backup og meta

Thai 25 tuần tuổi phát triển thế nào? Cơ thể mẹ bầu thay đổi ra sao?

Thai 25 tuần tuổi phát triển thế nào? Cơ thể mẹ bầu thay đổi ra sao?

Khi mẹ mang thai 25 tuần, em bé không chỉ tăng trưởng về kích thước, cân nặng mà còn phát triển nhiều kỹ năng và chức năng cơ thể quan trọng. Các cơ quan như phổi, não bộ và hệ thần kinh đang hoàn thiện nhanh chóng, giúp bé chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. 

Sự phát triển của thai 25 tuần tuổi không chỉ mang lại những thay đổi đáng kể cho thai nhi mà còn tạo ra nhiều cảm giác mới mẻ cho mẹ bầu. Hello Bacsi mời mẹ đọc tiếp những nội dung dưới đây để biết thai nhi 25 tuần phát triển như thế nào? Cơ thể mẹ bầu thay đổi ra sao? Từ đó chủ động chăm sóc tốt sức khỏe thai kỳ.

Thai 25 tuần phát triển như thế nào?

1. Thai 25 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?

Thai nhi 25 tuần tuổi có kích thước tương đương với một bông súp lơ trắng. Kích thước và cân nặng cụ thể như sau:

  • Cân nặng: Khoảng 785gr
  • Chiều dài từ đầu đến gót chân: Khoảng 33.7cm
Lưu ý:
  • Khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, tay chân của em bé hơi co vào thân mình, lưng có thể cong hoặc thẳng, đầu khi cúi khi ngửa. Do đó, việc hình dung thai nhi 25 tuần bằng bông súp lơ trắng là đang hình dung em bé theo một khối co và ngắn lại.
  • Từ tuần thứ 14 trở đi, các thông số sinh trắc thai nhi khi khảo sát trong quá trình khám thai sẽ không còn chỉ số chiều dài đầu mông nữa vì thai nhi đã tương đối lớn, có các cử động gập duỗi, các chi cũng phát triển. Việc đo chiều dài đầu mông không có ý nghĩa và khó thực hiện.

2. Hình ảnh thai nhi 25 tuần trong bụng mẹ

Hình ảnh siêu âm thai nhi 25 tuần trong bụng mẹ

Các chỉ số sinh trắc của thai nhi 25 tuần cụ thể như sau:

Thai 25 tuần phát triển như thế nào?

Thai nhi 25 tuần tuổi cũng rất thích nhảy múa, vui chơi trong bụng mẹ, thai nhi còn có thể nghe được giọng nói của mẹ và các âm thanh khác. Những điểm nổi bật khác trong sự phát triển của thai 25 tuần tuổi bao gồm:

Sự phát triển của thai nhi 25 tuần

3.1. Nhịp tim của thai nhi 25 tuần tuổi

Nhịp tim thai nhi 25 tuần đập khoảng 110-160 nhịp/ phút – nhanh hơn nhiều so với nhịp đập sau khi bé chào đời.

3.2. Da của bé

  • Cơ thể thai nhi 25 tuần đã bắt đầu tích tụ mỡ. Điều này làm cho làn da của bé mịn màng hơn. Bé lúc này cũng trông mũm mĩm hơn.
  • Bé sẽ hồng hào nhờ sự hình thành các mạch máu nhỏ gọi là mao mạch trên da, những mao mạch này giúp tăng lưu lượng máu dưới da. 
  • Đối với một số trẻ mọc tóc sớm, ở tuần thai này, màu sắc và chất lượng tóc của trẻ bắt đầu xuất hiện. 

3.3. Thị giác

  • Bé mở mắt lần đầu tiên trong bụng mẹ.
  • Các cơ quan thụ cảm thị giác đã hình thành và cảm nhận được ánh sáng hoặc bóng tối.

3.4. Khứu giác 

Lỗ mũi và mũi của bé cũng đã hoạt động, giúp bé ngửi được nhiều mùi hương khác nhau trong nước ối.

Thai 25 tuần

3.5. Phổi 

Phổi của bé vẫn đang trưởng thành. Nếu bé chào đời ở tuần thai này, con sẽ có 80% cơ hội sống khi nhận được sự chăm sóc chuyên nghiệp cho trẻ sinh non nhưng con cần được trợ thở trong thời gian dài. 

Tóm lược sự phát triển nổi bật của em bé khi mẹ mang thai 25 tuần
  • Cân nặng: Khoảng 785gr
  • Chiều dài: Khoảng 33.7cm
  • Nhịp tim: Khoảng 140 nhịp/ phút 
  • Phổi vẫn đang trưởng thành nhưng chưa hoàn thiện
  • Bé mở mắt lần đầu tiên, đã có thể cảm nhận được ánh sáng và bóng tối
  • Mũi ngửi được nhiều mùi hương khác nhau trong nước ối.

Cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào khi mang thai 25 tuần?

Mang thai 25 tuần nghĩa là mẹ đang ở cuối tam cá nguyệt thứ hai. Lúc này, bụng mẹ đã to hơn rất nhiều. Mẹ cũng có thể gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu hơn, bao gồm:

1. Trào ngược dạ dày

  • Tác động của hormone progesterone không chỉ làm chậm quá trình tiêu hóa của dạ dày mà còn làm giãn van tâm vị – lối vào dạ dày khiến cơ quan này không thể đóng lại đúng cách. 
  • Điều này cho phép những chất có tính axit trong dạ dày di chuyển lên trên vào thực quản và kết quả là bạn bị trào ngược (hay còn được gọi là chứng ợ nóng).

2. Chuột rút nghiêm trọng hơn

  • Một vấn đề phổ biến khác mà bạn có thể bắt đầu nhận thấy là chuột rút ở chân, đặc biệt là khi đi ngủ. 
  • Bạn có thể giảm bớt chứng chuột rút bằng cách duỗi chân và kéo các ngón chân về phía đầu gối.

3. Hội chứng chân không yên

  • Hội chứng này khiến mẹ cảm thấy phải liên tục di chuyển chân để giảm cảm giác châm chích, thường xuất hiện ở cánh tay, đùi hoặc bàn tay khi mẹ nghỉ ngơi hoặc ngủ. 
  • Nguyên nhân chính chưa được biết rõ, nhưng các bác sĩ cho là do thay đổi nội tiết tố, thiếu hụt sắt và folate. 
  • Mẹ có thể tập thể dục nhẹ, tắm nước ấm trước khi ngủ, uống viên bổ sung sắt, folate, vitamin B12, magiê và tránh cà phê. Song mẹ cần luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

4. Bệnh trĩ

  • Tình trạng táo bón khi mang thai có thể khiến các triệu chứng bệnh trĩ trầm trọng hơn. 
  • Bệnh trĩ khi mang thai không gây nguy hiểm nhưng có thể khiến mẹ bầu bị đau đớn, thậm chí gây chảy máu trực tràng.
  • Mẹ hãy tăng lượng chất lỏng và chất xơ trong chế độ ăn bằng các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. 
  • Việc thực hiện các bài tập sàn chậu (Kegels) và cố gắng không rặn khi đi tiêu cũng có thể hữu ích.
  • Nếu các triệu chứng bệnh trĩ khiến bạn khó chịu, hãy thử ngâm mình trong bồn tắm ngồi hoặc chườm mát vùng trực tràng – hậu môn để làm dịu cơn đau nhức.
Tóm lược những thay đổi nổi bật trên cơ thể mẹ mang thai 25 tuần

Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ mang thai 25 tuần

1. Các xét nghiệm cần thực hiện khi mang thai 25 tuần

Khi khám thai định kỳ, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm sau: sẽ kiểm tra một số hạng mục như sau, mặc dù có thể có sự khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của bạn và cách khám của bác sĩ:

Ngoài việc làm các xét nghiệm thai kỳ, trong giai đoạn này mẹ cũng cần đảm bảo tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván đầy đủ và đúng lịch.

đi khám khi thai nhi 25 tuần

2. Chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng

  • Nếu không chăm sóc răng miệng đúng cách, bạn có thể là viêm nha chu. Tình trạng có liên quan đến nguy cơ sinh non, thậm chí tăng nguy cơ tiền sản giật.
  • Hãy đảm bảo rằng bạn đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa làm sạch răng mỗi ngày. Đồng thời, dù mang thai, bạn cũng đừng quên đi khám nha khoa định kỳ mỗi 6 tháng một lần nhé.

3. Duy trì thói quen đếm cử động thai

  • Khi mang thai 25 tuần, mẹ nên nên duy trì thói quen đếm cử động thai nhi 2 lần một ngày: một lần vào buổi sáng – khi hoạt động của bé có xu hướng thưa thớt hơn và một lần vào buổi tối – khi bé trở nên năng động hơn. 
  • Thông thường, bạn sẽ cảm nhận được 10 chuyển động của bé trong vòng 2 giờ hoặc sớm hơn. Nếu bạn không đếm được đủ 10 động tác trong khoảng thời gian đã định, hãy uống chút nước hoặc ăn nhẹ, đi bộ trong thời gian ngắn. Sau đó ngồi hoặc nằm xuống, thư giãn và tiếp tục đếm. 
  • Nếu hai giờ trôi qua mà không có bất kỳ chuyển động nào, bạn có thể cân nhắc đến việc đi khám. Càng gần đến ngày sinh nở thì việc thường xuyên đếm cử động thai sẽ càng quan trọng hơn.

4. Thực hành thói quen đi ngủ tốt 

  • Mẹ bầu cần 1 giấc ngủ ngon vào ban đêm để phục hồi năng lượng. Thế nhưng ban đêm cũng là lúc bé yêu hoạt động nhiều hơn trong bụng khiến bạn khó ngủ.
  • Để dễ đi vào giấc ngủ, bạn hãy thử  tắm nước ấm, mặc bộ đồ ngủ thoải mái, thử một vài tư thế yoga nhẹ nhàng hoặc giãn cơ thư giãn, lên giường đọc sách trong tiếng nhạc du dương êm dịu.
Tóm lược những lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ bầu 25 tuần

Giải đáp những thắc mắc thường gặp ở mẹ mang thai 25 tuần

1. Thai 25 tuần nặng 800gr có chuẩn không?

Theo biểu đồ tăng trưởng thai nhi, ở thời điểm 25 tuần tuổi, em bé cần đạt cân nặng khoảng 785 gram. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính trung bình. Theo đó, thai nhi 25 tuần đạt khoảng 800gr hoặc 900gr là đang nặng hơn con số trung bình. 

Song để xác định thai nhi có phát triển bình thường hay không, bạn cần trao đổi với bác sĩ. Dựa vào các yếu tố đặc trưng trong thai kỳ của bạn, bác sĩ sẽ có những chẩn đoán phù hợp.

2. Thai 25 tuần mẹ tăng bao nhiêu ký là phù hợp?

Mẹ bầu nên tăng cân thế nào cho chuẩn phụ thuộc vào cân nặng cơ thể trước khi mang thai và sức khỏe thai kỳ.

Chỉ số BMI khỏe mạnh của phụ nữ là  là từ 18,5 đến 22,9. Dựa vào chỉ số BMI của bạn trước khi mang thai, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về mức tăng cân được khuyến nghị khi mang thai. Nếu bạn có cân nặng khỏe mạnh trước khi mang thai thì lý tưởng nhất là bạn nên tăng từ 11,5 đến 16kg trong suốt thai kỳ.

Theo đó, bạn sẽ tăng 1–1,5kg trong ba tháng đầu, sau đó tăng 1,5-2kg mỗi tháng cho đến khi sinh con. Mức tăng cân an toàn cho mẹ mang thai 25 tuần là tối đa từ 7-8kg so với trọng lượng ban đầu của cơ thể.

thai nhi 25 tuần: sức khỏe của mẹ

3. Thai 25 tuần đạp ít có sao không?

Thông thường, thai nhi 25 tuần tuổi sẽ hoạt động nhiều hơn và mạnh hơn trong bụng mẹ. Song có một số thời điểm trong ngày bé sẽ “nghỉ ngơi” nên cử động thai sẽ ít hơn.

Theo đó, nếu mẹ nhận thấy cử động thai ít hơn 10 lần trong 2 giờ, hãy thử một số cách kích thích cử động thai như uống sữa, uống nước, ăn nhẹ, vận động nhẹ nhàng rồi nằm thư giãn. Nếu vẫn thấy bé ít đạp hơn và không yên tâm, mẹ hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Kết luận

Thai nhi 25 tuần tuổi đã đạt được những mốc phát triển quan trọng về cả thể chất lẫn chức năng cơ thể. Sự tăng trưởng của thai 25 tuần, từ cân nặng đến các chuyển động rõ rệt không chỉ là dấu hiệu phát triển tích cực mà còn là bước tiến quan trọng để chuẩn bị cho cuộc sống ngoài tử cung. 

Hiểu rõ sự phát triển của thai nhi 25 tuần tuổi và những thay đổi ở sức khỏe mẹ bầu sẽ giúp mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất cho những tuần thai tiếp theo. Mẹ hãy tiếp tục theo dõi sát quá trình phát triển của bé và khám thai định kỳ đúng lịch để đảm bảo sự chăm sóc tốt nhất cho cả mẹ và bé nhé!

[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Poppy seed to pumpkin: How big is your baby?

http://www.babycenter.com/slideshow-baby-size

Ngày truy cập: 3/10/2024

Pregnancy calendar week 25

http://kidshealth.org/parent/pregnancy_center/pregnancy_calendar/week25.html

Ngày truy cập: 3/10/2024

Your pregnancy: 25 weeks

http://www.babycenter.com/6_your-pregnancy-25-weeks_1101.bc

Ngày truy cập: 3/10/2024

Week 25 – your 2nd trimester

https://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/2nd-trimester/week-25/

Ngày truy cập: 3/10/2024

Pregnancy at week 25

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/pregnancy-at-week-25

Ngày truy cập: 3/10/2024

The World Health Organization Fetal Growth Charts: A Multinational Longitudinal Study of

Ultrasound Biometric Measurements and Estimated Fetal Weight

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5261648/pdf/pmed.1002220.pdf

Ngày truy cập: 3/10/2024

Phiên bản hiện tại

29/10/2024

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Bổ sung sắt cho mẹ bầu và sau sinh như thế nào cho hiệu quả, an toàn?

Bí quyết chọn serum cho bà bầu: Làm đẹp an toàn trong thai kỳ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 29/10/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo