Độ mờ da gáy được biết đến là chỉ số phản ánh nguy cơ mắc hội chứng Down liên quan đến bất thường số lượng nhiễm sắc thể của thai nhi. Do đó, kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy có biết trai hay gái không là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Phương pháp đo độ mờ da gáy có thể giúp xác định giới tính em bé hay không hay độ mờ da gáy bao nhiêu là con trai? Tại sao các mẹ bầu cần siêu âm đo độ mờ da gáy? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết này của Hello Bacsi.
Siêu âm đo độ mờ da gáy là gì?
Trước khi tìm câu trả lời cho thắc mắc “siêu âm đo độ mờ da gáy có biết trai hay gái không hay hay độ mờ da gáy bao nhiêu là con trai?”, mời bạn cùng tìm hiểu về thông số trong phương pháp chẩn đoán hình ảnh này.
1. Độ mờ da gáy là gì?
Độ mờ da gáy là khoảng tích tụ dịch ở dưới da, ở vùng gáy của thai nhi. Tất cả những thai nhi khỏe mạnh đều có độ mờ da gáy, nhưng chỉ số này sẽ tăng cao bất thường ở những thai nhi mắc hội chứng Down và một số hội chứng bất thường nhiễm sắc thể khác.
2. Siêu âm độ mờ da gáy là gì?
Siêu âm đo độ mờ da gáy được tiến hành trong 3 tháng đầu mang thai, cụ thể là từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày của thai kỳ. Việc tiến hành đo độ mờ da gáy nhằm đánh giá xem thai nhi có nguy cơ mắc các bất thường về di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể chẳng hạn như hội chứng Down và một số hội chứng bất thường nhiễm sắc thể khác.
Các chuyên gia thường khuyến khích mẹ bầu tiến hành đo độ mờ da gáy kết hợp với xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT) để có hiệu quả sàng lọc cao hơn.
Giải đáp thắc mắc: Siêu âm đo độ mờ da gáy có biết trai hay gái không?
Vì kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy có liên quan với các bất thường liên quan đến nhiễm sắc thể nên có không ít mẹ bầu thường thắc mắc rằng: Liệu dựa vào kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy có biết trai hay gái không?
Theo các chuyên gia, kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy không thể cho biết chính xác giới tính của thai nhi. Phương pháp này chỉ dùng để đo lường độ mờ của lớp dịch tích tụ ở phần sau cổ của thai nhi và không cung cấp thông tin đáng tin cậy về giới tính.
Tuy nhiên, có một số giả thuyết cho rằng có mối liên kết giữa độ mờ da gáy và giới tính của thai nhi. Theo giả thuyết này, độ mờ của lớp dịch da gáy thai nhi con trai cao hơn so với thai nhi là con gái. Tuy nhiên, giả thiết này chưa có nhiều nghiên cứu đối chứng nên không đủ độ tin cậy để xác định giới tính của thai nhi.
Do đó, trong một số trường hợp cần xác định giới tính của thai nhi vì có khiếm khuyết liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính, các bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu tiến hành một trong các xét nghiệm sau:
- Siêu âm: Từ tuần 12 của thai kỳ, thông qua hình ảnh siêu âm, các bác sĩ có thể xác định được giới tính thai nhi nếu cơ quan sinh dục ngoài của bé nằm ở một vị trí thuận lợi để quan sát. Nếu tiến hành siêu âm khi thai được 16 – 18 tuần tuổi thì độ chính xác có thể cao hơn.
- Sinh thiết gai nhau: Sinh thiết gai nhau thường được thực hiện khi thai 10 – 12 tuần và chỉ những mẹ bầu có nguy cơ cao sinh ra các em bé có rối loạn di truyền mới cần thực hiện thủ thuật này.
- Chọc ối: Là phương pháp xét nghiệm xâm lấn giúp xác định giới tính thai nhi có độ chính xác cao. Lưu ý là việc chọc ối có thể gây ra sảy thai với tỷ lệ nhỏ. Chọc ối cũng giống như sinh thiết gai nhau, được chỉ định khi thai có nguy cơ cao với các bất thường nhiễm sắc thể hoặc trên siêu âm có các dị tật nghi ngờ các bất thường di truyền.
- Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT: Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán giới tính dựa vào ADN tự do của thai nhi trong máu mẹ có thể tiến hành từ tuần thứ 9 của thai kỳ kết hợp với các đánh giá sàng lọc được các bất thường về nhiễm sắc thể phôi thai. Kết quả xét nghiệm ADN sẽ thường có sau khoảng 1 tuần tính từ thời điểm thực hiện.
Chuyên gia sản khoa giải đáp thắc mắc liên quan đến đo độ mờ da gáy
Xoay quanh xét nghiệm độ mờ da gáy, nhiều mẹ bầu cũng có các thắc mắc cần được giải đáp, chẳng hạn như:
1. Những ai nên siêu âm độ mờ da gáy?
Siêu âm đo độ mờ da gáy được khuyến nghị cho mọi phụ nữ mang thai, không phân biệt tuổi, nhóm nguy cơ hoặc tiền sử gia đình.
2. Chỉ số độ mờ da gáy bao nhiêu là bình thường?
Ngoài việc thắc mắc đo độ mờ da gáy có biết trai hay gái không thì nhiều mẹ bầu cũng băn khoăn rằng độ mờ da gáy bao nhiêu là bình thường?
Theo các chuyên gia sản khoa, nếu kết quả xét nghiệm đo độ mờ da gáy có chỉ số dưới 2,5mm thì được xem là an toàn. Nếu chỉ số này trên 3.5mm, nguy cơ mắc hội chứng Down và các dị tật khác (dị dạng tim thai) tăng cao.
3. Phương pháp đo độ mờ da gáy cho kết quả có chính xác không?
Theo các chuyên gia, việc siêu âm đo độ mờ da gáy là phương pháp có thể xác định nguy cơ trẻ mắc bệnh Down và độ chính xác của chẩn đoán chỉ đạt khoảng 75%. Do đó, vẫn có một vài trường hợp kết quả siêu âm chỉ ra thai nhi có nguy cơ cao nhưng thai phát triển bình thường, trẻ sinh ra khỏe mạnh. Với những trường hợp siêu âm độ mờ da gáy dày trên 3.5 mm, mẹ bầu được chỉ định chọc ối để chẩn đoán xem thai có thực sự có bất thường di truyền không.
4. Nên tiến hành đo độ mờ da gáy ở đâu
Siêu âm đo độ mờ da gáy ở đâu đảm bảo chính xác nhất là vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm. Để có kết quả chẩn đoán chính xác, các mẹ bầu nên đi khám thai và tiến hành siêu âm đo độ mờ da gáy tại các cơ sở y tế chuyên khoa sản, được thực hiện bởi các bác sĩ đã được đào tạo về siêu âm như các phòng khám chuyên sản hay Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện phụ sản Trung Ương cùng các bệnh viện tư được trang bị thiết bị hiện đại.
Hello Bacsi hy vọng rằng qua những thông tin được tổng hợp trong bài, các mẹ bầu đã có được câu trả lời cho thắc mắc siêu âm đo độ mờ da gáy có biết trai hay gái không, độ mờ da gáy bao nhiêu là con trai, bao nhiêu là con gái. Chúc bạn có một thai kỳ suôn sẻ! Các mẹ bầu đừng quên truy cập chuyên mục Mang thai trên Hello Bacsi để cập nhật được những thông tin hữu ích nhé!
[embed-health-tool-due-date]