Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng đi kèm với đau đầu về chiều là gì?
Đau đầu về chiều thường hiếm khi là tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên đôi khi các cơn đau lại là dấu hiệu của những vấn đề về sức khỏe. Khi có các triệu chứng như sau, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám:
- Đau đầu dữ dội đột ngột, cảm giác khác với những cơn đau trước đây
- Cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn hoặc trở nên trầm trọng hơn
- Cứng cổ
- Lơ mơ
- Mất thị lực
- Song thị
- Co giật
- Tê ở cánh tay hoặc chân
- Mất ý thức
- Huyết áp cao
- Đau đầu sau chấn thương
Những người bị đau đầu mạn tính nên tham vấn ý kiến bác sĩ nếu:
- Cơn đau xuất hiện mà không có tác nhân rõ ràng
- Những thay đổi trong lối sống không làm giảm đau đầu
- Cơn đau ngày càng nghiêm trọng hơn theo thời gian
- Vị trí đau ở đầu thay đổi
Nguyên nhân

Nguyên nhân của đau đầu về chiều là gì?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau đầu về chiều, chẳng hạn như:
- Mất nước. Đau đầu về chiều có thể do cơ thể bị thiếu nước trong cả ngày dài. Bên cạnh đó, cơ thể cũng có các triệu chứng khác chẳng hạn như: khô miệng, môi và cổ họng, nước tiểu sẫm màu hoặc đi tiểu ít, chóng mặt, cáu gắt…
- Căng cơ. Đây là loại đau đầu phổ biến nhất, có đến 75% người trưởng thành đều từng bị đau đầu do căng cơ, stress. Phụ nữ có xu hướng bị đau đầu liên quan đến căng thẳng cao gấp đôi nam giới. Người bệnh có thể cảm thấy đầu như bị căng ra và đau nhiều ở 2 bên đầu do cơn đau bắt nguồn từ các cơ vùng cổ, vai hoặc hàm đi lên vùng đầu.
- Đau đầu chùm là một nguyên nhân hiếm gặp hơn của tình trạng đau đầu về chiều. Đau đầu chùm gây ra những cơn đau dữ dội quanh mắt và ở một bên đầu và thường theo từng đợt, kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi thuyên giảm nhưng vẫn có thể tái phát đột ngột. Người bệnh cảm thấy đau dữ dội ở 1 bên đầu và cơn đau có thể lan sang cổ, đi kèm với đau đỏ mắt, nghẹt mũi, đổ mồ hôi vùng mặt, da nhợt nhạt.
- Hạ áp lực nội sọ tự phát (SIH). Dạng đau đầu này còn được gọi là đau đầu do áp suất thấp. Tình trạng này rất hiếm, chỉ ảnh hưởng đến 1 trên 50.000 người và có khả năng bắt đầu ở độ tuổi 30 hoặc 40, phụ nữ có nguy cơ mắc cao gấp đôi nam giới. Bệnh này thường xảy ra thường xuyên hơn ở những người có mô liên kết yếu. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, buồn nôn hoặc nôn mửa, ù tai, chóng mặt, đau ở lưng hoặc ngực, song thị.
- Dấu hiệu của bệnh lý, chẳng hạn như đột quỵ hoặc phình động mạch. Khi này các cơn đau đầu có thể xuất hiện vào buổi chiều. Tuy nhiên, không giống như các loại đau đầu khác, chúng có xu hướng không biến mất và thường tái phát. Sau đó, cơn đau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày, vì vậy người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau đầu về chiều?
Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu bệnh lý, nhiễm trùng hoặc các vấn đề về thần kinh cũng như những hoàn cảnh xảy ra, cường độ và mức độ các cơn đau đầu của người bệnh. Nếu nguyên nhân gây đau đầu về chiều vẫn chưa xác định rõ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc MRI.