backup og meta

Sảy thai và chăm sóc sau khi sảy thai để mau chóng phục hồi

Sảy thai và chăm sóc sau khi sảy thai để mau chóng phục hồi

Sảy thai là hiện tượng mất thai một cách tự nhiên trước tuần thứ 20 của thai kỳ, ảnh hưởng đến khoảng 10-20% phụ nữ mang thai. Thực tế, con số này có thể cao hơn do nhiều trường hợp xảy ra rất sớm, ngay cả khi người đó chưa biết mình có thai. 

Việc hiểu rõ về sảy thai và chăm sóc sau khi sảy thai là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Các triệu chứng và thời gian ra máu sau sảy thai

Triệu chứng điển hình sau sảy thai

Không khó để chị em nhận biết bản thân mình bị sảy thai, vì các triệu chứng mất thai khá điển hình. Trong đó, ra máu âm đạođau bụng là hai dấu hiệu điển hình thường xuất hiện sớm nhất.

Triệu chứng ra máu âm đạo có các đặc điểm như sau:

  • Ban đầu có thể chỉ là vài giọt, sau đó lượng máu tăng dần, đôi khi máu ra nhiều như kỳ kinh nguyệt hoặc thậm chí nhiều hơn.
  • Màu máu đỏ tươi, đỏ sẫm, nâu hoặc lẫn dịch nhầy.
  • Thời gian chảy máu kéo dài vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào giai đoạn thai kỳ và cơ địa mỗi người.

sảy thai

Triệu chứng đau bụng do co thắt tử cung có các đặc điểm như sau:

  • Cơn đau thường xuất hiện ở vùng bụng dưới, có thể lan ra vùng lưng hoặc hông.
  • Đau âm ỉ, dữ dội hoặc quặn thắt từng cơn, giống như đau bụng kinh nhưng nặng hơn.
  • Đau bụng thường đi kèm với cảm giác co thắt ở vùng tử cung.

Ngoài ra, các triệu chứng ốm nghén hoặc cảm giác khó chịu lúc trước cũng sẽ dần mất đi.

Sảy thai ra máu trong bao lâu?

Trung bình, thời gian ra máu sau khi sảy thai khoảng 1 tháng. Lượng máu sẽ giảm dần và có thể kéo dài thêm 1 – 2 tuần.

Tuy nhiên, thời gian ra máu sau khi sảy thai cũng còn phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Thời gian mang thai: Tuần thai lúc sảy càng lớn, nồng độ hormone thai kỳ hCG càng cao khiến máu ra nhiều và kéo dài hơn.
  • Số bào thai: Thời gian ra máu khi mang đa thai kéo dài hơn so với mang đơn thai.
  • Cơ địa: Cơ địa mỗi người khác nhau sẽ ảnh hưởng đến thời gian đào thải mô và nhau thai, dẫn đến thời gian ra máu khác nhau.

Nếu gặp những dấu hiệu bất thường lúc mới sảy thai và chăm sóc sau khi sảy thai dưới đây, bạn cần đi khám ngay:

  • Máu ra nhiều (thấm ướt 2 miếng băng vệ sinh mỗi giờ) hoặc ra cục máu đông lớn bằng quả bóng gôn.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Sốt cao, ớn lạnh.
  • Đau bụng dữ dội hoặc đau vai.
  • Xuất hiện dịch tiết âm đạo có mùi hôi khó chịu.
  • Tiêu chảy hoặc đau sau khi đi đại tiện.
  • Có các dấu hiệu nhiễm trùng như đau, sưng hoặc đỏ ở vùng kín.

Sảy thai và chăm sóc sau sảy thai: Uống gì cho sạch tử cung?

Vì sao phải làm sạch tử cung sau sảy thai?

Mục tiêu của việc làm sạch tử cung sau khi sảy thai là để đảm bảo tử cung được sạch sẽ, không còn bất kỳ mô thai hoặc nhau thai còn sót lại. Điều này không chỉ giúp tử cung trở lại trạng thái bình thường mà còn phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng – một trong những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau sảy thai.

Các loại thực phẩm, thức uống hỗ trợ làm sạch tử cung

Ngoài việc làm sạch tử cung dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, biết uống gì cũng sẽ giúp cơ thể người phụ nữ hồi phục nhanh chóng hơn. Để chăm sóc khi bị sảy thai và chăm sóc sau khi sảy thai, các mẹ có thể áp dụng các cách dưới đây:

  • Thảo dược: Ngải cứuích mẫu là hai vị dược liệu sẵn có trong tự nhiên, có tác dụng giúp làm sạch tử cung và hỗ trợ phục hồi sức khỏe sau khi sảy thai. Ngải cứu điều hòa kinh nguyệt, tăng cường co bóp tử cung nhằm loại bỏ chất thải còn sót lại ra ngoài. Trong khi đó, ích mẫu hỗ trợ điều hòa nội tiết tố, giảm đau và giúp tử cung hồi phục.
  • Thuốc theo chỉ định bác sĩ: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để điều trị (ví dụ như nhiễm trùng) hoặc thực phẩm chức năng/ vitamin và khoáng chất để giúp tử cung phục hồi nhanh hơn. Chị em không nên tự ý dùng thuốc tại nhà mà phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, tránh gặp phải các biến chứng không mong muốn.

uống gì cho sạch tử cung sau khi sảy thai

Khi nào cần can thiệp y khoa?

Trong trường hợp không thể làm sạch tử cung một cách tự nhiên hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp y khoa (ví dụ như nạo hút thai còn sót lại hoặc điều trị nhiễm trùng tử cung)
Việc kiểm tra và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng nghiêm trọng.

Dinh dưỡng sau sảy thai: Nên ăn gì? Kiêng ăn gì?

Một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp bạn mau chóng lấy lại sức khỏe. Vậy sảy thai nên ăn gì, kiêng gì?

Thực phẩm giúp phục hồi sức khỏe người bị sảy thai nên ăn

Sau sảy thai, bạn nên lưu ý bổ sung những nhóm thực phẩm dưới đây:

  • Thực phẩm giàu sắt: Nhằm phòng ngừa thiếu máu do mất máu trong lúc sảy thai. Bạn nên tăng cường các loại thực phẩm có hàm lượng chất sắt cao như thịt bò, gan động vật hoặc các loại rau có lá màu xanh đậm như cải bó xôi.
  • Thực phẩm giàu protein: Giúp tái tạo tế bào và phục hồi mô. Bạn có thể bổ sung protein từ thịt gia cầm, cá, trứng và các loại đậu.
  • Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Những vi chất này đều là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Chúng có trong các loại trái cây, rau củ.

Sảy thai kiêng ăn gì?

Thông tin dinh dưỡng về sảy thai và chăm sóc sau khi sảy thai không chỉ dừng lại ở những thực phẩm nên ăn mà còn phải lưu ý một số loại thực phẩm cần kiêng cữ. Điều này sẽ giúp tránh gây hại cho sức khỏe tử cung và cơ thể, bao gồm:

  • Đồ ăn cay, nóng: Những thực phẩm này có thể kích thích tử cung co bóp mạnh mẽ, gây đau.
  • Đồ uống có cồn: Rượu bia gây hại cho cơ thể, làm chậm quá trình phục hồi.
  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ: Những thực phẩm này có thể làm tăng quá trình viêm, từ đó gây khó khăn cho cơ thể trong việc hồi phục.

Sau sảy thai có nên đi lại nhiều hay không?

Một trong những vấn đề cần lưu tâm khác về sảy thai và chăm sóc sau khi sảy thai là vận động hợp lý.

Tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi

Cơ thể cần một khoảng thời gian nhất định để phục hồi sau sự cố sảy thai. Vì vậy, bạn cần tránh làm việc nặng và nên nghỉ ngơi đầy đủ trong ít nhất 2-4 tuần, tùy theo tình trạng của mỗi người.

Các hoạt động nên và không nên làm

Trong thời gian chăm sóc sau khi sảy thai, bạn nên đi lại và tập thể dục nhẹ nhàng (như đi bộ) để giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn mà không gây áp lực lên tử cung.

Bên cạnh đó, bạn cần tránh lao động nặng, vì nếu làm việc quá sức hoặc nâng vật nặng trong vài tuần sau sảy thai có thể gây tổn thương cho tử cung.

Những lưu ý quan trọng khác trong việc chăm sóc sau khi sảy thai

Tái khám định kỳ sau sảy thai

Việc tái khám định kỳ sau sảy thai là rất quan trọng để đảm bảo cơ thể người mẹ đang phục hồi tốt. Bác sĩ sẽ kiểm tra tử cung bằng siêu âm để tìm kiếm mô thai còn sót lại và xem có dấu hiệu nhiễm trùng không.

Bạn nên đi khám lại vào thời điểm 6 tuần sau khi sảy thai.

Ổn định tâm lý và giảm căng thẳng

Sau sảy thai, người mẹ không chỉ phải đối mặt với sự đau đớn về thể xác mà còn là sự tổn thương về tinh thần. Bạn nên mở lòng chia sẻ với gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý để vơi bớt nỗi buồn, lo âu và nhanh chóng ổn định tâm lý.

sảy thai ra máu trong bao lâu

Những câu hỏi thường gặp về sảy thai và chăm sóc sau khi sảy thai

1. Sảy thai bao lâu thì có kinh lại?

Sảy thai tự nhiên bao lâu có kinh lại thì sớm nhất là sau 2 tuần kể từ thời điểm sảy thai, bạn đã có thể rụng trứng. Như vậy, thời điểm có kinh thường là từ 4 tuần tính từ lúc sảy thai.

2. Bao lâu sau sảy thai có thể mang thai lại? 

Các bác sĩ khuyên người mẹ nên thử mang thai lần nữa sau kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Lúc này, bạn có thể đậu thai được ngay. Tuy nhiên, hãy lắng nghe cơ thể xem bản thân mình đã sẵn sàng cả về thể chất lẫn tinh thần hay chưa.

Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị kỹ càng trước khi tiếp tục có thai, bằng cách:

  • Tránh hút thuốc lá và khói thuốc
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ăn uống cân bằng, đa dạng thực phẩm
  • Tránh căng thẳng
  • Duy trì cân nặng vừa phải
  • Bổ sung axit folic trong vòng 3 tháng trước khi thụ thai.

3. Có cần dùng thuốc bổ sau sảy thai không?

Việc sử dụng thực phẩm bổ sung (như sắt, vitamin) lúc sảy thai và chăm sóc sau khi sảy thai phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. 

Nếu có dấu hiệu thiếu hụt dưỡng chất, bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn cụ thể.

4. Sau sảy thai bao lâu thì thử que 1 vạch? 

Khi mang thai, hormone thai kỳ hCG tăng cao khiến cho que thử thai hiện lên 2 vạch. Sau sảy thai, nồng độ hormone này sẽ giảm dần. Sau khoảng 3 tuần, nếu dùng que thử thai thì có thể chỉ hiện lên 1 vạch vì lượng hormone hCG đã trở về bình thường.

5. Sảy thai kiêng nước lạnh bao lâu? 

Kiêng nước lạnh sau khi sảy thai hoặc sau khi sinh là quan niệm của dân gian, chưa có căn cứ khoa học. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy khó chịu hoặc có dấu hiệu bất thường nào khác khi dùng nước lạnh, bạn nên kiêng trong một thời gian ngắn và hỏi ý kiến bác sĩ.

Chăm sóc sức khỏe sau sảy thai là một quá trình cần sự kiên nhẫn và hiểu biết đúng đắn. Những việc quan trọng mà bạn cần làm bao gồm chăm sóc tử cung, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ và ổn định tinh thần cho chính mình. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Causes of miscarriage https://www.nhs.uk/conditions/miscarriage/causes/ Ngày truy cập: 29/11/2024

What Happens After a Miscarriage? An Ob-Gyn Discusses the Options. https://www.acog.org/womens-health/experts-and-stories/the-latest/what-happens-after-a-miscarriage-an-ob-gyn-discusses-the-options Ngày truy cập: 29/11/2024

Miscarriage https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/miscarriage Ngày truy cập: 29/11/2024

Miscarriage https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pregnancy-loss-miscarriage/diagnosis-treatment/drc-20354304 Ngày truy cập: 29/11/2024

Miscarriage https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9688-miscarriage Ngày truy cập: 29/11/2024

Bác sĩ chuyên khoa chia sẻ 10 điều nên biết về nguy cơ sảy thai https://tytphuongtamphu.medinet.gov.vn/chuyen-muc/bac-si-chuyen-khoa-chia-se-10-dieu-nen-biet-ve-nguy-co-say-thai-cmobile10408-124824.aspx Ngày truy cập: 29/11/2024

Điều cần biết về sảy thai giai đoạn sớm https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/dieu-can-biet-ve-say-thai-giai-doan-som/ Ngày truy cập: 29/11/2024

Phiên bản hiện tại

17/01/2025

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Làm gì dễ bị sẩy thai? 7 yếu tố tác nhân có hại cho thai kỳ mẹ cần tránh

Sảy thai muộn: Làm sao để mẹ sớm phục hồi thể chất và cảm xúc?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 5 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo