backup og meta

Bác sĩ nhắc 13 dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện mẹ bầu nhớ

Bác sĩ nhắc 13 dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện mẹ bầu nhớ

Việc nhận biết các dấu hiệu sắp sinh rất quan trọng để mẹ bầu chuẩn bị tâm lý, sức khỏe và hành lý cho cuộc vượt cạn. Từ đó, mẹ bầu sẽ chủ động hơn trong việc chăm sóc bản thân, đảm bảo quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi và an toàn. 

Trong bài viết này, mẹ bầu hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu chuyển dạ là gì, làm sao biết mình sắp sinh và cần làm gì khi sắp đến ngày sinh nở.

Chuyển dạ là gì?

Chuyển dạ quá trình diễn ra một loạt các cơn co thắt liên tục, mạnh dần của tử cung, giúp cổ tử cung giãn ra và mỏng đi. Điều này cho phép thai nhi di chuyển ra ngoài âm đạo

Chuyển dạ thường bắt đầu từ hai tuần trước ngày dự sinh hoặc thậm chí xuất hiện sau ngày dự sinh. 

Quá trình chuyển dạ sẽ khác nhau ở mỗi người. Một số người chuyển dạ nhanh. Trong khi đó có người lại chuyển dạ khó khăn và kéo dài hơn. Thậm chí, quá trình chuyển dạ của vài trường hợp bị đình trệ hoặc dừng lại, buộc phải can thiệp y tế.

Thông thường, chuyển dạ được chia thành ba giai đoạn: 

Giai đoạn xóa mờ cổ tử cung: Ban đầu, bạn có thể không nhận ra mình đang có dấu hiệu sắp sinh vì các cơn co thắt nhẹ và không đều. Giai đoạn này lại được chia thành hai giai đoạn nhỏ hơn, là:

  • Giai đoạn tiềm tàng được đánh dấu bằng các cơn co thắt, thường xảy ra cách nhau từ 5-20 phút. Cổ tử cung giãn ra khoảng 3 đến 4cm và mỏng hơn. Đây thường là giai đoạn chuyển dạ dài nhất và ít dữ dội nhất. Các sản phụ sẽ nhập viện ở giai đoạn này để bác sĩ xác định độ giãn nở của cổ tử cung.
  • Giai đoạn tích cực được báo hiệu bằng sự giãn nở của cổ tử cung từ 4 – 10cm. Các cơn co thắt dài hơn, mạnh hơn, tần suất từ 3-4 phút mỗi cơn. Phần lớn giai đoạn tích cực ngắn hơn giai đoạn tiềm tàng.

Co thắt chuyển dạ

Giai đoạn sổ thai: Thường được gọi là giai đoạn rặn đẻ, bắt đầu khi cổ tử cung mở hoàn toàn và kết thúc bằng việc sinh con. Lúc này, sản phụ cần rặn tích cực để đẩy em bé ra. 

Giai đoạn sổ thai thường ngắn hơn giai đoạn xóa mờ cổ tử cung và có thể mất từ ​​​​30 phút đến 3 giờ nếu là lần mang thai đầu tiên.

Giai đoạn sổ nhau: Sau khi em bé chào đời, nhau thai (cơ quan nuôi dưỡng em bé bên trong tử cung) đi ra khỏi tử cung và qua âm đạo. Quá trình sổ nhau thai có thể mất đến 30 phút.

Vì mỗi lần chuyển dạ là khác nhau nên thời gian cần thiết cho từng giai đoạn cũng khác nhau. Nếu không cần gây chuyển dạ, hầu hết phụ nữ sẽ sinh thường trong vòng 10 giờ kể từ khi nhập viện
Quá trình chuyển dạ thường diễn ra ngắn hơn ở những lần mang thai sau.
Chuyển dạ xảy ra vào tuần thứ 37 đến trước 42 tuần là bình thường, em bé sinh ra đủ tháng
Nếu có dấu hiệu sắp sinh và chuyển dạ sớm là chuyển dạ xảy ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ, hay còn gọi là sinh non. Khoảng 8 trong số 100 trẻ sơ sinh sẽ sinh non.
Cơn chuyển dạ sinh con xuất hiện từ tuần thai thứ 42 trở đi, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng được gọi là thai quá ngày. Lúc này, dù có dấu hiệu sắp sinh hay chưa thì bác sĩ cũng sẽ có biện pháp can thiệp để chủ động giúp em bé chào đời.

Làm sao biết mình sắp sinh? 13 dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh rõ ràng nhất

1. Bụng bầu tụt xuống dưới

Dấu hiệu sắp sinh khá điển hình là thai nhi di chuyển xuống xương chậu của người mẹ, khiến vị trí bụng bầu tụt xuống dưới. Quá trình này có thể xảy ra vài tuần hoặc vài giờ trước khi chuyển dạ (thường ở tuần thai 36 – 38). 

Mẹ bầu sẽ cảm thấy áp lực vùng bụng dưới tăng lên. Cũng nhờ đó mà mẹ không còn khó thở như trước.

2.Âm đạo tăng tiết dịch nhầy

Trong thời kỳ mang thai, có một khối chất nhầy dày gọi là nút nhầy chặn lỗ mở của cổ tử cung. Nút này đóng tử cung lại, ngăn vi khuẩn xâm nhập vào. 

Khi chuyển dạ, cổ tử cung bắt đầu mềm, mỏng và mở ra thì nút nhầy được đẩy ra ngoài âm đạo. Ở từng người, nút nhầy sẽ có màu sắc khác nhau, trong suốt, hồng hoặc lẫn chút máu. 

Quá trình chuyển dạ có thể bắt đầu ngay sau khi bung nút nhầy hoặc vài tuần sau đó. Nếu mẹ bầu ra dịch nhầy lẫn với một chút máu rất nhỏ thì có thể đây là dấu hiệu sắp sinh, nên đến bệnh viện. 

Ngoài ra, mẹ bầu phải thận trọng với mọi tình huống chảy máu khác và hỏi ý kiến bác sĩ ngay, đặc biệt là khi lượng máu nhiều.

3. Dấu hiệu sau sinh đặc biệt: Đau lưng

Có một dấu hiệu sắp sinh ít mẹ bầu biết là đau lưng. Đây là tình trạng đau và khó chịu ở vùng lưng dưới xảy ra khi chuyển dạ. 

Nguyên nhân là do phần sau đầu của thai nhi đè vào cột sống phía dưới và xương cụt, trong khi mặt và phần trước cơ thể hướng về phía bụng. Mức độ đau nặng nhất khi có cơn gò nhưng một số mẹ cũng bị đau giữa các cơn gò.

Lúc này, mẹ bầu cảm thấy đau dữ dội, có thể liên tục. Đau tăng dần sau mỗi cơn gò, thậm chí đau xuyên suốt không nghỉ. Cơn đau có thể lan tới hông.

4. Cơn gò – Dấu hiệu sắp sinh dễ bị nhầm lẫn

Các cơn chuyển dạ giả (Braxton Hicks) có thể bắt đầu xảy ra với tần suất không đều nhau. Đây chỉ là cảnh báo chứ chưa hẳn là dấu hiệu sắp sinh. Thai phụ cần phân biệt rõ giữa cơn chuyển dạ giả và cơn chuyển dạ thực sự.

Cơn chuyển dạ giả được mô tả là một cơn co thắt đột ngột, mạnh ở cơ bụng, nhưng không theo một khuôn mẫu nào, cũng không tiến triển theo thời gian. Khi người mẹ nằm xuống hoặc thư giãn, có thể cơn co này sẽ mất đi. Trong khi đó, các cơn gò chuyển dạ sinh con thực sự có cùng một kiểu giống nhau, liên tục trong một khoảng thời gian dài, mạnh dần lên.

5. Vỡ ối

Đây là tình trạng vỡ màng ối (bọc nước bao bọc em bé). Đây cũng là dấu hiệu sắp sinh rất điển hình. Mẹ có thể cảm thấy có một lượng chất lỏng ồ ạt hoặc nhỏ giọt ra ngoài âm đạo, liên tục chứ không dừng lại như khi bị són tiểu. Chất lỏng đó thường không có mùi, trong suốt hoặc vàng nhạt có lẫn dịch nhầy. 

Khi gặp dấu hiệu sắp sinh này, mẹ bầu cần nhanh chóng nhập viện.

6. Mót rặn

Việc thai nhi lọt xuống khung chậu sẽ đè lên trực tràng, khiến cho mẹ muốn rặn giống như đi đại tiện. Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ nhịn rặn cho đến khi cổ tử cung mở hoàn toàn.

7. Rò rỉ sữa non

Sữa non (chất lỏng trong vú nuôi dưỡng em bé cho đến khi có sữa mẹ) có thể bắt đầu rỉ ra từ núm vú. 

8. Tiêu chảy – một trong những dấu hiệu sắp đẻ con dễ nhầm lẫn

Nhiều mẹ bầu thường thắc mắc mang thai 39 – 40 tuần bị tiêu chảy có phải là dấu hiệu sắp đẻ con hay không? Câu trả lời là trong trường hợp này, việc mẹ bầu bị tiêu chảy cũng có thể là một dấu hiệu sắp sinh.

Buồn đi đại tiện nhiều có phải sắp sinh không? Thực tế, những thay đổi trong chế độ ăn uống, nội tiết tố, việc sử dụng thuốc… đều có thể khiến bạn bị tiêu chảy trong thai kỳ. Tuy nhiên, khi đã sắp đến ngày dự sinh, việc bị tiêu chảy cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn nên chuẩn bị chào đón bé yêu chào đời.

Nguyên nhân của tình trạng tiêu chảy khi chuyển dạ là do các hormone được tạo ra nhằm tạo thuận lợi cho sự ra đời của em bé có thể kích thích nhu động ruột, khiến bạn bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Điều này thường khiến bạn mệt mỏi vì mất nước nhưng đừng quá lo lắng vì đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể. 

Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là hãy uống nhiều nước để tránh mất nước. Nếu tình trạng tiêu chảy quá nghiêm trọng, bạn nên đi khám để bác sĩ có những chỉ định y khoa thích hợp.

9. Dấu hiệu sắp sinh: Giảm cân hoặc ngừng tăng cân

dấu hiệu sắp sinh

Vào cuối thai kỳ, cân nặng của bạn thường ổn định hoặc thậm chí có thể sụt cân. Điều này là bình thường, bạn không cần lo lắng vì sẽ không ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do lượng nước ối giảm đi và chuẩn bị cho bé ra đời.

10. Mệt mỏi và muốn ngủ nhiều hơn cũng là biểu hiện chuyển dạ 

Việc mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và muốn ngủ nhiều hơn cũng là một dấu hiệu sắp sinh cần lưu ý. Bụng bầu ngày càng to, tạo áp lực lên bàng quang khiến bạn phải đi tiểu đêm thường xuyên nên khó có thể ngủ yên giấc mỗi đêm. Do đó, nếu bất cứ khi nào cảm thấy buồn ngủ, bạn nên tranh thủ chợp mắt dưỡng sức để có sức khỏe cho giai đoạn quan trọng sắp tới.

Ngược lại, ở giai đoạn này cũng có không ít bà mẹ bỗng trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn khác thường, thích dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị đồ đi sinh hơn. Đây cũng có thể xem là một dấu hiệu sắp sinh khi bản năng làm mẹ của bạn trỗi dậy và bạn muốn chuẩn bị tốt nhất để chào đón bé yêu của mình.

Bà bầu sắp đẻ cần ngủ nhiều hơn

11. Dấu hiệu sắp sinh em bé: Bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn

Một trong những biểu hiện sắp sinh mà các mẹ bầu nên chú ý là tình trạng bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn. Thực tế là khi sắp sinh em bé, nhiều mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy những cơn chuột rút xuất hiện thường xuyên hơn. Đồng thời, tình trạng đau mỏi vùng lưng hoặc hai bên háng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt nếu đây là lần đầu tiên bạn mang thai, các dấu hiệu này có thể sẽ rõ ràng hơn. Nguyên nhân là do các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung ở giai đoạn cuối thai kỳ sẽ bị kéo căng ra chuẩn bị cho thai nhi ra đời.

12. Dấu hiệu sắp sinh: Giãn khớp

Giãn khớp vào giai đoạn cuối thai kỳ có phải một dấu hiệu sắp sinh con không? Trong suốt thai kỳ, dây chằng giữa các khớp xương sẽ trở nên mềm hơn. Bạn sẽ nhận ra điều này rõ ràng hơn khi chuẩn bị bước vào giai đoạn sinh nở. Lúc này, các khớp xương trở nên linh hoạt hơn để giúp khung xương chậu mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dạ.

13. Các dấu hiệu sắp sinh khác

Nhiều phụ nữ có một số dấu hiệu tiền chuyển dạ có thể gợi ý rằng quá trình chuyển dạ sẽ sớm bắt đầu. Những dấu hiệu sắp sinh này bao gồm:

  • Bụng khó chịu.
  • Huyết áp có thể giảm khi thai nhi đè lên tĩnh mạch chính dẫn máu về tim.
  • Tần suất đi tiểu tăng trở lại do thai nhi đè lên bàng quang.
  • Thai nhi tỏa nhiệt từ cơ thể, khiến người mẹ cảm thấy nóng bức.
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Bản năng “làm tổ” khiến chị em muốn dọn dẹp và sắp xếp nhà cửa để chào đón con yêu.

dấu hiệu chuyển dạ

Bà bầu sắp sinh nên ăn gì để hỗ trợ quá trình chuyển dạ?

1. Thực phẩm nên bổ sung trước khi chuyển dạ

  • Các loại thực phẩm giàu năng lượng và dinh dưỡng như trái cây và rau, thực phẩm chứa tinh bột nguyên cám (bánh mì, khoai tây, ngũ cốc ăn sáng, cơm, cháo, mì), thực phẩm giàu đạm, sữa.
  • Đồ ăn giúp mềm cổ tử cung gồm dứa (hoặc nước ép dứa), trà lá mâm xôi đỏ.

2. Những thực phẩm nên tránh khi có dấu hiệu sắp sinh hoặc đã gần ngày sinh

  • Đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ gây đầy bụng, khó tiêu.
  • Đồ uống kích thích như cà phê, rượu và đồ uống có nhiều đường.
  • Thực phẩm chưa được nấu chín.
  • Đồ ăn đóng hộp hay chế biến sẵn.
  • Tránh ăn mặn.

Lời khuyên của chuyên gia về chăm sóc mẹ bầu sắp sinh

Khi có dấu hiệu sắp sinh, mẹ bầu cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt hơn. Ngoài việc lưu ý đến các dấu hiệu chuyển dạ và ăn uống khoa học như trên, hãy ghi nhớ thêm những lời khuyên dưới đây:

Với thai kỳ đủ tháng

Khi gần đến cuối thai kỳ, bạn nên trao đổi với bác sĩ về cách đối phó với cơn đau và sự khó chịu trong quá trình chuyển dạ. Bên cạnh đó, khi có các dấu hiệu sắp sinh, mẹ bầu có thể áp dụng các mẹo sau:

  • Hãy giải khuây bằng cách đi dạo, đi mua sắm hoặc xem phim.
  • Ngâm mình trong bồn nước ấm hoặc tắm nước ấm. 
  • Tập thể dục nhẹ nhàng với bóng yoga.
  • Nghe nhạc.
  • Sử dụng ánh đèn mờ trong phòng.
  • Xông tinh dầu.
  • Đi mát-xa.
  • Giữ tư thế thẳng đứng. Điều này có thể giúp em bé hạ xuống khung chậu và xoay người.
  • Cố gắng ngủ vào buổi tối để tích trữ năng lượng.

Hãy gọi cho bác sĩ nếu có bất kỳ cơn co thắt nào kéo dài hơn 2 phút hoặc có 6 cơn co thắt trở lên sau mỗi 10 phút.

Dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện

Với thai kỳ thiếu tháng

Mọi tín hiệu chuyển dạ xảy ra khi thai nhi chưa đủ 37 tuần đều nguy hiểm và cần được can thiệp y tế.

Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đi viện ngay nếu bạn mang thai dưới 37 tuần và có những dấu hiệu sắp sinh như:

  • Cơn gò xảy đến thường xuyên.
  • Đau bụng giống như đau bụng kinh.
  • Có dấu hiệu vỡ ối 
  • Đau lưng bất thường.

Bạn cũng có thể gọi cho bác sĩ nếu lo lắng về bất kỳ điều gì.

Thai đã quá 40 tuần

Không phải lúc nào thai quá ngày cũng nguy hiểm, nhưng tình trạng này cần được theo dõi và xử trí phù hợp. Bởi vì, cơ thể mẹ có thể không còn phù hợp cho thai nhi phát triển nữa.

Nếu đã đủ 40 tuần mà chưa có dấu hiệu sắp sinh, mẹ bầu nên đi khám để bác sĩ hướng dẫn cụ thể. Thông thường, bác sĩ sẽ kích sinh hoặc chỉ định sinh mổ nếu cần thiết ở tuần thai 41 trở đi. Điều này giúp giảm biến chứng cho cả mẹ và em bé.

Những câu hỏi thường gặp về dấu hiệu sắp sinh

1. Khi nào thai nhi lọt xuống xương chậu? 

Đầu thai nhi thường sẽ quay xuống dưới trong vài tuần cuối của thai kỳ (thường là tuần 36-38). Khi đó, bạn có thể nhận thấy bụng bầu dường như nhích xuống một chút. Đôi khi, đầu em bé không vào khung chậu cho đến khi quá trình chuyển dạ bắt đầu.

2. Dịch nhầy như thế nào thì sắp sinh và nên đi viện ngay?

Nếu bị bung nút nhầy, với dịch nhầy lẫn một chút máu thì đây là dấu hiệu sắp sinh và bạn nên nhập viện.

Nếu bạn bị chảy máu âm đạo nhiều như kinh nguyệt thông thường, hãy nhanh chóng đến bệnh viện ngay để bác sĩ kiểm tra.

3. Làm sao phân biệt máu báo với dấu hiệu nguy hiểm khác?

Thông thường, dấu hiệu sắp sinh cảnh báo chuyển dạ bắt đầu là bung nút nhầy kèm một chút máu báo. Lượng máu này xuất hiện là do các tĩnh mạch nhỏ bị rách khi cổ tử cung bắt đầu mở (giãn ra), giúp thai nhi có thể đi qua âm đạo. Lượng máu trong dịch nhầy là rất ít.

Ngoài dấu hiệu kể trên, bất kỳ sự chảy máu nào khác đều có thể cảnh báo nguy hiểm. Chúng có thể là triệu chứng của nhau tiền đạo, mạch máu tiền đạo, bong nhau non hoặc vỡ tử cung. Mẹ bầu cần phải đến bệnh viện ngay lập tức để bác sĩ thăm khám và điều trị.

4. Có phải đau lưng là dấu hiệu sắp sinh?

Bà bầu đau lưng

Đau lưng trong thai kỳ khác với đau lưng chuyển dạ. Như đã nói ở trên, cơn đau lưng là dấu hiệu sắp sinh khi có tính chất dữ dội (liên tục hoặc không), đau hơn nhiều so với bình thường. 

Cơn đau tăng dần sau mỗi cơn gò và đôi khi không thuyên giảm giữa các cơn gò. Cảm giác đau đớn có thể lan tới hông.

5. Cơn đau đẻ có cảm giác như thế nào?

Cơn đau đẻ được mô tả như sau:

  • Giống như đau bụng kinh dữ dội và rất mạnh. 
  • Cảm giác thắt chặt giống như sóng, bắt đầu từ đỉnh tử cung và di chuyển xuống phía dưới.
  • Cảm giác bị ép hoặc đẩy khắp bụng.
  • Đau đến mức sản phụ không thể đi lại hay nói chuyện được.

Trong cơn gò, tử cung sẽ cứng lại. Giữa các cơn gò, tử cung giãn ra và mềm mại hơn. Lúc này, người mẹ cảm thấy nhẹ nhõm và có thể nói chuyện được. Các cơn gò ngày càng mạnh hơn, dày đặc hơn và kéo dài hơn.

6. Dấu hiệu chuyển dạ tuần 36

Ở tuần thai này, thỉnh thoảng người mẹ có thể nhận thấy cảm giác thắt chặt ở bụng dưới. Đây là cơn gò giả.

Khi các cơn co thắt kéo dài hơn, mạnh hơn và thường xuyên hơn. Đây là dấu hiệu sắp sinh, cho thấy quá trình chuyển dạ đang bắt đầu.

Nếu quá trình chuyển dạ xảy ra ở tuần thai 36, em bé được coi là sinh non.

dấu hiệu chuyển dạ tuần 36

7. Dấu hiệu chuyển dạ tuần 37

Vào tuần thứ 37, thai kỳ đủ tháng. Nếu đây là lần mang thai đầu tiên của người mẹ, em bé di chuyển xuống dưới để sẵn sàng chào đời. Mẹ bầu sẽ thấy thoải mái hơn và thấy áp lực tăng lên ở bụng dưới.

Nếu đây không phải là lần mang thai đầu tiên, em bé có thể không di chuyển xuống cho đến khi chuyển dạ.

Bạn có thể thấy một dấu hiệu sắp sinh khác là núm vú của mình rỉ ra một ít sữa. Điều này rất bình thường.

8. Dấu hiệu chuyển dạ tuần 38

Quá trình chuyển dạ thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ 38 đến tuần thứ 42 của thai kỳ. Mẹ hãy lưu ý những dấu hiệu sắp sinh để kịp thời nhập viện.

9. Dấu hiệu chuyển dạ tuần 39

Trong những tuần cuối như tuần thứ 39, đầu em bé đã rơi vào khung chậu và mẹ sẽ thấy bụng dưới nặng nề hơn, nhưng không còn khó thở như trước nữa.

Khi có dấu hiệu sắp sinh, bác sĩ sẽ xét nghiệm nước tiểu và huyết áp để xem mẹ có gặp phải tình trạng tiền sản giật hay không. Triệu chứng đáng lưu ý là đau đầu dữ dội, gặp vấn đề về thị lực, đau ngay dưới xương sườn, sưng đột ngột ở tay – mặt hoặc chân.

10. Dấu hiệu chuyển dạ tuần 40

Tuần thai 40 là tuần kết thúc thường gặp của thai kỳ. Có nhiều chị em sẽ có dấu hiệu sắp sinh và chuyển dạ tại thời điểm này. Nếu không có dấu hiệu sắp sinh, bác sĩ sẽ trao đổi với mẹ xem có sử dụng biện pháp gây chuyển dạ hay không.

Tóm lại, mẹ bầu cần nhận biết các dấu hiệu sắp sinh như bụng bầu tụt xuống, đau bụng, rỉ nước ối, chảy máu bất thường, đau lưng hay có những cơn co thắt chuyển dạ liên tục,… để đến bệnh viện ngay. Việc này giúp mẹ và bé được chăm sóc kịp thời, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sinh nở.

Hãy chuẩn bị tốt và luôn sẵn sàng để đón nhận khoảnh khắc em bé chào đời!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Labor https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/labor Ngày truy cập: 25/12/2024

You and your baby at 36 weeks pregnant https://www.nhs.uk/pregnancy/week-by-week/28-to-40-plus/36-weeks/ Ngày truy cập: 25/12/2024

Labor and delivery, postpartum care https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/labor-and-delivery/basics/labor-and-delivery/hlv-20049465 Ngày truy cập: 25/12/2024

Back Labor https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/21767-back-labor Ngày truy cập: 25/12/2024

Healthy eating in pregnancy https://www.nhs.uk/start-for-life/pregnancy/healthy-eating-in-pregnancy/ Ngày truy cập: 25/12/2024

Healthy eating inEat Healthy During Pregnancy: Quick Tips pregnancy https://odphp.health.gov/myhealthfinder/pregnancy/nutrition-and-physical-activity/eat-healthy-during-pregnancy-quick-tips Ngày truy cập: 25/12/2024

Phiên bản hiện tại

26/12/2024

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Bạn có thể tự kích thích chuyển dạ hay không?

[Giải đáp thắc mắc của mẹ bầu] Bụng căng cứng có phải sắp sinh?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: Vừa xong

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo