backup og meta

Sinh mổ lần 4 được không? Mẹ cần lưu ý những gì để tránh rủi ro?

Sinh mổ lần 4 được không? Mẹ cần lưu ý những gì để tránh rủi ro?

Sinh mổ lần 4 có được không? Nếu buộc phải sinh mổ thêm lần nữa, làm thế nào để giảm các nguy cơ là những câu hỏi của không ít mẹ bầu. Nguyên do là có rất nhiều luồng thông tin cho rằng, mẹ sinh mổ chỉ nên sinh 2 lần để đảm bảo sức khỏe.  

Thực chất việc sinh mổ nhiều lần luôn tiềm ẩn một số rủi ro. Phẫu thuật lần sau có thường có thể phức tạp hơn lần trước. Vì vậy, mẹ bầu nên cẩn trọng và cần tư vấn sinh mổ lần 4. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ lần lượt giải đáp từng thắc mắc cho bạn xoay quanh vấn đề này. 

Đi tìm lời giải cho việc sinh mổ lần 4 có nguy hiểm không?

Có 1001 lý do để mẹ bầu phải sinh mổ lần 4, ngoài chuyện giảm đau thì còn liên quan đến độ tuổi sinh nở, tình trạng sức khỏe của người mẹ hay thậm chí là vì sở thích, nhu cầu cá nhân. Dù thế nào đi chăng nữa thì việc phẫu thuật luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe và nguy cơ này sẽ ngày một gia tăng sau mỗi lần sinh mổ.

Trả lời cho thắc mắc: “Đẻ mổ lần 4 có nguy hiểm không?”, Hello Bacsi liệt kê những rủi ro mà bạn có thể gặp phải sau đây:

1. Mất nhiều thời gian để phục hồi

Trái với lúc mổ lấy thai, chỉ mất 20 – 30 phút là mẹ đã có thể thấy mặt con, thời gian phục hồi sau sinh mổ thường lâu hơn rất nhiều so với sinh qua ngả âm đạo.

Thông thường, nếu đẻ mổ lần đầu, mẹ sẽ phải mất từ 4 – 5 ngày nằm viện để theo dõi và 6 tuần nghỉ ngơi tại nhà cho đến khi sức khỏe bình ổn trở lại. Nhưng với trường hợp sinh mổ lần 4 thời gian phục hồi sẽ kéo dài hơn do cơ thể lúc này đã yếu lại phải chịu đựng cơn đau do vết mổ. Chưa kể, quá trình phẫu thuật có thể phạm phải vết sẹo mổ lấy thai cũ.

2. Sinh mổ lần 4 làm gia tăng nguy cơ tổn thương bàng quang

rủi ro khi sinh mổ

Đôi khi một vài thủ thuật trong quá trình đẻ mổ vô tình chạm vào bàng quang khiến cơ quan này tổn thương dẫn đến tình trạng bí tiểu sau sinh mổ. Đây là hiện tượng mà người sản phụ sau sinh có cảm giác buồn tiểu nhưng không thể nào “xả bầu tâm sự” được.

Triệu chứng bí tiểu còn rõ nét hơn nếu mẹ trải qua quá trình gây mệ và gây tê, bởi một số thuốc (chẳng hạn Buvipacain hay Fentanyl) có thể làm mất cảm giác vùng bụng dưới đến 8 giờ. Rất may là những tổn thương ở bàng quang vẫn có biện pháp khắc phục dễ dàng.

3. Gây thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi xảy ra do cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch vùng chậu, chi dưới đi theo tuần hoàn rồi mắc kẹt tại một trong những mạch máu ở phổi. Bệnh khiến sản phụ thấy khó thở (mức độ từ nhẹ đến nặng), tim đập nhanh, đau ngực thậm chí ngừng tim và tử vong dù đã được cấp cứu ngay tức khắc.

Trường hợp thai phụ sinh mổ lần 4 tử vong có nguy cơ cao ở những sản phụ thừa cân, có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp hoặc gia đình có người bị rối loạn đông máu.

4. Nhau thai bất thường nếu mẹ dự tính sinh mổ lần 4

Mổ lấy thai nhiều lần, mẹ bầu có thể đối mặt với những vấn đề liên quan đến nhau thai trong những lần mang thai kế tiếp. Cụ thể là:

  • Nhau bong non: Nhau thai rời khỏi thành tử cung trước khi sinh khiến thai nhi không nhận đủ oxy và dinh dưỡng
  • Nhau tiền đạo: nhau thai phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung có thể gây băng huyết trong thai kỳ và cả khi sinh rất nguy hiểm
  • Nhau cài răng lược: là hiện tượng nhau bám quá chắc và sâu vào thành tử cung, thậm chí xâm lấn sang các cơ quan kề cận (như bàng quang) làm tăng nguy cơ sinh non hoặc ra máu nhiều khi chuyển dạ, khả năng phải cắt bỏ tử cung nếu nhau cài răng lược thể nặng.

5. Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Sinh mổ lần 4, mẹ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao. Lý do vì khi gặp điều kiện thuận lợi, các vi khuẩn gây bệnh cơ hội thường trực ở âm đạo sẽ xâm nhập vào tử cung gây nhiễm trùng tùy mức độ. Nhẹ sẽ là nhiễm trùng tại vết mổ, trường hợp hiếm hoi vi trùng gây bệnh sẽ lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Sinh mổ lần thứ 4, mẹ phải lưu ý những gì?

những lưu ý khi sinh mổ lần 4

Hẳn nhiều mẹ cũng trăn trở không biết kinh nghiệm sinh mổ lần 4 như thế nào, hãy yên tâm vì Hello Bacsi sẽ cung cấp và tư vấn sinh mổ lần 4 cho bạn thông qua những lời khuyên sau:

  • Tuân thủ những mốc khám thai định kỳ nhằm sớm phát hiện ra những bất thường ở thai nhi để có giải pháp xử lý kịp thời
  • Mang thai lần 4, bạn cần được nghỉ ngơi, giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, lao lực quá sức dễ ảnh hưởng xấu đến thai nhi
  • Theo dõi mọi diễn biến xảy ra với cơ thể suốt thai kỳ, nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ (đau bụng, ra máu, khó chịu…) hãy lập tức đến bệnh viện để kiểm tra ngay
  • Mẹ nên thường xuyên chia sẻ cùng người thân, nhất là chồng nếu rơi vào tình trạng căng thẳng khi mang thai hay có áp lực tâm lý 
  • Ngoài ra, bạn cũng nên chọn bệnh viện tuyến chuyên khoa uy tín để sinh.

Có trường hợp nào tử vong vì mổ lấy thai hay không?

Tuy hiếm gặp nhưng vẫn có ca sản phụ tử vong vì các biến chứng do sinh mổ lần thứ 4. Điều này có thể bắt nguồn từ việc nhiễm trùng lan rộng không kiểm soát được, tình trạng thuyên tắc phổi không phát hiện hay can thiệp kịp thời hay mẹ bị mất máu quá nhiều.

Tuy một số những biến chứng vừa nêu cũng có thể xảy ra trong trường hợp sinh qua ngả âm đạo, nhưng tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ phải sinh mổ lấy thai vẫn cao hơn đến 3 – 4 lần.

Trên đây là những chia sẻ về vấn đề sinh mổ lần 4. Nếu có dự định mang thai, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn ra phương án tốt nhất, nhằm hạn chế mọi rủi ro, đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn bé cưng.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Are multiple cesarean sections safe?

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/7821507/ Truy cập ngày 21/03/2022

MULTIPLE C-SECTIONS

https://healthcare.utah.edu/womenshealth/pregnancy-birth/multiple-c-sections.php Truy cập ngày 21/03/2022

How many C-sections can women safely have?

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/c-section/expert-answers/c-sections/faq-20058380 Truy cập ngày 21/03/2022

4th C-Section: Risks and Complications

https://parentinghealthybabies.com/fourth-cesarean-complications/

Ngày truy cập 22/01/2021

More C-sections, More Complications?

https://www.webmd.com/baby/news/20060607/more-c-sections-more-complications#1

Ngày truy cập 22/01/2021

Repeat C-sections: Is there a limit?

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/c-section/expert-answers/c-sections/faq-20058380

Ngày truy cập 22/01/2021

Phiên bản hiện tại

18/04/2023

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

10 cách hồi phục sức khỏe sau sinh mổ đơn giản mà hiệu quả

Giải đáp thắc mắc: Quy trình của một ca sinh mổ diễn ra như thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 18/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo