Viêm mũi dị ứng thời tiết gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi, thậm chí đau đầu. Những thành phần đơn giản trong gian bếp có thể giúp đẩy lùi chứng bệnh này. Cùng xem qua các cách chữa viêm mũi dị ứng thời tiết cho trẻ nhé.
Thời tiết giao mùa với sự biến đổi nhiệt độ thất thường, những trận gió mùa mang các tác nhân dị ứng như phấn hoa bay xa có thể khiến nhiều người bị viêm mũi dị ứng thời tiết. Hiểu rõ về chứng bệnh này, bạn hoàn toàn có thể điều trị bằng các liệu pháp đơn giản ngay tại nhà.
Viêm mũi dị ứng thời tiết là gì?
Viêm mũi dị ứng là dạng viêm nhiễm khiến niêm mạc mũi tổn thương và gây ra các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt… Viêm mũi dị ứng thời tiết xảy ra do các tác nhân gây dị ứng có liên quan đến những biến động, thay đổi của thời tiết và các mùa trong năm như phấn hoa theo gió mùa bay vào không khí, nhiệt độ thay đổi, nóng hoặc lạnh đột ngột lúc giao mùa…
Hệ miễn dịch của những người tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (dị nguyên) sẽ giải phóng một hoạt chất có tên histamine vào trong máu để chống lại chúng, từ đó gây ra những biểu hiện bệnh thường gặp ở người bị dị ứng.
Viêm mũi dị ứng thời tiết có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào nhưng trẻ nhỏ khoảng trên dưới 10 tuổi là đối tượng dễ mắc phải nhất.
Các cách trị viêm mũi dị ứng thời tiết
1. Thuốc kháng histamine
Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc kháng histamine để đối phó bệnh. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn cản cơ thể sản sinh ra histamine gây ra triệu chứng viêm mũi dị ứng.
Một số thuốc kháng histamine bao gồm:
- Fexofenadine (Allegra)
- Diphenhydramine (Benadryl)
- Desloratadine (Clarinex)
- Loratadine (Claritin)
- Levocetirizine (Xyzal)
- Etirizine (Zyrtec)
Bạn cần thông báo với bác sĩ nếu bé đang sử dụng các loại thuốc khác để đảm bảo không có tương tác thuốc xảy ra.
2. Thuốc có chứa decongestant
Những thuốc này có tác dụng thông mũi, giải trừ nghẹt mũi và giúp thông xoang. Thông thường, bệnh nhân chỉ nên sử dụng chúng trong thời gian ngắn, không quá 3 ngày. Sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng hồi ứng, tức tình trạng lạm dụng thuốc quá mức. Nếu ngưng sử dụng thì triệu chứng lại càng trở nặng. Một số dạng thuốc có chứa decongestant là:
- Oxymetazoline (thuốc xịt mũi)
- Pseudoephedrine
- Phenylephrine
- Cetirizine with pseudoephedrine
Các liệu pháp điều trị tại nhà
1. Nước muối sinh lý
Một trong những bước đầu tiên để đối phó với tình trạng viêm mũi dị ứng là loại bỏ dịch nhầy do viêm nhiễm ra khỏi mũi bằng cách dùng nước muối sinh lý để rửa mũi.
2. Xông hơi
Xông hơi sẽ giúp loại bỏ những dịch nhầy và chất dơ ở mũi, giúp mũi và xoang thông thoáng, dễ chịu.
Bạn có thể nhỏ một vài giọt tinh dầu tùy thích như bạc hà, hoa hồng, khuynh diệp hay tinh dầu tràm trà (tea tree oil) vào một chậu nước nóng. Hạ thấp đầu xuống sao cho phần mũi tiếp xúc được với hơi bốc lên. Bên ngoài, bạn có thể trùm một chiếc khăn để đảm bảo lượng hơi không thất thoát. Hít vào thật sâu lượng hơi rồi thở ra nhẹ nhàng trong khoảng 5 – 10 phút, sau đó lau sạch mũi. Đối với trẻ nhỏ, để đảm bảo an toàn, bạn có thể không trùm khăn bên ngoài để quan sát bé hoặc cho bé tắm nước ấm trong bồn.
3. Gừng
Gừng cũng là một liệu pháp tại nhà giúp đối phó hiệu quả với tình trạng viêm mũi dị ứng thời tiết.
Gừng có tác dụng giống như một loại thuốc kháng histamine tự nhiên, giúp kháng viêm và tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho hay đau đầu.
- Thêm 1 thìa súp gừng băm, một vài lát đinh hương và quế vào 1 chén nước
- Đun sôi trong 5 phút, sau đó thêm một chút mật ong và nước chanh
- Uống trà thảo dược này 3 lần mỗi ngày trong mùa dị ứng.
Ngoài ra, nhai nhỏ gừng tươi vài lần một ngày cũng như cho gừng làm gia vị trong thực đơn nấu ăn của bạn hằng ngày cũng là cách hay để trị viêm mũi dị ứng thời tiết.
4. Nghệ
Để giảm thiểu nguy cơ dị ứng và viêm nhiễm đồng thời nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch, nghệ cũng là lựa chọn đáng để bạn quan tâm đấy. Nghệ là chất chống oxy hóa và kháng viêm rất tốt, đem lại hiệu quả chữa lành vết thương, chống viêm nhiễm. Nghệ có thể giảm thiểu các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như ho, nghẹt mũi, khô môi và hắt hơi.
- Chuẩn bị hỗn hợp gồm 6 thìa súp bột nghệ và 6 thì súp mật ong, trộn đều và bảo quản trong hộp hoặc chai kín
- Uống 1 muỗng cà phê nhỏ mỗi ngày trong mùa dị ứng thời tiết
- Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng 1 ly sữa nghệ mỗi ngày để có hệ miễn dịch khỏe mạnh
- Dùng nghệ làm gia vị nấu ăn cũng là một cách đơn giản để hỗ trợ chữa viêm mũi dị ứng.
5. Tỏi
Tỏi có chứa hợp chất quercetin, cũng là một chất kháng histamine tự nhiên, rất hiệu quả trong việc điều trị chứng viêm mũi dị ứng thời tiết. Cũng giống như nghệ, tỏi còn là thảo mộc và gia vị có tính chất kháng khuẩn, virus, thúc đẩy hệ miễn dịch hồi phục nhanh chóng.
Nếu chịu được vị hăng đặc trưng của tỏi, trẻ có thể nhai 2 – 3 tép tỏi sống mỗi ngày để đánh bay triệu chứng viêm mũi dị ứng vào những khi thời tiết thay đổi. Đơn giản hơn, bạn có thể thêm tỏi vào trong các món ăn hằng ngày.
6. Giấm táo
Giấm táo cũng là thành phần có chứa chất kháng histamine. Giấm táo có khả năng làm dịu các triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi, đau đầu… đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch làm việc hiệu quả hơn.
- Cho 2 muỗng cà phê giấm táo nguyên chất vào 1 ly nước ấm
- Thêm vào đó một ít mật ong và nước cốt chanh
- Uống hỗn hợp 3 lần mỗi ngày cho đến khi cảm thấy khỏe hơn vào mùa dị ứng thời tiết.
7. Probiotic
Theo nghiên cứu vào năm 2013 của các nhà khoa học Trung Quốc, probiotic có tên Lactobacillus acidophilus (thường có trong các loại sữa chua) có khả năng làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm mũi dị ứng.
Bạn có thể mua các sản phẩm bổ sung probiotic ở hiệu thuốc hoặc ăn sữa chua để bổ sung các lợi khuẩn giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch.
8. Vitamin C
Vitamin C cũng có tính chất kháng histamine, có thể giúp giảm thiểu triệu chứng viêm mũi dị ứng đồng thời thúc đẩy sức khỏe hệ miễn dịch. Bổ sung vitamin C từ các loại trái cây, rau quả như ổi, cam, quýt, kiwi, khoai tây, ớt chuông, cà chua, giá đỗ, dâu tây… hằng ngày vừa giúp ngăn chặn và làm giảm nhẹ chứng viêm mũi.
[embed-health-tool-vaccination-tool]