backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Ho mạn tính

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 17/02/2022

Ho mạn tính

Tìm hiểu chung

Ho mạn tính là bệnh gì?

Ho mạn tính hay ho mãn tính là gì? Ho mãn tính là tình trạng ho kéo dài từ 8 tuần trở lên ở người lớn hoặc hơn 4 tuần ở trẻ em. Ho mạn tính không chỉ là một cơn khó chịu. Ho mãn tính kéo dài gây nên nhiều phiền toái, có thể làm gián đoạn giấc ngủ và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Trường hợp nặng, ho mạn tính có thể gây nôn mửa, chóng mặt, choáng váng và thậm chí gãy xương sườn.

May mắn thay, bệnh thường sẽ được cải thiện khi tìm đúng nguyên nhân và có cách trị ho mãn tính hiệu quả.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ho mạn tính là gì?

triệu chứng ho mạn tính

Ho mạn tính có thể xảy ra với nhiều dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:

  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Cảm giác có chất lỏng chảy xuống mặt sau của cổ họng (chảy mũi sau)
  • Hắng họng thường xuyên và đau đau rát cổ họng
  • Khàn tiếng
  • Thở khò khè và khó thở
  • Ợ chua hoặc có vị chua trong miệng
  • Ho ra máu trong một số trường hợp hiếm.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị ho kéo dài trong nhiều tuần, đặc biệt là ho có đờm hoặc ho ra máu, làm rối loạn giấc ngủ của bạn hoặc ảnh hưởng đến việc học hoặc làm việc.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra bệnh ho mạn tính?

Thỉnh thoảng ho vài tiếng là điều hoàn toàn bình thường. Điều này giúp làm sạch các chất kích thích, chất tiết từ phổi và cũng ngăn ngừa nhiễm trùng.

Tuy nhiên, ho dai dẳng trong nhiều tuần thường là bệnh lý. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị ho mãn tính.

Mặc dù đôi khi có thể khó xác định chính xác vấn đề gây ra ho mãn tính, nhưng các nguyên nhân phổ biến nhất là do sử dụng thuốc lá, chảy mũi sau, hen suyễn và trào ngược axit.

Các nguyên nhân phổ biến gây ra ho mãn tính có thể bao gồm:

  • Chảy mũi sau: Khi mũi hoặc xoang tạo ra nhiều dịch nhầy, có thể chảy xuống mặt sau của cổ họng và kích hoạt phản xạ ho. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng ho đường hô hấp trên.
  • Hen suyễn: Ho do hen suyễn liên quan theo mùa, xuất hiện sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn tiếp xúc với không khí lạnh hay một số hóa chất hoặc nước hoa. Trong bệnh hen suyễn dạng ho, ho là triệu chứng chính.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Axit dạ dày chảy ngược vào ống kết nối dạ dày và cổ họng (thực quản). Các kích thích liên tục này có thể dẫn đến ho mạn tính. Ngược lại, ho lại làm cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản nặng hơn, đây chính là một vòng lẩn quẩn.
  • Nhiễm trùng: Ho có thể kéo dài lâu sau các triệu chứng khác của bệnh viêm phổi, cúm, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng khác ở đường hô hấp trên đã hết. Một nguyên nhân phổ biến nhưng không được cho là nguyên nhân gây ho mạn tính ở người lớn là bệnh ho gà. Ho mãn tính cũng có thể xảy ra khi nhiễm trùng nấm ở phổi, nhiễm trùng lao (TB) hoặc nhiễm trùng phổi với các sinh vật vi khuẩn không lao.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): COPD, một bệnh phổi viêm mãn tính gây cản trở luồng không khí từ phổi, bao gồm viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Viêm phế quản mãn tính có thể gây ho có đờm. Khí phế thũng gây khó thở và làm hỏng các túi khí trong phổi (phế nang). Hầu hết những người bị COPD là những người đã hoặc đang hút thuốc lá.
  • Thuốc huyết áp: Thuốc ức chế men chuyển (ACE), thường được kê đơn cho bệnh cao huyết áp và suy tim, được biết là nguyên nhân gây ho mãn tính ở một số người.

nguyên nhân gây ho mạn tính

Một số nguyên nhân ít gặp hơn gây ra bệnh ho mãn tính bao gồm:

  • Hít phải thực phẩm ở người lớn hoặc các vật lạ ở trẻ em
  • Giãn phế quản (đường dẫn khí bị tổn thương)
  • Viêm tiểu phế quản (viêm các đường dẫn khí rất nhỏ trong phổi)
  • Bệnh xơ nang
  • Trào ngược thanh quản (axit dạ dày chảy vào cổ họng)
  • Ung thư phổi
  • Viêm phế quản dị ứng (viêm đường hô hấp không do hen suyễn)
  • Bệnh Sarcoidosis (tập hợp của các tế bào viêm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể thường là phổi)
  • Xơ phổi vô căn (sẹo mãn tính ở phổi do không rõ nguyên nhân).

Những ai thường mắc phải bệnh ho mạn tính?

Ho mạn tính thường gặp ở 10-20% người lớn. Bệnh có thể liên quan đến nghề nghiệp, vì vậy bác sĩ thường hỏi về tiền sử nghề nghiệp, phần quan trọng trong lúc khám.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh ho mạn tính?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ho mạn tính bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của ho mãn tính. Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) cũng có thể dẫn đến ho và tổn thương phổi.
  • Dị ứng: Những người bị dị ứng có nguy cơ bị ho mãn tính khi tiếp xúc với một dị nguyên cụ thể nào đó.
  • Môi trường: Một số môi trường nơi làm việc có chứa các chất kích thích trong không khí mà bạn có thể hít vào và gây ra ho. Vùng bị ô nhiễm nhiều hoặc sử dụng than để nấu ăn hay sưởi ấm cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ho.
  • Bệnh phổi mạn tính: Những người từng bị bệnh hen, giãn phế quản (mở rộng đường thở), COPD, viêm phổi với những sẹo phổi có nguy cơ cao bị ho mãn tính.
  • Nữ giới: Phụ nữ có phản xạ ho nhạy cảm hơn làm tăng nguy cơ bị bệnh ho mạn tính.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh ho mạn tính?

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh và thực hiện khám sức khỏe lâm sàng. Hiểu rõ về bệnh sử và khám sức khỏe lâm sàng có thể cung cấp manh mối quan trọng để tìm ra nguyên nhân của một cơn ho mãn tính. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm để tìm nguyên nhân chính xác.

Một số xét nghiệm sẽ được dùng để chẩn đoán bệnh ho mạn tính bao gồm:

  • Chụp X-quang. Mặc dù chụp X-quang phổi sẽ không tiết lộ những lý do phổ biến nhất gây ra ho nhưng nó có thể được sử dụng để kiểm tra ung thư phổi, viêm phổi và các bệnh phổi khác. Chụp X-quang xoang có thể cho thấy bằng chứng của nhiễm trùng xoang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT). Chụp CT cũng có thể được sử dụng để kiểm tra phổi của bạn nhằm tìm các tình trạng có thể gây ho mãn tính hoặc các hốc xoang để tìm các túi nhiễm trùng.

Ngoài ra, một số các xét nghiệm khác có thể là:

  • Xét nghiệm máu: phương pháp này giúp xem bạn có đang bị nhiễm trùng không
  • Lau họng: thường được thực hiện với một tăm bông dài
  • Mẫu đàm: được thu thập sau khi bạn ho mạnh để làm xét nghiệm
  • Đo phế dung: bạn sẽ được yêu cầu thở ra mạnh và nhanh vào một thiết bị nhỏ bằng nhựa để đo lường xem bạn thở ra có tốt không;
  • Thử nghiệm gắng sức methacholine: một xét nghiệm tiêu chuẩn trong bệnh hen suyễn được sử dụng để đánh giá bệnh hen suyễn gây ho.
  • Nội soi phế quản: sử dụng một ống mỏng, linh hoạt được trang bị đèn và máy ảnh (ống nội soi phế quản), bác sĩ có thể quan sát phổi và đường dẫn khí.

Những phương pháp điều trị bệnh ho mạn tính

thuốc trị ho mạn tính

Việc xác định nguyên nhân gây ho mãn tính là yếu tố quyết định để điều trị hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, nhiều tình trạng tiềm ẩn có thể gây ra chứng ho mãn tính.

Nếu bạn hiện đang hút thuốc, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về việc bạn buộc phải bỏ thuốc và hỗ trợ bạn để đạt được mục tiêu này.

Nếu bạn đang dùng thuốc ức chế men chuyển, bác sĩ có thể chuyển bạn sang một loại thuốc khác không gây ho do tác dụng phụ.

Cách chữa ho mãn tính phổ biến nhất là dùng thuốc. Vậy, ho mãn tính uống thuốc gì? Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc trị ho mãn tính sau đây:

  • Thuốc kháng histamine, corticosteroid và thuốc thông mũi. Các thuốc này là phương pháp điều trị chuẩn cho dị ứng và chảy mũi sau.
  • Thuốc hen dạng hít. Các phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho ho do hen suyễn là corticosteroid và thuốc giãn phế quản giúp làm giảm viêm và mở thông đường hô hấp.
  • Thuốc kháng sinh. Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc mycobacteria là nguyên nhân gây ho mạn tính, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh.
  • Thuốc chẹn axit. Khi việc thay đổi lối sống không cải thiện tình trạng trào ngược axit, bạn có thể được điều trị bằng thuốc ức chế axit. Một số người cần phẫu thuật để giải quyết vấn đề này.
  • Thuốc ức chế ho. Nếu lý do gây ho không thể xác định được và gây ra vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như làm ảnh hưởng giấc ngủ, bác sĩ có thể kê toa thuốc ức chế ho để giảm cơn ho. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy các loại thuốc ho có hiệu quả.

Lưu ý rằng tuyệt đối không sử dụng thuốc không kê đơn, ngoại trừ thuốc hạ sốt và giảm đau, để điều trị ho và cảm lạnh cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài ra, hãy cân nhắc tránh sử dụng những loại thuốc này cho trẻ em dưới 12 tuổi. Để đảm bảo an toàn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc trị ho nào.

Ngoài ra, một số lưu ý sau đây có thể giúp bạn giảm ho ngay tại nhà:

  • Uống nhiều nước. Chất lỏng giúp làm loãng chất nhầy trong cổ họng. Chất lỏng ấm, chẳng hạn như nước dùng, trà hoặc nước trái cây, có thể làm dịu cổ họng.
  • Ngậm thuốc ho hoặc kẹo cứng. Chúng có thể làm dịu cơn ho khan và làm dịu cổ họng bị kích thích.
  • Cân nhắc dùng mật ong. Một thìa cà phê mật ong có thể giúp làm dịu cơn ho. Không cho trẻ nhỏ hơn 1 tuổi uống mật ong vì mật ong có thể chứa vi khuẩn có hại cho trẻ sơ sinh.
  • Làm ẩm không khí. Sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát mẻ hoặc tắm bằng hơi nước.
  • Tránh khói thuốc lá. Hút thuốc hoặc hít thở khói thuốc gây kích ứng phổi và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ho. Nếu bạn hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ để có thể bỏ thuốc lá.

Biến chứng

Ho mạn tính có nguy hiểm không?

Ho dai dẳng có thể khiến bạn mệt mỏi, đồng thời gây ra nhiều vấn đề, bao gồm:

  • Mất ngủ
  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Nôn mửa
  • Đổ quá nhiều mồ hôi
  • Mất kiểm soát bàng quang (tiểu không kiểm soát)
  • Xuất huyết dưới mắt
  • Gãy xương sườn
  • Ngất xỉu.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa bệnh ho mạn tính?

Duy trì một lối sống lành mạnh là điều rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:

  • Bỏ hút thuốc lá: Sau khi bỏ thuốc lá, bạn sẽ ít có khả năng mắc bệnh cảm lạnh hoặc bị ho mạn tính;
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Nếu bạn cần sự giúp đỡ để điều chỉnh chế độ ăn uống, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn hoặc giới thiệu đến một chuyên gia dinh dưỡng;
  • Tránh bị nhiễm bệnh: Bạn nên tránh xa bất cứ ai có bệnh truyền nhiễm như viêm phế quản để không tiếp xúc với vi khuẩn. Bạn nên rửa tay thường xuyên và không dùng chung dao kéo, khăn, gối.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 17/02/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo