backup og meta

9 cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm ngon miệng mẹ đã biết chưa?

9 cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm ngon miệng mẹ đã biết chưa?

Trong thời kỳ ăn dặm của bé, các mẹ thường sưu tầm nhiều công thức chế biến món ăn khác nhau, trong đó không thể thiếu cách nấu cháo hải sản thơm ngon, bổ dưỡng.

Cháo hải sản cũng là một lựa chọn đa dạng, bổ dưỡng phù hợp cho bé ăn dặm. Các mẹ có thể thay đổi nhiều loại hải sản khác nhau như tôm, cua, mực, hàu, nghêu… để nấu cháo, làm phong phú thực đơn ăn dặm mỗi ngày. Các loại hải sản cũng bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin cần thiết cho sự phát triển của bé. Sau đây, Hello Bacsi sẽ mách bạn một số công thức cháo hải sản thơm ngon, đơn giản, dễ làm ngay tại nhà cùng những lưu ý khi lựa chọn nguyên liệu, chế biến để đảm bảo món ăn dặm cho con luôn đầy đủ dưỡng chất, an toàn cho sức khỏe.

9 cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm ngon miệng 

Cháo hải sản thường là món ăn hấp dẫn với rất nhiều người lớn nhưng đôi khi không được trẻ nhỏ ưa thích vì cảm thấy mùi tanh nồng hoặc có sạn cát từ một số loại hải sản có vỏ. Do đó, bạn cần tham khảo các cách nấu cháo hải sản thơm ngon phù hợp cho bé ăn dặm, đảm bảo khử hết mùi tanh và làm sạch nguyên liệu lúc chế biến.

1. Cháo cua 

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: cháo cua

Cháo cua rất giàu vitamin B12 cùng nhiều khoáng chất như canxi, phosphat, phù hợp cho những bé đang chậm biết đi hoặc còi xương. Món ăn này giúp xương chắc khỏe hơn, cải thiện chiều cao và hỗ trợ phát triển trí tuệ cho bé. Bạn có thể nấu cháo cua đồng cùng với nhiều loại rau củ để thêm vào thực đơn ăn dặm cho bé 2 tuổi.

Trong khâu sơ chế cua đồng trước khi nấu cháo, cần lưu ý những điều sau để cháo không bị tanh:

  • Cho cua vào rổ rồi xóc mạnh trong nước nhiều lần để loại bỏ hết chất bẩn.
  • Bóc bỏ phần yếm và mai cua.
  • Dùng tăm khều hết phần gạch trong mai cua. Lấy phần gạch này cho vào xào cùng hành phi thơm, nêm cùng một ít nước mắm.
  • Thịt cua giã nát hoặc xay nhuyễn, thêm một ít muối trong khi giã. Thêm nước sạch vào phần thịt cua đã giã nhuyễn này, đánh đều rồi lọc qua rây lấy nước cốt.
  • Bắc nồi nước cốt cua đã lọc ở trên lên bếp đun lửa vừa đến khi thịt cua kết lại thành từng mảng. Đợi nước sôi thì vớt các mảng thịt cua đó ra để riêng.

Sau đó, bạn cho phần gạch, thịt cua vào nấu cháo trắng đã nấu sẵn rồi đảo đều, kết hợp thêm các loại rau đã sơ chế (xào, hấp, xay nhuyễn…) rồi nêm nếm gia vị ăn dặm cho vừa ăn là được. Múc cháo cua ra chén cho bé ăn khi còn ấm.

2. Cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: Cháo ghẹ 

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: cháo ghẹ

Tương tự như cua, ghẹ cũng là một loại hải sản bổ sung canxi cùng nhiều dưỡng chất cho bé phát triển. Trong cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm với món cháo ghẹ, bạn nên dùng phần thịt ghẹ ở 2 càng to để nấu. Một tuần, các mẹ chỉ nên cho bé ăn khoảng 1 – 2 bữa cháo thịt ghẹ và cần quan sát, nếu thấy có dấu hiệu dị ứng trên da hoặc nôn mửa thì phải ngừng cho bé ăn loại hải sản này.

Cách làm cháo ghẹ cũng tương đối đơn giản. Bạn cần chuẩn bị:

  • Thịt ghẹ đã tách sẵn từ phần càng ghẹ sau khi hấp/luộc chín. 
  • Xào sơ thịt ghẹ cùng hành phi, nêm một ít nước mắm.
  • Sau đó, cho phần thịt ghẹ đã sơ chế vào cháo trắng đã ninh nhừ rồi thêm các gia vị phù hợp cho bé cùng một ít hành lá, gừng băm, trộn đều.

Bạn có thể kết hợp nấu cháo ghẹ với các loại rau củ khác để hương vị món ăn hấp dẫn hơn như cà rốt, rau chùm ngây, rau mồng tơi, khoai sọ, rau ngót…

3. Cháo tôm 

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: cháo tôm

Cháo tôm giúp cung cấp chất đạm, bổ sung kẽm cùng nhiều chất dinh dưỡng khác, phù hợp cho các bé ăn dặm. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng thịt tôm để chế biến thêm nhiều món ăn dặm đa dạng khác như chả tôm, bánh tôm… cho bé.

Cách nấu cháo tôm cho bé ăn dặm khá đơn giản, nhanh chóng:

  • Tôm lột vỏ, bỏ đầu, rút chỉ lưng, rửa sạch rồi đem hấp chín.
  • Thịt tôm sau khi hấp đem khi xé nát hoặc xay nhuyễn.
  • Cháo trắng đã nấu chín nhừ, thêm thịt tôm nhuyễn vào, nêm nếm gia vị vừa phải, khuấy đều rồi tắt bếp.

Bạn có thể nấu cháo tôm cùng nhiều loại rau củ để tạo nên một món ăn dặm đầy đủ dưỡng chất và có màu sắc hấp dẫn cho bé, chẳng hạn như cháo tôm cùng rau dền, rau ngót, cà rốt, khoai mỡ, bí đỏ, mướp hương, đậu xanh, bí ngòi, bầu…

4. Cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: Cháo sò huyết 

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: cháo sò huyết

Trong các loại hải sản, sò huyết cũng là một lựa chọn phù hợp để nấu cháo ăn dặm cho bé khi cung cấp nhiều vitamin B6, B12, omega-3, sắt, kẽm. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của bé vẫn còn non yếu nên nếu ăn cháo sò huyết chưa nấu kỹ rất dễ có nguy cơ bị ngộ độc. Do đó, các mẹ cần cẩn thận khi chế biến món ăn này và chỉ nên bắt đầu cho bé từ 1 tuổi trở lên thử món cháo sò huyết từng ít một.

Khi lựa chọn sò huyết, bạn cần chọn lọc kỹ và lấy những con sò há miệng hoặc phần ruột đưa ra bên ngoài, khi chạm thì sò ngậm miệng lại. Ưu tiên những con có kích thước vừa phải để đảm bảo sò mềm vừa đủ, không dai và ngọt hơn.

Trong cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm bằng sò huyết, để có món cháo thơm ngon, các mẹ hãy làm theo các bước sau:

  • Sò huyết phải được ngâm trong nước muối cho nhả sạch cát rồi chà sạch vỏ, sau đó tách lấy phần thịt đem băm nhỏ. 
  • Đem phần thịt sò huyết này ướp cùng một ít nước mắm và hành tím khoảng 30 phút, xào sơ để gia tăng hương vị khi nấu cháo.
  • Cho phần thịt sò huyết đã sơ chế ở trên vào cháo trắng đã nấu sẵn, khuấy đều, nêm nếm gia vị ăn dặm cho vừa miệng.
  • Nấu thêm khoảng 3 – 5 phút là có thể tắt bếp và múc ra chén, chuẩn bị cho bé ăn.

5. Cháo hàu 

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: cháo hàu

Hàu là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ. Bạn có thể thể bắt đầu nấu cháo hàu cho bé ăn dặm từ 7 tháng tuổi trở đi khi hệ tiêu hóa đã dần hoàn thiện và có thể chuyển hóa tốt các chất trong hàu thành chất dinh dưỡng cho cơ thể hấp thu. Cháo hàu là nguồn cung cấp nhiều kẽm, sắt, canxi, omega-3, magie, kali, vitamin A, vitamin E…

Nếu mua hàu còn vỏ, khi mua về bạn cần làm sạch và tách lấy phần thịt hàu bằng cách:

  • Ngâm trong nước muối và ớt khoảng 2 giờ để hàu nhả sạch bùn đất
  • Dùng bàn chải chà sạch theo đường vân cong trên vỏ  
  • Lấy dao lớn và nặng chặt mạnh phần 2 mảnh vỏ kết nối với nhau, sau đó lách mũi dao vào phần khe hở để tách vỏ hàu ra
  • Lấy phần thịt hàu để riêng rồi rửa lại với nước sạch để loại bỏ những mảnh vụn của vỏ hàu. 

Nếu mua thịt hàu tách sẵn hoặc sau khi tự tách lấy thịt, bạn cần sơ chế tiếp để khử bớt mùi tanh từ hàu với các bước sau:

  • Rửa sạch thịt hàu, cho vào tô và thêm 1 ít bột mì, trộn nhẹ nhàng để bột hấp thu hết các chất nhầy và bụi bẩn
  • Nếu kỹ hơn, bạn có thể chà xát hàu với cơm để loại bỏ hết bụi bẩn bám vào phần nếp nhăn thịt hàu 
  • Rửa sạch lại với nước sạch
  • Cắt thịt hàu thành từng miếng nhỏ vừa ăn đem xào cùng với hành phi thơm trên chảo nóng khoảng 2 – 3 phút.

Cách nấu cháo hải sản cho bé với hàu cũng tương tự như các loại cháo hải sản khác:

  • Nấu cháo trắng chín nhừ
  • Thêm phần thịt hàu đã sơ chế vào, khuấy đều, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi thêm một ít hành lá.
  • Để món ăn đầy đủ dưỡng chất hơn, bạn có thể nấu cháo hàu cùng với nấm rơm, đậu xanh hoặc tôm, mực… cho bé ăn dặm.

6. Cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: Cháo trai/ hến

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: cháo trai/hến

Cháo trai hoặc cháo hến cũng là những loại cháo hải sản dùng được cho thực đơn trẻ ăn dặm từ 1 tuổi trở lên. Các loại hải sản có vỏ này vừa giàu đạm, sắt, khoáng chất như magie, canxi, selen,.. vừa chứa axit béo omega-3, EPA tốt cho sự phát triển trí não của bé.

Cách sơ chế trai/ hến cũng tương tự nhau, bạn cần:

  • Ngâm trai/ hến vào nước vo gạo cho nhả sạch hết chất bẩn bên trong, rửa sạch lại với nước.
  • Luộc trai/ hến đến khi mở hết vỏ rồi tách riêng phần thịt ra ngoài. Phần nước luộc để lắng rồi lọc lấy nước trong, có thể thêm ít gừng vào trong nước luộc này để khử mùi tanh.
  • Phần thịt trai/ hến đem băm nhuyễn rồi xào xơ qua cùng với hành phi thơm.

Để nấu cháo trai /hến cho bé, bạn có thể làm theo các gợi ý sau:

  • Lấy nước luộc trai / hến đã gạn trong nấu với gạo cho thành cháo.m
  • Khi nấu cháo chú ý khuấy đều tay để cháo không bị vón cục.
  • Khi cháo nhừ, thêm phần thịt trai/ hến đã sơ chế vào khuấy đều, nêm nếm gia vị ăn dặm cho vừa ăn rồi tắt bếp.
  • Múc cháo ra chén và cho bé ăn ngay khi còn ấm.

7. Cháo ngao/ nghêu 

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: cháo nghêu

Nếu bạn muốn thử cho bé ăn dặm cùng cháo ngao/ nghêu để tập làm quen với nhiều loại hải sản hơn thì hãy thử ngay công thức cách nấu cháo hải sản với ngao/nghêu ngay sau đây: 

Cách nấu cháo nghêu / ngao cho bé:

Nguyên liệu:
  • 300g ngao/ nghêu sống
  • 3- 5 lá rau mồng tơi
  • 1 bát cháo trắng đủ cho 1 bữa ăn của bé
Cách chế biến:
  • Ngao/ nghêu ngâm rửa thật sạch, luộc sơ cho há miệng rồi tách lấy phần thịt bên trong, băm nhỏ. Nước luộc ngao để lắng rồi lọc lấy phần nước trong.
  • Rau mồng tơi rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào nước luộc ngao đun sôi khoảng 3 phút.
  • Cho tiếp phần thịt ngao/ nghêu cùng bát cháo trắng vào, nêm nếm gia vị vừa phải, đảo đều đến khi sôi trở lại là được.
  • Tắt bếp, múc cháo ra chén và cho bé ăn khi còn ấm.

8. Cháo bào ngư 

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: cháo bào ngư

Cháo bào ngư thơm ngon, bổ dưỡng là một lựa chọn hoàn toàn phù hợp cho các mẹ bổ sung vào thực đơn ăn dặm cho bé từ 8 tháng tuổi trở đi. Các loại hải sản thường dễ gây dị ứng nên mẹ cần cho bé làm quen dần dần từng ít một và theo dõi phản ứng cơ thể bé sau khi ăn.

Đầu tiên, khi lựa chọn bào ngư nấu cháo cho bé, các mẹ cần chú ý:

  • Thịt bào ngư khi sờ vào phải chắc, đàn hồi tốt
  • Phần thịt dáng tròn đều, căng mọng, hơi đỏ ở giữa
  • Không có mùi hôi tanh khó chịu
  • Không có nhớt đen sẫm quanh thịt bào ngư
  • Chọn bào ngư có kích thước vừa phải sẽ ngon và chắc thịt hơn

Cách nấu cháo hải sản bào ngư như sau:

  • Bào ngư sau khi mua về cần dùng bàn chải chà mạnh phần thịt và vỏ để tẩy sạch đất cát, cặn bẩn. Sau đó, đem ngâm trong nước muối khoảng 15 phút rồi rửa lại với nước sạch. Lấy muỗng múc phần thịt tách ra khỏi vỏ, loại bỏ nội tạng rồi đem cắt nhỏ thành từng miếng vừa ăn.
  • Phi thơm hành tím rồi cho bào ngư vào xào đến khi chín vàng. Để nguội, đem phần thịt bào ngư đã xào băm hoặc xay nhuyễn.
  • Nấu cháo trắng đến khi chín nhừ, cho phần thịt bào ngư băm nhuyễn vào trộn đều, nêm nếm gia vị ăn dặm cho vừa miệng và đun thêm khoảng 5 – 7 phút.
  • Tắt bếp, múc cháo ra chén và cho bé ăn khi cháo còn ấm.

9. Cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: Cháo mực 

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm: cháo mực

Mực là nguồn cung cấp vitamin B2 giúp hỗ trợ sự phát triển thị giác và nhận thức của bé. Ngoài ra, selen trong mực còn giúp tăng cường sức đề kháng. Các mẹ có thể nấu cháo mực cho bé ăn dặm sau 10 tháng tuổi với liều lượng phù hợp.

Cách nấu cháo hải sản với mực cho bé ăn dặm cũng khá đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian chuẩn bị và chế biến:

  • Mực sau khi mua về đem rửa sạch, lột bỏ lớp màng ngoài, loại bỏ mắt và răng. Dùng dao rạch dọc theo bụng mực để rút xương sống và loại bỏ nội tạng. Cuối cùng, bóp mực với rượu trắng và chút muối giúp khử mùi tanh, xong rửa sạch lại với nước.
  • Cắt mực thành từng miếng rồi băm hoặc xay nhuyễn, ướp thêm một ít gia vị.
  • Nấu cháo trắng cho chín nhừ rồi cho mực vào, khuấy đều đến khi cháo sôi lại thì tắt bếp.
Bạn có thể nấu cháo cùng các loại rau củ để món ăn dặm thêm màu sắc, dưỡng chất, kích thích vị giác của bé.

Các loại rau củ nấu cùng cháo hải sản cho bé 

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm

1. Các loại rau củ phù hợp

Nhìn chung, các loại củ quen thuộc thường ngày đều có thể kết hợp cùng khi nấu cháo hải sản nói chung, trừ các loại rau củ quả có tính hàn sẽ dễ gây lạnh bụng, tiêu chảy. Một số món cháo hải sản cùng rau củ các mẹ có thể nấu cho bé ăn dặm gồm:

2. Các loại rau củ nên tránh

Theo Đông y, hải sản có tính hàn nên khi ăn kèm các loại rau thì nên tránh những loại rau củ quả cũng có tính hàn, chẳng hạn như rau muống, dưa leo, dưa hấu, dưa lê… Khi ăn quá nhiều thực phẩm có tính hàn trong bữa ăn sẽ dễ gây tiêu chảy, khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh cho bé ăn hải sản cùng lúc với các thực phẩm kỵ hải sản như sữa, trái cây, thực phẩm giàu đạm…

Nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm cần lưu ý những gì?

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm

1. Lưu ý về việc chọn mua nguyên liệu tươi ngon

Khi lựa chọn hải sản để nấu cháo ăn dặm cho bé, bạn cần lựa chọn nguồn nguyên liệu tươi ngon, chất lượng để đảm bảo nguồn dưỡng chất trong thực phẩm còn nguyên vẹn, không bị biến chất hay có nguy cơ nhiễm khuẩn. Ví dụ, những đặc điểm giúp bạn nhận diện các loại hải sản tươi mới là:

  • Tôm tươi thường có lớp vỏ bên ngoài trong suốt, không bị chuyển đục tối màu hoặc không đều màu, phần đuôi xếp lại, đầu và chân tôm không rơi rụng khi cầm lên. Dùng tay ấn vào thân tôm cảm thấy săn chắc, đàn hồi tốt, tôm tươi khi cầm lên sẽ búng liên tục.
  • Mực tươi ngon có mắt sáng bóng, trong suốt nhìn thấy rõ con ngươi, không bị đục hay chuyển vàng, không lồi nhiều ra ngoài, đầu còn dính chặt vào thân. Phần thân mực có màu trắng đục như sữa, ấn vào thấy săn chắc, đàn hồi tốt, không mềm nhũn.
  • Thịt hàu tươi có màu trắng tươi sáng, trông đầy đặn, mập mạp, không bị ngả sang màu vàng hoặc xanh. Dùng tay ấn vào thịt hàu cảm thấy có độ mềm nhưng săn chắc, đàn hồi, không bị mềm nhũn, không chảy nhớt hay có mùi hôi tanh.

2. Lưu ý khi cho bé ăn cháo hải sản 

Bạn có thể cho bé ăn cháo hải sản mỗi ngày nhưng phải tập dần dần từ, tăng khẩu phần ăn từng ít một. Tùy theo tháng tuổi mà khối lượng thức ăn có thể thay đổi:

  • Trẻ từ 7-12 tháng tuổi: ăn mỗi bữa 20-30g thịt hải sản (không tính xương, vỏ) nấu cùng bột, cháo. Mỗi ngày có thể ăn 1 bữa, ăn khoảng 3-4 bữa/ tuần.
  • Trẻ từ 1-3 tuổi: mỗi ngày ăn 1 bữa cháo hải sản hoặc hải sản nấu cùng bún, mì, súp… Mỗi bữa có thể ăn khoảng 30-40g thịt hải sản.
  • Trẻ 4 tuổi trở lên: ăn được 1-2 bữa hải sản/ ngày, mỗi bữa có thể ăn 50-60g thịt hải sản. Nếu ăn thịt ghẹ thì ăn được khoảng nửa con cỡ vừa/ bữa, tôm to ăn được 1-2 con/ bữa (khoảng 100g tính cả vỏ).

Chú ý, hải sản chế biến không cẩn thận rất dễ còn sót ấu trùng và ký sinh trùng đường ruột hoặc một số loại còn có nguy cơ nhiễm kim loại nặng như thủy ngân. Thế nên, bạn cần lựa chọn nguồn gốc mua nguyên liệu đảm bảo tươi ngon, đánh bắt hoặc nuôi trồng đạt chất lượng an toàn. Đồng thời, các mẹ phải chế biến hải sản cẩn thận, làm sạch, nấu chín kỹ để tránh những nguy cơ đến sức khỏe của bé.

Giải đáp những thắc mắc thường gặp xoay quanh việc nấu cháo hải sản cho bé

cách nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm

1. Trẻ bao nhiêu tháng tuổi thì cho ăn cháo hải sản?

Tùy loại hải sản mà bạn có thể bắt đầu cho trẻ thử ăn dặm khi từ 7-12 tháng tuổi trở đi. Vì hải sản là nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng nên bạn cần cho trẻ bắt đầu làm quen với một lượng ít và quan sát các phản ứng cơ thể sau khi ăn. Nếu trẻ không gặp vấn đề gì về tiêu hóa, bạn có thể tăng dần lượng hải sản trong bữa ăn và chế biến nhiều món ăn khác nhau.

Trường hợp trẻ có biểu hiện dị ứng sau khi ăn các loại hải sản, bạn nên ngừng cho trẻ ăn các món này và đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Trẻ có thể thử ăn lại hải sản với khẩu phần ít hơn sau khi lớn hơn.

2. Cách nấu cháo hải sản không tanh

Sơ chế nguyên liệu là một bước rất quan trọng giúp các mẹ nấu cháo hải sản cho bé ăn dặm mà không bị tanh. Như đã đề cập trong cách nấu từng loại cháo hải sản ở trên, nguyên tắc chung là cần phải rửa sạch nguyên liệu, xào sơ thịt hải sản cùng với hành tím hoặc nếu luộc thì nên cho một ít gừng vào nước luộc. Bạn cũng có thể thêm muối, ớt vào lúc ngâm các loại hải sản có vỏ để loại bỏ sạch đất cát, tạp chất, cặn bẩn, cũng như khử bớt mùi tanh.

3. Nấu cháo hải sản có cần nêm gia vị cho bé không?

Hệ tiêu hóa của bé trong giai đoạn ăn dặm vẫn còn non nớt nên các mẹ không cần phải nêm nếm quá đậm đà gia vị như các món ăn của người lớn. Bạn chỉ cần cho một ít gia vị cơ bản hoặc nếu các nguyên liệu có sẵn hương vị đặc trưng thì không cần nêm nếm thêm. Bạn có thể dùng thêm dầu ăn dặm như dầu mè, dầu gấc… trộn vào các món ăn để phù hợp với khẩu vị của bé mà cũng bổ sung thêm các chất thiết yếu cho con. Các mẹ có thể điều chỉnh cách nấu cháo hải sản ăn dặm sao cho phù hợp với sở thích của bé nhưng hạn chế cho bé ăn quá nhiều gia vị nhé.

Hello Bacsi tin rằng với 9 cách nấu cháo hải sản đã gợi ý ở trên cùng những thông tin liên quan, các mẹ đã đủ tự tin vào bếp nấu cho con những món ăn dặm thơm ngon từ hải sản.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Introducing solids: why, when, what and how https://raisingchildren.net.au/babies/breastfeeding-bottle-feeding-solids/solids-drinks/introducing-solidsNgày truy cập: 10/11/2024   

Feeding Your Baby Solid Foodhttps://www.nationwidechildrens.org/family-resources-education/health-wellness-and-safety-resources/helping-hands/feeding-your-baby-solid-food Ngày truy cập: 10/11/2024   3

Starting Solid Foods https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/Starting-Solid-Foods.aspx Ngày truy cập: 10/11/2024   

Feeding Guide for the First Year https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=feeding-guide-for-the-first-year-90-P02209 Ngày truy cập: 10/11/2024   

Feeding your baby: 6–12 months https://www.unicef.org/parenting/food-nutrition/feeding-your-baby-6-12-months Ngày truy cập: 10/11/2024   

Crab https://solidstarts.com/foods/crab-2/ Ngày truy cập: 10/11/2024 

Phiên bản hiện tại

29/11/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo