backup og meta

Sa tử cung là gì? Dấu hiệu, điều trị và chế độ ăn uống

Sa tử cung là gì? Dấu hiệu, điều trị và chế độ ăn uống

Sa tử cung là tình trạng tử cung bị võng xuống hoặc tụt vào âm đạo do các cơ và dây chằng xung quanh tử cung bị yếu hoặc tổn thương. Điều này thường xảy ra ở phụ nữ đã trải qua nhiều lần sinh thường hoặc ở phụ nữ lớn tuổi, sau khi mãn kinh. 

Nội dung bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến bệnh sa tử cung, bao gồm sa tử cung khi mang thai. Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây để tìm hiểu!

Bệnh sa tử cung là gì? Các mức độ bệnh

Sa tử cung xảy ra khi các cơ và mô trong xương chậu của bạn yếu đi và không thể nâng đỡ sức nặng của tử cung. Từ đó khiến cho tử cung sa xuống âm đạo, thậm chí là dịch chuyển ra khỏi cửa âm đạo của bạn. 

Nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi phụ nữ ngày càng lớn tuổi và nồng độ estrogen bị suy giảm. Cụ thể hơn, các yếu tố làm tăng nguy cơ sa tử cung thường bao gồm sinh con nhiều lần qua ngả âm đạo, béo phì, ho mãn tính, táo bón mãn tính hoặc phụ nữ ở tuổi mãn kinh.

Các chị em thường chỉ nhau cách nhận biết sa tử cung bằng tay dựa vào độ sa của tử cung trong âm đạo. Mức độ trầm trọng của bệnh tùy thuộc vào độ suy yếu của các cơ nâng đỡ tử cung (cơ sàn chậu), được chia thành 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn I: Tử cung tụt xuống phần trên của âm đạo. 
  • Giai đoạn II: Tử cung sa xuống phần dưới của âm đạo. 
  • Giai đoạn III: Tử cung lồi ra khỏi âm đạo. 
  • Giai đoạn IV: Toàn bộ tử cung trượt ra ngoài âm đạo.

Việc nhận biết và điều trị bệnh kịp thời là rất quan trọng để tránh kéo theo sa các cơ quan khác trong vùng chậu (chẳng hạn như bàng quangtrực tràng), ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu phát hiện sớm có thể điều trị tình trạng này hiệu quả, giúp phục hồi chức năng của tử cung và tránh bệnh xấu đi.

Để hiểu rõ về tình trạng này, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu tiếp về dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, cách điều trị và những lưu ý trong chế độ ăn uống khi bị sa tử cung.

Dấu hiệu sa tử cung

bệnh sa sinh dục là gì

Làm sao để biết mình bị sa tử cung? Nếu bị sa tử cung nhẹ, bạn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Nhưng khi tử cung của bạn sa xuống sâu hơn khỏi vị trí ban đầu, nó có thể gây áp lực lên các cơ quan khác trong khung chậu (như bàng quang hoặc ruột) và gây ra các dấu hiệu sa tử cung như: 

  • Rò rỉ nước tiểu.
  • Không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu.
  • Các vấn đề về tiểu tiện, bao gồm tiểu són (tiểu không tự chủ), tiểu nhiều lần hơn bình thường hoặc tiểu gấp
  • Cảm giác vùng xương chậu nặng nề hoặc như bị lấp đầy.
  • Cảm giác bên trong âm đạo bị phồng lên.
  • Đau ở vùng chậu, đau bụng hoặc đau lưng dưới
  • Đau hoặc cảm thấy áp lực ở bụng dưới và vùng xương chậu của bạn.
  • Táo bón, đi ngoài gặp khó khăn.
  • Chảy máu âm đạo bất thường.
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Tử cung bị sa có thể khiến bạn cảm thấy như đang ngồi trên một quả bóng nhỏ.
Các triệu chứng sa tử cung có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài, khi ho hoặc hắt hơi. Bởi vì, ở những tư thế này, trọng lực tăng thêm áp lực cho các cơ vùng chậu.

Sa tử cung khi mang thai: Những điều mẹ bầu cần biết

Sa tử cung khi mang thai là một biến cố hiếm gặp, tỷ lệ mắc là 1 trong 10.000 – 15.000 thai phụ. Tuy nhiên, tình trạng này rất nguy hiểm.

Dấu hiệu sa tử cung khi mang thai là gì?

Việc nhận biết các dấu hiệu sa tử cung trong thai kỳ là rất quan trọng để can thiệp kịp thời. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: 

  • Cảm giác nặng nề hoặc áp lực ở vùng xương chậu. 
  • Cảm giác có vật gì đó phồng ra khỏi âm đạo. 
  • Đau lưng hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới. 
  • Các vấn đề về tiết niệu, chẳng hạn như đi tiểu thường xuyên hoặc khó đi tiểu. 

Sa tử cung khi mang thai

Bạn cần lưu ý rằng một số trường hợp không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào cả. Vậy nên việc khám thai thường xuyên rất cần thiết, giúp phát hiện sớm những bất thường.

Sa tử cung khi mang thai có nguy hiểm không?

Sa tử cung trong thai kỳ có thể gây ra biến chứng trước sinh, trong chuyển dạ và sau sinh, bao gồm:

Vì những lý do này, bác sĩ sẽ xem xét trên từng bệnh nhân cụ thể để có chỉ định phù hợp nhất. Họ có thể:

  • Điều trị bảo tồn bằng cách vệ sinh bộ phận sinh dục, cho thai phụ nghỉ ngơi trên giường ở tư thế Trendelenburg (nằm ngửa với góc nghiêng 15-30 độ, đầu thấp hơn chân).
  • Sử dụng vòng nâng cổ tử cung.
  • Treo tử cung bằng nội soi.

Sa tử cung khi mang thai có sinh thường được không?

Không có chống chỉ định sinh thường cho những trường hợp bị sa tử cung lúc mang thai. Nếu tình trạng này nhẹ, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ và có thể cho mẹ sinh thường.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên thai phụ nên sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con nếu sa tử cung nặng, quá trình chuyển dạ kéo dài, cổ tử cung phù nhiều hoặc mở chậm.

Sanh thường bao lâu tử cung hồi phục?
Thông thường, tử cung sẽ co lại và trở về kích thước ban đầu sau khoảng 6–8 tuần sau sinh. Tuy nhiên, thời gian hồi phục này có thể khác nhau tùy thuộc vào một số yếu tố như tuổi tác, cơ địa của mỗi người và chế độ chăm sóc sau sinh
  • Với những mẹ trẻ tuổi, cơ thể phục hồi nhanh hơn, trong khi các mẹ lớn tuổi có thể cần thêm thời gian. 
  • Chăm sóc tốt sau sinh (bao gồm nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm và tập thể dục nhẹ nhàng) sẽ thúc đẩy quá trình co hồi tử cung tốt hơn. 
Lời khuyên cho các mẹ là nên tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, không vội vàng thực hiện các hoạt động thể chất quá sớm, duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ để giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng và hiệu quả.

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân sa tử cung là gì?

Những nguyên nhân phổ biến 

Tử cung của người phụ nữ được giữ cố định trong khung chậu bởi một nhóm cơ và dây chằng (cơ sàn chậu). Khi các cấu trúc này yếu đi, chúng không thể giữ tử cung ở đúng vị trí ban đầu nữa và tử cung bắt đầu sa xuống dưới. Một số yếu tố có thể góp phần làm suy yếu các cơ vùng chậu là: 

  • Mất trương lực cơ do mãn kinh
  • Mang thai, đặc biệt là khi mang thai nhiều lần hoặc đa thai
  • Sinh con qua ngả âm đạo (sinh thường), đặc biệt nếu bạn đã sinh nhiều con hoặc sinh con nặng hơn 4 kg. 
  • Rặn đẻ kéo dài.
  • Béo phì, thừa cân. 
  • Ho mạn tính, chẳng hạn như do hút thuốc lá, viêm phế quản hoặc bệnh hen suyễn. 
  • Táo bón mạn tính hoặc phải rặn khi đi đại tiện trong thời gian dài. 
  • Nâng vật nặng nhiều lần liên tục.

Những yếu tố dưới đây cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh

  • Mang thai lần đầu khi đã lớn tuổi.
  • Từng phẫu thuật vùng chậu trước đây.
  • u xơ tử cung hoặc hiếm gặp là khối u vùng chậu.
  • Tiền sử gia đình có mô liên kết yếu.

Sa tử cung nên kiêng ăn gì và nên ăn gì?

Chế đô ăn uống cho người bị sa tử cung

Các thực phẩm cần tránh 

Mặc dù việc ăn uống không trực tiếp gây ra sa tử cung, nhưng khi gặp phải tình trạng này, bạn cần tránh một số loại thực phẩm có thể góp phần làm bệnh nặng hơn. Sa tử cung nên kiêng ăn gì – đó là những món ăn gây táo bón như:

  • Thực phẩm chứa nhiều chất béo (dầu, mỡ, bơ) gồm đồ chiên xào, thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội,…, đồ nướng làm sẵn,…
  • Đồ ăn cay, nóng.

Bị sa tử cung nên ăn gì?

Những thực phẩm và món ăn được khuyên dùng cho người đang bị sa tử cung là:

  • Thực phẩm giàu chất xơ để quá trình đi đại tiện dễ dàng hơn, tránh phải rặn như trái cây, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt. Khi thay đổi chế độ ăn uống, các mẹ nên tăng dần lượng chất xơ để cơ thể làm quen dần, không tăng lượng lớn đột ngột vì có thể gây ra đầy hơi, chướng bụng.
  • Uống nhiều nước.

Các phương pháp điều trị sa tử cung

Điều trị không cần phẫu thuật

Điều trị bệnh sa sinh dục

Nếu bạn bị sa tử cung nhẹ, triệu chứng không rõ ràng thì chưa cần điều trị. Bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi thường xuyên.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể hướng dẫn điều trị như sau:

  • Tránh lao động nặng. 
  • Giảm cân để có được cân nặng vừa phải: Điều này giúp giảm áp lực lên các cơ vùng chậu khi bạn đứng hoặc đi bộ.
  • Điều trị táo bón: Bằng cách tăng cường chất xơ trong chế độ ăn và uống nhiều nước.
  • Điều trị các bệnh
  • Bỏ thuốc lá để tránh bị ho kéo dài.
  • Bài tập Kegel để tăng cường sức mạnh cho cơ sàn chậu
Hướng dẫn tập kegel:
Bạn siết chặt các cơ sàn chậu như thể đang nhịn tiểu; 
Giữ nguyên trong năm giây, sau đó thả lỏng trong năm giây. 
Nếu quá khó, hãy bắt đầu bằng cách giữ trong hai giây và thả lỏng trong ba giây. Sau đó, bạn tăng dần thời gian co thắt lên 10 giây một lần. Mục tiêu là thực hiện ít nhất ba lần, mỗi lần 10 nhịp mỗi ngày. 
Các bài tập Kegel sẽ thành công nhất khi có bác sĩ vật lý trị liệu dùng các thiết bị theo dõi để đảm bảo các cơ đang được siết phù hợp trong thời gian đủ dài. Khi đã quen, bạn có thể tập bài tập Kegel một cách kín đáo bất cứ lúc nào, dù đang ngồi ở bàn làm việc hay thư giãn trên ghế sofa.
  • Bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe tổng thể
  • Đặt vòng nâng cổ tử cung: Đây là một thiết bị hình tròn bằng silicon được đặt vào cổ tử cung. Vòng này giúp nâng đỡ và giữ tử cung cố định. Vòng này cần được vệ sinh thường xuyên và tháo ra trước khi quan hệ tình dục.

Điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật

Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để sửa chữa sa tử cung. Có 2 hình thức là:

  • Cắt bỏ tử cung: Điều này có thể được thực hiện thông qua nội soi qua ngả âm đạo hoặc qua vết mổ đường bụng. Đây là phẫu thuật lớn và sau đó bạn không thể mang thai được nữa. 
  • Điều trị bệnh mà không cần cắt bỏ tử cung: Thủ thuật này sẽ đưa tử cung trở lại vị trí bình thường. Bác sĩ treo tử cung bằng cách gắn lại dây chằng vùng chậu vào phần dưới tử cung để giữ tử cung cố định. Phẫu thuật cũng được thực hiện bằng nội soi qua ngả âm đạo hoặc qua mở đường bụng.

Điều trị sa tử cung

Khi bệnh đi kèm với sa các cơ quan khác trong khung chậu, việc phẫu thuật có thể phức tạp hơn. Bên cạnh cắt bỏ tử cung, bác sĩ có thể thực hiện đồng thời những việc sau đây:

  • Khâu lại cơ sàn chậu
  • Đóng lỗ âm đạo
  • Đặt lưới nâng âm đạo.

Cũng giống như những phẫu thuật khác, phẫu thuật sa tử cung có thể tiềm ẩn những rủi ro như chảy máu nhiều, cục máu đông (ở chân hoặc phổi), nhiễm trùng, dị ứng với thuốc gây mê, tổn thương các cơ quan lân cận (bàng quang, niệu quản hoặc ruột), sa tử cung tái phát, tiểu không tự chủ.

Tóm lại, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của sa tử cung, hiểu rõ nguyên nhân, chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho chị em phụ nữ. Duy trì vùng chậu khỏe mạnh sẽ hỗ trợ quá trình mang thai và hồi phục sau sinh, đồng thời giúp ngăn ngừa sa tử cung ở mọi độ tuổi. Vì vậy, bạn hãy chú trọng việc tập luyện cơ sàn chậu, duy trì cân nặng hợp lý và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Uterine prolapse https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/uterine-prolapse/symptoms-causes/syc-20353458 Ngày truy cập: 19/12/2024

Uterine prolapse https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16030-uterine-prolapse 

Uterine prolapse https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/uterine-prolapse Ngày truy cập: 19/12/2024

Uterine prolapse https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/prolapsed-uterus Ngày truy cập: 19/12/2024

Uterine prolapse https://www.nhs.uk/conditions/pelvic-organ-prolapse/ Ngày truy cập: 19/12/2024

Uterine Prolapse in Pregnancy: Two Cases Report and Literature Review https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC6217878/#:~:text=Uterine%20prolapse%20is%20the%20descent,%2C%20intrapartum%2C%20and%20puerperal%20complication. Ngày truy cập: 19/12/2024

Foods for Constipation https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/foods-for-constipation Ngày truy cập: 19/12/2024

Phiên bản hiện tại

07/01/2025

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Mách mẹ sau sinh 6 bài tập chữa sa tử cung (sa sinh dục) tại nhà

Sa tử cung sau sinh: Dấu hiệu nhận biết và Cách điều trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: Tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo