backup og meta

Bé bị sốt siêu vi: Tất cả những điều bố mẹ cần biết!

Bé bị sốt siêu vi: Tất cả những điều bố mẹ cần biết!

Bé bị sốt siêu vi khi cơ thể nhiễm phải virus và hệ miễn dịch phải tích cực hoạt động để chống lại các tác nhân gây bệnh này. Việc nhận biết sớm những triệu chứng sốt siêu vi ở bé sẽ giúp bố mẹ chăm sóc, điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Sốt siêu vi ở trẻ em là một tình trạng rất phổ biến, đặc biệt là ở những bé có sức đề kháng yếu. Bé bị sốt siêu vi nếu không theo dõi sát sao và để nhiệt độ cơ thể tăng quá cao có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sự phát triển của bé. Để hiểu chi tiết về tình trạng sốt siêu vi, mời các bố mẹ tham khảo những thông tin tổng hợp được trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Sốt virus là gì? Triệu chứng sốt virus ở trẻ em? 

Trước hết, bố mẹ cần biết sốt siêu vi là gì, có những dấu hiệu và triệu chứng nào để bước đầu đưa ra dự đoán về vấn đề con đang gặp phải và có cách chăm sóc, theo dõi phù hợp.

1. Sốt siêu vi là gì?

Về khái niệm, sốt siêu vi đơn giản là tình trạng bé bị sốt (thân nhiệt  ≥ 38ºC) do nhiễm phải virus lạ, có thể qua bất kỳ bộ phận nào như đường hô hấp, phổi, ruột… Sự gia tăng nhiệt độ cơ thể là cách để “chiến đấu” và “tiêu diệt” mầm bệnh, khiến môi trường trong cơ thể trở nên khó sinh sống với virus hơn.

hệ miễn dịch ở bé đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện như người lớn nên sẽ thuộc nhóm đối tượng dễ bị sốt siêu vi. Bé bị sốt siêu vi thường kéo dài từ 7 – 10 ngày. Trong nhiều trường hợp, khi được chăm sóc và hỗ trợ điều trị đúng cách, bé có thể khỏi bệnh nhanh hơn.

Nếu nghi ngờ con đang sốt siêu vi, bố mẹ không nên chủ quan mà cần đưa bé đi khám để được chẩn đoán chính xác, tránh biến chứng xấu ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé.

2. Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em phổ biến nhất

triêu chứng sốt siêu vi ở trẻ em

Những dấu hiệu, triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em thường không quá đặc trưng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Tùy thuộc vào cơ địa cũng như loại virus gây sốt siêu vi mà bé có thể biểu hiện triệu chứng sốt từ nhẹ đến nặng.

Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ dễ thấy nhất là sốt, thường dao động trong khoảng 38 – 39°C, thậm chí tăng cao đến 39,5 – 40°C. Ngoài ra, một số triệu chứng khác kèm theo sốt siêu vi ở trẻ em cũng xuất hiện, tùy vào loại virus gây bệnh, bao gồm:

  • Nhức đầu
  • Đau nhức khắp cơ thể
  • Nóng rát mắt hay đau sau hốc mắt 
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Ớn lạnh
  • Chán ăn, bú kém
  • Khó chịu, dễ cáu gắt
  • Mệt mỏi
  • Trông ốm yếu
  • Ho, đau họng
  • Chảy nước mũi
  • Phát ban đỏ

Những triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ thường chỉ kéo dài vài ngày. Nếu được điều trị kịp thời, các triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt. Ngược lại, trẻ có thể bị sốt cao không giảm, co giật, hôn mê, gây đe dọa tính mạng và cần phải được chăm sóc y tế đúng cách và kịp thời.

Nguyên nhân sốt siêu vi ở trẻ là gì? 

Sốt siêu vi ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm giao mùa (bệnh cúm mùa) hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột. Thực tế, rất nhiều chủng virus có khả năng khiến bé bị sốt siêu vi, trong đó một số virus gây bệnh phổ biến hiện nay gồm adenovirus, virus herpes, coronavirus chủng mới, enterovirus và parechovirus.

Bởi vì sức đề kháng của trẻ còn yếu, trong khi virus lại dễ lây lan qua đường nước, không khí và truyền từ người này sang người khác, nên trẻ em rất dễ nhiễm phải virus dẫn đến bị sốt siêu vi. Nguồn lây nhiễm virus gây sốt siêu vi có thể là:

  • Trẻ tiếp xúc với người bị nhiễm virus hoặc người mang mầm bệnh nhưng chưa có triệu chứng của nhiễm virus.
  • Giọt bắn chứa virus của người bệnh xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua đường hô hấp.
  • Trẻ ăn chung hoặc uống chung với người bị nhiễm virus (bạn bè, cha mẹ…).
  • Trẻ bị cắn bởi côn trùng (muỗi, bọ ve…) mang virus gây bệnh. Một số bệnh sốt siêu vi ở trẻ do côn trùng cắn là sốt xuất huyết, sốt vàng da, Zika Chikungunya.
  • Sốt siêu vi ở trẻ em cũng có thể lây lan do nguồn nước bị ô nhiễm.

Bé bị sốt siêu vi: Khi nào cần đi khám?

bé bị sốt siêu vi: khi nào cần đi khám?

Những cơn sốt siêu vi ở trẻ thường không đáng lo ngại và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ sốt quá cao có thể gây ra những biến chứng nặng nề. Do đó, nếu bé bị sốt siêu vi một cách bất thường như các trường hợp dưới đây, hãy đưa bé đi khám càng sớm càng tốt:

  • Trẻ em từ 0 – 3 tháng tuổi: Nhiệt độ đo tại trực tràng từ 38°C trở lên.
  • Trẻ em từ 3 – 6 tháng tuổi: Nhiệt độ trực tràng trên 39°C kèm các triệu chứng như cáu kỉnh, buồn ngủ thường xuyên.
  • Trẻ em từ 6 – 24 tháng tuổi: Nhiệt độ trực tràng trên 39°C và sốt cao kéo dài hơn 1 ngày. Nếu trẻ có các triệu chứng khác, chẳng hạn như phát ban, ho hoặc tiêu chảy, hãy đưa bé đi khám ngay.
  • Trẻ từ 2 tuổi trở lên: Thân nhiệt tăng liên tục và sốt cao trên 40°C. 

Lưu ý

Ngoài triệu chứng sốt, nếu trẻ có những dấu hiệu sau thì cần được đi khám và chăm sóc y tế ngay:
  • Lờ đờ bất thường, cáu kỉnh hoặc có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng khác (phát ban toàn thân, đau bụng dữ dội, nôn ói liên tục, tay chân lạnh, run rẩy bất thường, đi tiêu phân đen hoặc phân có máu…)
  • Sốt kéo dài hơn 3 ngày
  • Sốt không hạ dù đã cho bé uống thuốc
  • Không thể giao tiếp bằng mắt với người thân 
  • Mất nước nghiêm trọng. 

Điều trị bé bị sốt siêu vi: Cần chú ý những gì?

Sốt siêu vi không có thuốc chữa trị đặc hiệu, do đó việc điều trị tập trung vào giảm nhẹ các triệu chứng, phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Do đó, bố mẹ cần tập trung tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng và thực hiện các biện pháp chăm sóc, theo dõi tại nhà khi bé bị sốt siêu vi.

1. Đảm bảo trẻ nhận đủ lượng chất lỏng

Tình trạng sốt nói chung hay sốt siêu vi nói riêng đều làm cho cơ thể trẻ bị thiếu nước, mất nước. Do đó, bố mẹ cần chú ý giúp con nhận đủ lượng chất lỏng cần thiết mỗi ngày. Với trẻ còn bú mẹ hay bú sữa công thức, hãy tăng thêm cữ bú cho con. Trường hợp trẻ đã ăn dặm rồi thì có thể cho thể ăn các thực phẩm lỏng như súp, canh hoặc uống nước trái cây để bổ sung thêm nước cho cơ thể trẻ khi đang bị sốt.

Nếu trẻ sốt cao và có dấu hiệu mất nước thì bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra và có được sự can thiệp xử trí kịp thời.

2. Nghỉ ngơi đầy đủ 

Việc vận động cơ thể có thể khiến nhiệt độ tăng lên. Vậy nên, khi bé bị sốt siêu vi mà vẫn hoạt động như bình thường có thể làm cho thân nhiệt khó giảm xuống, đồng thời cản trở cơ thể tập trung chống lại virus gây bệnh. Do đó, hãy để con nghỉ ngơi nhiều trong quá trình điều trị sốt siêu vi.

3. Dùng thuốc hạ sốt không kê đơn

cho trẻ dùng thuốc hạ sốt không kê đơn

Sử dụng thuốc hạ sốt không kê đơn cho trẻ cũng là một cách giúp giảm sốt hiệu quả, nhanh chóng tại nhà. Khi trẻ bắt đầu sốt hơi cao và có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc, khó chịu, bố mẹ có thể dùng đến thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ.

Các thuốc hạ sốt không kê đơn phù hợp cho trẻ em thường là paracetamolibuprofen. Không cho trẻ dùng aspirin vì có thể gây ra hội chứng Reye.

Khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, bố mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng đúng liều lượng cho trẻ theo từng độ tuổi, cân nặng để tránh bị quá liều.

4. Áp dụng các cách hạ sốt cho bé 

Ngoài dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, bố mẹ có thể thực hiện các cách hạ sốt đơn giản tại nhà để giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn trong thời gian bị sốt siêu vi, chẳng hạn như:

  • Lau người cho bé bằng nước ấm
  • Sử dụng tinh dầu xoa bóp
  • Thay quần áo rộng rãi, thoáng mát cho bé
  • Dùng miếng dán hạ sốt
  • Bổ sung vitamin C bằng nước trái cây, thực phẩm (với bé đã ăn dặm)
  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi (bé ăn dặm)… 

Ba mẹ có thể phòng bệnh sốt siêu vi cho trẻ được không?

Để phòng ngừa sốt siêu vi cho trẻ em, cha mẹ nên thực hiện những việc sau:

  • Đảm bảo trẻ có một chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ dưỡng, cân bằng, lành mạnh để tăng sức đề kháng.
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tình trạng trẻ ăn đồ ăn bày bán sẵn.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ở và môi trường xung quanh để ngăn chặn sự sinh sôi, phát triển của các tác nhân gây bệnh.
  • Không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp hay tiếp xúc gần với người bệnh hay nghi ngờ nhiễm bệnh.
  • Hạn chế đến nơi đông người.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ, luôn rửa tay cho con hoặc dặn con rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Không cho trẻ đưa đồ chơi vào miệng.
  • Luôn giữ ấm cho trẻ, nhất là khi thời tiết giao mùa.
  • Tắm rửa mỗi ngày cho trẻ, nhưng không được tắm quá lâu.
  • Không cho trẻ dầm mưa hay chơi đùa lâu dưới trời nắng gắt.
  • Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ.

Bé bị sốt siêu vi và các thắc mắc thường gặp

1. Trẻ bị sốt virus nên ăn gì cho nhanh hồi phục?

Bé bị sốt virus nên ăn gì cho nhanh hồi phục?

Trẻ bị sốt siêu vi, sốt do virus nên ăn gì cho nhanh khỏi là điều mà nhiều bố mẹ quan tâm tìm hiểu để lên thực đơn phù hợp cho con, giúp con bồi bổ sức khỏe và hồi phục nhanh chóng. Những thực phẩm và nhóm dưỡng chất cần thiết cho trẻ khi đang bị sốt siêu vi gồm:

  • Sữa mẹ (bé còn bú sữa) 
  • Các thực phẩm chứa nhiều nước
  • Trái cây tươi
  • Men vi sinh (probiotic)
  • Thực phẩm giàu đạm, protein
  • Tỏi
  • Các loại rau lá xanh

Ngoài ăn uống hợp lý, trẻ bị sốt nên làm gì cho nhanh khỏi thì câu trả lời là trẻ cần được nghỉ ngơi nhiều, bổ sung đủ nước, ngủ trong không gian thoáng mát, thoải mái, giữ vệ sinh cá nhân.

2. Trẻ bị sốt siêu vi rồi phát ban có sao không? 

Trẻ bị sốt siêu vi kèm phát ban có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý do virus gây ra cần được chú ý theo dõi và điều trị, bao gồm:

Sốt siêu vi phát ban xảy ra là do hệ miễn dịch phản ứng lại với virus tạo ra các chất trung gian gây ảnh hưởng đến da hoặc virus có khả năng tác động lên các tế bào da sau khi tấn công vào cơ thể. Ví dụ như khi nhiễm virus sởi, hệ miễn dịch phát hiện có kháng nguyên lạ di chuyển trong hệ tuần hoàn và giải phóng ra các chất hóa học để tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, những chất này cũng gây viêm da, dẫn đến phát ban.

3. Bệnh sốt siêu vi có lây không?

Nguyên nhân gây ra sốt siêu vi là do nhiễm virus và chúng hoàn toàn có thể lây truyền từ người sang người hoặc qua tiếp xúc với đồ vật, mặt phẳng nhiễm virus. Trẻ em có thể bị nhiễm virus và phát sốt thông qua nhiều con đường khác nhau, chẳng hạn như:

  • Hô hấp
  • Ăn uống
  • Vật trung gian truyền bệnh
  • Dịch cơ thể (máu, dịch tiết)
  • Tiếp xúc với đồ vật chứa virus từ người bệnh

Như vậy,triệu chứng sốt có thể không lây truyền nhưng tác nhân gây bệnh là virus thì có thể. Tùy theo thể trạng mà trẻ có thể không bị sốt sau khi nhiễm virus nhưng tốt nhất vẫn nên giữ vệ sinh tốt cho trẻ, phòng ngừa nhiễm virus hay các tác nhân gây bệnh từ môi trường xung quanh.

4. Trẻ sốt đi sốt lại nhiều lần trong ngày có phải sốt siêu vi không? 

Trẻ sốt đi sốt lại nhiều lần trong ngày có phải sốt siêu vi không? 

Trẻ sốt đi sốt lại nhiều lần, sốt từng cơn có thể là do nhiễm trùng, bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… Vì hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu nên chưa đủ sức tiêu diệt hoàn toàn tác nhân gây bệnh nên cơ thể sẽ tăng nhiệt độ như một phản ứng tự nhiên, dẫn đến trẻ thường sốt đi sốt lại.

Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần phải theo dõi liên tục thân nhiệt của trẻ cùng những triệu chứng khác nếu có. Khi thấy trẻ sốt cao không hạ dù đã thử các cách hạ sốt hoặc có dấu hiệu đáng lo ngại như co giật, khó thở, ngủ li bì… thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Một số nguyên nhân có thể khiến trẻ bị sốt đi sốt lại gồm:

5. Trẻ em bị sốt siêu vi uống thuốc gì?

Nếu đang thắc mắc trẻ bị sốt virus uống thuốc gì thì bố mẹ có thể dùng các thuốc hạ sốt không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen theo liều lượng khuyến cáo từ dược sĩ hoặc bác sĩ. Liều dùng thường được tính theo cân nặng của trẻ và nếu cần dùng thêm thì khoảng cách giữa 2 liều ít nhất là 4 – 6 giờ, không uống quá 6 liều/ngày.

Lưu ý, trẻ em dưới 16 tuổi không được dùng thuốc aspirin để hạ sốt vì có nguy cơ bị hội chứng Reye. Ngoài ra, tình trạng sốt siêu vi là do virus gây ra nên thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng điều trị, các mẹ cần chú ý để không dùng sai thuốc có thể gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng.

Trẻ em bị sốt nên làm gì cho nhanh khỏi? Đâu là cách chữa sốt virus nhanh nhất? Thực tế, sốt là một phản ứng tự vệ của hệ miễn dịch chống lại các tác nhân lạ, có thể là virus, xâm nhập vào cơ thể. Do đó, bố mẹ nên áp dụng các cách hạ sốt đơn giản trước thay vì dùng thuốc hạ sốt ngay lập tức. Hãy để con có thời gian nghỉ ngơi và tự phục hồi, mỗi lần chống lại virus hệ miễn dịch của con cũng sẽ hoạt động tốt hơn.

6. Trẻ bị sốt virus bao lâu thì khỏi? Sốt siêu vi mấy ngày hết?

Sốt siêu vi mấy ngày hết?

Hầu hết các bậc phụ huynh đều cảm thấy lo lắng và không biết sốt siêu vi ở trẻ mấy ngày hết, sốt virus ở trẻ em kéo dài bao lâu và đâu là dấu hiệu sắp khỏi sốt siêu vi. Thông thường, các trường hợp sốt siêu vi ở trẻ là lành tính và trung bình sẽ hết sau khoảng 5 – 7 ngày. Khi các triệu chứng sốt siêu vi dần biến mất, trẻ bắt đầu năng lượng trở lại, không còn mệt mỏi, khó chịu… là những dấu hiệu cho thấy con sắp khỏi bệnh và dần hồi phục sức khỏe.

Nhìn chung, khi nghi ngờ bé bị sốt siêu vi, bố mẹ không nên quá lo lắng nhưng cũng đừng chủ quan. Hãy tập trung theo dõi, chăm sóc trẻ và đưa trẻ đi khám khi cần thiết. Bạn không nên tìm cách làm sao để nhanh khỏi sốt siêu vi mà điều trị quá mức cho trẻ vì có thể gây ra những tác dụng phụ hoặc biến chứng không mong muốn.

7. Bé sốt bao nhiêu ngày thì đi bệnh viện?

Khi bé bị sốt, bố mẹ cần kiểm tra thân nhiệt bé thường xuyên và đánh giá mức độ sốt:

Mức độ sốt Nhiệt độ đo ở nách  Nhiệt độ đo ở hậu môn
Sốt nhẹ 37.3 – 38ºC 38 – 38.9ºC
Sốt vừa 38 – 39ºC 38.9 – 40ºC
Sốt cao > 39ºC > 40ºC

Nếu trẻ sốt cao hoặc sốt liên tục không hạ dù chỉ kéo dài vài giờ cũng nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời. Nếu trẻ sốt siêu vi được theo dõi ở nhà nhưng sốt kéo dài hơn 3 ngày thì nên đi khám để được kiểm tra, chẩn đoán nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.

Ngoài ra, một số trường hợp trẻ bị sốt cần được đưa đến bệnh viện nhanh chóng khi có các biểu hiện sau:

  • Co giật do sốt.
  • Sốt ở trẻ có bệnh lý nền như bệnh tim, ung thư, lupus ban đỏ hệ thống hoặc thiếu máu hồng cầu hình liềm.
  • Sốt kèm theo phát ban trên da.
  • Lờ đờ bất thường, cáu kỉnh hoặc có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng khác (đau bụng dữ dội, nôn ói liên tục, tay chân lạnh, run rẩy bất thường, đi tiêu phân đen hoặc phân có máu…).
  • Sốt kèm theo dấu hiệu mất nước nghiêm trọng.

8. Trẻ bị sốt có nên bật điều hòa không?

trẻ bị sốt có nên nằm điều hòa không

Trẻ bị sốt nằm trong phòng điều hòa có thể giúp:

  • Làm mát cơ thể trẻ
  • Mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn
  • Thúc đẩy nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe, giúp trẻ dễ ngủ hơn
  • Hạn chế mất nước do sốt. 

Tuy nhiên, thói quen bật điều hòa liên tục có thể gây ảnh hưởng đến trẻ ở một số khía cạnh mà bố mẹ cần chú ý để hạn chế sử dụng điều hòa sai cách:

  • Làm khô niêm mạc ở mũi, hong, mắt và da trẻ, dễ gây kích ứng.
  • Khiến bệnh lâu khỏi do phòng máy lạnh thường đóng kín sẽ tạo điều kiện tích tụ nhiều virus, vi khuẩn làm bệnh của trẻ kéo dài.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùngdị ứng nếu máy lạnh không được vệ sinh thường xuyên tạo điều kiện cho bụi bẩn, vi trùng “cư ngụ” trong phòng.

Tóm lại, trẻ bị sốt vẫn nên bật điều hòa để giữ nhiệt độ không khí mát mẻ, ổn định nhưng cần có biện pháp thông khí, giữ không gian sạch sẽ, thoáng mát.

9. Trẻ bị sốt siêu vi có nên tắm không?

Một số người vẫn truyền tai nhau quan điểm sốt siêu vi cần kiêng tắm khiến nhiều bố mẹ băn khoăn không biết có nên tắm khi bé bị sốt siêu vi không. Sự thật thì tắm sẽ giúp giải tỏa bớt nhiệt độ cơ thể, làm cho trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, bạn nên tắm cho trẻ bằng nước ấm và không tắm quá lâu, đảm bảo phòng tắm kín gió, đồng thời lau khô người ngay sau khi tắm xong.

Tắm bằng nước lạnh có thể khiến cơ thể tăng nhiệt độ cao hơn để không cảm thấy lạnh, khiến tình trạng sốt trở nên nặng hơn. Nếu vẫn cảm thấy lo lắng, bạn có thể vệ sinh thân thể cho trẻ bằng cách lau người bằng nước ấm trong thời gian ngắn.

10. Có nên áp dụng các mẹo dân gian chữa sốt siêu vi cho trẻ không? 

Bé bị sốt siêu vi nên được hạ sốt bằng các cách đơn giản trước khi dùng đến thuốc. Hơn nữa, sốt do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, sử dụng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng trong trường hợp này. Do đó, bố mẹ có thể thử áp dụng một số mẹo hay bài thuốc dân gian chữa sốt virus cho trẻ tại nhà như:

  • Bổ sung đủ nước cho bé bằng cách tăng cường uống nước ép trái cây, ăn đồ ăn loãng như súp, canh, cháo loãng hoặc dùng nước bù điện giải oresol (nếu cần).
  • Lau mát người bé bằng khăn ấm hoặc chườm khăn ấm. Cho bé mặc quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát, không quấn chăn mềm dày và đảm bảo phòng của trẻ thông thoáng.
  • Sử dụng thảo dược như cây chùm ngây, sắn dây… để hạ sốt cho bé. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi muốn dùng cây thuốc nào để hạ sốt cho bé.

Hi vọng qua bài viết này các bậc phụ huynh sẽ nhận biết được chính xác tình trạng sốt siêu vi của trẻ, từ đó chăm sóc bé hiệu quả, hỗ trợ bé vượt qua các đợt “thử thách” cho hệ miễn dịch để trở nên khỏe mạnh hơn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Effect of a fever in viral infections — the ‘Goldilocks’ phenomenon https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7812885/ Ngày truy cập 09/12/2024

Viral illnesses https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/viral_illnesses/ Ngày truy cập 09/12/2024

Fever in Healthy Children https://www.chop.edu/conditions-diseases/fever-children Ngày truy cập 09/12/2024

Fever https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/fever/ Ngày truy cập 09/12/2024

A Guide to Viral Fevers https://www.medanta.org/patient-education-blog/a-guide-to-viral-fevers/ Ngày truy cập 09/12/2024

Viral fever: Running a temperature? Is it really JUST fever? Do’s and Don’ts of Fighting a Viral Fever https://www.sitarambhartia.org/blog/internal-medicine/viral-fever/ Ngày truy cập 09/12/2024

Do’s and Don’ts of Fighting a Viral Fever https://www.pbmchealth.org/news-events/blog/dos-and-donts-fighting-viral-fever Ngày truy cập 09/12/2024

Viral Fever in Children – Symptoms, Causes & Treatment https://parenting.firstcry.com/articles/viral-fever-in-children-symptoms-causes-treatment/ Ngày truy cập 09/12/2024

Viral Fever: Symptoms, Causes, Diagnosis, Treatment, and Warning https://www.healthline.com/health/viral-fever Ngày truy cập 09/12/2024

Pediatrician for Viral Fever, Symptoms, Treatment https://www.mfine.co/pediatricians/conditions/viral-fever/ Ngày truy cập 09/12/2024

Phiên bản hiện tại

11/12/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 15 giờ trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo