Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước ối
Các bác sĩ không phải lúc nào cũng biết điều gì gây ra tình trạng ít nước ối. Tình trạng này phổ biến nhất vào cuối tam cá nguyệt thứ 3, đặc biệt nếu bạn quá ngày dự sinh. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:
Nguyên nhân thiếu nước ối – Màng ối bị rò rỉ
Một vết rách nhỏ trong màng ối có thể làm cho nước ối thoát ra ngoài. Điều này có thể xảy ra bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ, nhưng phổ biến hơn khi bạn càng gần tới ngày sinh con. Mẹ bầu có thể nhận thấy sự rò rỉ nước ối nếu đồ lót bị ướt hoặc bác sĩ phát hiện ra trong quá trình thăm khám âm đạo. Vì vậy, bạn hãy nói cho bác sĩ biết nếu nghi ngờ màng ối bị rò rỉ.
Khi màng ối bị rách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho cả bạn và thai nhi, vì nó tạo ra điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào túi ối. Thỉnh thoảng, vết rách trong túi sẽ tự lành, tình trạng rò rỉ sẽ biến mất và mức nước ối sẽ trở lại bình thường. Trường hợp này thường gặp nếu sự rò rỉ xảy ra sau khi làm thủ thuật chọc ối. Còn màng ối rách nhiều hơn dẫn đến vỡ nước ối. Lúc này, bạn phải nhanh chóng đến bệnh viện để kịp thời xử lý.
Các vấn đề về nhau thai
Vấn đề với nhau thai thường là nhau bong non, có nghĩa là một phần hay toàn bộ nhau thai tách ra thành tử cung. Nếu nhau thai không cung cấp đủ máu và chất dinh dưỡng cho thai nhi thì thai nhi sẽ ngừng sản xuất nước tiểu làm cho lượng dịch ối thấp.
Nguyên nhân thiếu ối – Mang song thai hoặc đa thai

Bạn sẽ có nguy cơ thiếu ối nếu mang song thai hoặc đa thai. Tình trạng này có thể xảy ra trong trường hợp hội chứng truyền máu song thai. Hội chứng này khiến một bào thai có quá ít nước ối, trong khi bào thai kia có quá nhiều.
Một số vấn đề y khoa khác
Một số bệnh như cao huyết áp mạn tính, tiền sản giật, tiểu đường và lupus cũng có thể dẫn đến lượng nước ối thấp.
Nguyên nhân nước ối ít liên quan đến bất thường ở thai nhi
Nếu bạn thấy có ít nước ối trong tam cá nguyệt đầu hoặc tam cá nguyệt thứ 2, điều này là dấu hiệu cho thấy có thể thai nhi có dị tật bẩm sinh. Trong trường hợp thận của bé không phát triển đúng cách hoặc đường dẫn tiểu bị tắc, thai nhi sẽ không sản xuất đủ nước tiểu để duy trì thể tích nước ối.
Mẹ bầu nên làm gì khi bị chẩn đoán là thiểu ối?
Nếu bị chẩn đoán là thiếu nước ối, bác sĩ sẽ theo dõi sát thai nhi để chắc chắn rằng con vẫn tiếp tục phát triển bình thường hoặc nếu bạn đang gần đến ngày dự sinh, có thể bạn sẽ được khởi phát chuyển dạ. Trong một số trường hợp, ví dụ như mẹ bầu bị tiền sản giật nghiêm trọng hoặc thai nhi không phát triển bình thường trong tử cung thì cần phải sinh con sớm.
Mực nước ối thấp làm tăng khả năng gây biến chứng trong thời gian chuyển dạ, bởi vì thể tích nước ối thấp sẽ làm cho các cử động của bé hoặc các cơn co thắt của bạn gây đè ép lên dây rốn. Trong thời gian chuyển dạ, bác sĩ đặt một ống thông mềm qua cổ tử cung để có thể bơm một lượng dịch (thường là nước muối sinh lý) vào túi nước ối để giảm nguy cơ chèn ép dây rốn. Nếu thai nhi không thể vượt qua một cách an toàn, bác sĩ sẽ đề nghị bạn sinh mổ.
Nước ối góp phần rất quan trọng đối với mẹ bầu trong những tháng thai kỳ. Mong rằng với những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp mẹ bầu có những tháng thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!