backup og meta

Lợi ích và tác hại của việc ăn cay

Lợi ích và tác hại của việc ăn cay

Tác dụng của ớt, tiêu hay những món ăn cay không chỉ kích thích vị giác của mỗi người và làm bữa ăn ngon miệng hơn mà còn rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, thói quen ăn cay không đúng cách có thể sẽ gây hại cho bạn đấy!

Bạn hãy cùng tìm hiểu những tác dụng, rủi ro cũng như những lưu ý khi ăn thực phẩm cay để nhận được những lợi ích sức khỏe tốt nhất từ gia vị này nhé.

Ăn cay có tốt không?

ăn cay có tốt không

Tác dụng của ăn cay không chỉ giúp bạn chữa bệnh, tăng tốc độ trao đổi chất, cải thiện hệ tiêu hóa mà còn làm tăng ham muốn chuyện chăn gối. Bạn hãy cùng tìm hiểu những lợi ích của ăn cay dưới đây.

1. Giúp bạn phòng chống cảm lạnh

Các loại ớt, sa tế cay có đầy đủ các vitamin A, vitamin C có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và thậm chí giúp cơ thể bạn chống lại các cơn cảm lạnh thông thường. Do vậy, việc ăn cay sẽ làm tăng thân nhiệt cho cơ thể. Đây cũng là đặc tính kháng khuẩn đặc biệt, có thể giết chết bất kỳ vi trùng gây cảm lạnh “từ trong trứng nước”.

2. Giúp bạn giảm cân

Một trong những “hiệu ứng” thú vị khi chúng ta dùng các loại thức ăn cay chính là chúng sẽ tác động không nhỏ đến vòng eo của bạn. Thực phẩm cay có chứa một hoạt chất tên là capsaicin. Chính hoạt chất này sẽ làm tăng tốc độ trao đổi chất của bạn bằng cách tăng nhịp tim và nhiệt độ cơ thể nên sẽ giúp vòng eo của bạn được cải thiện.

3. Giúp chữa bệnh và chống ung thư

Các chuyên gia đến từ Đại học Oxford (Anh), Trường Y thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã đưa kết luận, những người ăn cay hàng ngày hoặc cách ngày ăn 1 lần, giảm 14% nguy cơ tử vong sớm vì bệnh tật, đặc biệt là ung thư, bệnh tim mạch và hô hấp, so với những người ăn cay ít hơn 1 lần/tuần. Chất capsaicin có trong ớt cay có thể chống lại các cơn viêm, đau và vitamin C được xem là một là một chất chống nguy cơ ung thư trong tương lai.

4. Giúp bạn hưng phấn trong khi quan hệ

Bên cạnh các tác dụng có lợi đến sức khỏe, capsaicin cũng được chứng minh là một chất có tác dụng làm cho “chuyện ấy’ thêm hưng phấn hơn.

 5. Cải thiện hệ tiêu hóa

Trong ớt có chứa chất capsaicin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây loét dạ dày. Ví dụ, ớt bột cung cấp một lượng chất chống oxy hóa để hỗ trợ các vấn đề tiêu hóa như chữa lành dạ dày, giảm khí đường ruột, chữa tiêu chảy và hoạt động như một phương thuốc tự nhiên cho chứng chuột rút. Nếu bạn ăn cay vừa phải, hệ tiêu hóa sẽ tăng tiết dịch vị giúp tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng hơn đồng thời tránh bị đầy hơi.

6. Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Ớt có thể hỗ trợ hệ thống tuần hoàn và ngăn ngừa bệnh tim bằng cách giảm cholesterol huyết thanh và giảm lượng chất lipid đọng lại trong cơ thể. Do đó, cơ thể bạn giảm quá trình đông máu quá mức và cũng làm giãn các mạch máu để hỗ trợ tuần hoàn máu.

7. Giúp giảm đau

Trong quả ớt chín có chứa chất capsaicin có khả năng kích thích trí não sản sinh ra chất endorphin với tác dụng giảm đau, thích hợp cho những người bị viêm khớp mạn tính, đau đầu do thần kinh và các chứng đau do ung thư. Ở những người đau khớp, capsaicin có thể làm giảm tác dụng của chất “P”, một chất gửi tín hiệu đau đến não nên có tác dụng như một chất giảm đau lâu dài.

Khi bạn sử dụng ớt dưới dạng rượu hay dầu nóng và đắp trên da thì những sản phẩm này sẽ kích thích tại chỗ gây giãn tĩnh mạch, làm tăng lưu lượng máu cục bộ, làm tan những chỗ bị bầm máu và giúp giảm đau.

8. Ngăn ngừa hôi miệng

Vị cay trong bột tiêu có thể hoạt động như một chất khử trùng nên có thể giúp bạn cải thiện chất lượng hơi thở, ngăn ngừa hôi miệng.

9. Tăng sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể

Trong ớt có chứa nhiều vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh mẽ và dễ hòa tan trong nước nên làm tăng sức đề kháng và tăng cường miễn dịch của cơ thể.

10. Tăng cảm giác thèm ăn

Nếu cảm thấy chán ăn, bạn có thể thử một số đồ ăn cay để có cảm giác ngon miệng hơn. Đồ ăn cay không chỉ giúp bạn kích thích dạ dày mà còn kích thích khoang miệng, nâng cao khả năng tiêu hoá, tăng khả năng co bóp dạ dày. Do vậy, đồ ăn cay có thể giúp bạn cải thiện cảm giác chán ăn và thúc đẩy quá trình tiêu hoá.

Mặc dù việc ăn cay có thể mang đến cho bạn một số lợi ích nhất định nhưng nếu bạn ăn ớt, tiêu nhiều thì có thể gây hại cho sức khỏe. Vì thế, bạn cần cẩn thận khi ăn cay kẻo sẽ gặp “lợi bất cập hại”.

Tác hại của ăn cay

tác hại của ăn cay

Bên cạnh những lợi ích của ăn cay, bạn vẫn có thể gặp một số tác hại nếu sử dụng gia vị này không đúng cách. Vậy tác hại của ăn cay là gì?

1. Làm chứng ợ nóng trầm trọng hơn

Các loại thực phẩm cay không thực sự gây ra các chứng ợ nóng hoặc loét dạ dày nhưng việc ăn cay thường xuyên sẽ làm cho hai triệu chứng này tồi tệ hơn. Nếu bị chứng trào ngược dạ dày, bạn nên cắt giảm vị cay trong khẩu phần ăn của mình. Nếu bạn hay gặp phải chứng ợ nóng, hãy làm dịu cảm giác khó chịu này với một cốc sữa chua hoặc kem để trung hòa những gia vị cay này.

2. Dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa

Một trong những tác hại của các thực phẩm cay chính là những rắc rối mà chúng gây ra cho đường ruột. Vị cay đóng vai trò như một chất kích thích nên tác động đến đường ruột của bạn. Capsaicin trong ớt có thể hoạt động giống như thuốc nhuận tràng nên một số người sẽ có nguy cơ bị tiêu chảy khi dùng các loại thức ăn cay.

3. Làm giảm vị giác

Trái ngược với việc dùng các loại gia vị cay trong ngắn hạn là vị giác của bạn sẽ sụt giảm theo thời gian khi thường xuyên ăn các thực phẩm cay.

4. Làm cho da bị kích ứng

Việc này cũng tương tự như khi bạn vô tình dùng tay đã dính ớt quẹt vào mắt gây cay mắt và khó chịu. Do vị cay có thể gây ra những kích ứng da nghiêm trọng nên bạn hãy dùng một ít son dưỡng môi trước khi ăn để tạo một lớp bảo vệ mỏng cho môi của bạn. Bạn cũng nên rửa tay ngay sau khi sơ chế các loại thực phẩm có chứa ớt để tránh đưa tay lên mặt gây kích ứng da. 

5. Gây loét dạ dày

Tuy ớt có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây loét dạ dạy, nhưng nếu bạn ăn quá nhiều thì ớt sẽ gây ra tác dụng ngược lại như làm viêm dạ dày, nôn ói, đau nóng rát dạ dày hay trào ngược dịch vị. Những người bị viêm hay loét dạ dày nên hạn chế ớt tối đa để tránh gây hại cho niêm mạc dạ dày.

Nếu nghĩ mình gặp tình trạng loét dạ dày do ăn cay, bạn nên hỏi lời khuyên từ bác sĩ để ăn cay đúng cách hơn cũng như chữa trị bệnh của mình theo đúng chỉ định từ bác sĩ.

Nếu các triệu chứng của bạn là chứng khó tiêu, đi kèm theo đau ở hàm, ngực hoặc bạn gặp khó khăn khi nuốt, bạn cũng nên đến khám bác sĩ ngay nhé.

6. Gây nóng trong người

Tác hại của ớt, tiêu có thể khiến bạn bị nhiệt miệng, nổi mụn nhọt, làm nóng rát vùng dạ dày và đặc biệt là gây nóng trong người.

7. Làm mất ngủ

Nhiệt độ cơ thể của bạn sẽ tăng lên sau khi ăn cay nên sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ của bạn. Tốt nhất, bạn không nên ăn cay vào buổi tối.

8. Dễ nổi mụn

Vị cay có thể gây kích ứng da, làm nóng da và khiến da dễ bị nổi mụn. Đối với phụ nữ có thai khi ăn cay sẽ dễ gây bệnh dị ứng cho con sau này, con sinh ra dễ bị rôm sẩy, nóng nhiệt trong người.

Lưu ý khi ăn cay để bảo vệ sức khỏe

lưu ý khi ăn cay để bảo vệ sức khỏe

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân khỏi những tác hại của việc ăn cay, bạn nên lưu ý những điều dưới đây:

• Không ăn quá nhiều ớt: Nếu ăn ớt quá nhiều, vị cay sẽ lấn át mùi vị của những món ăn khác khiến bạn không thưởng thức được trọn vẹn mùi vị của món ăn. Hơn nữa, ớt còn gây hại cho dạ dày của bạn. Vì vậy, bạn chỉ nên chế biến ớt vừa phải cùng với nhiều món ăn khác nhau để đảm bảo độ ngon mà không ảnh hưởng tới sức khỏe.

• Chỉ nên ăn 1 quả ớt nhỏ/1 ngày: Nếu liên tục ăn cay nhiều trong thời gian dài với mỗi ngày từ 1-2 trái ớt trở lên, bạn có thể bị liệt các dây thần kinh cảm giác. Vì thế, bạn chỉ nên giới hạn ở mức 1 quả ớt nhỏ/1 ngày.

• Không ăn cay khi bụng quá đói: Trước khi ăn cay, bạn nên ăn một số thực phẩm lót bụng trước để ớt không gây hại cho dạ dày của mình như tinh bột, bánh,…

• Nấu chín ớt trước khi ăn: Một số người Việt Nam thường ưa chuộng ăn ớt tươi trong những bữa cơm của mình song cũng có người thích ăn ớt xay hoặc ngâm với tỏi. Tuy nhiên, bạn nên nấu chín ớt để làm giảm kích thích niêm mạc miệng và tránh khó tiêu, đầy bụng, đau dạ dày.

• Trộn ớt với những gia vị khác: Khi trộn ớt với những gia vị khác như tỏi, măng hay giấm, bạn sẽ ăn ít ớt hơn do có sự kết hợp hài hòa với nhiều gia vị khác.

• Nên kết hợp món cay với nhiều món khác: Bạn không nên chỉ dùng đồ ăn cay trong bữa ăn của mình mà nên ăn cùng với các món chính khác có đủ hương vị chua, mặn, ngọt để làm giảm tác hại của vị cay.

• Nên ăn món cay khi đã nguội: Bạn không nên ăn món cay khi còn nóng vì sẽ làm tổn hại đến thực quản, vòm họng, phỏng lưỡi, gây tê liệt vị giác tạm thời và gây hại cho dạ dày.

• Làm dịu cơ thể sau khi ăn cay: Sau khi ăn cay, bạn có thể giải nhiệt cho cơ thể bằng cách uống sữa tươi, sữa chua, trà giải nhiệt, trả thảo dược… Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn trái cây có vị chua để làm giảm vị cay trên đầu lưỡi.

Nếu cảm thấy đau dạ dày do chứng khó tiêu, bạn nên ăn chậm hơn và tránh uống thuốc kháng axit trước hoặc sau khi ăn.

Đối tượng không nên ăn cay

Để tránh tác hại của việc ăn cay với sức khỏe, bạn không nên sử dụng gia vị này trong bữa ăn của mình nếu thuộc những đối tượng sau:

• Đang mắc bệnh tim mạch: Những người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và mạch máu não, cao huyết áp, viêm phế quản mãn tính không nên ăn cay bởi capsaicin trong ớt sẽ làm tuần hoàn máu tăng nhanh, khiến tim đập nhanh hơn, thời gian dài sẽ khiến suy tim cấp tính.

• Người có bệnh ở dạ dày: Những người mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính, loét dạ dày không nên ăn ớt vì có thể bị niêm mạc phù nề, tăng nhu động dạ dày, ảnh hưởng đến sự phục hồi của chức năng tiêu hóa.

• Bị viêm túi mật, sỏi mật: Những người bị viêm túi mật mãn tính, sỏi mật sẽ kích thích axit dạ dày tiết ra nhiều hơn làm bệnh càng nghiêm trọng.

• Đang bị bệnh trĩ: Những người bị bệnh trĩ ăn cay nhiều sẽ bị áp xe hậu môn. Ngoài ra, ớt còn gây ra chứng táo bón và làm cho bệnh trĩ nghiêm trọng cũng như khó trị hơn.

• Đang bị đau mắt đỏ, viêm giác mạc: Ớt sẽ làm những bệnh này nghiêm trọng hơn.

• Phụ nữ mang thai và mới sinh con: Phụ nữ mang thai và cho con bú ăn cay nhiều sẽ khiến cho em bé bị ảnh hưởng. Đối với phụ nữ cho con bú nếu ăn quá cay sẽ ảnh hưởng đến trẻ qua sữa, mẹ dễ bị bốc hoả trong cơ thể còn con cũng nóng trong người, khó ngủ, hay quấy khóc.

Việc ăn cay làm cho món ăn trở nên ngon miệng và kích thích vị giác của bạn. Tuy nhiên, bạn có thể nhận những hậu quả không tốt cho cơ thể nếu ăn cay không đúng cách. Vì thế bạn nên cân bằng lượng gia vị này trong khẩu phần ăn của mình để chúng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Spice Up Your Life: The Health Benefits of Spicy Foods
https://www.pennmedicine.org/updates/blogs/health-and-wellness/2019/april/spicy-foods
Ngày truy cập: 22.07.2020

A hot topic: Are spicy foods healthy or dangerous?
https://www.uchicagomedicine.org/forefront/health-and-wellness-articles/spicy-foods-healthy-or-dangerous
Ngày truy cập: 22.07.2020

Fact or Fiction: Spicy Food & Your Health
https://www.rochesterregional.org/news/2020/02/spicy-food-health
Ngày truy cập: 22.07.2020

Phiên bản hiện tại

22/07/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Hoa Vũ


Bài viết liên quan

Cách làm giả cầy kiểu mới: Dinh dưỡng vẹn toàn cho người bệnh mạn tính

Có nên ăn cay khi cho con bú? Sữa mẹ có bị ảnh hưởng bởi món cay?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 22/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo