backup og meta

Đau bụng khi mang thai: Nguyên nhân, cách xử lý và khi nào cần đến bác sĩ?

Đau bụng khi mang thai: Nguyên nhân, cách xử lý và khi nào cần đến bác sĩ?

Đau bụng là một trong những triệu chứng phổ biến mà hầu hết phụ nữ mang thai sẽ gặp phải vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ. Tuy nhiên, cảm giác đau này có thể do nhiều nguyên nhân và biểu hiện dưới những dạng khác nhau. Mặc dù phần lớn cơn đau bụng khi mang thai là bình thường và không đáng lo ngại, nhưng đôi khi lại cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng, cần sự can thiệp y tế kịp thời. 

Bài viết này sẽ phân tích các dạng đau bụng thường gặp trong thai kỳ, từ đau bụng trên, đau bụng dưới đến đau bụng đi ngoài qua ba giai đoạn thai kỳ, đồng thời giúp mẹ bầu nhận diện khi nào cơn đau là bình thường và khi nào cần đến bác sĩ. Cùng tìm hiểu ngay!

Những dạng đau bụng khi mang thai thường gặp

Đau bụng khi mang thai

Trong thai kỳ, phụ nữ có thể gặp phải một số dạng đau bụng phổ biến như sau:

  • Đau bụng trên: Mẹ bầu đau bụng trên rốn thường xảy ra khi kích thước tử cung to dần và tác động lên các cơ quan ở bên trong ổ bụng.
  • Đau bụng dưới: Thường xảy ra do tử cung thay đổi vị trí, các dây chằng bị kéo giãn hoặc khi thai làm tổ.
  • Đau bụng đi ngoài: Có thể liên quan đến các vấn đề về tiêu hóa, do thay đổi hormone hoặc sự thay đổi trong chế độ ăn uống.

Các mẹ cần phân biệt rõ giữa đau bụng sinh lý (tức là do các thay đổi tự nhiên của cơ thể khi mang thai) và đau bụng bệnh lý (có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng). Điều này sẽ được đề cập kỹ hơn ở phần số 3 bên dưới bài viết này.

Đau bụng khi mang thai trong 3 giai đoạn thai kỳ

Dưới đây là những nguyên nhân lành tính gây đau bụng khi mang thai ở từng giai đoạn:

1. Đau bụng khi mang thai trong tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu)

Đau bụng khi mang thai 3 tháng đầu

Đau bụng trên

  • Nguyên nhân: Trong giai đoạn này, cơ thể mẹ bầu trải qua nhiều thay đổi hormone, tử cung bắt đầu giãn ra để chuẩn bị cho thai kỳ. Sự gia tăng nồng độ hormone có thể gây cảm giác khó chịu ở vùng bụng trên.
  • Triệu chứng thường gặp: Mẹ bầu đau bụng trên âm ỉ, có thể kèm theo buồn nônmệt mỏi.

Đau bụng dưới

  • Nguyên nhân: Khi phôi thai bám vào tử cung hoặc tử cung co giãn, mẹ bầu có thể cảm nhận những cơn đau nhói bụng dưới khi mang thai tháng đầu hoặc đau quặn như đau bụng kinh (có thể đến rồi đi).
  • Khi nào cần đến bác sĩ: Nếu cơn đau bụng dưới kèm theo chảy máu, đau dữ dội hoặc kéo dài, co thắt mạnh theo từng cơn đều đặn, mẹ bầu nên đến bác sĩ để được kiểm tra.

Đau bụng đi ngoài

  • Nguyên nhân: Hormone thay đổi có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và gây khó tiêu, đầy hơi hoặc táo bón.
  • Cách xử lý: Điều chỉnh chế độ ăn uống với nhiều chất xơ, uống đủ nước và tập thể dục nhẹ nhàng giúp cải thiện tình trạng này.

2. Đau bụng khi mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa)

Đau bụng khi mang thai 3 tháng giữa

Đau bụng trên

  • Nguyên nhân: Tử cung phát triển, gây áp lực lên các cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, dẫn đến bà bầu bị đau bụng bên phải ngang rốn hoặc bên trái, hoặc đau bụng trên rốn.
  • Cách giảm đau: Chia nhỏ các bữa ăn, ăn uống lành mạnh và tránh ăn quá no.

Đau bụng dưới

  • Nguyên nhân: Dây chằng tử cung căng giãn để thích nghi với sự phát triển của thai nhi.
  • Khi nào cần chú ý: Nếu cơn đau bụng dưới khi mang thai kèm theo co thắt mạnh hoặc chảy máu, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay.

Đau bụng đi ngoài

  • Nguyên nhân: Sự thay đổi hormone có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Cách xử lý: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước và duy trì vận động nhẹ nhàng.

3. Đau bụng khi mang thai trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối)

Đau bụng khi mang thai 3 tháng cuối

Đau bụng trên

  • Nguyên nhân: Khi tử cung lớn lên, có thể gây áp lực lên dạ dày và các cơ quan khác, dẫn đến cảm giác khó chịu. Trào ngược dạ dày cũng có thể gây đau bụng trên rốn.
  • Cách kiểm soát: Mẹ bầu có thể cải thiện tình trạng đau bụng khi mang thai bằng cách nằm ngủ ở tư thế thoải mái, tránh ăn những thực phẩm khó tiêu và chia nhỏ các bữa ăn.

Đau bụng dưới

  • Nguyên nhân: Tử cung bắt đầu chuẩn bị cho quá trình sinh nở, có thể xuất hiện các cơn co thắt giả (Braxton Hicks).
  • Khi nào cần đến bệnh viện: Nếu cơn đau bụng khi mang thai có cường độ mạnh, kéo dài và có hiện tượng vỡ ối hoặc chảy máu, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Đau bụng đi ngoài

  • Nguyên nhân: Sự thay đổi hormone và tử cung chèn ép lên các cơ quan tiêu hóa.
  • Hướng dẫn chăm sóc: Giữ vệ sinh tốt, uống nhiều nước và hạn chế thực phẩm gây khó tiêu.

Khi nào đau bụng khi mang thai là bình thường và khi nào cần gặp bác sĩ?

Như đã đề cập, việc phân biệt giữa cơn đau bụng sinh lý và cơn đau bụng bệnh lý là rất quan trọng. Từ đó, các mẹ có thể kịp thời nhận biết những tình huống cảnh báo bất thường để đi khám và xử trí sớm.

Dấu hiệu đau bụng khi mang thai bình thường là đau bụng nhẹ, không kèm theo triệu chứng bất thường như chảy máu, sốt hay nôn mửa, thường không đáng lo ngại.

Dấu hiệu đau bụng khi mang thai nguy hiểm cần lưu ý bao gồm:

  • Đau bụng dữ dội và kéo dài; hoặc đau đột ngột ở một bên bụng dưới
  • Chảy máu âm đạo.
  • Sốt , ớn lạnh, đặc biệt nếu kèm theo đau khi đi tiểu, đau lưng trên hoặc khí hư âm đạo có mủ
  • Buồn nôn dữ dội.
  • Đau bụng kèm theo tiêu chảy hoặc nôn mửa nhiều lần
  • Ngất xỉu, choáng váng hoặc nhịp tim nhanh.
Các tình trạng nguy hiểm như mang thai ngoài tử cung, nhau tiền đạo, viêm ruột thừa, nhiễm trùng hoặc viêm trong ổ bụng, sinh non, tiền sản giật có thể gây đau bụng dữ dội, mẹ bầu cần nhận diện sớm để được can thiệp y tế kịp thời.

Cách giảm đau bụng an toàn cho mẹ bầu

  • Tư thế ngủ, nghỉ ngơi: Lựa chọn tư thế ngủ thoải mái, hạn chế nằm ngửa quá lâu.
  • Chế độ ăn uống: Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều chất xơ, uống đủ nước, tránh các thực phẩm khó tiêu.
  • Vận động nhẹ nhàng: Các bài tập nhẹ nhàng như yoga cho bà bầu hoặc đi bộ có thể giúp giảm cơn đau.
  • Giảm stress: Thực hành các kỹ thuật giảm stress như thiền hoặc hít thở sâu.
  • Lưu ý dùng thuốc: Mẹ bầu chỉ nên dùng thuốc giảm đau khi có sự chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc.

Những câu hỏi thường gặp về đau bụng khi mang thai

1. Có nên uống thuốc giảm đau khi bị đau bụng trong thai kỳ?

Mẹ bầu chỉ nên uống thuốc giảm đau khi có sự chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.

2. Cơn đau bụng khi thai làm tổ như thế nào?

Cơn đau khi thai làm tổ có thể nhẹ nhàng và âm ỉ ở vùng bụng dưới, kèm theo cảm giác căng tức. Đây là hiện tượng bình thường.

3. Đau bụng lâm râm khi mang thai tháng cuối có phải sắp sinh không?

Cơn đau bụng lâm râm trong tháng cuối có thể là dấu hiệu của các cơn co thắt giả. Tuy nhiên, nếu đau mạnh kèm theo chảy máu hoặc vỡ ối, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Kết luận

Đau bụng khi mang thai là một hiện tượng thường gặp và phần lớn không đáng lo ngại. Tuy nhiên, mẹ bầu cần ghi nhớ cách phân biệt giữa đau bụng sinh lý và bệnh lý để có thể xử lý kịp thời. Việc theo dõi triệu chứng đau bụng và khám thai định kỳ là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ ngay lập tức.

Bạn hãy đọc thêm nhiều bài viết dưới đây để tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe thai kỳ.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Stomach pain in pregnancy https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/stomach-pain/#:~:text=Stomach%20(abdominal)%20pains%20or%20cramps,a%20poo%20or%20pass%20wind. Ngày truy cập: 12/11/2024

Pregnancy Discomforts https://my.clevelandclinic.org/health/articles/pregnancy-pains Ngày truy cập: 12/11/2024

Abdominal Pain During Pregnancy: Causes and Home Remedies https://www.carehospitals.com/blog-detail/abdominal-pain-during-pregnancy/ Ngày truy cập: 12/11/2024

Abdominal Pain in Early Pregnancy https://psnet.ahrq.gov/web-mm/abdominal-pain-early-pregnancy Ngày truy cập: 12/11/2024

Pelvic Pain During Early Pregnancy https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/symptoms-during-pregnancy/pelvic-pain-during-early-pregnancy Ngày truy cập: 12/11/2024

Abdominal pain during pregnancy https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12635413/ Ngày truy cập: 12/11/2024

Abdominal pain in pregnancy https://patient.info/doctor/abdominal-pain-in-pregnancy Ngày truy cập: 12/11/2024

Aches and pains during pregnancy https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000580.htm Ngày truy cập: 12/11/2024

Phiên bản hiện tại

18/11/2024

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Mẹ bị va chạm vào bụng bầu có sao không, có sảy thai không?

8 thực phẩm giàu chất xơ cho bà bầu, mẹ bị trĩ nên xem ngay


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo