Siêu âm 2D (siêu âm hai chiều/hai bình diện): cho thấy các cấu trúc và chức năng của tim tại thời điểm siêu âm. Siêu âm doppler: sử dụng để đo tốc độ của lưu lượng máu trong các buồng và van tim. Quá trình siêu âm tim của thai nhi cũng có thể được tiến hành thông qua ngả âm đạo. Khi đó, bạn phải cởi đồ từ thắt lưng trở xuống và nằm trên bàn khám. Nhân viên y tế sẽ đưa một đầu dò nhỏ qua đường âm đạo vào bên trong cơ thể. Đầu dò này cũng sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim thai. Siêu âm tim thai thông qua âm đạo thường được tiến hành trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Bác sĩ có thể thấy được hình ảnh rõ ràng hơn về tim thai nhi qua phương pháp này.
Để có được hình ảnh đầy đủ về tim thai, quá trình siêu âm có thể mất từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ. Đôi khi, tư thế và vị trí của thai nhi sẽ gây khó khăn trong việc quan sát được hình ảnh tim thai. Lúc đó, nhân viên y tế sẽ mất nhiều thời gian hơn để có được kết quả.
Khi nào bạn có kết quả siêu âm tim thai?

Thông thường, kết quả siêu âm tim của thai nhi sẽ có trong cùng ngày mà bạn làm xét nghiệm hình ảnh này. Đôi khi, mẹ bầu cần tiến hành siêu âm lại lần nữa nếu kết quả chưa rõ ràng.
Nhịp đập tim thai của một thai nhi khỏe mạnh bình thường sẽ dao động từ 120 – 160 nhịp/phút. Trong những thời điểm bào thai chuyển động thì nhịp tim có khả năng tăng lên đến 180 nhịp/phút. Tuy nhiên, nếu nhịp tim tăng cao hơn con số này thì có thể là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng nghiêm trọng ở thai nhi.
Siêu âm tim thai có gây ra biến chứng nào cho mẹ và bé không?
Theo những ghi nhận từ trước đến nay, không có rủi ro nào xảy ra do siêu âm tim của thai nhi bởi vì phương pháp này chỉ sử dụng kỹ thuật sóng siêu âm và không có bức xạ nào. Do đó, đây là một xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn, an toàn cho cả mẹ và bé.
Kết quả siêu âm tim của thai nhi có ý nghĩa gì?
Trong các đợt thăm khám thai kỳ, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả siêu âm để theo dõi sự phát triển bình thường của thai nhi, nhất là hệ tim mạch.
Nếu bác sĩ phát hiện có khiếm khuyết bất thường về tim, nhịp tim hay các vấn đề liên quan khác thì mẹ bầu sẽ cần thực thêm thêm vài xét nghiệm nữa, chẳng hạn như chụp MRI thai nhi hoặc siêu âm ở cường độ cao.
Đôi lúc, bạn sẽ cần siêu âm tim của thai nhi nhiều lần hoặc làm thêm xét nghiệm bổ sung nếu bác sĩ cảm nhận thấy có điều gì đó khác thường trong sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, kết quả siêu âm tim của thai nhi không thể giúp phát hiện được tất cả vấn đề sức khỏe của em bé trong bụng. Một số tình trạng như có lỗ thông bầu dục ở tim sẽ rất khó nhận thấy, ngay cả với những thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất.
Bác sĩ chỉ có thể quan sát kỹ kết quả xét nghiệm và đưa ra chẩn đoán phù hợp nhất. Nếu có bất thường, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên kế hoạch điều trị cho trẻ sau khi sinh ra, chẳng hạn như phẫu thuật chỉnh hình để phục hồi chức năng cho tim mạch. Cũng nhờ phương pháp này, bạn sẽ nhận được các tư vấn và hỗ trợ của bác sĩ, giúp bạn đưa ra các quyết định tốt và phù hợp nhất.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!