backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Bị ho ra máu - bạn có nguy cơ mắc các bệnh gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 24/01/2024

Bị ho ra máu - bạn có nguy cơ mắc các bệnh gì?

Ho ra máu (hay ho ra đờm có máu) được định nghĩa là tình trạng ho hoặc khạc ra máu hay chất nhầy có máu từ phổi và cổ họng (đường hô hấp). Khi gặp tình trạng này, người bệnh rất dễ hoang mang, lo lắng vì cho rằng đây luôn là dấu hiệu của bệnh rất nặng. Vậy, ho ra máu là bệnh gì? Tìm hiểu ngay qua bài viết sau! 

Người ta phân loại ho ra máu thành các mức độ dựa trên lượng máu một người ho ra. Cụ thể như sau:

  • Ho ra máu nhẹ không nghiêm trọng nếu lượng máu mất ít hơn 200 ml mỗi ngày (24 giờ)
  • Ho ra máu ồ ạt là tình trạng một lượng lớn máu khạc ra hoặc tốc độ chảy máu nhanh, có thể đe dọa tính mạng và lượng máu mất dao động trong khoảng từ 100 ml đến hơn 1.000 ml trong vòng 24 giờ.

Ho ra máu là bệnh gì nếu nhẹ?

Nguyên nhân ho ra máu nhẹ ở người lớn

Họ ra máu là bệnh gì nếu nhẹ ở người lớn? Ở người lớn, hầu hết các trường hợp ho ra máu là do các bệnh lý sau đây:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra, bao gồm các bệnh lý: Viêm phế quản, viêm phổiáp xe phổi, lao phổi. Nhiễm trùng gây viêm niêm mạc và phù nề có thể dẫn đến vỡ các mạch máu ở bề mặt đường hô hấp.
  • Giãn phế quản
  • Hen suyễn
  • COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính)
  • Khối u hoặc ung thư: ung thư phổi (thường gặp ở người hút thuốc ≥ 40 năm), ung thư biểu mô phế quản, ung thư di căn
  • Bệnh lao
  • Bệnh xơ nang
  • Sử dụng ma túy, chẳng hạn như cocaine hoặc ma túy đá
  • Dị vật đường hô hấp (Hít thức ăn hoặc vật liệu khác vào phổi)
  • Thuyên tắc phổi – cục máu đông trong động mạch ở phổi
  • Viêm mạch máu trong phổi
  • Tổn thương động mạch phổi
  • Kích thích cổ họng do ho dữ dội (lượng máu nhỏ)
  • Phù phổi
  • Lupus ban đỏ hệ thống.

Ho ra máu là bị gì? Ngoài các nguyên nhân ho ra máu ở phổi, ho ra máu còn có thể do các bệnh lý ngoài phổi:

  • Vỡ phình động mạch chủ 
  • Suy tim nặng
  • Sa van hai lá (một bệnh van tim do van phồng lên)
  • Hẹp van hai lá (bệnh van tim do van bị thu hẹp)
  • Máu khó đông hoặc rối loạn chảy máu
  • Các tình trạng viêm hoặc tự miễn dịch (như lupus, u hạt kèm viêm đa mạch, viêm đa vi mạch, hội chứng Churg-Strauss, bệnh Goodpasture hoặc bệnh Behcet).

Ho ra máu cũng có thể đến từ các nguyên nhân không phải bệnh lý như chấn thương ở ngực, thực hiện nội soi phế quản và các thủ tục y tế xâm lấn khác.

Nguyên nhân gây ho ra máu ở trẻ em

ho ra máu là bệnh gì ở trẻ em?

Ho ra máu là bệnh gì ở trẻ em? Ho ra máu ở trẻ em do một số nguyên nhân khác với người lớn. Nguyên nhân chính gây ho ra máu ở trẻ em là nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Nguyên nhân phổ biến thứ hai là hít phải dị vật. Hầu hết các trường hợp xảy ra ở trẻ dưới 4 tuổi.

Một nguyên nhân quan trọng khác là giãn phế quản, thường là thứ phát sau xơ nang. Bệnh lao phổi nguyên phát là một nguyên nhân hiếm gặp khác, ước tính xảy ra trong khoảng 1% trường hợp.

Mặc dù không phổ biến nhưng chấn thương cũng có thể là một nguyên nhân khác gây ho ra máu ở trẻ em. Chấn thương do lực tác động mạnh có thể dẫn đến ho ra máu thứ phát do dập phổi và xuất huyết.

Khoảng một phần ba số trường hợp ho ra máu ở trẻ em là vô căn (không rõ nguồn gốc) với các triệu chứng có thể tự khỏi mà không xác định được nguyên nhân.

Ho ra máu ồ ạt là bệnh gì?

Các nghiên cứu ước tính rằng khoảng 4,8 – 14% trường hợp bệnh nhân ho ra máu sẽ bị ho ra máu ồ ạt. Ho ra máu là bệnh gì nếu ồ ạt? Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ho ra máu ồ ạt khác nhau tùy theo môi trường nhưng thường bao gồm những nguyên nhân chủ yếu sau:

ho ra máu là bệnh gì nếu ồ ạt?

  • Ung thư phổi (ung thư biểu mô tế bào vảy)
  • Giãn phế quản
  • Bệnh lao
  • Áp xe phổi
  • Viêm phổi hoại tử
  • Chảy máu tạng (ví dụ, bệnh bạch cầu trong quá trình hóa trị, liệu pháp chống đông máu) 
  • Xơ nang
  • U nấm/Bướu nấm
  • Nhiễm nấm nhu mô phổi xâm lấn
  • Các nguyên nhân tiềm ẩn khác, đặc biệt là ở người hút thuốc lá.

Ho ra máu có chết không? Tiên lượng của bệnh nhân ho ra máu ồ ạt chủ yếu dựa vào mức độ xuất huyết (chảy máu) và khả năng phẫu thuật để điều trị. Một nghiên cứu ban đầu báo cáo tỷ lệ tử vong trên 70% ở những bệnh nhân có tỷ lệ chảy máu lớn hơn 600 ml trong 4 giờ.

Phân biệt ho ra máu với các tình trạng khác

Một số tình trạng khác cũng khiến bạn ho khạc đờm ra máu nhưng không liên quan đến phổi mà liên quan đến đường hô hấp trên (mũi, họng, xoang, hầu và thanh quản) hoặc đường tiêu hóa. Vì vậy, bạn cần phân biệt giữa ho ra máu, ho ra máu giả (tức là khạc ra máu nhưng không đến từ phổi hoặc ống phế quản) và nôn ra máu (máu chảy ra từ cổ họng hoặc miệng).

  • Ho ra máu: tạo ra đờm có màu đỏ tươi hoặc hồng, sủi bọt, xuất hiện chất lỏng hoặc vón cục, không có cảm giác buồn nôn và nôn.
  • Ho ra máu giả: trông rất giống nhau. Cách duy nhất để nhận ra sự khác biệt là làm xét nghiệm.
  • Nôn ra máu: tạo ra chất nhầy màu sẫm hơn và trông giống như bã cà phê. Nó có thể được trộn lẫn với các mảnh thức ăn. Người bệnh cũng cảm thấy buồn nôn và nôn. Nôn ra máu thường liên quan đến chảy máu trong ở đường tiêu hóa trên.
Ho ra máu không giống như nôn ra máu. Ho ra máu là máu chảy ra từ cổ họng hoặc miệng, thường trông giống như nước bọt dính máu trộn lẫn với chất nhầy. Nôn ra máu liên quan đến việc phun ra một lượng lớn máu, thường liên quan đến chảy máu trong ở đường tiêu hóa trên.

Ho ra máu là bệnh gì và khi nào nên đi khám?

Nếu một người ho ra một lượng máu nhỏ, họ có thể chăm sóc tại nhà và theo dõi thêm. Bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng các thuốc cầm máu, thuốc giảm ho, giảm vận động, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng (sữa, súp, cháo,…). 

Nếu ho ra một lượng máu lớn (khoảng 1 vài muỗng) hoặc ho ra máu lượng ít kéo dài trên một tuần, hoặc cơn ho ra máu kèm theo các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Sốt
  • Ho
  • Đau ngực
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Giảm cân nghiêm trọng
  • Mệt mỏi
  • Hụt hơi, khó thở nghiêm trọng
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Máu trong nước tiểu (tiểu ra máu) hoặc phân.

Hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán tìm ra nguyên nhân và cách điều trị phù hợp.  

Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu một người ho ra khoảng 100 ml máu (khoảng ⅓ cốc), đây là tình trạng ho ra máu ồ ạt với nguy cơ tử vong cao do tràn vào đường thở gây ngạt thở.

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp vấn đề ho ra máu là bệnh gì để bớt lo lắng nhé. Ho ra máu có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Đa số trường hợp ho ra máu nhẹ là do các bệnh lý thông thường và ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm như ung thư, xơ nang, thuyên tắc phổi, suy tim sung huyết,… Không nên quá hoang mang lo lắng nhưng đồng thời cũng không được lơ là xem thường triệu chứng này. Hãy đến gặp bác sĩ nếu lượng máu khạc ra quá nhiều hoặc nghi ngờ mắc các bệnh lý nghiêm trọng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 24/01/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo