backup og meta

Sa tử cung khi mang thai nguy hiểm ra sao? Có sinh thường được không?

Sa tử cung khi mang thai nguy hiểm ra sao? Có sinh thường được không?

Mang thai có thể ảnh hưởng đến người phụ nữ theo nhiều cách bất ngờ. Việc các nội tiết dao động, thay đổi sinh lý và tâm lý mà mẹ bầu trải qua sẽ làm phát sinh một số vấn đề nhất định, chẳng hạn như sa tử cung khi mang thai.

Mặc dù khá hiếm gặp nhưng tình trạng sa tử cung khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Tình trạng này sẽ gián tiếp tạo ra các vấn đề như nhiễm trùng cổ tử cung, xuất huyết, sinh non và thậm chí là sẩy thai. Quá trình điều trị đôi khi khiến phụ nữ mang thai gặp nhiều rủi ro hơn. Do đó, biện pháp tốt nhất vẫn là phòng ngừa để có thể tránh bất kỳ nguy cơ xấu nào xảy ra.

Sa tử cung khi mang thai là gì?

Tử cung của người phụ nữ bao gồm nhiều mô, cơ và dây chằng, nằm sâu bên trong xương chậu. Đây là nơi trứng sau khi đã thụ tinh sẽ làm tổ và phát triển thành thai nhi.

Một số yếu tố khi mang thai có thể làm cho các cơ và dây chằng này yếu đi hoặc căng ra. Việc thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết có thể làm cho tử cung rời khỏi vị trí của nó và đi xuống âm đạo dẫn đến sa tử cung khi mang thai.

Các dạng của sa tử cung

Sa tử cung thường có 2 loại:

  • Sa tử cung toàn phần: Sa tử cung toàn phần xảy ra khi tử cung di chuyển xa khỏi vị trí ban đầu đến mức một phần của bộ phận này xuất hiện ngoài cửa âm đạo.
  • Sa tử cung bán phần: Sa tử cung bán phần xảy ra khi một phần của tử cung tiến vào âm đạo nhưng không đi xuyên qua bộ phận này.

Các giai đoạn của sa tử cung

Việc các cơ bị yếu hoặc giãn có thể khiến tử cung sa xuống một phần hay thậm chí sa xuống hoàn toàn ra khỏi âm đạo theo các giai đoạn khác nhau. Tình trạng sa tử cung thường bao gồm các giai đoạn sau:

4 giai đoạn sa tử cung khi mang thai

  • Giai đoạn 1: Cổ tử cung trượt vào phần trên âm đạo
  • Giai đoạn 2: Cổ tử cung bắt đầu hạ xuống thấp đến mức gần với lỗ âm đạo
  • Giai đoạn 3: Cổ tử cung trượt ra ngoài âm đạo
  • Giai đoạn 4: Cổ tử cung hoàn toàn sa ra ngoài âm đạo.

Biến chứng của sa tử cung khi mang thai

Một số biến chứng khi mẹ bầu gặp phải tình trạng nguy hiểm này như:

  • Sẩy thai
  • Sinh khó
  • Sinh non
  • Loét mô
  • Bí tiểu cấp tính
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Nhiễm trùng cổ tử cung dạng nhẹ
  • Vỡ tử cung gây tử vong cho thai nhi lẫn người mẹ
  • Là nguyên nhân khiến các bộ phận khác của cơ thể có nguy cơ dịch chuyển, chẳng hạn như trực tràng hoặc bàng quang.

Đối tượng có nguy cơ mắc phải sa tử cung khi mang thai

Hiện nay, các bác sĩ chưa thể lý giải nguyên nhân chính xác tại sao tình trạng sa tử cung lại xảy ra ở một số mẹ bầu. Tin mừng là tình trạng này khá hiếm gặp nên mẹ bầu không nên quá lo lắng.

Tuy nhiên, các bác sĩ đã chỉ ra một số yếu tố như tuổi của thai phụ, chỉ số BMI, tăng áp lực trong ổ bụng, tiền sử yếu cơ bẩm sinh có thể khiến một số phụ nữ mang thai mang nguy cơ dễ mắc phải tình trạng sa tử cung hơn.

Ngoài ra, nếu thai phụ từng bị chấn thương vùng chậu trước đó do gặp khó khăn khi sinh hoặc chuyển dạ kéo dài cũng cũng có nguy cơ cao hơn.

Sự thay đổi của các nội tiết tố thai kỳ có thể dẫn đến hiện tượng tăng nồng độ progesterone, cortisol và relaxin. Trong một số trường hợp, chúng sẽ gây ra hiện tượng phì đại cổ tử cung, có thể ảnh hưởng xấu đến cơ sàn chậu giữ tử cung từ đó dẫn đến sa tử cung.

Nguyên nhân gây ra sa tử cung khi mang thai

Sa tử cung khi mang thai

Một số lý do khiến mẹ bầu gặp phải tình trạng nguy hiểm này bao gồm:

  • Rặn quá sức do táo bón
  • Một khối u vùng chậu hoặc u xơ
  • Từng sinh con có kích cỡ lớn hoặc sinh khó
  • Áp lực trong ổ bụng tăng lên
  • Hội chứng mô liên kết bẩm sinh
  • Tăng cân quá mức khi mang thai
  • Chấn thương khi sinh con trước đó dẫn đến cơ sàn chậu yếu
  • Ho nặng do bệnh hen suyễn hoặc viêm phế quản
  • Phẫu thuật trước đây ở phần xương chậu dẫn đến suy yếu cơ bắp
  • Biến đổi sinh lý do thay đổi nội tiết tố làm mềm cổ tử cung.

Dấu hiệu sa tử cung khi mang thai

Một số dấu hiệu sa tử cung khi mang thai, gồm:

  • Cảm giác nặng nề ở đáy bụng
  • Tăng tiết dịch âm đạo (trong tam cá nguyệt thứ hai)
  • Gặp khó khăn khi đi vệ sinh
  • Một số mô thịt nhô ra khỏi âm đạo
  • Gặp các vấn đề về tiết niệu như bí tiểu hoặc rò rỉ nước tiểu
  • Có cảm giác ngồi trên một quả bóng nhỏ hoặc cảm giác một thứ gì đó đang rơi ra khỏi âm đạo.

Phương pháp chẩn đoán sa tử cung

Sa tử cung khi mang thai

Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng bằng cách kiểm tra âm đạo và tử cung. Trong quá trình kiểm vùng xương chậu, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện động tác rặn như thể đang trải qua một lần đi vệ sinh. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá mức độ của tình trạng sa tử cung.

Mặt khác, sức mạnh của cơ xương chậu cũng sẽ được xem xét thông qua khả năng làm cứng các cơ xương chậu nhờ vào hành động đi tiểu.

Điều trị sa tử cung khi mang thai

Quá trình điều trị thường dựa trên mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị chèn một vòng nâng vào âm đạo. Đây là dụng cụ hỗ trợ tối đa cho các mô bị chảy xệ. Vòng nâng cao su có thể cần được lấy ra khỏi cơ thể theo định kỳ để làm sạch. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật nội soi ổ bụng.

Nhiều chị em thắc mắc sa tử cung khi mang thai có sinh thường được không? Thông thường, tùy thuộc vào mức độ sa tử cung mà bác sĩ điều trị cho bạn sẽ là người chỉ định sinh thường hoặc sinh mổ. Nếu bạn sa tử cung ở mức độ nhẹ và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ thì vẫn có cơ hội sinh qua ngã âm đạo. Ngược lại, nếu sa tử cung nghiêm trọng, đến lúc sinh bạn gặp tình trạng chuyển dạ kéo dài, cổ tử cung phù nề hoặc mở chậm thì bác sĩ sẽ đề xuất mổ lấy thai.

Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu 4 cách giữ thai khi cổ tử cung ngắn để tránh rủi ro thai kỳ!

Bài tập cơ sàn chậu có thực sự giúp ích?

Việc tập luyện các bài tập cơ sàn chậu hoặc các bài tập Kegel mang lại khá nhiều lợi ích không chỉ trong việc chuẩn bị cho phụ nữ sắp sinh nở mà còn làm giảm các triệu chứng của sa tử cung. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ thường xuyên luyện tập các bài tập cơ sàn chậu có thể tránh được hầu hết các vấn đề liên quan đến chứng sa cổ tử cung. Do đó, mẹ bầu sẽ thấy hữu ích khi biến những bài tập này thành một phần trong lịch trình hoạt động hàng ngày.

Những bài tập cơ sàn chậu có thể giúp cải thiện tử cung đến mức nào?

Phụ nữ bị sa tử cung dạng nhẹ có thể thực hiện các bài tập cơ sàn để giải quyết các triệu chứng và giúp đẩy lùi sự phát triển của tình trạng này. Mặt khác, điều quan trọng là bạn nên thường xuyên tập luyện và sử dụng các kỹ thuật thích hợp để các bài tập đạt được hiệu quả.

Cách ngăn ngừa sa tử cung

Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích có thể giúp bạn ngăn ngừa tử cung bị sa tử cung trong thai kỳ:

  • Tránh vận động mạnh, hạn chế ngồi xổm quá lâu, mang vác vật nặng để không gây áp lực lên vùng bụng
  • Trước khi mang thai nên khám sức khỏe tiền sản để phát hiện và điều trị kịp thời nếu có vấn đề
  • Nếu bạn đã từng mang thai nhiều lần thì cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ nếu mang thai lần nữa
  • Nếu bạn bị viêm phế quản, hãy điều trị bệnh càng sớm càng tốt
  • Quản lý cân nặng và tránh việc tăng cân quá mức
  • Thực hiện các bài tập Kegel thường xuyên để tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu, giúp ngăn chặn sự xuất hiện của tình trạng cổ tử cung tăng sinh trong khi mang thai
  • Uống đủ nước, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt để hạn chế táo bón.

Nếu mẹ bầu theo đuổi một lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển tình trạng sa tử cung giảm xuống. Ngoài ra, việc tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống hợp lý cũng tạo điều kiện cho một thai kỳ suôn sẻ và quá trình vượt cạn an toàn.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Prolapsed Uterus https://www.webmd.com/women/guide/prolapsed-uterus#1 ngày truy cập 04/06/2019

Uterine Prolapse https://www.healthline.com/health/uterine-prolapse ngày truy cập 04/06/2019

Uterine Prolapse During Pregnancy https://parenting.firstcry.com/articles/uterine-prolapse-during-pregnancy/?ref=interlink ngày truy cập 04/06/2019

Uterine Prolapse in Pregnancy: Two Cases Report and Literature Review

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6217878/ Truy cập ngày 13/01/2022

Uterine prolapse in pregnancy: risk factors, complications and management

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23692627/ Truy cập ngày 13/01/2022

Pregnancy with Preexisting Total Uterine Prolapse

https://clinmedjournals.org/articles/cmrcr/clinical-medical-reviews-and-case-reports-cmrcr-7-315.php?jid=cmrcr Truy cập ngày 13/01/2022

Phiên bản hiện tại

13/01/2022

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Bí quyết chọn serum cho bà bầu: Làm đẹp an toàn trong thai kỳ

Chăm sóc tiền sản: Mẹ bầu cần lưu ý những gì?


Tác giả:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Ngày cập nhật: 13/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo