Thóp của trẻ sơ sinh đóng sớm hay trễ có đáng lo không? Trong trường hợp nào cần đưa trẻ đi khám để đảm bảo não bộ của trẻ phát triển bình thường? Hãy tìm câu trả lời trong bài viết sau cùng Hello Bacsi nhé!
Thóp trẻ sơ sinh là 2 điểm mềm trên đầu của trẻ, gồm thóp trước và thóp sau. Ngoài vai trò giúp trẻ dễ dàng chào đời khi đi qua ngả âm đạo thì thóp còn phản ánh các vấn đề sức khỏe, do đó đóng thóp sớm hay trễ hơn so với bình thường đều rất đáng lo ngại. Mời các mẹ cùng đọc qua bài viết sau của Hello Bacsi để hiểu rõ hơn về các vấn đề xoay quanh thóp của trẻ sơ sinh.
Cấu tạo, vai trò của thóp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trước khi đi tìm lời đáp cho thắc mắc “Thóp của trẻ sơ sinh đóng sớm hay trễ có đáng lo không?” hãy cùng tìm hiểu thóp của trẻ sơ sinh là gì và những vai trò của chúng.
1. Thóp của trẻ sơ sinh là gì?
Khi trẻ vừa chào đời, hệ thống và cấu trúc xương vẫn chưa hoàn thiện được như người trưởng thành, đặc biệt là các xương vùng đầu. Khi đó, mẹ có thể sờ thấy vùng mềm trên đầu của trẻ được gọi là thóp.
Thóp trẻ sơ sinh còn được gọi là cửa đỉnh đầu, có cấu trúc màng sợi, để gắn kết các xương đầu lại với nhau. Bởi vì lúc trẻ sinh ra các khớp giữa các mảnh xương đầu chưa dính lại, phần xương của đỉnh sọ chưa hoàn thiện nên chưa khép kín lại hoàn toàn mà giữa chúng có những khoảng không gọi là khớp nối. Vị trí điểm trũng giữa những khớp nối đó gọi là thóp.
Trẻ sơ sinh có tất cả 6 thóp nhưng thường chỉ quan tâm đến 2 thóp lớn: thóp trước (thóp Bregma) và thóp sau (thóp Lamda). Ngoài ra, còn có 4 thóp khác ở xương bướm và xương chẩm, ít được nhắc đến do rất nhỏ và nhanh đóng lại nên hầu như không sờ thấy rõ.
2. Phân biệt thóp trước và thóp sau
Thóp trước là khe hở ở giữa xương đỉnh đầu và xương trán, có hình dạng giống hình thoi, còn được các mẹ gọi là “mỏ ác”. Đáng chú ý, thóp trước có kích thước to và dễ sờ thấy nhất, kích thước thay đổi vào những ngày đầu sau sinh, từ 0.6 – 3.6cm, trung bình là 2,1cm. Thóp trẻ sinh non gần đủ tháng và đủ tháng có kích thước tương tự nhau.
Vậy còn thóp sau của trẻ sơ sinh nằm ở đâu? Thóp sau là khe hở nằm giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm, có hình tam giác. Kích thước thóp sau của trẻ sơ sinh không lớn bằng thóp trước vì lúc sinh ra đã gần khép lại hoặc rất nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay.
3. Vai trò của thóp
Khi chuyển dạ sinh nở, em bé phải đi qua khung xương chậu, âm đạo của người mẹ, đầu trẻ sẽ bị ép chặt lại. Lúc này, nhờ cấu trúc giải phẫu linh hoạt của thóp mà xương sọ có thể điều chỉnh, các khoảng hở đàn hồi sẽ giúp trẻ không bị đau. Nếu không nhờ có các thóp này, trẻ sơ sinh còn có nguy cơ chảy máu trong não, vùng mắt và màng xương. Vì vậy, mẹ có thể thấy đầu trẻ vừa sinh xong hơi dài hơn bình thường, sau một thời gian mới ngắn và tròn lại.
Khi trẻ phát triển não bộ trong những năm đầu, kích thước não lớn dần thì hộp sọ cũng phát triển giãn nở theo. Thóp của trẻ sơ sinh còn đóng vai trò như một khoảng trống đàn hồi, bảo vệ não bộ trước áp suất bên ngoài môi trường. Trong giai đoạn đầu đời, trẻ dễ có xu hướng dễ té ngã và bị thương ở đầu nhiều, nhất là khi bắt đầu học lẫy, học bò hay đứng. Thóp sẽ có tác dụng như một cái đệm khi trẻ bị ngã, giảm nguy cơ bị chấn thương não.
Thời gian thóp của trẻ sơ sinh đóng bình thường là khi nào?
Vấn đề mà nhiều mẹ thắc mắc nhất chính là thóp trẻ sơ sinh bao lâu thì đóng, thóp trẻ sơ sinh khi nào đóng? Rất đơn giản, thóp được cho là đã đóng khi mẹ không còn sờ thấy chúng trên đầu sơ trẻ sơ sinh nữa. Thông thường, thóp sau của trẻ sơ sinh sẽ đóng trước, thường sau khoảng 4 tháng. Còn lại, thóp trước đóng trễ hơn, trung bình mất gần 10 – 14 tháng và sẽ đóng kín hoàn toàn thường trước khi trẻ được 24 tháng.
Thóp đóng sớm hay trễ có đáng lo ngại không?
Việc thóp của trẻ sơ sinh đóng sớm hoặc trễ hơn so với thời gian bình thường đều có thể phản ánh các nguy cơ về sức khỏe mà trẻ đang gặp phải. Tình trạng đóng thóp sớm hay trễ thường được đánh giá qua thóp trước. Nếu các mẹ thấy con mình không sờ thấy thóp trước lúc 3 tháng là đóng thóp sớm, còn sau 2 tuổi vẫn còn thóp thì là đóng thóp trễ. Những trường hợp này mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định tìm nguyên nhân và có cách điều trị.
1. Nguyên nhân khiến thóp đóng sớm
Đối với trường hợp thóp đóng sớm, nguyên nhân có thể là một lý do nào đó gây cốt hóa sớm xương đầu của trẻ, chẳng hạn như :
- Bệnh lý bẩm sinh như tật đầu nhỏ trong hội chứng Rubella, nhiễm virus Zika
- Do mẹ bổ sung canxi không hợp lý trong quá trình mang thai hoặc bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh không thích hợp gây tỉ lệ calcium/ vitamin D cao
- Bệnh lý cường giáp
- Dị tật dính liền khớp sọ
- Mẹ bị phơi nhiễm tia X-quang trong thời gian dài
2. Thóp đóng sớm hoặc trễ có thể gây ra vấn đề gì?
2.1. Thóp đóng sớm
Hậu quả gặp phải khi thóp của trẻ sơ sinh đóng sớm là cản trở não bộ phát triển, có thể gây biến dạng đầu, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của hộp sọ và não bộ, giảm sút trí tuệ hoặc thậm chí gây tăng áp lực nội sọ, có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển các kỹ năng hay tâm thần – vận động sau này.
Vì kích thước não bộ của trẻ nhỏ tăng lên rất nhanh, thể tích não của trẻ 6 tháng tuổi đã tăng gấp đôi so với khi mới sinh ra và tiếp tục tăng gấp 3 lần khi trẻ được 24 – 30 tháng tuổi. Thóp và màng xơ đàn hồi chính là các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho hộp sọ thay đổi, phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của não bộ.
2.2 Thóp đóng trễ
Thóp của trẻ sơ sinh đóng trễ cũng là một tình trạng bất thường, chứng tỏ khả năng xương chậm cốt hóa. Các nguyên nhân có thể liên quan là:
- Còi xương
- Suy dinh dưỡng
- Bệnh lý giãn não thất, não úng thủy
- Bệnh lý suy giáp hay thiểu năng tuyến giáp
- Loạn sản sụn
- Hội chứng Down
- Hội chứng đầu to
- Tăng áp lực nội sọ.
Thóp trẻ đóng sớm hoặc trễ hơn bình thường: Cha mẹ cần làm gì?
Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy con mình có thời gian đóng thóp sớm hay trễ hơn so với bình thường. Đối với các tình trạng nghi ngờ đóng thóp sớm hay trễ đều sẽ được yêu cầu đo chu vi vòng đầu của trẻ để đánh giá sự phát triển của não. Một số trường hợp có thể xảy ra khi thóp đóng sớm là:
- Chu vi vòng đầu của trẻ vẫn đạt tiêu chuẩn: như vậy thì vẫn chưa phải bất thường. Tuy nhiên, trẻ cần được theo dõi cẩn thận để chắc chắn rằng chu vi vòng đầu của trẻ phát triển đạt giá trị bình thường, tỉ lệ hợp lý so với cơ thể.
- Chu vi vòng đầu của trẻ bắt đầu rơi xuống bên dưới giá trị tham chiếu: chẳng hạn như ở bách phân vị thứ 50 vào thời điểm mới sinh và ở bách phân vị thứ 10 vào khoảng thời gian sau đó thì cần tiến hành những đánh giá tiếp theo để tìm ra nguyên nhân thóp của trẻ sơ sinh đóng sớm. Quá trình chẩn đoán và tìm nguyên nhân khiến thóp gồm thăm khám lâm sàng, kết hợp thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính…
Thông thường với các trường hợp cần can thiệp sẽ cần thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên phương thức can thiệp như thế nào còn tùy vào từng trường hợp riêng, phụ thuộc vào:
- Thời điểm thóp đóng
- Nguyên nhân gây thóp đóng sớm (có thể do cường giáp, cường cận giáp, chứng dính liền khớp sọ sớm…)
- Tình trạng ảnh hưởng sau đó, toàn trạng của trẻ
- Các bệnh lý kèm theo (nếu có).
Sau khi đã can thiệp, trẻ vẫn cần được theo dõi và tái khám thường xuyên để đảm bảo rằng hộp sọ cũng như não bộ có khả năng phát triển lại bình thường.
Giải đáp các thắc mắc xoay quanh thóp trẻ sơ sinh
1. Thóp trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?
Thóp ở trẻ sơ sinh bình thường phải mềm và phẳng. Khi chạm nhẹ vào thóp, mẹ có thể cảm thấy hơi rung do lưu lượng máu đi qua các mạch máu xung quanh não và điều này hoàn toàn bình thường.
Nếu thóp của trẻ sơ sinh có sự thay đổi về bề ngoài (thóp lõm xuống hoặc thóp phồng) hoặc bạn có cảm nhận khác thường khi chạm vào, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để được kiểm tra vì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó.
2. Sờ vào thóp trẻ sơ sinh có sao không?
Bạn có thể sờ vào thóp ở trẻ sơ sinh một cách nhẹ nhàng, không làm trẻ khó chịu. Việc sờ vào thóp là điều cần làm để kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ. Hãy lướt nhẹ đầu ngón tay dọc theo đầu trẻ, bạn sẽ cảm nhận được vị trí các thóp. Không được ấn mạnh tay khiến trẻ sợ hãi và tần suất chạm vào thóp cũng nên dựa theo phản ứng cũng như sức khỏe chung của trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần quan sát, theo dõi sự phát triển vòng đầu của con theo tháng tuổi, bất kỳ một tình trạng nào lạ xuất hiện ở thóp hay vùng đầu đều nên được thăm khám sớm, tránh chủ quan vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần – vận động của trẻ sau này.
3. Thóp trẻ sơ sinh phập phồng có sao không?
Thóp trẻ sơ sinh phập phồng theo nhịp tim đập là một hiện tượng bình thường. Vị trí các thóp thường phẳng, mềm và chưa có xương sọ bao phủ lên nhu mô não nên khi máu được bơm lên tới não theo các mạch máu sẽ làm cho vùng thóp phập phồng theo, có thể cảm nhận thấy khi chạm nhẹ tay vào thóp hoặc nhìn bằng mắt.
Dưới vùng thóp trước của trẻ sơ sinh có xoang tĩnh mạch dọc trên với lưu lượng máu lớn chảy nên mẹ có thể dễ nhận thấy thóp phập phồng theo chu kỳ ngay khi quan sát bằng mắt thường. Đây là một biểu hiện sinh lý bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
4. Thóp trẻ sơ sinh không phập phồng có sao không?
Thực tế, thóp trẻ sơ sinh không phập phồng hay không đập một cách ngẫu nhiên mà thường nhịp nhàng theo chu kỳ đập của tim. Thời gian đóng thóp ở mỗi trẻ sẽ khác nhau và khi xương sọ dần phát triển, thóp ở trẻ sơ sinh không còn phập phồng do xương sọ đã che phủ hoàn toàn. Đây là điều hoàn toàn bình thường theo sự phát triển của trẻ.
Thóp sau ở trẻ sơ sinh thường đóng sớm hơn, sau khoảng 4 tháng. Với thóp trước, thời gian đóng thóp trung bình khoảng 10 – 14 tháng tuổi. Việc đóng thóp kín hoàn toàn có thể lên đến 24 tháng tuổi. Do đó trẻ sơ sinh đóng thóp trước 2 tuổi và thóp không đập là bình thường.
5. Thóp trẻ sơ sinh bị lõm có sao không?
Nếu nhận thấy thóp trẻ sơ sinh bị lõm và băn khoăn không biết “thóp bé bị lõm có sao không?”, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra vì thóp bị lõm, trũng thấp có thể là dấu hiệu mất nước. Bên cạnh thóp lõm xương, trẻ cũng sẽ biểu hiện các triệu chứng mất nước khác như:
- Ít đi tiểu (kiểm tra tã không ướt thường xuyên như bình thường)
- Không bú tốt
- Nôn, tiêu chảy
- Đổ mồ hôi
- Kém tỉnh táo hoặc cơ thể mềm nhũn (mất trương lực cơ).
6. Có nên che thóp cho trẻ sơ sinh không? Không che thóp cho trẻ sơ sinh có sao không?
Vì vùng thóp rất mềm và mỏng manh nên nhiều mẹ thường lo lắng không biết có nên che thóp cho trẻ sơ sinh không, nếu không che thóp cho trẻ sơ sinh thì có sao không?
Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, thì đầu trẻ sơ sinh là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt nhưng đồng thời giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Do đó, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết đối với trẻ mới sinh, nhất là những trẻ sinh non. Sau đó, khi trẻ được vài tháng tuổi và phát triển khỏe mạnh thì không cần thiết phải đội mũ che thóp cho trẻ khi ngủ nếu nhiệt độ phòng đủ ấm.
Như vậy, việc trẻ sơ sinh bao lâu thì bỏ mũ che thóp hay che thóp cho trẻ sơ sinh đến khi nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng thể chất của trẻ và nhiệt độ phòng.
- Nhiệt độ phòng thích hợp cho trẻ sơ sinh đẻ thường là khoảng 28 – 30ºC.
- Với trẻ sinh non thì nhiệt độ phòng nên tăng lên 30 – 32ºC.
Ở khoảng nhiệt độ này, trẻ không cần phải đội mũ che thóp. Sau khi trẻ được 7 – 8 ngày tuổi thì nhiệt độ cần điều chỉnh xuống thấp hơn.
Vậy mùa hè có cần che thóp cho trẻ sơ sinh không? Để có câu trả lời, bạn nên đo nhiệt độ môi trường và nhiệt độ phòng, nếu thấy trẻ bị nóng đầu, ra mồ hôi nhiều có thể không cần che thóp cho trẻ. Việc đội mũ có thể làm trẻ nóng toát mồ hôi, thấm vào áo quần gây nhiễm lạnh dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi.
7. Có nên thoa dầu lên thóp trẻ sơ sinh?
Nhiều gia đình có thói quen sử dụng dầu gió, dầu khuynh diệp, dầu tràm để giúp làm ấm cơ thể trẻ nhưng có nên thoa dầu lên thóp trẻ sơ sinh? Sự thật thì không có bằng chứng khoa học nào cho thấy tác dụng của việc sử dụng dầu cho trẻ.
Tuy nhiên, một số loại dầu gió mạnh có nguy cơ gây bỏng khi dùng ngoài da vì làn da của trẻ còn rất mỏng manh, non nớt. Việc thoa dầu lên thóp trẻ sơ sinh cũng có thể khiến trẻ bị nóng hoặc có rủi ro làm cay mắt trẻ. Vậy nên, tốt nhất mẹ không nên thoa dầu lên thóp trẻ sơ sinh để tránh gặp phải những hậu quả không đáng có.
8. Trẻ sơ sinh thóp rộng có sao không?
Khi trẻ mới sinh, thóp trước thường có kích thước 2,5 x 2,5cm (tính theo đường nối trung điểm của hai cạnh đối diện). Sau khoảng 2 – 3 tháng, thóp sẽ rộng ra theo sự tăng trưởng của chu vi vòng đầu rồi dần thu nhỏ lại, sau 12 – 18 tháng thóp sẽ đóng dần lại.
Thóp đóng sớm hoặc trễ đều là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nếu thấy trẻ sơ sinh thóp rộng, đầu to thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra vì có nguy cơ trẻ mắc phải bệnh lý nào đó.
Tóm lại, quan sát thóp trẻ sơ sinh là việc cần làm để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ và can thiệp kịp thời nếu nhận thấy những biểu hiện bất thường.
[embed-health-tool-vaccination-tool]