backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thuốc kháng sinh cho trẻ em bị ho: Khi nào nên và không nên dùng?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 29/10/2021

    Thuốc kháng sinh cho trẻ em bị ho: Khi nào nên và không nên dùng?

    Việc kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ em bị ho, sổ mũi, đau họng… ngày càng được các bác sĩ cân nhắc nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do việc lạm dụng kháng sinh trong những năm qua đã gia tăng các chủng vi khuẩn kháng thuốc và khó kiểm soát hơn rất nhiều.

    Vì vậy, đối với các bậc cha mẹ đang nuôi con nhỏ, bạn sẽ cần tìm hiểu về bản chất của thuốc kháng sinh và làm sao để an toàn trong việc sử dụng. Điều quan trọng nữa là bạn không nên lạm dụng thuốc và hiểu được khi nào cần và không cần cho trẻ dùng kháng sinh. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này.

    Vì sao hầu hết trường hợp bác sĩ không kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ em bị ho?

    Trẻ nhỏ thường bị cảm lạnh từ 6 đến 8 lần mỗi năm với những triệu chứng phổ biến như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng… Nhiều ba mẹ nghĩ rằng khi con bị bệnh thì việc dùng thuốc kháng sinh là điều cần thiết nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Hầu hết trường hợp bác sĩ sẽ không kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ khi các bé chỉ bị ho, sổ mũi, đau họng…

    Nguyên nhân là vì thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả chống lại vi khuẩn và gần như vô hiệu đối với virus. Trong khi đó thì phần lớn các bệnh hô hấp ở trẻ đều do virus gây ra, bao gồm một số bệnh phổ biến như:

    • Cảm lạnh, cảm cúm thông thường.
    • Viêm phế quản ở trẻ em với những triệu chứng như ho, thở khò khè… cũng là do virus gây ra.
    • Viêm xoang, một tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cũng do virus gây ra.
    • Nhiễm trùng tai ở trẻ cũng thường tự khỏi mà không cần dùng kháng sinh.
    • Ngoài ra, khi trẻ bị sổ mũi, có dịch nhầy màu vàng hoặc xanh trong mũi cũng không có nghĩa là bé bị nhiễm khuẩn. Hơn nữa, triệu chứng này thường chỉ kéo dài trong 10 ngày và thường không cần dùng đến thuốc kháng sinh.

    Khi nào trẻ bị bệnh cần được kê đơn thuốc kháng sinh?

    thuốc kháng sinh cho trẻ bị ho

    Như đã đề cập, thuốc kháng sinh cho trẻ em bị ho, sổ mũi, đau họng thường không được kê đơn trong hầu hết trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có những loại thuốc đặc biệt được dùng trong một số trường hợp giúp trẻ chống lại virus cúm.

    Bên cạnh đó, mặc dù viêm họng thường do virus gây ra nhưng vẫn có một số loại viêm họng, chẳng hạn như viêm họng liên cầu khuẩn là do vi khuẩn gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp và bao gồm các triệu chứng như sốt, nhức đầu, mệt mỏi, nổi mẩn đỏ, đau họng khó nuốt… Trường hợp này bạn nên đưa bé đi khám, nếu bệnh được chẩn đoán là do vi khuẩn liên cầu thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ. Song song đó, đối với trẻ được chẩn đoán ho gà hoặc viêm phổi do vi khuẩn thì cũng sẽ cần dùng kháng sinh để điều trị.

    Mặt khác, bạn có thể chủ động hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc kháng sinh cho trẻ em bị ho, sổ mũi, sốt… trong những trường hợp như:

    • Tình trạng ho không thuyên giảm sau 14 ngày.
    • Các triệu chứng của viêm xoang không giảm sau 10 ngày hoặc tái đi tái lại nhiều lần.
    • Trẻ bị sổ mũi kèm sốt ít nhất 38 độ C liên tục nhiều ngày hoặc đau đầu không giảm.

    Thuốc kháng sinh mất bao lâu để có tác dụng và có thể gây tác dụng phụ gì?

    thuốc kháng sinh cho trẻ bị ho

    Hầu hết các bệnh do nhiễm khuẩn thường thuyên giảm trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi cho trẻ dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý:

  • Nếu các triệu chứng của con trở nên tồi tệ hơn hoặc không cải thiện trong vòng 72 giờ thì nên đưa trẻ đi khám.
  • Trong quá trình cho trẻ dùng kháng sinh, bạn nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng. Tránh cho trẻ ngưng thuốc quá sớm sẽ khiến bệnh không được điều trị dứt điểm.
  • Không tùy tiện chia sẻ thuốc kháng sinh của con bạn cho những đứa trẻ khác, chẳng hạn như anh chị em hoặc bạn của trẻ. Vì bạn có thể đưa sai thuốc và điều này sẽ gây hại.
  • Bảo quản thuốc kháng sinh và các loại thuốc theo toa khác ở một nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em.
  • Đối với vấn đề thuốc kháng sinh cho trẻ em bị ho, đau họng, sổ mũi… có gây tác dụng phụ không? Câu trả lời là có và cứ 10 trẻ dùng kháng sinh sẽ có 1 trường hợp gặp tác dụng phụ, bao gồm các biểu hiện như phát ban, phản ứng dị ứng, buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày. Nếu bạn phát hiện những triệu chứng này ở trẻ sau khi dùng kháng sinh thì nên thông báo cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 29/10/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo