Sổ mũi là tình trạng thường xảy ra ở trẻ em, vì hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện nên dễ bị nhiễm trùng. Tuy nhiên có một số trẻ bị sổ mũi kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm hay khỏi hẳn.
Tình trạng trẻ bị sổ mũi kéo dài sẽ khiến các bậc phụ huynh lo lắng sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Nếu con của bạn đang trong tình trạng này thì hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua các thông tin được chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé.
Tại sao trẻ bị sổ mũi?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi kéo dài như:
- Nhiễm trùng xoang: Xoang bị viêm có thể khiến mũi tiết chất nhầy nhiều và liên tục.
- Viêm mũi dị ứng: Trẻ bị sổ mũi kéo dài có thể do dị ứng với phấn hoa hoặc lông thú cưng.
- Viêm mũi không do dị ứng: Việc tiếp xúc liên tục với các chất kích thích như khói, bụi… có thể khiến bé bị sổ mũi kéo dài mãi không hết.
- Cảm lạnh, cảm cúm: Nếu trẻ phải trải qua nhiều đợt cảm lạnh trong những năm đầu đời, đặc biệt là trong những tháng mùa đông hay khi thời tiết chuyển mùa, bé có nguy cơ cao bị sổ mũi kéo dài.
Ngoài các nguyên nhân liên quan đến các vấn đề sức khỏe kể trên, trẻ cũng có thể bị sổ mũi kéo dài vì những điều sau:
- Thời tiết lạnh: Thời tiết lạnh đôi khi có thể gây ra phản ứng tạo ra chất nhầy ở đường hô hấp.
- Dị vật chèn ép: Dị vật bị kẹt trong mũi có thể gây nhiễm trùng và kích thích niêm mạc mũi tiết ra chất nhầy.
- Lệch vách ngăn mũi: Lệch vách ngăn cản trở sự thoát dịch nhầy thông thường, khiến bé luôn trong tình trạng sổ mũi.
- Trẻ nhỏ không thể xì mũi hay khịt mũi hết dịch trong mũi: Điều này khiến cho nước mũi luôn tồn tại trong khoang mũi bé.
- Trẻ ăn quá nhiều sữa và đường: Điều này dẫn đến tình trạng mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, gây ra các triệu chứng như ợ nóng, tăng chất nhầy và sổ mũi kéo dài.
- Trẻ khóc: Khi trẻ khóc, nước mắt sẽ chảy ra từ các tuyến lệ dưới mí mắt và chảy qua các ống dẫn nước mắt đổ vào mũi. Nước mắt hòa lẫn với chất nhầy ở mắt và mũi sẽ khiến mũi chảy nước.
- Trẻ ăn cay: Khi trẻ ăn thực phẩm cay sẽ kích thích các thụ thể trên niêm mạc mũi và miệng. Điều này làm tăng nhiệt độ của vùng miệng và cổ họng, đồng thời kích thích cơ thể để phản ứng bằng cách tiết ra chất nhầy từ mũi.
Bé sổ mũi có tự khỏi được không?
Trẻ bị sổ mũi: Cách khắc phục tại nhà không cần dùng thuốc
1. Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi cho bé
Bạn có thể dùng thuốc nhỏ mũi hoặc xịt nước muối sinh lý để làm sạch khoang mũi cho trẻ. Bởi vì, dung dịch muối sinh lý có thể giúp làm ẩm khoang mũi và làm loãng chất nhầy đã đóng khô giúp trẻ dễ thở hơn.
Bạn có thể sử dụng ống bơm dạng bóng đèn để nhẹ nhàng hút chất nhầy ra khỏi mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sau khi nhỏ nước muối. Vậy, cha mẹ có nên lấy gỉ mũi cho trẻ sơ sinh không? Khi trẻ bị sổ mũi, các chất nhầy có thể đóng khô dẫn đến nghẹt mũi, cản trở đường thở. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh cũng chưa thể tự khịt mũi để làm sạch mũi nên cha mẹ cần phải lấy sạch gỉ mũi để giúp trẻ dễ thở hơn.
2. Đảm bảo bé nhận đủ lượng chất lỏng cần thiết
Một trong những bước quan trọng nhất trong việc điều trị sổ mũi cho trẻ là đảm bảo trẻ luôn đủ nước. Bạn cần đảm bảo trẻ nhận đủ lượng dịch lỏng để giúp làm loãng chất nhầy. Từ đó, các chất nhầy sẽ dễ dàng được tống xuất ra khỏi khoang mũi.
Đối với trẻ trên 6 tháng, bạn có thể cho trẻ uống nước lọc, nước ép trái cây pha loãng hoặc nước dùng ấm. Còn với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, bạn cần cho trẻ bú mẹ hoặc bú sữa công thức thường xuyên hơn.
3. Xông mũi với hơi nước ấm, chườm ấm trán và mũi cho bé
Việc xông mũi với hơi nước ấm có thể giúp làm loãng chất nhầy và thông mũi bị nghẹt hoặc chảy nước mũi. Bạn có thể cho trẻ nhỏ xông mũi bằng cách mở vòi sen nước nóng và ngồi cùng con trong phòng tắm trong 10–15 phút.
Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo luôn quan sát con suốt thời gian xông mũi trong phòng tắm để đảm bảo an toàn. Với những trẻ lớn thì có thể xông mũi bằng cách dùng một bát nước nóng và trùm khăn lên đầu để hít hơi nước. Tuy nhiên, bạn cũng cần giám sát để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Bên cạnh xông mũi, bạn cũng có thể giúp trẻ chườm ấm tai và mũi. Hãy đắp gạc ấm lên vùng xoang mũi của trẻ để có thể giúp làm giảm cảm giác khó chịu do sổ mũi, nhất là khi trẻ bị nghẹt xoang hoặc nhiễm trùng xoang. Kế đến, bạn sử dụng thêm khăn mặt ấm (không nóng) đắp lên mũi và trán của trẻ trong vài phút.
4. Trẻ bị sổ mũi: Hãy massage cánh mũi cho bé
Khi trẻ bị sổ mũi, bạn có thể giúp trẻ massage cánh mũi theo các bước sau:
- Bước 1: Đặt các đầu ngón tay (chỉ sử dụng ngón cái và ngón trỏ) nhẹ nhàng lên hai bên cánh mũi của trẻ.
- Bước 2: Bạn dùng lực nhẹ nhàng, di chuyển ngón tay theo chuyển động tròn hoặc di chuyển từ trên xuống dưới dọc theo chiều dài sống mũi.
Khi massage, bạn cần duy trì sự nhẹ nhàng, không ấn mạnh để tránh làm trẻ cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhẹ nhàng xoa bóp các điểm giữa cánh mũi và vùng dưới mắt để giúp làm mềm dịch nhầy trong khoang mũi cho trẻ.
5. Thoa dầu khuynh diệp lên lòng bàn chân, quần áo của bé
Việc thoa dầu khuynh diệp lên lòng bàn chân và quần áo của bé là một mẹo dân gian giúp giảm tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi ở trẻ em. Dầu khuynh diệp có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và giúp thông đường hô hấp để trẻ thở dễ hơn.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý làm ấm dầu trước khi thoa lên lòng bàn chân cho trẻ. Khi thoa dầu, bạn không được thoa trực tiếp lên mặt hoặc mũi và chỉ thoa lên lòng bàn chân hoặc quần áo của trẻ.
6. Trẻ bị sổ mũi cần điều chỉnh tư thế ngủ phù hợp
Đối với trẻ lớn, bạn có thể kê gối cao đầu khi ngủ để giúp chất nhầy dễ chảy ra và giảm nghẹt mũi. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn có thể thêm một chiếc khăn hoặc một miếng nệm nhỏ để tạo độ nghiêng nhẹ cho trẻ nằm. Ngoài ra, bạn cần tránh đặt gối trực tiếp vào cũi cho trẻ sơ sinh, vì có thể khiến trẻ ngạt thở.
7. Cải thiện chất lượng không khí
Không khí khô có thể gây kích ứng đường mũi, vì vậy bạn cần sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng của trẻ để tăng thêm độ ẩm cho không khí và giúp giảm nghẹt mũi. Bạn nên dùng máy tạo độ ẩm phun sương mát sẽ an toàn cho trẻ hơn. Ngoài ra, để tốt cho sức khỏe của trẻ, bạn cũng cần thường xuyên vệ sinh máy tạo độ ẩm giúp ngăn ngừa nấm mốc và vi khuẩn tích tụ trong máy.
8. Cho trẻ ăn các món lỏng, ấm
Bạn có thể nấu súp gà hoặc cháo gà cho trẻ ăn để giúp trẻ giảm cảm giác khó chịu khi bị sổ mũi. Đây là hai món ăn có nhiều chất lỏng và giàu chất dinh dưỡng. Do đó, khi ăn hai món ăn này cơ thể của trẻ sẽ được bổ sung chất lỏng giúp cung cấp độ ẩm, làm chất nhầy loãng ra và dễ tống xuất ra khỏi cơ thể.
9. Dạy trẻ cách hỉ mũi để chữa sổ mũi
Dạy trẻ cách hỉ mũi là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ tự làm sạch mũi khi bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Đây cũng là cách giúp giảm tắc nghẽn mũi, giảm bớt dịch nhầy và cải thiện việc thở cho trẻ. Với trẻ đã lớn, để dạy trẻ cách hỉ mũi, bạn có thể hướng dẫn theo các bước sau:
- Bước 1: Làm mẫu cách hỉ mũi cho trẻ xem.
- Bước 2: Hướng dẫn và cùng thực hành với trẻ cách hỉ mũi theo từng bên một. Lưu ý, bạn cần khuyến khích trẻ hỉ mũi nhẹ nhàng và từ từ nhưng vẫn đủ lực mạnh để tống chất nhầy ra. Bạn đừng để trẻ hỉ mũi quá mạnh có thể làm tổn thương niêm mạc mũi.
10. Trẻ bị sổ mũi cần giữ ấm cho trẻ trong thời tiết lạnh
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch còn non yếu, chưa hoàn thiện và yếu hơn so với người lớn. Khi cơ thể trẻ bị nhiễm lạnh, hệ miễn dịch sẽ hoạt động kém hơn, khiến con dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi-rút hoặc mắc các bệnh lý về hô hấp. Do đó, bạn cần giúp trẻ giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh giá.
11. Cho trẻ dùng mật ong
Đối với trẻ em trên 1 tuổi, bạn có thể cho trẻ uống nước mật ong ấm để làm dịu chứng sổ mũi và đau họng. Mật ong có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn tự nhiên có thể giúp giảm kích ứng khi trẻ sổ mũi.
Bạn hãy cho trẻ uống một muỗng cà phê mật ong pha với nước ấm trước khi đi ngủ để ngăn chặn cơn ho kèm theo sổ mũi. Còn với trẻ dưới 1 tuổi, bạn không nên cho trẻ dùng mật ong vì có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc.
Trẻ bị sổ mũi: Nên cho trẻ dùng thuốc như thế nào là đúng?
1. Thuốc thông mũi
Thuốc thông mũi không kê đơn có thể giúp giảm sưng và nghẹt mũi. Tuy nhiên, bạn không nên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi dùng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc thông mũi có thể dẫn đến tình trạng nghẹt mũi tái phát và các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn sau khi thuốc hết tác dụng.
2. Thuốc ho và cảm lạnh
Điều bạn cần lưu ý là không cho trẻ em dưới 4 tuổi dùng thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn. Còn đối với trẻ trên 4 tuổi, bạn chỉ nên cho bé dùng những loại thuốc này theo sự chỉ định của bác sĩ. Vì các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách.
3. Thuốc kháng histamine cho trẻ bị sổ mũi
Nếu dị ứng là nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi, việc dùng thuốc kháng histamin có thể giúp ngăn chặn phản ứng dị ứng và giảm tiết chất nhầy. Các loại thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ như loratadine (Claritin) hoặc cetirizine (Zyrtec) thường được khuyến nghị sử dụng vào ban ngày. Lưu ý, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ và kiểm tra kỹ liều lượng trước khi cho trẻ nhỏ sử dụng các loại thuốc này.
Trẻ bị sổ mũi: Khi nào cần đi khám?
Nếu trẻ bị sổ mũi kèm theo các triệu chứng dưới đây thì cần đi bé đi khám bệnh ngay:
- Chảy nước mũi kèm theo sốt.
- Các triệu chứng sổ mũi kéo dài hơn 3 tuần.
- Ho kéo dài hơn 10 ngày hoặc có đờm màu vàng, xanh lá cây hoặc xám.
- Nghẹt mũi kèm theo sưng trán, mắt, bên mũi hoặc má hoặc kèm theo mờ mắt.
- Dịch chảy chảy ra từ một bên mũi có mùi hôi hoặc có màu khác ngoài màu trắng hoặc vàng.
- Đau họng nhiều hơn, xuất hiện các đốm trắng hoặc vàng trên amidan hay ở các phần khác của cổ họng.
Ngoài ra, khi đi khám trẻ có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm như:
- Chụp CT đầu
- Chụp X-quang xoang và ngực
- Xét nghiệm cấy đờm và cấy dịch họng
- Xét nghiệm dị ứng trên da và xét nghiệm máu
- Xét nghiệm máu (như CBC hoặc xét nghiệm máu phân biệt).
Trẻ bị sổ mũi: Tình trạng này có thể phòng ngừa được không?
Tình trạng trẻ bị sổ mũi không thể ngăn ngừa hoàn toàn, nhất là trong mùa cảm lạnh và cúm. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng các cách dưới đây để giảm nguy cơ bị sổ mũi cho trẻ:
- Tiêm chủng đầy đủ: Cúm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi và nghẹt mũi. Do đó, bạn cần cho trẻ tiêm vaccine cúm mỗi năm để phòng ngừa bệnh tật.
- Thực hành vệ sinh tốt: Bạn cần dạy trẻ rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi ho hoặc hắt hơi. Vệ sinh tay tốt có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi-rút gây cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng khác.
- Vận động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch và có thể giúp con bạn ít bị bệnh hơn. Do đó, bạn nên khuyến khích trẻ chơi ngoài trời, chơi thể thao hoặc đi bộ cùng gia đình để tăng cường vận động thể chất.
- Tránh các yếu tố gây dị ứng: Nếu con bạn bị dị ứng, hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi và lông thú cưng. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng thiết bị lọc không khí trong nhà và thường xuyên vệ sinh giường chiếu.
- Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh: Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng giàu trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Đặc biệt, bạn nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, dâu tây… để tăng cường hệ miễn dịch và rút ngắn thời gian bị cảm lạnh.
Trẻ bị sổ mũi và các thắc mắc thường gặp
1. Trẻ bị sổ mũi kéo dài có nguy hiểm không, uống thuốc gì?
Trẻ bị sổ mũi kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe. Tuy nhiên, tùy vào nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi sẽ dẫn đến các mức độ nguy hiểm khác nhau.
Trước tiên, cần hiểu rằng, những trẻ bị sổ mũi kéo dài sẽ cảm thấy khó chịu và khó thở hơn. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bé. Bên cạnh đó, chất lượng giấc ngủ cũng sẽ bị ảnh hưởng khi bé liên tục bị sổ mũi.
Không những thế, việc thở bằng mũi cũng được cho là có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của khuôn mặt trong thời thơ ấu. Nếu bị sổ mũi, một số trẻ sẽ tự động chuyển sang thở bằng miệng. Về lâu dài, hành động này được cho là không tốt đối với sự phát triển, sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể của bé.
Do đó, nếu trẻ bị sổ mũi kéo dài bạn cần đưa đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc điều trị hoặc sử dụng thuốc nhỏ mũi tùy vào từng nguyên nhân.
2. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị sổ mũi, ho có đờm nhưng không sốt có đáng lo không?
Trẻ nhỏ bị sổ mũi, ho có đờm nhưng không sốt thường không phải là dấu hiệu quá nghiêm trọng, nhưng vẫn cần theo dõi kỹ và tìm hiểu nguyên nhân. Một số trường hợp trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi, thở khò khè có thể chỉ là các bệnh lý nhẹ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần sự chú ý.
“Trẻ bị sốt, ho sổ mũi phải làm sao?” hay “trẻ sơ sinh bị sổ mũi phải làm sao?”. Bạn cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường như ho kéo dài hoặc nặng dần, khó thở, thở khò khè kéo dài, màu sắc đờm thay đổi, có dấu hiệu bị mất nước, bỏ ăn hoặc bỏ bú, quấy khóc nhiều, thở có âm thanh rít… thì cần đưa đến bệnh viện ngay.
3. Trẻ bị hắt hơi, sổ mũi có nên tắm không?
Trẻ bị hắt hơi, sổ mũi có thể tắm nhưng cần lưu ý một số điều dưới đây để đảm bảo an toàn và không làm tình trạng của trẻ trở nên nặng hơn:
- Không tắm quá lâu
- Tắm trong phòng kín gió
- Lau khô cơ thể ngay sau khi tắm
- Tắm nước ấm nhưng không quá nóng
- Tắm khi trẻ không có sốt và quá mệt mỏi.
Ngoài ra, trẻ bị ho, sổ mũi nên tắm lá gì? Theo kinh nghiệm dân gian, khi trẻ bị ho và sổ mũi, việc tắm lá có tác dụng giúp giảm ho, thông mũi, làm ấm cơ thể và hỗ trợ hệ hô hấp. Bạn có thể cho trẻ tắm lá kinh giới, trà xanh, bạch đàn, ngải cứu, lá sả, hương nhu, lá sả và gừng…
4. Trẻ 4-5 tháng bị sổ mũi thường xuyên có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
Trẻ 4-5 tháng bị sổ mũi thường xuyên có thể không phải là dấu hiệu nguy hiểm nhưng cần được theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Hệ hô hấp của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi vẫn còn rất yếu và dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như vi-rút, vi khuẩn hoặc môi trường xung quanh. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sổ mũi kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng bất thường là tình trạng nguy hiểm cần được đi khám ngay.
5. Trẻ 6-7 tháng bị sổ mũi uống thuốc gì cho nhanh hết?
Khi trẻ 6-7 tháng bị sổ mũi, bạn cần phải rất cẩn thận trong việc cho trẻ dùng thuốc, vì hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ còn yếu chưa phát triển đầy đủ. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào.
Trẻ 6-7 tháng bị sổ mũi uống thuốc gì? Bạn có thể đưa trẻ đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc ho hoặc thuốc trị sổ mũi phù hợp với trẻ.
6. Trẻ mọc răng có bị ho sổ mũi không?
Trẻ mọc răng có thể bị ho và sổ mũi, nhưng các triệu chứng này thường không phải là dấu hiệu nguy hiểm. Quá trình mọc răng có thể làm trẻ cảm thấy khó chịu, dẫn đến các triệu chứng như ho, sổ mũi, chảy nước miếng hay thậm chí là sốt nhẹ. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường sẽ giảm dần khi quá trình mọc răng kết thúc.
7. Trẻ bị sổ mũi làm sao để bớt chảy nước mũi?
Khi trẻ bị sổ mũi bạn nên giúp trẻ rửa mũi thường xuyên, xông mũi với hơi nước nóng, tạo không khí phòng đủ ẩm, giữ ấm cho trẻ… để giảm bớt tình trạng chảy nước mũi.
8. Bé bị sổ mũi thoa dầu ở đâu cho mau khỏi?
Khi trẻ bị sổ mũi, bạn nên thoa dầu khuynh diệp lên quần áo hoặc làm ấm dầu rồi thoa vào lòng bàn chân cho trẻ.
9. Trẻ bị sổ mũi, làm sao để hết nghẹt mũi ngay lập tức?
Khi trẻ bị nghẹt mũi có thể cảm thấy rất khó chịu, đặc biệt là khi ngủ hoặc bú. Để giúp trẻ cảm thấy dễ thở hơn và giảm nghẹt mũi ngay lập tức, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Xông hơi cho trẻ
- Massage nhẹ nhàng cánh mũi
- Tạo không khí ẩm trong phòng
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý
- Sử dụng thuốc nhỏ mũi (theo chỉ định của bác sĩ)
- Đảm bảo trẻ nhận được đủ lượng dịch lỏng cần thiết bằng cách cho trẻ uống nước hoặc bú sữa thường xuyên.
Việc trẻ bị sổ mũi, nhất là sổ mũi kéo dài sẽ khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ tự khỏi trong vài tuần. Nếu trẻ bị sổ mũi kéo dài có kèm theo các triệu chứng bất thường thì có thể là dấu hiệu bệnh lý cần đưa đi khám ngay. Hello Bacsi hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc con.
[embed-health-tool-vaccination-tool]