backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bí tiểu

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 25/01/2022

Bí tiểu

Bí tiểu là tình trạng nước tiểu không thể thoát ra ngoài khi một người đi tiểu. Điều này không chỉ dẫn đến cảm giác khó chịu vì luôn mắc tiểu, bụng căng tức nhưng không đi được mà nó còn cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe.

Vậy bí tiểu là do dâu? Bạn cần làm gì khi gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu ngay!

Tìm hiểu chung

Bí tiểu là gì?

Bí tiểu, hay bí đái, là tình trạng bàng quang không rỗng hoàn toàn, thậm chí bàng quang chứa đầy nước tiểu và bạn thường cảm thấy cần đi tiểu. Có hai dạng bí tiểu – bí tiểu cấp tính và bí tiểu mãn tính.

Mức độ phổ biến của bí tiểu

Tình trạng này ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới, nhưng bí tiểu ở nữ xảy ra thường xuyên hơn nam giới, đặc biệt là khi họ lớn tuổi. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy bệnh này phổ biến hơn ở nam giới gấp 10 lần so với nữ giới. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới trong độ tuổi từ 40-83 được ước tính từ 4,5 – 6,8/1.000 nam giới mỗi năm. Trên 30% nam giới ở độ tuổi 80 có khả năng bí tiểu cấp tính ít nhất một lần.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bí tiểu là gì?

Bí tiểu cấp tính xảy ra đột ngột và có thể đe dọa tính mạng. Bạn cảm thấy cần đi tiểu ngay, nhưng không thể đi được. Điều này gây nhiều đau đớn và khó chịu ở vùng bụng dưới. Bạn cần phải đi cấp cứu ngay lập tức để giải phóng nước tiểu được tích tụ.

Bí tiểu mãn tính xảy ra trong một thời gian dài. Bạn có thể đi tiểu, nhưng bàng quang không hoàn toàn rỗng. Thậm chí một số người không biết mình có tình trạng này do không có triệu chứng lúc ban đầu. Bí tiểu mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Triệu chứng bí tiểu

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Cảm thấy phải đi tiểu thường xuyên, thường là trên 8 lần/ngày.
  • Rất khó khăn cho nước tiểu chảy ra.
  • Dòng nước tiểu yếu hoặc vừa mới bắt đầu và dừng lại.
  • Cảm giác cần đi tiểu một lần nữa ngay sau khi vừa kết thúc đi tiểu.
  • Đi tiểu đêm nhiều lần.
  • Nước tiểu rò rỉ từ bàng quang suốt cả ngày.
  • Tiểu không kiểm soát hoặc cảm giác phải đi tiểu gấp ngay lập tức kèm theo không có khả năng nhịn tiểu.
  • Không biết khi nào bàng quang đầy.
  • Cảm giác khó chịu nhẹ liên tục hoặc cảm giác căng ở vùng xương chậu/bụng dưới.

Nguyên nhân

Nguyên nhân bí tiểu là gì?

Có nhiều nguyên nhân bí tiểu. Nó có thể xảy ra khi một vật gì đó chặn dòng nước tiểu chảy tự do qua bàng quang vào niệu đạo. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Vấn đề này cũng có thể do sử dụng các loại thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc chống co thắt và thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể làm thay đổi cách hoạt động của cơ bàng quang.

Đi tiểu xảy ra khi não chỉ đạo cơ bàng quang co thắt. Điều này giúp đẩy nước tiểu ra khỏi bàng quang. Tiếp theo, não gửi tín hiệu cho các cơ vòng giãn ra. Điều này cho phép dòng chảy của nước tiểu đi qua niệu đạo và ra khỏi cơ thể. Bất cứ thứ gì cản trở đường đi từ não đến dây thần kinh đi vào bàng quang và niệu đạo cũng có thể gây ra vấn đề này. Bí tiểu do bệnh lý thần kinh xảy ra ở nam giới và phụ nữ với tỷ lệ ngang nhau. Các tình trạng này gồm:

  • Tắc nghẽn. Ở nam giới, tắc nghẽn có thể gây ra khi tuyến tiền liệt trở nên quá to và đè lên niệu đạo. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây bí tiểu mãn tính ở nam giới. Một nguyên nhân gây bí tiểu ở phụ nữ là bàng quang chảy xệ, gọi là sa bàng quang. Bệnh cũng có thể xảy ra khi trực tràng giãn đè vào thành sau của âm đạo, gọi là sa trực tràng; niệu đạo có thể bị thu hẹp, gọi là hẹp niệu đạo; sỏi tiết niệu ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu.
  • Nhiễm trùng và sưng. Ở nam giới, nhiễm trùng tuyến tiền liệt có thể làm cho nó sưng lên. Điều này làm cho tuyến tiền liệt ép vào niệu đạo và ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) có thể gây sưng niệu đạo và gây ra vấn đề này. Bệnh lây lan do quan hệ tình dục (gọi là STDs) cũng có thể gây sưng và dẫn đến bí tiểu.
  • Nguyên nhân thần kinh. Bàng quang có thể không hoạt động đúng do vấn đề tiếp nhận thông tin từ não đến bàng quang và niệu đạo qua đường thần kinh. Các nguyên nhân bao gồm đột quỵ, tiểu đường, đa xơ cứng, chấn thương cột sống hoặc xương chậu, chèn ép tủy sống do các khối u hay thoát vị đĩa đệm. Ở phụ nữ, sinh thường có thể làm tổn thương các dây thần kinh kiểm soát việc đi tiểu. Nếu bạn đã từng đặt ống thông tiểu, bạn có thể có nguy cơ cao hơn bị bí tiểu. Nguy cơ của bạn cũng cao hơn nếu bác sĩ đã sử dụng bất kỳ thiết bị đặc biệt nào khác như ống thông niệu quản hoặc tử cung.
  • Thuốc. Một số loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng cơ bàng quang như có thể gây tác dụng phụ bí tiểu. Các loại thuốc này bao gồm thuốc kháng cholinergics, các loại thuốc trị trầm cảm thế hệ cũ, thuốc kháng histamine, thuốc hạ huyết áp, các thuốc chống loạn thần, các thuốc kích thích tố và các thuốc giãn cơ.
  • Phẫu thuật. Thuốc được đưa ra trước và trong khi phẫu thuật để làm cho bạn buồn ngủ có thể gây bí tiểu sau phẫu thuật. Các thủ thuật như thay khớp hông, phẫu thuật trực tràng, phẫu thuật cho các vấn đề ở phụ nữ và phẫu thuật loại bỏ trĩ có thể gây ra bí tiểu sau đó.

nguyên nhân bí tiểu

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bí tiểu?

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bí tiểu cấp tính như:

  • Nam giới lớn tuổi và sự gia tăng của u xơ tiền liệt tuyến lành tính
  • Nam giới lớn tuổi với tuyến tiền liệt to
  • Sỏi đường tiết niệu có thể tìm thấy ở thận, niệu quản hoặc trong bàng quang
  • Sự hiện diện của sa bàng quang ở nữ giới: sa bàng quang là tình trạng phồng lên của bàng quang đè lên âm đạo
  • Sự hiện diện của sa trực tràng ở nữ giới: sa trực tràng là tình trạng phồng lên của trực tràng đè lên âm đạo
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát có thể gây ra tình trạng hẹp niệu đạo
  • Tiểu đường
  • Chấn thương tủy sống

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bí tiểu?

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bí tiểu chỉ bằng cách thu thập bệnh sử chi tiết, gồm các triệu chứng và thực hiện khám thực thể bộ phận sinh dục và trực tràng.

Khi bác sĩ cần thêm thông tin, họ có thể sử dụng một trong các xét nghiệm hoặc thủ thuật sau đây:

  • Mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu
  • Đo lượng nước tiểu còn sót lại sau khi đi tiểu (PVR)
  • Soi bàng quang
  • Siêu âm và chụp CT
  • Xét nghiệm niệu động học
  • Điện cơ đồ

Những phương pháp nào dùng để điều trị bí tiểu?

Điều trị bí tiểu mãn tính hoặc dạng cấp tính phát triển thành mãn tính phụ thuộc vào nguyên nhân. Đối với nam giới có tuyến tiền liệt phì đại, một số loại thuốc nhất định có thể được sử dụng giúp thu nhỏ lại. Các thuốc trị bí tiểu bao gồm thuốc ức chế alpha và các chất ức chế men 5-alpha (finasteride và dutasteride). Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt hoặc giảm kích thước của nó có thể được lựa chọn.

Cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo là loại phẫu thuật phổ biến nhất khi vấn đề gây ra bởi tuyến tiền liệt phì đại. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ đặt một dụng cụ qua ống thông. Bác sĩ luồn ống lên niệu đạo và lấy đi một phần của tuyến tiền liệt. Có nhiều cách khác để điều trị vấn đề này mà không cần đến phẫu thuật, bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng như vi sóng và laser để phá vỡ sự tắc nghẽn.

Đối với phụ nữ bị bí tiểu do sa bàng quang hoặc sa trực tràng, trường hợp nhẹ hoặc vừa phải có thể được điều trị bằng các bài tập tăng cường cơ sàn chậu. Họ cũng có thể được điều trị bằng cách đặt một chiếc nhẫn được gọi là vòng nâng âm đạo để hỗ trợ bàng quang. Bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp estrogen nếu bạn đã mãn kinh. Phẫu thuật có thể được yêu cầu cho các trường hợp nặng hơn để nâng bàng quang hoặc trực tràng chảy xệ.

Đối với niệu đạo bị hẹp, bác sĩ có thể chỉ định mở niệu đạo bằng ống thông và bóng. Bác sĩ phẫu thuật dùng dao hoặc tia laser di chuyển qua niệu đạo, thực hiện một vết cắt để mở đoạn hẹp. Ống đỡ (ống lưới) cũng có thể giúp mở niệu đạo bị hẹp ở nam giới.

Nếu bí tiểu do vấn đề liên quan đến thần kinh, bạn có thể tự đặt ống thông tiểu tại nhà.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn quản lý bí tiểu là gì?

Bí tiểu cấp tính cần được thoát nước ngay lập tức, do đó bạn cần gặp bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu của bệnh viện. Bạn có thể thử vài cách rất hạn chế ở nhà, nhưng không nên trì hoãn đến bệnh viện nếu bị đau. Hãy thử ngồi trong bồn tắm đầy nước ấm để thư giãn cơ sàn chậu hoặc mở nước trong phòng tắm để kích thích dòng chảy của nước tiểu.

Thảo luận về các loại thuốc kê đơn, cũng như bất kỳ loại thuốc không cần toa mà bạn đang dùng với bác sĩ, để xác định xem một hoặc nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu bình thường của bạn.

Những người bị suy giảm khả năng vận động (ví dụ như sau khi bị bệnh hoặc phẫu thuật với thời gian hồi phục kéo dài) dẫn đến việc không thể đi tiểu có thể được khuyến khích đứng dậy và đi bộ, vì tăng cường hoạt động thuận lợi cho việc đi tiểu.

Quản lý táo bón bằng cách ăn nhiều chất xơ, chất làm mềm phân và thuốc nhuận tràng theo khuyến cáo của bác sĩ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 25/01/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo