Do sức đề kháng của trẻ còn yếu chưa đủ sức chống lại các virus, vi khuẩn… gây bệnh nên trẻ rất hay bị ho. Vì vậy, trẻ bị ho kiêng ăn gì và nên được chăm sóc như thế nào để nhanh khỏi bệnh là vấn đề được nhiều ba mẹ quan tâm.
Trẻ bị ho thường xuyên trong những năm đầu đời thường không mang tính nghiêm trọng trừ khi trẻ mắc các bệnh lý nguy hiểm. Cơn ho ở trẻ em được xem là một phần tất yếu giúp bảo vệ phổi của bé khi bị virus, vi khuẩn… tấn công. Tuy nhiên, khi con bị ho, ba mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc vì các loại thuốc trị ho đều không được khuyến khích dùng cho trẻ dưới 6 tuổi để tránh các tác dụng phụ. Nếu muốn giúp con giảm bớt sự khó chịu, bạn có thể áp dụng cách chăm sóc trẻ bị ho mà Hello Bacsi tổng hợp và chia sẻ qua bài viết sau.
Trẻ bị ho kiêng ăn gì?
Trẻ bị ho do cảm lạnh hoặc cảm cúm nên được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước. Đối với trẻ đang bú mẹ, bạn nên tiếp tục cho con bú thường xuyên. Đối với trẻ ở tuổi ăn dặm hoặc ăn cơm, bạn nên cho bé ăn thức ăn lỏng (cháo, súp, sữa…) giàu dinh dưỡng và có thể bổ sung thêm nước trái cây.
Đồng thời, để giúp con mau khỏi bệnh, nhiều ba mẹ cũng quan tâm đến vấn đề trẻ bị ho kiêng ăn gì? Sau đây sẽ là nhóm thực phẩm bạn không nên cho trẻ ăn hoặc uống khi bé ho, sổ mũi:
- Thức ăn cay hoặc nhiều dầu mỡ: Đây là nhóm thực phẩm vừa có hại cho hệ tiêu hóa vừa có thể khiến cơn ho của trẻ trầm trọng hơn.
- Thực phẩm có vị tanh: Hải sản như tôm, cua, cá… thường có tính hàn và mang vị tanh không tốt cho trẻ bị ho nên mẹ cần hạn chế hoặc không cho bé ăn các món này.
- Thực phẩm nhiều đường: Theo Đông y, đồ ăn vặt, các loại bánh ngọt… là nhóm thực phẩm nhiều đường dễ khiến cơ thể “bốc hỏa” nên trẻ bị ho cần kiêng ăn để nhanh khỏi bệnh.
- Đậu phộng, chocolate: Hai loại thực phẩm này có thể làm tăng lượng đờm trong cổ họng và gây ra sự khó chịu. Do đó, mẹ cần đưa đậu phộng và chocolate vào “danh sách đen” nếu trẻ bị ho thường xuyên.
- Đồ uống lạnh, nước ngọt có ga: Các loại thức uống này có thể kích thích cổ họng khiến bé đau họng và ho nhiều hơn nên ba mẹ cần giúp con tránh xa. Thay vào đó, bạn nên cho bé uống nước lọc hoặc nước ép trái cây không đá để bổ sung đủ chất lỏng.
Mách mẹ cách chăm sóc trẻ bị ho tại nhà để bé mau khỏe
Trẻ nhỏ bị ho là tình trạng phổ biến và hầu như ba mẹ nào cũng gặp phải khi nuôi con. Do đó, việc trang bị một số kiến thức chăm sóc trẻ bị ho tại nhà là điều rất cần thiết. Bạn có thể áp dụng một số giải pháp giúp trẻ giảm bớt sự khó chịu như:
- Cho bé trên 1 tuổi dùng mật ong: Mật ong có tính kháng khuẩn, có thể làm loãng chất nhầy trong cổ họng như một cách làm sạch đường thở để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Vì vậy, nếu bé trên 1 tuổi thì mẹ có thể cho con dùng 2 – 5 ml mật ong (có thể mua ở tiệm thuốc) hoặc pha với chút nước ấm cho bé uống để ngăn ngừa trẻ ho vào ban đêm và giúp bé ngủ ngon hơn.
- Cung cấp đủ lượng chất lỏng cho trẻ: Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần bú sữa mẹ thường xuyên và trẻ lớn hơn cần uống đủ nước để ngăn ngừa mất nước khi bị bệnh.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Tình trạng không khí thiếu độ ẩm, hanh khô có thể khiến trẻ bị ho, sổ mũi cảm thấy khó chịu hơn. Do vậy, mẹ có thể cải thiện tình trạng này bằng cách sử dụng thêm máy phun sương tạo độ ẩm.
- Tắm nước ấm: Trẻ bị ho kèm sổ mũi thường khó thở. Vì vậy, bạn nên cho bé tắm nước ấm trong phòng kín để con hít thở hơi nước ấm giúp làm loãng dịch đờm nhầy.
- Cho bé hít thở không khí trong lành: Thỉnh thoảng ba mẹ nên đưa bé ra ngoài để hít thở bầu không khí trong lành nhằm giúp con nhanh khỏi bệnh hơn. Tuy nhiên, bạn cần cho bé mặc quần áo đủ ấm. Tránh việc cho bé đến nơi đông người, không khí ô nhiễm và có khói thuốc lá.
- Đối với trẻ dưới 6 tuổi: Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng thuốc trị ho và chỉ nên dùng thuốc được kê đơn.
Trẻ bị ho nên đi khám khi nào?
Nếu bạn đã áp dụng lời khuyên về việc trẻ bị ho kiêng ăn gì và nên ăn gì hoặc đã chăm sóc bé tại nhà cẩn thận nhưng bệnh vẫn chưa khỏi thì cần sớm cho trẻ đi khám ở bệnh viện. Bên cạnh đó, trẻ cần được nhập viện ngay lập tức nếu có những triệu chứng như:
- Khó thở, nhịp thở nhanh hơn bình thường.
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt cao, đặc biệt khi không sổ mũi, nghẹt mũi nhưng vẫn sốt.
- Ho liên tục trong vài giờ, ho gây nôn hoặc ho ra máu,
- Thở khò khè, tạo ra âm thanh khi trẻ hít không khí vào.
- Da mặt tái xanh khi ho.
Lưu ý: Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, bạn không nên cho bé dùng bất cứ thuốc hạ sốt nào mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Mặc dù trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi là bệnh phổ biến nhưng nếu trẻ bị ho kéo dài hoặc các triệu chứng ngày càng xấu hơn thì bạn nên sớm đưa bé đi khám để được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, để giúp con mau lành bệnh thì bạn đừng quên những lưu ý về việc trẻ bị ho kiêng ăn gì và nên được chăm sóc như thế nào nhé. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để nuôi con khỏe mạnh hơn.
[embed-health-tool-vaccination-tool]