kể, nhiều loại thảo dược có thể gây hại cho thai nhi nếu sử dụng không đúng cách, bao gồm: 

  • Tăng nguy cơ sẩy thai: Cây hoàng liên gai, rễ và gốc cây bông, cây lưỡi mèo, cây cửu lý hương, cây bạc hà lăng, cây cúc ngải, cây mao lương (hoa xanh và vàng), cây bách xù, rễ cây huyết dụ…
  • Làm xuất huyết: Cây bạch chỉ, cây phong thảo
  • Dẫn đến khuyết tật ở thai nhi: Cây cúc ngải, cây nghệ tây mùa thu, nhân sâm, vỏ cây de vàng.
Để đảm bảo tính an toàn cho cả mẹ và bé khi uống thuốc Bắc dưỡng thai, mẹ bầu cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc có chuyên môn để được hướng dẫn về loại thuốc, liều lượng phù hợp với tình trạng thai kỳ.

6. Bà bầu uống thuốc say xe được không?

Khi muốn di chuyển xa bằng tàu, xe, nhiều mẹ bầu thường thắc mắc bà bầu uống thuốc say xe được không để có hành trình thuận lợi.

Câu trả lời là được! Diphenhydramine là thuốc cho bà bầu say xe được dùng khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, trước khi uống thuốc say xe, mẹ bầu cần tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của bác sĩ!

Thuốc cho bà bầu
Bà bầu có thể uống thuốc say xe khi cần thiết dưới sự hướng dẫn của bác sĩ

7. Sử dụng thuốc cho bà bầu: Uống thuốc tẩy giun khi mang thai tháng đầu

Phụ nữ mang thai vẫn có thể nhiễm giun đường ruột. Tuy vậy, việc dùng thuốc tẩy giun được chống chỉ định trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu phát hiện có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sức khoẻ như nhiễm giun, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để có hướng xử lý phù hợp. 

Việc thăm khám thai định kỳ là cơ sở quan trọng để bác sĩ biết chính xác tình trạng sức khỏe của mẹ ở mỗi giai đoạn. Để tránh nhiễm giun, sán khi mang thai, mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đồng thời đảm bảo việc an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không có loại thuốc nào được coi là an toàn 100% khi sử dụng trong thai kỳ. Mẹ bầu cần tham vấn kỹ lưỡng ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc cho bà bầu trong suốt thai kỳ

Để an toàn cho mẹ và thai nhi, bạn cần lưu ý một số điểm sau khi dùng thuốc cho bà bầu:

  • Tránh (hoặc hạn chế đến mức thấp nhất) việc dùng thuốc trong ba tháng đầu thai kỳ
  • Nên sử dụng những thuốc đã có minh chứng khoa học là an toàn cho thai phụ; Không dùng những thuốc mới chưa có thử nghiệm lâm sàng chứng minh an toàn cho sức khỏe của mẹ bầu và em bé.
  • Sử dụng thuốc với liều thấp nhất có tác dụng
  • Không nên sử dụng thuốc, kể cả thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc và không có chỉ định của bác sĩ
  • Nếu có vấn đề sức khỏe, mẹ bầu cần thăm khám kỹ lưỡng để được bác sĩ tư vấn dùng thuốc thích hợp, an toàn.

Vừa rồi là những chia sẻ về những câu hỏi thường gặp liên quan đến việc dùng thuốc cho bà bầu. Hy vọng những kiến thức trên phần nào sẽ giúp bạn có một thai kỳ thuận lợi.

Chuyên mục mang thai của HelloBacsi thường xuyên đăng tải những chủ đề hấp dẫn liên quan đến chăm sóc sức khỏe thai kỳ. Các bài viết được tham vấn chuyên môn bởi đội ngũ chuyên gia, bác sĩ cộng tác và Ban tham vấn y khoa. Mời bạn ghé thăm chuyên mục của chúng tôi để cùng trao đổi, thảo luận, cũng như cập nhật thêm nhiều kiến thức chăm sóc mẹ bầu cực hữu ích nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pregnancy – medication, drugs and alcohol

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-medication-drugs-and-alcohol#

Ngày truy cập 09.08.2024

Which Cold & Flu Medication Is Safe to Take During Pregnancy?

https://unmhealth.org/stories/2022/02/cold-flu-medicine-safe-during-pregnancy.html

Ngày truy cập 09.08.2024

Can You Take Cold Medicine While Pregnant? What To Do for a Cold or the Flu

https://www.inspirahealthnetwork.org/news/healthy-living/can-you-take-cold-medicine-while-pregnant-what-do-cold-or-flu

Ngày truy cập 09.08.2024

Is it safe to take Claritin or other allergy medicines during pregnancy?

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/allergy-medications/faq-20058122

Ngày truy cập 09.08.2024

Sleep Aids to Take While Pregnant

https://www.sleepfoundation.org/pregnancy/pregnancy-sleep-aid

Ngày truy cập 09.08.2024

Ảnh hưởng thuốc điều trị men gan tới thai

https://www.tudu.com.vn/vn/suc-khoe-mang-thai/anh-huong-thuoc-dieu-tri-men-gan-toi-thai/#:~:text=Các%20thuốc%20chị%20đang%20sử,có%20ý%20định%20mang%20thai.

Ngày truy cập 09.08.2024

Ảnh hưởng của thuốc điều trị viêm gan b đến thai nhi

https://www.tudu.com.vn/vn/suc-khoe-mang-thai/anh-huong-cua-thuoc-dieu-tri-viem-gan-b-den-thai-nhi/

Ngày truy cập 09.08.2024

Những thảo dược bà bầu nên tránh xa

https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/nhung-thao-duoc-ba-bau-nen-tranh-xa?inheritRedirect=false

Ngày truy cập 09.08.2024

Motion Sickness

https://wwwnc.cdc.gov/travel/yellowbook/2024/air-land-sea/motion-sickness

Ngày truy cập 09.08.2024

Uống thuốc xổ giun khi mang thai

https://tudu.com.vn/vn/suc-khoe-cua-be/uong-thuoc-xo-giun-khi-mang-thai/

Ngày truy cập 09.08.2024

Deworming in pregnant women

https://www.who.int/tools/elena/interventions/deworming-pregnancy#:~:text=WHO%20Recommendations,of%20hookworm%20and%2For%20T.

Ngày truy cập 09.08.2024

Thuốc xổ giun và thai kỳ

https://suckhoedoisong.vn/thuoc-xo-giun-va-thai-ky-16910596.htm

Ngày truy cập 09.08.2024

Phiên bản hiện tại

19/08/2024

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Có nên nặn sữa non khi mang thai? Trường hợp nào nên và không nên?

Bị cúm khi mang thai tuần đầu, 3 tháng đầu gây ra những ảnh hưởng gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo