Tình trạng thóp phồng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cần thăm khám sớm nên ba mẹ cần biết cách xác định dấu hiệu này để tìm kiếm hỗ trợ y tế kịp thời. Nếu sớm chẩn đoán và chữa trị, bé sẽ nhanh hồi phục và có sức khỏe tổng thể tốt hơn.
Dấu hiệu thóp phồng ở bé khá khó nhận biết nhưng có thể là triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như não úng thủy hay viêm não. Vậy nên, ba mẹ luôn cần quan sát từng biểu hiện dù là nhỏ nhất của con để đưa bé đi thăm khám kịp thời. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết sau bạn nhé!
Dấu hiệu nhận biết tình trạng thóp phồng
Hộp sọ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gồm các phần xương ghép với nhau tạo thành. Trong những tháng đầu đời, đường nối giữa các phần xương sọ này chưa khép khít hoàn toàn với nhau mà vẫn còn khoảng hở. Khoảng hở giữa các phần xương này gọi là thóp và bé sẽ có hai thóp là thóp trước và thóp sau. Thóp trước là khoảng hở hình thoi giữa xương đỉnh và xương trán còn thóp sau là khoảng hở hình tam giác giữa xương đỉnh và xương chẩm. Nếu bạn chạm vào đỉnh đầu của bé, bạn có thể cảm thấy phần thóp mềm giữa các xương.
Tình trạng thóp phồng có nghĩa là phần thóp sưng to hơn bình thường. Vùng thóp có thể bị sưng và nhô lên cao hơn phần còn lại của hộp sọ. Khi này, đầu của bé có thể thay đổi hình dạng hoặc phần thóp có thể bị biến dạng. Đôi khi, toàn bộ phần đầu của bé to hơn bình thường. Vậy nên, ba mẹ cần quan sát hình dạng đầu của bé trong trạng thái bình thường thì mới phát hiện được bé có gặp tình trạng thóp phồng không.
Bình thường, thóp phẳng khi sờ. Tuy nhiên khi trẻ khóc, trẻ ở tư thế nằm hoặc đang rặn hay nôn, thóp có thể phồng lên tạm thời. Do đó, để đánh giá thóp của trẻ, trẻ phải ở tư thế ngồi, không quấy khóc hay gồng rặn. Nếu thóp trở lại bình thường khi trẻ ngồi yên thì đó không phải là thóp phồng thực sự. Một số bé có biểu hiện thóp phồng thoáng qua sau khi nhiễm siêu vi hoặc sử dụng một số loại thuốc.
Nếu hiện tượng thóp trẻ căng hoặc phồng xảy ra thường xuyên, khả năng trẻ mắc các bệnh lý gây khối choán chỗ trong não (như nước hay khối u), gây tăng áp lực bên trong hộp sọ. Để rõ hơn cha mẹ có thể tham khảo thông tin dưới đây về các nguyên nhân gây thóp phồng ở trẻ.
Thóp trẻ sơ sinh bị phồng: 7 nguyên nhân thường gặp
Tình trạng thóp phồng có thể do nhiều nguyên nhân với các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Một số nguyên nhân gây thóp phồng thường thấy như sau:
1. Não úng thủy khiến thóp bị phồng
Thóp phồng có thể là dấu hiệu cho thấy bé bị não úng thủy. Não úng thủy là tình trạng có chất lỏng tích tụ trong những khoang trống chứa dịch não tủy gọi là não thất. Áp lực của chất lỏng có thể khiến não thất bị giãn, từ đó chèn lên mô não và khiến thóp sưng phồng.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh não úng thủy. Đôi khi, bệnh xuất hiện ngay từ khi bé vừa ra đời, hay còn gọi là bệnh não úng thủy bẩm sinh. Nếu bé phát triển tình trạng này sau khi sinh thì gọi là não úng thủy mắc phải.
Não úng thủy bẩm sinh
Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh não úng thủy và thóp phồng bẩm sinh có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng: Một số chứng nhiễm trùng như rubella có thể truyền từ mẹ sang con và ảnh hưởng đến não của bé.
- Chảy máu não: Vấn đề này thường gặp ở trẻ sinh non cũng như những trẻ bị chấn thương hoặc thiếu oxy trong quá trình sinh.
- Một số vấn đề khi sinh: Các vấn đề trong quá trình sinh ảnh hưởng đến sự phát triển của não, hộp sọ, tủy sống hoặc các bộ phận khác của hệ thần kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh não úng thủy bẩm sinh.
Não úng thủy mắc phải
Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng não úng thủy mắc phải là:
- Nhiễm trùng: Một số chứng nhiễm trùng ở não hoặc tủy sống như viêm màng não cấp do vi khuẩn có thể gây ra tình trạng thóp phồng. Trường hợp này thường gặp hơn nếu bé bị sốt.
- Chấn thương: Việc gặp phải chấn thương ở não và tủy sống cũng có thể khiến não sưng phồng.
- Khối u: Khối u xuất hiện trong não hoặc tủy sống có thể gây bệnh não úng thủy.
- Đột quỵ: Tuy đột quỵ rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh nhưng vẫn có thể xảy ra.
2. Tăng áp lực nội sọ tạm thời
Đây là tình trạng áp lực nội sọ của bé tạm thời tăng cao khiến não bị sưng. Đôi khi, tình trạng này xảy ra sau khi bé bị nhiễm trùng. Mặc dù tình trạng này có thể tự khỏi nhưng đây vẫn là trường hợp nguy hiểm cần thăm khám ngay.
Nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ tạm thời ở trẻ có thể kể đến như bệnh lý viêm não màng não, xuất huyết não…
3. Thóp phồng do quấy khóc nhiều
Đôi khi, bé quấy khóc nhiều có thể khiến dịch não tủy tạo áp lực tạm thời lên não. Trong trường hợp này, khối phồng thường sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, tình trạng khóc quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bé mắc một bệnh lý nguy hiểm nào đó nên bạn vẫn cần cho bé đi thăm khám, kiểm tra sớm.
4. Nôn
Nôn cũng có thể gây áp lực trong hộp sọ tương tự như tình trạng quấy khóc. Nếu bé bị nôn kèm tình trạng thóp phồng, bạn cần cho bé đi khám ngay để xác định nguyên nhân gây nôn.
5. Tiêm chủng
Đôi khi, thóp của bé có thể phồng lên tạm thời sau khi tiêm chủng và đây không phải tình trạng đáng lo. Bác sĩ vẫn chưa biết lý do chính xác nhưng tình trạng thóp phồng sau khi tiêm chủng này có thể do bé bị sốt do tác dụng phụ của vắc xin.
6. Thóp phồng do tác dụng phụ của thuốc và chế độ dinh dưỡng
Một số vấn đề về dinh dưỡng như thiếu hụt vitamin có thể khiến bé gặp tình trạng thóp phồng. Ngoài ra, tác dụng phụ của một vài loại thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
7. Tư thế của bé
Bạn có thể thấy thóp của bé hơi phồng lên khi trẻ đang nằm. Tuy nhiên, nếu thóp không phồng lên khi bế bé lên theo phương thẳng đứng thì đây có thể không phải vấn đề đáng lo.
Ngoài những nguyên nhân trên, thóp của bé cũng có thể bị phồng do các chứng viêm nhiễm như viêm não hay viêm màng não.
Thóp trẻ sơ sinh bị phồng: Dấu hiệu nào cần đưa trẻ đi khám ngay?
Nhìn chung, tình trạng thóp phồng ở bé thường là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng. Có thể bên trong hoặc xung quanh não bé đang có chứa dịch có thể gây tổn thương mô não, dẫn đến khuyết tật nghiêm trọng. Cũng có thể bé đang bị nhiễm trùng hoặc chấn thương nguy hiểm. Vậy nên, nếu phát hiện thóp bé có dấu hiệu bị phồng, ba mẹ cần cho bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc tiếp nhận chăm sóc y tế sớm có thể giúp bé nhanh hồi phục và giảm nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe vĩnh viễn.
Bạn luôn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức ngay cả khi nghĩ rằng nguyên nhân khiến thóp bé bị phồng là không nguy hiểm. Bé bị phồng thóp do khóc hoặc nôn cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo con đang mắc một số chứng nhiễm trùng nào đó nên mới có những biểu hiện khó chịu này.
Thóp phồng được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Khi bạn đưa bé đi thăm khám tình trạng thóp phồng, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi và thực hiện một số thủ thuật để xác định nguyên nhân như sau:
- Hỏi ba mẹ về quá trình phát triển, thói quen hàng ngày và tiền sử bệnh của bé, bao gồm các bệnh bé từng mắc gần đây.
- Đo nhiệt độ và làm xét nghiệm máu cho bé
- Chụp quét não
- Ở một số bệnh viện, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện chọc dò tủy sống, một thủ thuật đưa kim vào khu vực xung quanh cột sống để lấy mẫu dịch não tủy. Nhìn chung, đây là cách an toàn và chính xác để xác định bé có bị nhiễm trùng dẫn đến tình trạng thóp phồng hay không nhưng có thể khiến bé căng thẳng. Vậy nên, bác sĩ có thể hoãn việc chọc dò tủy sống và cho bé nhập viện để theo dõi.
- Nếu bác sĩ chỉ định thực hiện chọc dò tủy sống và kết quả cho thấy bé không bị nhiễm trùng và bác sĩ chưa xác định được nguyên nhân, bệnh viện cũng có thể đề nghị cho bé nhập viện để theo dõi.
Cách điều trị cho bé sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân khiến thóp bị phồng mà bác sĩ xác định được sau quá trình thăm khám và chẩn đoán. Ví dụ, bé bị phồng thóp do viêm màng não do vi khuẩn sẽ cần dùng kháng sinh. Trường hợp bé bị não úng thủy bẩm sinh, chấn thương đầu hay chấn thương tủy sống, bé sẽ cần được chăm sóc y tế kéo dài.
Phòng ngừa nguy cơ thóp phồng cho trẻ
Theo các chuyên gia nhi khoa, có một số cách giúp giảm thiểu rủi ro bị phồng thóp cho bé mà ba mẹ có thể tham khảo:
- Rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người đang bị bệnh
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên trong thai kỳ để giảm nguy cơ nhiễm trùng, sinh non và một số dị tật bẩm sinh
- Giảm nguy cơ chấn thương đầu cho bé bằng cách không để trẻ nằm trên giường hoặc ghế mà không có người trông coi, cho bé đội mũ bảo hiểm phù hợp độ tuổi khi chở bé bằng xe gắn máy, thắt dây an toàn và cho bé ngồi loại ghế ô tô phù hợp nếu chở bé bằng ô tô…
- Nhờ bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống lành mạnh cho bé
- Tuân thủ lịch trình thăm khám và tiêm chủng cho bé
- Đưa bé đi khám ngay nếu bé có bất kỳ triệu chứng bất thường nào như co giật, quấy khóc khó dỗ, tím tái, li bì, bỏ bú…
Bé gặp tình trạng thóp bị phồng có thể đang mắc một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm não hay não úng thủy. Ba mẹ cần để ý dấu hiệu này để đưa bé đi chẩn đoán và điều trị sớm, từ đó đảm bảo sức khỏe lâu dài cho con nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]